Pages

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Giải pháp cho Việt Nam tìm thấy ở Kenya




Nguyễn Tường Tâm (Danlambao) - Việt Nam xét riêng về mặt tham nhũng chưa đứng ở hạng cuối cùng nhưng nếu xét về mặt rộng thì Việt Nam đã ở mức cuối cùng của sự sa đọa. Nhiều nước khác cũng có tham nhũng, công an ở nhiều nước khác cũng tham nhũng và hành hạ dân chúng có thể hơn công an Việt Nam, như Mexico chẳng hạn. Nhưng không nước nào có tình trạng tham nhũng sa đọa ở lãnh vực văn hóa, giáo dục, và y tế như ở Việt Nam. Tôi đã có dịp đi quan sát nhiều nước kể cả hầu hết những nước nghèo Đông Âu và Nam Mỹ, ở đó chỉ thấy người ta vạch tội tham nhũng và hành hạ dân chúng của công an. Tôi chưa nghe người dân ở nước nào lên án giới giáo dục và y tế nước họ tham nhũng. Chỉ ở Việt Nam mới có tham nhũng và sa đọa ở mọi ngành, mọi cấp, mọi cơ quan và ở mọi địa phương theo như bài "Mafia Cộng Sản Việt Nam lừa bịp và đàn áp nhân dân đến bao giờ?"(1) 


Sáng 11/9/2013, Thường vụ Quốc hội thảo luận, sau khi nghe Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012.

*

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói: "Bây giờ người ta ăn của dân không từ một cái gì, từ tiền thương binh liệt sĩ, đến tiền của trẻ em vùng cao, tiền dành cho người nghèo…, ăn hết. Ngay giữa Thủ đô Hà Nội cũng xảy ra chuyện ăn vacxin, đáng lẽ ra tiêm cho một người, giờ tiêm cho hai người. Tôi đi rất nhiều nơi, nhưng càng đi tôi càng thấy buồn."

Trong tình hình hiện nay, phải công nhận một thực tế, "bắt hết tham nhũng thì lấy ai làm việc?" Như vậy nếu tung ra kế hoạch chống tham nhũng một lúc ở mọi ngành, mọi cấp và mọi nơi là điều ảo tưởng và chắc chắn sẽ không giảm được nạn tham nhũng mà có khi lại còn giúp cho cơ quan chống tham nhũng có cơ hội tham nhũng nữa. Giải pháp chống tham nhũng thực tế là phải quyết liệt nhưng khởi đầu chỉ có thể hạn chế ở một ngành và một giới chủ chốt. 

Việc diệt tham nhũng ở giới chủ chốt có ảnh hưởng tức khắc giảm bớt hành vi tham nhũng ở cấp dưới. Giới chủ chốt ở đây là Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. Điều 4 HP đã khẳng định Đảng lãnh đạo toàn diện xã hội thì việc chống tham nhũng từ giới lãnh đạo Đảng là bước duy nhất hữu lý và hữu hiệu. Luật chống tham nhũng đã có, nghị định kê khai tài sản cũng đã có. Việc đầu tiên là hãy tập trung áp dụng triệt để việc kê khai và giải trình tài sản đối với Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. Bản kê khai tài sản của toàn thể các cán bộ Bộ Chính trị và Trung ương Đảng cần được công khai để toàn thể dân chúng và báo chí có thể tiếp cận và nêu thắc mắc nếu cần. Những tài sản không nguồn gốc haya có nguồn gốc bất minh cần phải bị tịch thu sung công quĩ và cán bộ có tài sản không nguồn gốc hay có nguồn gốc bất minh phải bị cách chức trừng trị theo pháp luật. Việc công khai tài sản của giới lãnh đạo là hết sức thông thường tại các quốc gia "kém dân chủ hơn chế độ xã hội chủ nghĩa vạn lần". Tại các quốc gia đó, báo chí, trong vai trò trợ giúp công luận, luôn luôn sẵn sàng tọc mạch vào tài sản và lối sống vật chất của giới lãnh đạo mọi cấp từ trung ương tới địa phương và khởi đầu từ Tổng Thống, phó Tổng thống. Chẳng lẽ Đảng chúng ta đã có bề dày đánh thắng hai đế quốc sừng sỏ lại chịu thua bọn đế quốc trong trận chiến chống tham nhũng hay sao?

Sau khi hoàn tất việc kê khai và kiểm kê nguồn gốc tài sản của toàn bộ cán bộ thuộc Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, công việc kê khai và kiểm kê nguồn gốc tài sản sẽ được thực hiện trong ngành Công an. Lý do cần thực hiện kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản của ngành công an trước là vì công an là ngành có trách nhiệm điều tra mọi tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng. Nếu thanh lọc được lực lượng công an thì kể như đã giảm được hành vi tham nhũng trong các ngành, các bộ khác. 

Giải pháp kiểm kê tài sản của giới lãnh đạo ngành công an đã được Kenya, quốc gia lớn nhất Đông Phi, áp dụng. Kenya có lực lượng công an ít hơn Việt Nam, chỉ có 71,000 người, nhưng cũng sa đọa như Công an Việt nam, nghĩa là cũng nhiều tham nhũng và sách nhiễu dân chúng. 

"Một báo cáo năm 2013 của Ủy ban Sự thật, Công lý và Hòa giải điều tra những vụ xảy ra trong thời kỳ Kenya độc lập khỏi Anh quốc từ năm 1963 tới 2008, cho hay cảnh sát là những thủ phạm chính vi phạm nhân quyền trong đó có các vụ thảm sát, bắt cóc mất tích, hành hạ và xâm hại tình dục do tổ chức của ông thực hiện năm 2011 cho thấy rằng cứ 4 người Kenya thì có 1 người bị hành hạ và cảnh sát là thủ phạm trong hơn một nửa các vụ hành hạ đó."(2)

Với kinh nghiệm của giới hoạt động xã hội tích cực (activists) và giới quan sát quốc tế, việc chống tham nhũng muốn hữu hiệu đều cần phải bắt đầu ở lực lượng công an, cảnh sát, là lực lượng có nhiều quyền lực để tham nhũng và che chở tham nhũng ở các bộ, các ngành khác. Và việc xây dựng một lực lượng công an chuyên nghiệp, tốt đẹp là đòn bẩy để phát triển xã hội. Theo bảng xếp hạng của cơ quan theo dõi tham nhũng quốc tế năm 2013, Kenya bị xếp hạng tham nhũng thứ 136 trong số 177 quốc gia. Ông Samuel Kimeu, giám đốc điều hành cơ sở địa phương của tổ chức Trong sạch Quốc tế nói rằng "Một lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp tốt đẹp chắc chắn sẽ giảm bớt tham nhũng."(3)

Cùng đồng ý với giám đốc Samuel Kimeu, "Những nhà hoạt động tích cực chống tham nhũng và bảo vệ nhân quyền cho hay một lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp tốt đẹp có thể thay đổi tình hình quốc gia Kenya, lớn nhất Đông Phi, mà nền kinh tế đã bị kéo trì trệ bởi nạn tham nhũng tràn làn bởi vì thiếu cơ quan điều tra đúng đắn. Cảnh sát ở đây sẵn lòng nhận hối lộ hơn là bắt kẻ vi phạm"(4). Giám đốc Peter Kiama nhận xét, "Kenya sẽ là nước lớn nếu có một lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp tốt đẹp."(5)

Việc chống tham nhũng và kê khai, kiểm kê tài sản phải thực hiện quyết liệt. Làm việc với Ban Nội chính TƯ ngày 23/1 ở Hà Nội, Tổng bí thư nói, sẽ xử lý quyết liệt các vụ án tham nhũng phức tạp, trọng điểm còn đang xử năm 2013, tiếp tục các vụ của 2014. Ông cũng nhấn mạnh, cán bộ Ban Nội chính TƯ phải có bản lĩnh, có dũng khí, kiên quyết đấu tranh với cái sai, không khoan nhượng, giữ cho mình trong sạch, liêm chính.(6)

Lực lượng công an của ta đông đảo nên muốn quyết liệt và hữu hiệu thì không thể kiểm kê tài sản một cách đại trà mà phải cũng bắt đầu từ giới lãnh đạo cao cấp trước. Trước tiên hãy kiểm kê, giải trình và công khai tài sản của các vị tướng công an. Sau khi hoàn tất ở cấp tướng sẽ xuống dần tới cấp Đại tá, rồi Trung Tá, và Thiếu Tá. Một khi đã hoàn tất thanh lọc ngành công an từ cấp Thiếu tá trở lên thì kể như lực lượng công an đã tương đối trong sạch, làm đòn bẩy chống tham nhũng ở mọi ngành, mọi cơ quan khác và mọi địa phương. 

Kenya đang điều tra gần như toàn bộ 71,000 sĩ quan trong cố gắng cải tổ lực lượng Công An trở thành một lực lượng chuyên nghiệp, có đạo đức và hiệu quả. Lực lượng Công An hiện là cơ quan bị chỉ trích nhiều nhất về tham nhũng, không bị trừng phạt và sách nhiễu nhân quyền. Ủy Ban Điều Tra Lực Lượng Công An định sa thải những sĩ quan không chuyên nghiệp, vô đạo đức và tham nhũng để rửa sạch hình ảnh xấu xa của Công An và phục hồi niềm tin của dân chúng vào lực lượng này. Ủy ban điều tra này là cơ quan độc lập chịu trách nhiệm tuyển dụng, sa thải, thăng cấp và xem xét đời sống phúc lợi của Công An.(7)

Tại Kenya, các sĩ quan cảnh sát cao cấp ngồi trước ủy ban điều tra và cảm thấy ngượng ngập. Họ không thể giải thích được bằng cách nào họ có được số tài sản nhà cửa, đất đai và những số tiền khổng lồ trong ngân hàng. Và Ủy ban điều tra đã không ngần ngại sa thải Phó Tư Lệnh Công An Eusebias Laibuta vào ngày thứ Sáu.(8) Trong số 30 sĩ quan công an bị điều tra từ tháng 12, 5 người đã bị sa thải, kể cả Phó Tư lệnh Laibuta. Ủy ban đã đề nghị điều tra thêm 3 sĩ quan nữa và bạch hóa hồ sơ của 22 sĩ quan khác và cho tiếp tục công tác.(9)

Tham nhũng cũng như đĩ điếm, là căn bệnh của nhân loại, không thể nào bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhưng một guồng máy hành chánh hữu hiệu, hợp lý giúp xây dựng một giới lãnh đạo trong sạch thì sẽ giảm nhiều tệ nạn tham nhũng và sách nhiễu dân chúng của thuộc cấp làm khổ người dân. 

Kẻ viết bài này đã có chút kinh nghiệm đóng góp ý kiến và chứng kiến việc chống tham nhũng của một vị Trung tướng Tư Lệnh Vùng của Việt Nam Cộng Hòa. Miền Nam Việt Nam trước 1975 được chia làm 4 vùng, mỗi vùng do một vị tướng làm tư lệnh phụ trách cả quân sự lẫn hành chánh. Trong vùng lãnh thổ của mình, nếu vị tư lệnh thật trong sạch và cắt cử các viên chức lãnh đạo như tỉnh trưởng, trưởng ty hoàn toàn dựa vào tài năng và đạo đức chứ không dựa vào quen biết hay tiền bạc, đồng thời sau đó theo dõi cất chức tức khắc nếu có báo cáo tham nhũng thì kể như nạn tham nhũng và sách nhiễu dân chúng giảm đi nhiều lắm. 

Chỉ khi nào chính Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng công khai và giải trình tài sản cho dân chúng biết thì lúc đó người dân mới tin tưởng Đảng thực sự chống tham nhũng. Trái lại, chỉ là tuyên truyền. 



__________________________________________

Chú thích:

(1)http://www.danchimviet.info/archives/82451/mafia-cong-san-viet-nam-lua-bip-va-dan-ap-nhan-dan-den-bao-gio/2013/12

Không có nhận xét nào: