Tiết xuân năm nay nhiều người thích, vì trời đất sáng sủa ấm áp, khiến cảnh xuân đẹp hơn cho thiên nhiên, người lớn đi lại chúc Tết và trẻ con đi chơi không bị trở ngại bởi mưa lạnh. Nhưng cũng có nhiều người muốn có thêm vài đợt mưa xuân nhỏ thôi, rét thêm chút thôi, để bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên còn đậm đà thêm suy tư và tình người, làm đậm thơm hơn các món ăn ngày xuân truyền thống. Nông dân nhiều vùng nông thôn nghèo khó ở miền Bắc lặng lẽ mong tiết trời rét đậm, đơn giản là vì những năm rét đậm thì dễ được mùa. Những ai đã từng đón những cái Tết xa xứ, còn nhớ nguyên cảm giác đau đáu từng giờ, từng ngày, nhớ về gia đình, bạn bè và quê hương xứ sở Việt Nam mình, rồi nhiều lúc tự để cho mình chìm trong cảm giác cô đơn để rồi sau đó tìm đến nhau cùng chia sẻ vui buồn.
Có hiện tượng rất quen, nhưng ngày càng xa lạ với tình cảm của người dân. Ấy là từ trước Tết, trong khi dân chúng mải toan lo cho ngày Tết gia đình, thì khi ra đường bỗng thấy từ khi nào người ta trang trí đỏ lòe: bên cạnh các cờ Tổ quốc, người ta cắm san sát nối tiếp nhau một loại cờ mà không rõ nên gọi là loại cờ gì, những dãy dài các dải đỏ choét làm nền, bên trong không thấy sao, không thấy búa, không thấy liềm, không thấy khuôn mặt vị lãnh tụ nào của tổ chức tiền phong nào… Thì ra ai cũng nhận thấy, cảnh quan chúng ta được trang trí theo kiểu ngày càng giống kiểu trang hoàng của hai anh bạn Trung Quốc và Triều Tiên.
Người dân mấy chục năm qua được Đảng nâng cao “dân trí” rằng, màu đỏ tượng trưng cho cách mạng giải phóng người nghèo, màu đỏ tượng trưng cho máu đổ từ sự hy sinh gian khổ để giành chiến thắng. Vì thế mà màu đỏ là màu cờ Tổ quốc hiện nay, một nước đang xây dựng CNXH.
Nhưng đông đảo người dân ngày càng vô cảm với kiểu trang hoàng nơi công cộng theo kiểu này. Dùng kiểu cờ này, treo san sát như vậy, không những phản cảm mà tốn kém tiền của dân rất phi lý.
Màu đỏ của máu chỉ có ý nghĩa khi tiến hành cuộc đấu tranh theo hướng dùng bạo lực mà thôi. Với mục tiêu xây dựng bất kỳ xã hội tốt đẹp kiểu nào, kể cả xã hội XHCN mà Đảng CSVN muốn xây dựng, mà thường trực “đấu tranh”, mà thường trực “bạo lực” trên cơ sở máu đổ, thì chỉ có thể đẩy đất nước đến lạc hậu, dân tộc ngày càng khổ đau.
Nhiều người nhận thấy, kiểu cờ đỏ không có ngôi sao vàng ở giữa được treo san sát để tạo cảm giác đó là cờ Đảng. Nếu cắm cờ Đảng thật như vậy thì sẽ bị phản đối kịch liệt của dân chúng. Đảng chỉ muốn tạo cảm giác đó là cờ Đảng, tạo cảm giác toàn dân hân hoan “Mừng Đảng” khi “Mừng xuân”. Sự trơ trẽn của Đảng đã chuyển thành câu chuyện hài của nhân dân.
Đã qua rất lâu rồi những năm tháng mà Đảng làm cho dân lầm tưởng, rằng xuân về với cái Tết no đủ, hạnh phúc là do Đảng mang lại. Trái lại, gần 40 năm qua, Đảng hiện nguyên hình là tổ chức tìm kiếm lợi quyền trên đầu trên cổ nhân dân, bất chấp lợi quyền của nhân dân.
Những ai là vồ vập với việc kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2? Đó là những người được hưởng lợi từ Đảng, nên chấp nhận làm con rối cho Đảng. Họ kín đáo, lặng lẽ thực hiện những việc Đảng giao (đi cắm cờ, giăng biểu ngữ, phát phóng thanh, viết bài ca ngợi…) để lập công với Đảng. Các lãnh đạo các cơ sở Đảng (chi ủy viên, đảng ủy viên…) từ thấp đến cao thì lo tìm kiếm cơ hội nhắc đến hay tuyên truyền cho ngày này, để cơ sở Đảng của họ rồi sẽ được thành tích “trong sạch - vững mạnh”.
Nhưng dù họ làm những gì và nói những gì về ngày này, người dân không quan tâm. Hầu hết người dân không cần biết đến ngày sinh của Đảng là ngày 3/2. Những người dân biết về ngày này, không ai muốn nhắc đến nó. Hầu hết đảng viên trong Đảng cũng cảm thấy trơ trẽn khi nhắc đến ngày 3/2 trong câu chuyện đời thường, vì thế họ tránh nhắc đến.
“Mừng Đảng” ư, khi xuân Giáp Ngọ này là xuân đầu tiên mà cái gông Hiến Pháp 1992 được gia cố thành cái gông Hiến Pháp 2013, tiếp tục xiết trên đầu lên cổ nhân dân. Câu chuyện hài này rất đặc trưng ở Việt Nam ta. Vì thế, sự vô cảm của người dân mà chúng ta nói đến trên đây, trước hết là sự vô cảm đối với Đảng.
Một dân tộc vô cảm với lực lượng lãnh đạo mình là dân tộc đang bất hạnh. Và đó là dấu hiệu của một nguy cơ quá lớn đối thể chế đang không muốn thay đổi gì, chỉ vì lợi ích của kẻ cầm quyền.
Cho dù bĩ cực đến mấy, sức sống dân tộc Việt Nam vẫn rất tiềm ẩn, thể hiện đơn giản từ tình cảm mừng xuân mới về với thiên nhiên đang trở mình, và tình yêu thương nhau trỗi dậy.
Thái Bình, 5 Tết Giáp Ngọ
Lưu Hà Sĩ Tâm
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét