Tác giả : Trần Khải
Không dễ tí nào. Đặc biệt với trường hợp Việt Nam. Có nhiều lý do, nhưng cũng có lý do vì nhiều nhà kinh tế và nhà hoạt động công đoàn Hoa Kỳ không muốn như thế.
Có nên tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương? Nước Mỹ có lợi gì khi thúc đẩy ký kết hiệp định TPP?
Báo New York Times cho biết, nếu ký kết thành công, hiệp định TPP sẽ xóa bỏ hầu hết thuế quan còn lại trị giá gần 2 ngàn tỷ đô hàng hóa và dịch vụ trao đổi giữa Mỹ, Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Mã Lai, Mexico, Tân Tây Lan, Peru, Singapore và Việt Nam.
Hiệp định này thảo luận bí mật từ năm 2010, làm bực dọc nhiều thành phần trước giờ đã chống tự do mậu dịch, trong đó có công đoàn AFL-CIO, Public Citizen và Sierra Club.
Nhưng cũng bị chống đối vì kiểu họp mật ngay đối với các dân cử Cộng Hòa, và cả các giáo sư chuyên ngành thương mại thế giới.
Sự bí mật thương thuyết cũng gây lo ngại cho nhiều công ty nhỏ và vừa, khi nhìn thấy viễn ảnh hàng hóa sẽ vào Mỹ như thác lũ mà không có thuế quan chận bớt, và nhiều công ty Mỹ khó cạnh tranh khi hàng từ Châu Á vào với giá quá rẻ.
Nhưng phía Việt Nam bày tỏ mong muốn vào sớm.
Bản tin VOA hôm 5-2-2014 tưạ đề “VN mong ‘thông báo quan trọng về TPP’ khi ông Obama tới châu Á” trong đó cho biết:
“Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường mới nói như vậy tại một cuộc hội thảo nhận định về tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2014 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington DC.
Tin cho hay ông Obama sẽ công du tới một số nước châu Á vào tháng Tư tới đây, và nhà ngoại giao của Việt Nam đánh giá đây là chuyến thăm ‘hết sức quan trọng’, cho thấy sự chú tâm của Washington dành cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Đại sứ Việt Nam bày tỏ hy vọng về một điểm mà phía Hà Nội đã vận động ráo riết thời gian qua, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (tức TPP).
Ông nói: “Khi Tổng thống Obama tới thăm khu vực vào tháng Tư tới, chúng tôi kỳ vọng rằng sẽ có thông báo quan trọng về TPP. Phía Việt Nam chúng tôi muốn làm việc với Mỹ và các đối tác TPP khác để hoàn tất TPP sớm nhất có thể”.
Trong khi đó, mới đây, lãnh đạo khối chiếm đa số thuộc phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, ông Harry Reid, cho biết ông phản đối dự luật liên quan tới TPP.
Có nhận định cho rằng dự luật liên quan, được đưa ra Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng Một, ‘sẽ không đi tới đâu’.
Nhiều người trong chính đảng Dân chủ của ông Obama cũng cùng với các liên đoàn lao động Mỹ phản đối việc hạ thấp rào cản thương mại vì họ cho rằng nó sẽ gây ra tình trạng mất việc làm do tình trạng cạnh tranh gia tăng.
Một số nhà hoạt động có tiếng nói trái chiều với Hà Nội thời gian qua cũng lên tiếng kêu gọi Mỹ dùng TPP để gây áp lực yêu cầu Việt Nam chấm dứt các vụ vi phạm nhân quyền.
Trong một bài mới đăng trên tờ The Hill của Quốc hội Mỹ, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường viết rằng các cuộc đàm phán về TPP đang ‘tiến triển’.
“Tiến bộ sẽ tăng tốc chừng nào hai nước chúng ta tiếp tục nhận thức được các quyền lợi chung về các vấn đề kinh tế, môi trường và an ninh trong khi thấu hiểu các quan ngại của nhau về nhân quyền”, ông Cường viết.
Hiện có 12 nước đang tham gia đàm phán về TPP, trong đó có Việt Nam và Mỹ, chiếm tới 40% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu…”(hết trích)
Tất nhiên, lợi ích cho Việt Nam là thấy rõ, tuy rằng ông Đại sứ CSVN không nói minh bạch: Việt Nam với PP sẽ bớt lệ thuộc thương mại với Trung Quốc.
Dĩ nhiên, ông Cường không nói thằng được như thế, vì như thế có thể bị hiểu là “hai lòng” với Phương Bắc, và cũng cụ thể là ôm chân Mỹ, xỉ vả Tàu…
Nhưng, TT Obama sẽ tặng quà TPP cho VN vào tháng 4 phải không? Có vẻ như ông đại sứ hơi lạc quan.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Khải trong bài viết trên Mạch Sống, tựa đề “Việt Nam Khó Được Vào TPP vì Vi Phạm Quyền Lao Động Quốc Tế Căn bản,” trong đó ông đưa ra nhận định:
“…Những vấn đề chính của TPP bao gồm quyền lao động, đầu tư, thu mua hàng hóa và dịch vụ của chánh phủ, dược phẩm và nông phẩm. Quyền lao động đứng hàng đầu, một vấn đề giản dị đối với những nước văn minh, nhưng xem ra gai góc đối với Việt Nam. Giữa một nước giầu và tiên tiến nhất là Hoa Kỳ và một nước nghèo và chậm tiến nhất là Việt Nam, đương nhiên có sự xung khắc mạnh mẽ về vấn đề lao động…
…DB George Miller, một thành viên cao cấp của Ủy Ban Giáo Dục và Nhân Lực (Committee on Education and the Workforce) của Hạ Viện Hoa Kỳ đã gửi thư vào tháng 7, 2013 cho Đại Sứ Michael Froman, Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ, nhân dịp Chủ Tịch Nhà Nước Trương Tấn Sang viếng thăm Hoa Kỳ. Trong lá thư này Ông Miller tố cáo rằng Việt Nam không tôn trọng quyền tự do lập hội, quyền thương lượng tập thể, cưỡng bách lao động và sử dụng lao động trẻ em. Ông cũng yêu cầu Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ ước định xem Việt Nam có thể thi hành bổn phận về lao động hay không nếu hiệp định TPP được ký kết. Nếu quá khó khăn để định lượng một vấn đề còn đang trong vòng thương thuyết, Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ làm một cuộc khảo sát tương tự về việc Việt Nam thi hành những luật lệ về lao động trong khuôn khổ Hiệp Định Thương Mại Song phương Mỹ Việt ký ngày 10-5-2007.
Tiếng nói từ những tổ chức lao động Hoa Kỳ
Hành pháp Hoa Kỳ còn chịu nhiều áp lực của các tổ chức lao động Hoa Kỳ. Tổng Liên Doàn Lao Động Hoa Kỳ (American Federation of Labor and Congress of Industrial Organizations viết tắt là AFL-CIO), môt trong những tổ chức lao động lớn nhất ở Hoa Kỳ, bao gồm 56 công đoàn với 12.5 triệu đoàn viên, tố cáo rằng chương Lao Động của thỏa ước TPP đã không đề cập tới những tiêu chuẩn lao động cốt lõi của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế và cũng không hề nói những điều lệ lao động có thể buộc thi hành được hay không. AFL-CIO tuyên bố tiếp rằng AFL-CIO đã tranh đấu cam go để thiết lập được một chương mạnh mẽ về lao động trong thỏa ước TPP hầu bảo đảm rằng công nhân của bất cứ một quốc gia nào trong TPP, kể cả Việt Nam, có thể sử dụng những quyền căn bản như quyền lập hội và quyền thương thuyết tập thể…” (hết trích)
Như thế, trở ngại chính là ở thể chế… Vì có thể đoán rằng, Hà Nội sẽ không bao giờ cho lập công đoàn tự do.
Một bài viết của GS Trần Văn Thọ trên tờ Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần tựa đề “Việt Nam: Giấc mơ thành quốc gia thượng đẳng?” đã ghi nhận:
“…Hàn Quốc lúc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1953) là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhiều người dân phải gọt vỏ thông luộc ăn cho đỡ đói. Nhưng chỉ 43 năm sau họ phát triển thành nước thu nhập cao và trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thường được gọi là câu lạc bộ của các nước giàu. Vị thế của họ sau đó cũng tăng nhanh như ta đã thấy.
Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác đã làm được những kỳ tích trong phát triển, biến đất nước thành quốc gia thượng đẳng, đưa lại vinh dự, tự hào cho dân tộc. Chẳng lẽ Việt Nam cam chịu là một đất nước đông dân nhưng chỉ phát triển với tốc độ trung bình như hiện nay? Gần đây những dự báo về kinh tế ASEAN của Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) hay của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng Việt Nam sẽ phát triển ở tốc độ cao hơn nhiều nước trong khối (chỉ vì là nước đi sau nên dễ phát triển với tốc độ cao hơn). Nhưng vì trình độ phát triển hiện nay quá thấp nên vị trí của Việt Nam trong tương lai không thay đổi bao nhiêu. Theo ADB, từ nay đến năm 2030, Việt Nam phát triển trung bình 7,2%, và GDP vào năm 2030 là 416 tỉ USD, chỉ bằng 40% của Thái Lan, 17% của Indonesia và nhỏ hơn Malaysia và Philippines. Dự báo này dựa trên tiền đề không có những cải cách lớn về thể chế…”(hết trích)
Nghĩa là, nếu không đổi thể chế, VN vào năm 2030 sẽ thua cả Malaysia và Philippines.
Vậy thì, TPP có giúp gì cho giấc mơ thượng đẳng? Hay chỉ là vuót ve để dân an tâm nằm mơ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét