Pages

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Hội luận tại Liên Hiệp Quốc


Cuộc Hội luận của Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tổ chức tại LHQ ở Genève về “Tiếng nói các Xã hội dân sự bị ngăn cấm” - Hãng Reuters tường thuật cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát Việt Nam

Genève, ngày 6.2.2014 (Quê Mẹ) - Nhân cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát về nhân quyền của Việt Nam trước Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 5.2, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền với sự hậu thuẫn của Ân Xá Quốc tế và Human Rights Watch tổ chức cuộc Hội luận “Những tiếng nói của Xã hội dân sự bị cấm đoán” tại Phòng XXIV trong Điện Quốc liên, trụ sở của LHQ ở Genève, ngày 4.2.2014 từ 13 giờ đến 14 giờ 30.

Ông Nicolas Agostini đại diện Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền giới thiệu 4 diễn giả. Đặc biệt là hai diễn giả vắng mặt vì hiện bị quản thúc tại Việt Nam, quyền đi lại của họ ngay chính trên đất nước Việt Nam cũng bị cấm đoán, Đó là Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và Huynh trưởng Lê Công Cầu, Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ. Ngoài ra còn phát biểu của ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, đồng thời cũng là Phát ngôn nhân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong nước, và Thượng tọa Thích Giác Đẳng, Tân Chủ tịch Hội đồng Điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ.

Ông Agostini cho biết cho tới nay đã có Báo cáo viên Đặc nhiệm về Tự do ngôn luận yêu sách đến Việt Nam điều tra từ năm 2002, và Báo cáo viên Đặc nhiệm về những Người đấu tranh Bảo vệ nhân quyền yêu sách đến Việt Nam đều tra từ năm 2012. Nhưng nhà cầm quyền Hà Bội không đáp ứng. Trái lại Báo cáo viên Đặc nhiệm về Tự do tôn giáo tuy đã được Hà Nội chấp thuận nhưng chưa ấn định thời điểm thăm viếng.

Hội trường bao gồm nhiều phái đoàn Phi chính phủ, trong đó có một phái đoàn đến từ Kampuchia, một số Phật tử Việt Nam đến từ Đức và Thụy sĩ, ông Nguyễn Hoàng Bảo Việt đại diện Văn Bút Quốc tế. Đặc biệt có sự quan tâm tham dự của 12 Phái đoàn các Chính phủ Âu Mỹ : Hoa Kỳ, Canada, Anh quốc, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy sĩ, Ireland, Hòa Lan, Tây Ban Nha, và Liên Âu.

Theo thứ tự thuyết trình là ông Võ Văn Ái, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Giác Đẳng, rồi Huynh trưởng Lê Công Cầu.

Ông Võ Văn Ái nói về đề tài Tự do Ngôn luận bịp bóp nghẹt tại Việt Nam

“Tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát lần thứ nhất năm 2009, Việt Nam chấp nhận 93 khuyến nghị của các quốc gia thành viên LHQ và bác bỏ 45 khuyến nghị vốn là những đề nghị cụ thể, cần thiết và đặc thù cho sự thăng tiến nhân quyền. Tuy nhiên Việt Nam hứa sẽ bảo đảm quyền tự do ngôn luận. Nhưng bốn năm qua Việt Nam làm ngược lại các lời hứa hẹn. Chính quyền biến Việt Nam thành một xã hội đóng kín để bảo vệ quyền lực cho Đảng. Vì vậy mà thành thích nhân quyền 4 năm qua hết sức thê thảm cho nhân quyền, đặc biệt cho người công dân.

Bàn thuyết trình Hội luận tại LHQ

“Việt Nam đã trắng trợn thi hành một chính sách bạo hành chống nhân quyền, đặc biệt chống tự do ngôn luận. Trong bản Phúc trình Nhân quyền Việt Nam mà chúng tôi đệ nạp Hội đồng Nhân quyền LHQ tháng 6 năm ngoái, chúng tôi đưa ra con số, tính từ năm 2009, có 160 Người đấu tranh bảo vệ nhân quyền hay hoạt động bất bạo động bị kết án tù tổng cộng 1052 năm. Gần đây xem có vẻ lắng dịu bề ngoài, vì cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát sắp diễn ra. Song cường độ bạo hành không thay đổi.

“Những ai tìm cách nói lên ngưỡng vọng mình trên Internet hoặc các kênh truyền thống đều bị bắt giam tùy tiện, kết án, biệt giam, sách nhiễu, hành hung, có khi xâm phạm thân thể phụ nữ. Blogger Điếu Cày bị kết án hai lần, lần đầu 19 tháng tù vì tội “trốn thuế”, lần hai 12 năm tù vì “tuyên truyền chống Nhà nước XHCN”. Hai ca sĩ sáng tác nhạc Võ Minh Trí và Trần Vũ An Bình bị tù vì đưa các bài hát lên YouTube… Công an sử dụng bọn côn đồ để dằn mặt mọi người chống kháng. Trong các trại giam, tù chính trị có sắc phục riêng, bị giam giữ khắc nghiệt so với tù thường phạm.

“Bản báo cáo của Việt Nam khoe khoang tự do ngôn luận bằng một loạt sắc luật ban hành, với sự bùng nổ về truyền thông (số lượng kếch sù về báo chí, đài phát thanh, truyền hình, trang nhà). Nhưng đây chỉ là kế toán chỉ tiêu của một thứ luật pháp vô hiệu, mà điều thấy rõ là tất cả các cơ quan báo chí truyền thông đều bị nhà nước kiểm soát.

“Ưu tiên của chính quyền Hà Nội không là tự do ngôn luận, mà là dùng mọi phương tiện để chận đứng những phát biểu của người dân trên các lĩnh vực, kể cả những phê phán mà chính quyền không ưa. Hiện nay diễn đàn chính là Internet được thấy qua sự bùng nổ của các trang nhà, các blogs. Công dân mạng chiếm một phần ba dân số, tức 34 triệu dân, càng lúc càng sử dụng Internet để nói lên ý kiến mình và tìm thông tin, vì họ không tin vào báo chí nhà nước.

“Chính quyền kiểm soát gắt gao các trang nhà hay blogs để ngăn chận, đóng cửa hay phá rối khi các trang nhà hay blogs nằm ở nước ngoài. Năm 2010 Ủy ban Nhân dân Hà Nội bắt buộc các quán cà phê Internet cài đặt chương trình gián điệp để kiểm soát mọi hoạt động của công dân mạng. Dĩ nhiên chính quyền nại cớ bảo vệ chống các trang nhà “hủ hóa”, nhưng theo các cuộc nghiên cứu thì hầu hết các trang nhà phê phán chính quyền đều bị ngăn chận, trái lại những trang nhà khiêu dâm thì mặc sức hoạt động.

“Đã có những sắc luật cấm loan tải tin tức thời sự trên các mạng xã hội như Facebook. Chính quyền lấy cớ bảo vệ tác quyền của các cơ quan báo chí.

Các Phái đoàn Chính phủ chăm chú theo dõi tại Hội trường LHQ

“Nói tới báo chí, thì năm 2009 Việt Nam chấp nhận cải cách luật báo chí nói là mở rộng tự do ngôn luận, nhưng sắc luật số 2 ban hành năm 2011 chỉ đưa ra các điều luật mơ hồ khiến các nhà báo cảm thấy tự mình phải kiểm duyệt mình. Tiền phạt rất cao cho những ai viết bài không phù hợp với “quyền lợi của nhà nước và nhân dân”. Ở đây cần hiểu “quyền lợi của nhà nước và nhân dân” là quyền lợi cho ai.

“Từ khi sắc luật này được áp dụng, các cuộc điều tra về nạn tham nhũng cạn dần. Các nhà báo muốn hành nghề một cách trung thực đều bị sa thải.

“Nhà báo Hoàng Khương của tờ Tuổi Trẻ bị bắt năm 2012 vì những bài viết về công an tham nhũng, và bị kết án 4 năm tù, khôi hài thay lại vì tội tham nhũng. Gần đây hồi tháng 8 nhà báo Võ Thanh Tùng viết bài chống tham nhũng cũng bị bắt giam.

Các Phái đoàn Chính phủ theo dõi cuộc Hội luận tại LHQ

“Thưa quý bà, quý ông,

“Hầu hết tất cả các văn kiện được chấp nhận qua cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát năm 2009 của Việt Nam đều chống lại tự do ngôn luận, và hỗ trợ quyền lực cho cấp lãnh đạo quốc gia. Những văn kiện này khá mơ hồ nhằm ngăn chận mọi hành xử kể cả những hành xử hợp pháp và bất chấp quyền dân. 

“Đồng thời Việt Nam chẳng thay đổi các luật pháp độc đoán. Chúng tôi muốn nói tới các điều luật trong bộ Luật Hình sự liên quan tới “an ninh quốc gia”. Từ lâu các chuyên gia LHQ và các tổ chức Phi chính phủ tố cáo những điều luật hổ lốn này. Nhưng Việt Nam vẫn lưu giữ như thứ vũ khí tối hậu và hữu hiệu cho việc đàn áp tự do ngôn luận. Bộ Luật Hình sự xử tội những ai “tuyên truyền chống đối Nhà nước XHCN Việt Nam” nghĩa là bất cứ một sự phê phán nào ; làm “gián điệp” nghĩa là gửi ra nước ngoài những tin tức có thể gây nguy hại cho giới lãnh đạo ; những “hành động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” ; hay sự kiện “phá hoại chính sách đoàn kết, gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo” nghĩa là nhắm đề cao sự khác biệt… Tất cả các “tội phạm” này bị lãnh những án tù nặng nề, kể cả chung thân hay án tử hình.

“Tại Việt Nam, “an ninh quốc gia” là cớ cho việc bắt bớ tùy tiện. Với Pháp lệnh số 44 ban hành năm 2002 nhà cầm quyền Việt Nam có thể tạm giam 2 năm bất cứ ai bị nghi ngờ xâm phạm “an ninh quốc gia”. Cuộc giam giữ này thực hiện bằng quản chế, gửi vào các trại cải huấn hay các nhà thương điên, giống như thời đại đen tối nhất bên Liên Xô cũ. Kể từ năm 2009, nhiều người bị đưa vào nhà thương điên vì viết bài trên Inernet, như trường hợp Lê Anh Hùng vào tháng giêng 2013.

“Thưa quý Bà và quý Ông,

“Vào lúc Việt Nam mở chiến dịch ve vãn cộng đồng thế giới, nhất là vào năm Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, thật là điều trọng yếu cho Cộng đồng thế giới áp lực nhà cầm quyền Hà Nội chấm dứt cuộc đàn áp dã man tự do ngôn luận đang diễn ra dưới mắt chúng ta. Cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát Việt Nam vào ngày mai, là cơ hội cho các Quốc gia đối tác với Việt Nam yêu sách các biện pháp cụ thể sau đây:

Ông Võ Văn Ái thuyết trình tại cuộc Hội luận LHQ

- “Trả tự do cho các bloggers, các nhà bất đồng chính kiến, các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền bị cấm cố vì biểu tỏ ôn hòa ý kiến hay những phê phán của họ, hoặc hành động bảo vệ nhân quyền của họ. Tôi nghĩ tới các tù nhân vì lương thức như Ngyễn Công Cầu, Đinh Đăng Định, Mai Thị Dung, Đỗ Thị Minh Hạnh, Điếu Cày, hay Thích Quảng Độ;

- “Chấm dứt những cuộc bắt bớ tùy tiện, sách nhiễu, hăm dọa và những cuộc tấn kích vào những ai hành xử chính đáng và ôn hòa quyền tự do ngôn luận của họ;

- “Hủy bỏ hay xét lại các điều luật liên quan đến “an ninh quốc gia”, cũng như bảo đảm theo tiêu chuẩn luật quốc tế. Ưu tiên là các điều tại chương “an ninh quốc gia” trong bộ Luật Hình sự và Pháp lệnh 44 ban hành năm 2002;

- “Hủy bỏ sự lên án “lợi dụng các tự do, dân chủ gây hại cho quyền lợi Nhà nước” trong Hiến Pháp, điều 258 trong bộ Luật Hình sự cùng tất cả những điều luật khác quy chiếu từ đây.

- “Cải cách trong nghĩa tôn trọng tối ưu tự do ngôn luận như Cộng đồng thế giới công nhận trước các luật pháp hạn chế sự thi hành tự do ngôn luận, như Nghị định số 2 ban hành năm 2011 trong luật báo chí, hay Nghị định 72 về Internet ban hành năm 2013.

*

Bài phát biểu của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ qua băng ghi âm bằng Anh ngữ:

“Thưa quý liệt vị,

“Thật là hân hạnh cho tôi phát biểu hôm nay tại LHQ. Tôi tên là Thích Quảng Độ, Tăng sĩ Phật giáo ở Việt Nam. Tôi lấy làm tiếc không có mặt cùng quý vị - tôi hiện bị quản thúc tại Thanh Minh Thiền viện ở Saigon. Thông điệp này được thu băng bí mật, và nhờ sự dũng cảm của nhiều người mới đến tay quý vị trong cuôc Hội luận hôm nay.

Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ trên băng hình phát tại LHQ

“Ngày mai, Việt Nam sẽ được xem xét lần thứ hai trước Hội đồng Nhân quyền LHQ. Quý vị sẽ nghe báo cáo của chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên quý vị sẽ không nghe được tiếng nói của các nạn nhân. Nên hôm nay tôi muốn nói lên cho những tiếng nói bị khóa miệng tại Việt Nam chỉ vì họ bất đồng chính kiến hay tôn giáo.

“Tôi là một trường hợp đặc thù. Tôi đã trải qua ba thập niên dưới nhiều hình thức cấm cố - 10 năm lưu đày, 7 năm trong tù ngục rồi sau đó bị quản thúc không lý do.”

“Tôi bị tội gì đây ? Chỉ vì kêu gọi Việt Nam tôn trọng các quyền mà người dân phải được tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự hội họp, tự do tôn giáo và tín ngưỡng”.

“Khi tôi bị quản chế ngay sau khi ra tù, tôi tự nói “Mình đang rời nhà tù nhỏ để bước vào nhà tù lớn”. Bây giờ đây tôi sống như tên tù ngay trong chùa viện của mình. Ngòai cổng chùa, công an theo dõi ngày đêm, điện thoại của tôi bị ghi âm và tôi không có quyền đi lại. Nhiều người đến thăm tôi bị sách nhiễu hay ngăn chận. Tôi không được quyền thuyết pháp. Tháng giêng vừa qua, người phụ tá tôi là Hòa thượng Thích Chơn Tâm bị tấn công và công an ra lệnh phải rời Saigon. Nhà cầm quyền Việt Nam cô lập tôi toàn diện, cắt đứt mọi liên lạc tôi với thế giới bên ngoài, và quyết liệt khóa miệng tôi.

“Dưới bất cứ hoàn cảnh nào, mất tự do là không thể chấp nhận. Bị quản chế không lý do, bị cô lập mà chẳng biết ngày nào được tự do, là hình thức tra tấn khủng khiếp nhất cho tâm thần và thể xác. Tôi sống như vậy từ 10 năm qua.

“Nhưng tôi không cô đơn. Tại Việt Nam ngày nay, hàng trăm nhà bất đồng chính kiến và các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền là đối tượng cho sự tra tấn vì bị quản thúc không thông qua tòa án xét xử. Việt Nam vừa ký kết Công ước LHQ Chống Tra tấn. chúng tôi hy vọng đây là bước tiến mới. Nhưng trọng thực tế chẳng có gì đổi thay.

“Vì sao Việt Nam khổ công bịt miệng chúng tôi ? Ấy là bởi vì chế độ Cộng sản không khoan nhượng với bất cứ phê phán nào đối với Đảng độc tôn. Kể từ cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát lần thứ nhất trước đây, Việt Nam hứa hẹn thực thi nhân quyền. Nhưng trái lại, Việt Nam tung chiến dịch leo thang đàn áp như chưa từng các nhà bất đống chính kiến, và những ai phê phán chính quyền. Các bloggers trẻ, nhà báo, những người đấu tranh bảo vệ quyền công nhân, quyền phụ nữ và thiếu nhi đã không ngừng bị sách nhiễu hay bị giam cầm chưa từng thấy xưa nay.

“Cuộc đàn áp cũng nhắm vào các cộng đồng tôn giáo. Bất cứ ở đâu trên thế giới này, tự do tôn giáo đều quan trọng - được ghi rõ tại điều 18 trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, cũng như trong Hiến Pháp Việt Nam. Là quyền không thể chối bỏ, ngay cả trong thời chiến. Trong hoàn cảnh không hiện hữu những đảng phái chính trị đối lập, các công đoàn tự do hay các tổ chức phi chính phủ độc lập, các tôn giáo là những tiếng nói trọng yếu cho xã hội dân sự, nói lên nỗi bất bình của nhân dân và áp lực cho sự cải cách.

“Là người lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hiện không được nhà cầm quyền thừa nhận. Tôi không chỉ kêu gọi riêng cho tự do tôn giáo, mà còn cho quyền dân chủ đa nguyên, quyền ra báo độc lập, quyền được tự do biểu tình, quyền được biểu tỏ ý kiến của mình mà không phải sợ hãi. Tôi đã từng kêu gọi hủy bỏ án tử hình, bình đẳng xã hội, và chấm dứt cơ chế “hộ khẩu” hiện được sử dụng để phân biệt đối xử và kiểm soát dân. Tôi sẽ còn tiếp tục áp lực cho quyền con người và tự do, dân chủ cho Việt Nam, dù phải trả bất cứ giá nào.

“Ngày mai là cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát. Tôi thúc đẩy quý liệt vị hãy làm áp lực cho những cải tiến cụ thể, như phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các tôn giáo khác không được thừa nhận, trả tự do cho tất cả các tù nhân tôn giáo, tù nhân chính trị, và hủy bỏ vĩnh viễn hành xử tùy tiện quản chế người không thông qua sự xét xử của tòa án”.

Tăng Thống Thích Quảng Độ
Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon
Ngày 1 tháng 2 năm 2014

*

Lời Phát biểu của Thượng tọa Thích Giác Đẳng

Thượng tọa Thích Giác Đẳng thuyết trình tại Hội luận LHQ

Đến từ Hoa Kỳ, Thượng tọa là Tân Chủ tịch Hội đồng Điều Hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ trình bày thảm trạng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), những Người đấu tranh bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là tình trạng giam giữ khắc nghiệt tại các nhà tù và trại giam. Thượng tọa nói :

“Tôi là Tăng sĩ Phật giáo thuộc GHPGVNTN là giáo hội bị nhà cầm quyền Việt Nam cấm hoạt động. Các thành viên Giáo hội không ngừng bi sách nhiễu và đàn áp trong mọi lĩnh vực của đời sống hằng ngày - quản chế, mất quyền thông tin và cấm đi lại. Công an hăm dọa Phật tử sẽ mất việc làm hay con cái họ bị đuổi khỏi trường học nếu họ tiếp tục họ hỗ trợ tổ chức “phản động” là GHPGVNTN.

“Nhưng hôm nay tôi đến đây không nói riêng vấn đề tự do tôn giáo. Là Tăng sĩ Phật giáo, tôi tin vào sự thực hành từ bi. Dưới một chế độ độc tài như Việt Nam, nơi người dân không có những quyền cơ bản, cách thực hiện lòng từ bi duy nhất là trở thành người đấu tranh bảo vệ nhân quyền để dấn thân trong cuộc đấu tranh bảo vệ và thăng tiến quyền con người cho mọi người.

“Người đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam phải trả một giá rất đắt cho lý tưởng của họ. Họ bị sách nhiễu, đánh đập, công an theo dõi. Nhiều người bị kết án bất công và hiện đang bị cấm cố lâu năm trong tù ngục hay tại trại lao động trong những điều kiện giam giữ khắc nghiệt.

“Tôi muốn nói về họ, những tù nhân của Việt Nam, và những điều kiện khắc nghiệt mà họ phải cam chịu, họ mong muốn được lên tiếng tại đây hôm nay, với niềm hy vọng được quý vị nói lên hoàn cảnh họ tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát Việt Nam vào ngày mai.

“Tại cuộc Kiểm điểm lần trước, Việt Nam đã khước từ những khuyến nghị thay đổi hoàn cảnh giam giữ. Thế mà các tù nhân chính trị và gia đình họ cho biết điều kiện giam giữ không thể chịu nổi. Ví dụ:

- “Lương thực thiếu thốn. Có những nhu cầu cấp thiết phải bỏ tiền ra mua, như xà phòng, mền, và ngay cả nước uống. Tù nhân đành nhờ vào tiền do thân nhân cung cấp để mua thực phẩm hay đồ thực dụng với giá cắt cổ do quản lý nhà tù bán;

- “Lao động bị cưỡng bức, ai già yếu hay mắc bệnh không làm đủ theo tiêu chuẩn sẽ bị phạt còng tay hay biệt giam trong phòng tối không đèn, không lổ thoáng gió;

- “Y tế chỉ chăm lo cho những ai chịu trả tiền, nhiều tù nhân đau nặng bị đánh đập, kiệt sức và không được chăm sóc;

- “Đặc biệt các tù nhân chính trị bị đối xử theo chế độ khắc nghiệt. Trên áo quần họ có in hai chữ CT có nghĩa là tù chính trị. Khác với tù thường phạm, tù chính trị không được cấp bút, giấy, không được thăm nuôi thường xuyên hay nhận quà thực phẩm, và phần ăn bị giảm thiểu;

- “Tù chính trị thường bị phạt biệt giam trong các phòng kín không đèn và không gió thông hơi ngày cũng như đêm.

“Xin nêu một số trường hợp, vào tháng giêng năm 2014 tù chính trị tại Phân đội 2 ở nhà tù Z20A Xuân Lộc đã tuyệt thực phản đối việc đối xử khắc nghiệt. Bà vợ của nhà hoạt động Đoàn Huy Chương cho biết chồng bà rất yếu và đi đứng khó khăn sau thời gian biệt giam. Mẹ của ca sĩ Việt Khang người bị kết án 4 năm tù, đã không nhận ra con mình ốm như cây sậy.

“Một bà mẹ của tù nhân chính trị nói thay cho các tù nhân chính trị khác rằng con bà nài xin 7 lọc nước để lọc bớt phèn trong nước uống. Một lọc nước như thế giá lên tới 25 Mỹ kim.

“Nhiều tù nhân chính trị không được chăm sóc y tế, kể cả những người bị đau yếu. Xin cho tôi trình bày một vài trường hợp:

“Người tù bị giam giữ lâu năm Nguyễn Hữu Cầu đã bị hầu như hoàn toàn điếc và mù. Ông bị giam suốt 35 năm chỉ vì tội viết những bài thơ phê phán nạn tham nhũng. Ông đã viết 500 ức thư khiếu nại sự vô tội của ông và đòi hỏi được chữa trị, nhưng không bao giờ được hồi âm. Ông hiện ở trại Xuân Lộc.

“Hai nữ tín đồ Hòa Hảo, Mai Thị Dung và Đỗ Thị Minh Hạnh vừa chuyển ra trại Thanh Xuân gần Hà Nội, cách xa nơi cư trú ở miền Nam 1700 cây số khiến cho việc thăm nuôi khó khăn. Hiện bà Mai Thị Dung bị liệt hai chân, nhưng không được chữa trị. Cô Đỗ Thị Minh Hạnh bị hành hung trong tù, sức khỏe rất yếu kém.

“Blogger Điếu Cày đã trải qua 35 ngày tuyệt thực vào tháng 7 vừa qua để phản đối điều kiện giam giữ tại nhà tù tỉnh Nghệ An. Năm ngoái tù nhân chính trị dấy loạn tại nhà tù Z30A ở Xuân Lộc và nhà tù A 20 tỉnh Phú Yên để phản đối điều kiện giam giữ bất nhân.

“Tù nhân chính trị Đỗ Văn Tài, ở trại Xuân Lộc, bị bệnh AID sau khi dùng chung lưỡi dao cạo với các tù nhân.

“Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, bị kết án 6 năm tại nhà tù số 6 ở Thanh Chương, Nghệ An vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước XHCN”, sức khỏe sa sút vì không được chữa trị và ăn uống thiếu thốn. Ông bị bệnh trĩ nặng và được đưa đi giải phẫu ở bệnh viện hôm 15.11.2012, ông bị còng hai chân cho tới khi bắt đầu khâu phẫu thuật, và khi xong bị công an còng chân trở lại. Quá đau đớn ông phải thét lên. Vợ ông lên tiếng phản đối và yêu cầu tháo còng cho chồng, nhưng công an chẳng đoái hoài chở thẳng về trại giam. Tổ hành động LHQ Chống bắt bớ tùy tiện đã vinh danh ông Nguyễn Xuân Nghĩa bị bắt bớ tùy tiện (Ý kiến 1.2009) và kêu gọi trả tự do cho ông.

Kết luận, Thượng tọa Thích Giác Đẳng “Kêu gọi các phái đoàn Chính phủ áp lưc Việt Nam khẩn cấp thay đổi các điều kiện giam giữ bất nhân trên đây đối với các tù nhân chính trị tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát trong khóa họp lần này”.

*

Trình phát băng thu lời phát biểu của Huynh trưởng Lê Công Cầu từ Huế

“Tôi tên là Lê Công Cầu, hiện sống tại Huế, một tỉnh miền Trung Việt Nam, tôi là người đấu tranh bảo vệ nhân quyền suốt hơn 30 năm nay, và hiện là Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ, Gia Đình Phật tử Việt Nam, trực thuộc GHPGVNTN, đây là một phong trào giáo dục trẻ phần nào ảnh hưởng phương pháp Hướng đạo của Baden Powell. Tổ chức của chúng tôi lấy tinh thần Từ bi và Trí tuệ của đạo Phật để hướng dẫn các em và có mặt tại đất nước này kể từ năm 1940, tức có trước năm 1975. Số lượng có khoảng 300 ngàn đoàn viên. Vì lý do giáo dục thanh thiếu nhi nên chúng tôi còn được hiện hữu cho đến ngày hôm nay.

“Mới đây, chúng tôi đưa vấn đề nhân quyền vào chương trình giáo dục tại khóa học mùa hè năm nay tổ chức tại một tỉnh miền Trung, chúng tôi dẫn nhập vấn đề Tự do Internet và thảo luận vấn đề kỹ thuật để phổ biến các kiến thức hiện đại. Việt Nam đã ký kết nhiều công ước về nhân quyền LHQ, như Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Ngay trong bản Hiến pháp Việt Nam nhân quyền cũng được công nhận. Nên chúng tôi tin rằng giới trẻ tại Việt Nam cần mở rộng kiến thức trên vấn đề nhân quyền để trở thành người công dân tốt.

“Nhưng cũng vì vậy, nhà cầm quyền bắt đầu đàn áp chúng tôi, mà tôi là mục tiêu chính mà họ nhắm đến. Tháng 3 năm ngoái tôi bị công an bắt đi làm việc 3 ngày ròng rã. Công an tố cáo tôi đã viết những bài về nhân quyền đưa lên mạng, trong những bài viết đó phê phán nhà nước. Vì vậy cho nên họ dọa sẽ bỏ tù tôi vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng sản”, tội này có thể dẫn tới 15, 20 năm tù.

“Năm nay, ngày 1.1.2014, tôi bị bắt tại phi trường Phú Bài Huế khi tôi lấy máy bay vào Saigon thăm viếng Đức Tăng Thống của tôi là Ngài Thích Quảng Độ. Đã ngồi trên máy bay nhưng công an lên bắt xuống lấy cớ tôi mang theo “chất khủng bố” trong hành lý. Hiển nhiên họ chẳng tìm thấy gì trong hành lý của tôi, ngoài việc họ tịch thu máy laptop của tôi, các giao diện USB và điện thoại cầm tay, rồi thẩm vấn tôi căng thẳng suốt 13 tiếng đồng hồ ngày hôm đó. Mặc dù tôi không phạm bất cứ tội gì, công an ra khẩu lệnh quản thúc tôi tại nhà không có lý do cho đến hôm nay. Nhiều công an canh gác ngày đêm trước nhà tôi không cho tôi đi đâu, không cho ai đến thăm, và công an tiếp tục làm việc với tôi tại nhà mấy lần nữa. Trong buổi làm việc gần đây, họ bảo rằng : “Chỉ cần một cú điện thoại của họ là tôi vào nhà đá!”.

“Cùng với việc bắt bớ, quản thúc tôi, nhiều Huynh trưởng trong phong trào của tôi cũng bị sách nhiễu, bắt đi làm việc, ví dụ như anh Nguyễn Tất Trực bị công an làm việc trong các ngày 6, 7, 8 và 9.1.14, bị tố cáo ‘vi phạm pháp luật” vì anh có tên và chức vụ trong Gia Đình Phật tử, và bị quản thúc tại gia. Kết quả là gia đình anh gặp khó khăn tài chính, vì việc buôn bán của vợ anh bị đình trệ do anh không thể hằng ngày chở vợ anh ra chợ. Một huynh trưởng khác, anh Hoàng Như Đào, cũng bị công an bắt đi làm việc, bị tố cáo “hoạt động bất hợp pháp”, bị quản chế tại gia. Sự canh gác của công an làm con cháu và vợ con trong nhà sợ hãi. Đây là một sự khủng bố không thể cãi chối được. Vào lúc tôi trình bày sự việc hôm nay, tôi kiểm tra lại gần 100 Huynh trưởng Gia Đình Phật tử ở Huế và các tỉnh miền Trung bị quản chế không lý do, chỉ vì họ sử dụng quyền chính đáng hội họp ôn hòa để học tập và tu tập mà thôi.

Huynh trưởng Lê Công Cầu trên băng hình audio tại Hội luận LHQ

“Vậy cho nên hôm nay, tôi xin báo động đến Hội đồng Nhân quyền LHQ là những tiếng cầu cứu nguy kịch của tôi. Có thể đây là lần cuối cùng tôi còn được phát biểu, vì công an hăm dọa sẽ bắt tôi vào nhà tù. Tôi không sợ nhà tù, tôi sẵn sàng đối diện mọi hậu quả cho những hành động ôn hòa và chính đáng của tôi, mặc chuyện gì phải đến cứ đến. Hôm 20.1.14, sau 20 ngày bị quản thúc, tôi đã viết thư khiếu tố gửi công an yêu cầu giải chế cho tôi, nếu tôi có tội cứ đưa ra tòa án xét xử. Nhưng họ chẳng hồi âm. Thật khủng khiếp cung cách của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đối xử với người công dân như thế. Nên tôi không thể cúi đầu im lặng trước bất công.

“Người đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam ngày nay đang đối diện trước sự khủng bố, sách nhiễu, bắt giam của công an chỉ vì hành xử ôn hòa các quyền cơ bản của mình được quy định trong Hiến Pháp và các Cộng ước quốc tế. Chúng tôi bị vu cáo là “chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa”, nhưng trong thực tế chúng tôi chỉ bảo vệ và thăng tiến nhân quyền được bảo đảm trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

“Phong trào giáo dục trẻ của chúng tôi mong ước mở rộng kiến thức và sự hiểu biết thế giới trên căn bản một xã hội tiến bộ và năng nỗ. Quyền giáo dục được bảo đảm trong Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa mà Việt Nam tham gia ký kết. Qua sự việc đàn áp các thành viên của chúng tôi cũng như việc cấm đoán các hoạt động giáo dục của chúng tôi, Việt Nam đã vi phạm các nghĩa vụ quốc tế đối với người công dân cũng như đối với cộng đồng thế giới.

“Quý vị đang nghe Việt Nam báo cáo lần thứ hai qua cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, tôi xin kêu gọi quý phái đoàn các Chính phủ hãy lưu tâm tới những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, và áp lực Việt Nam thực hiện những bước cụ thể thực thi nhân quyền, không bằng lời hứa mà bằng hành động. Đặc biệt, Việt Nam phải đưa luật pháp quốc gia mình tuân thủ các tiêu chuẩn luật quốc tế mà Việt Nam đã ký kết theo văn bản Hòa điệu luật pháp (tức Luật ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế) ký kết năm 2005. 

“Trong bộ Luật Hình sự của Việt Nam, chương về “An ninh Quốc gia” định nghĩa rất mơ hồ, như điều 88 quy định về “tuyên truyền chống phá Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa” cần phải bãi bỏ. Vì đây là một đều luật muốn bắt bớ ai thì bắt bớ, rất là mơ hồ. Cho nên Nhân quyền cần được bảo vệ song song với luật pháp. Được như vậy, những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam mới được hoạt động để thăng tiến Quyền Con Người. Còn nếu không, thì nhân quyền tại Việt Nam sẽ bị thui chột và người Việt Nam trở thành nô lệ cho một Đảng phái độc tài toàn trị. Tôi xin thưa như vậy để quý vị lưu tâm. Tôi phát biểu lúc 15 giờ ngày 25.1.2014.

Huế ngày 25.1.2014

Lê Công Cầu

*

Hãng thông tấn Reuters tường thuật cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát của Việt Nam

Hãng thông tấn Reuters thường trực tại LHQ Genève đã làm bài tường thuật về cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát Việt Nam cùng hoạt động của Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam tại LHQ. Sau đây là bản dịch từ Anh ngữ bài viết ấy:

Tại Hội đồng Nhân quyền LHQ: Tây phương tố cáo cuộc đàn áp bloggers và các tôn giáo tại Việt Nam

Reuters, Ngày 5 tháng 2 năm 2014, 20:30

Bài viết của Stephanie Nebehay

Bản tin Reuters từ Genève 5.2.14 – Hôm thứ tư, 5.2, các quốc gia Tây phương tố cáo Việt Nam bắt giam nhiều bloggers và kiểm soát Internet cũng như kêu gọi chính quyền Cộng sản tôn trọng những tự do cơ bản cho tín ngưỡng và ngôn luận.

Nhà ngoại giao Vương quốc Anh, Ruth Tumer, tuyên bố trước Hội đồng Nhân quyền LHQ rằng nước bà lấy làm tiếc cho “những chiều hướng kiểm soát Internet”, cùng với các nhà ngoại giao Pháp và Úc kêu gọi giảm thiểu các tội đưa tới án án tử hình, đồng thời kêu gọi Việt Nam tạm ngưng thi hành án tử hình.

“Việt Nam vẫn tiếp tục sách nhiễu những ai hành xử các quyền tự do cơ bản, như tự do ngôn luận và tự do lập hội”, ông Quyền Đại sứ Hoa kỳ, Peter Mulrean, nói trong cuộc Kiểm điểm trước 47 thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ cùng với các quốc gia thành viên LHQ xem xét các quốc gia mỗi 4 năm một lần. 

Ông cũng nói, Hoa Kỳ quan ngại cho việc hạn chế tự do tôn giáo, việc thành lập công đoàn độc lập, sử dụng trẻ em lao động và việc chính quyền cưỡng bức lao động.

Việt Nam phải “xét lại các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia được dùng để đàn áp các quyền tự do cơ bản, đồng thời trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị.” 

Ông Benjamen Ismail của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới nói rằng nhà báo Phạm Chí Dũng không được phép đến cuộc Kiểm điểm ở LHQ, ông bị ngăn chận tại phi trường Saigon hôm thứ bảy và bị tịch thu hộ chiếu.

“Còn có những chiều hướng trầm trọng, rất bạo động và trả thù bên cạnh đối với gia đình hay thân nhân của các bloggers nhằm can ngăn các bloggers có hành động tranh cãi. Hiện có 34 bloggers bị cầm tù” ông Ismail cho biết.

Tuy nhiên, hai người Việt Nam nổi danh hiện bị quản chế làm nhân chứng, gửi sang hai băng thu bằng đường bí mật và được phát ra trong một cuộc hội luận do các tổ chức nhân quyền quan trọng công bố tại Genève hôm thứ Ba. Hãng thông tấn Reuters không kiểm chứng được tính xác thực.

Đức Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thích Quảng Độ nói rằng ngài bị quản chế tại Thanh Minh Thiền Viện ở Saigon và muốn nói thay cho những người bất đồng chính kiến bị khóa miệng.

Ngài nói: “Tôi đã trải qua ba thập niên dưới nhiều hình thức cấm cố - 10 năm lưu đày, 7 năm trong tù ngục rồi sau đó bị quản thúc không lý do.”

“Tôi bị tội gì đây? Chỉ vì kêu gọi Việt Nam tôn trọng các quyền mà người dân phải được tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự hội họp, tự do tôn giáo và tín ngưỡng”.

“Nhưng tôi không cô đơn. Tại Việt Nam ngày nay, hàng trăm nhà bất đồng chính kiến và các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền là đối tượng cho sự tra tấn vì bị quản thúc không thông qua tòa án xét xử”. 

Lê Công Cầu, Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ, một phong trào thuộc giới trẻ có 300,000 đoàn viên, cho biết đã bị công an bắt tại phi trường gần thành phố Huế hôm Một tháng Giêng.

“Tôi xin báo động đến Hội đồng Nhân quyền LHQ là những tiếng cầu cứu nguy kịch của tôi. Có thể đây là lần cuối cùng tôi còn được phát biểu vì công an hăm dọa sẽ bắt tôi vào tù”.

160 người bị kết án tổng cộng 1052 năm tù kể từ tháng 5 năm 2009 đến tháng Sáu năm 2013 “chiếu theo các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia trong bộ Luật Hình sự”, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cho biết.

“Tại Việt Nam ngày nay đặt bom hay gửi Email ra nước ngoài đều phạm tội như nhau”, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam có trụ sở tại Paris cho các ký giả biết như thế.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại hội trường Genève rằng chính sách của Việt Nam là luôn luôn bảo vệ và thăng tiến các tự do, ông trích dẫn sự bùng nổ Internet, với 30,8 triệu người sử dụng và 3 triệu bloggers.

Không có nhận xét nào: