Pages

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

Trung Quốc gom vàng trên thế giới làm giá tăng trở lại

Vàng bày bán tại một cửa hảng ở Zurich, Thụy Sĩ.  Reuters
Trọng Nghĩa
Báo cáo thường niên của Viện Thẩm kế – Cour des comptes – tức là định chế kiểm toán tối cao tại Pháp – công bố hôm qua dĩ nhiên đã trở thành chủ đề nổi bật trên trang nhất các tờ báo xuất bản hôm nay, 12/02/2014. Sự kiện này đã đẩy lùi chuyến công du nước Mỹ của Tổng thống Pháp xuống hàng thứ hai, cho dù vẫn tiếp tục được bình luận rộng rãi. Riêng về châu Á, việc Trung Quốc mua vàng ồ ạt, đội giá lên cao có lẽ là đề tài nổi bật.

Ở trang Tài chánh và Thị trường, nhật báo kinh tế Les Echos đã chạy một tựa lớn trải rộng trên 2/3 chiều ngang trang báo : « Trung Quốc đẩy lại giá vàng, lên mức cao nhất từ 3 tháng nay ». Đồng nghiệp của Les Echos là Le Figaro thì ghi nhận ở trang kinh tế : « Khi việc Trung Quốc ‘đổ xô’ đi tìm vàng gây lo ngại ».
Theo Les Echos, sau khi bị sụp gần 30% vào năm ngoái, điều chưa từng thấy kể từ năm 1981, giá một lượng (once) vàng đã tăng 7% từ tháng Giêng đầu năm đến nay, một xu hướng được Trung Quốc nuôi dưỡng bằng hành động thu mua đều đặn.
Phân tích tình hình, tờ báo cho là vì các thị trường chứng khoán không mấy hấp dẫn, kinh tế các quốc gia đang trỗi dậy gây lo ngại, cho nên vàng khởi sắc trở lại. Một ví dụ cụ thể, hôm qua 11/02, trên thị trường Luân Đôn giá một ounce vàng đã chạm ngưỡng 1.290 đô la, mức cao nhất từ ba tháng nay.
Báo kinh tế Pháp trích dẫn chuyên gia ngân hàng Citigroup, cho là thị trường vàng gần đây đã chuyển biến, với giới giao dịch chú tâm đến sức khỏe các quốc gia đang trỗi dậy và Trung Quốc, hơn là tình trạng thị trường lao động Mỹ và chính sách tài chính Hoa Kỳ. Thị trường kim loại quý giá hiện nay đang dán mắt vào Trung Quốc, nước đã lao vào mua trở lại sau thời gian nghỉ Tết.
Theo Les Echos, trích số liệu Hiệp hội vàng Trung Quốc, vào năm ngoái, nước này đã thu mua 1.176 tấn vàng, tăng 41% so với 2012. Tờ báo còn nêu chi tiết : 717 tấn là nữ trang, 376 tấn là vàng dùng để đầu tư, 49 tấn dùng trong công nghiệp, 35 tấn cho những sử dụng khác.
Tờ báo cho là số liệu trên không bao gồm các vụ thu mua của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mà giới quan sát cho là rất năng nổ.
Theo giới phân tích, vấn đề là nếu Trung Quốc tiếp tục đi mua sắm như thế thì các quỹ đầu cơ sẽ đánh cược trên giá vàng tăng, trong lúc mà vào năm ngoái họ đã rời bỏ thị trường này để bỏ tiền vào các cổ phiếu béo bở hơn.
Quan ngại nẩy sinh từ việc Trung Quốc gom vàng
Dưới tựa đề « Khi nạn chạy đua tìm vàng của Trung Quốc gây lo ngại » ở mục ‘câu chuyện trong ngày’ trang kinh tế, Le Figaro đã thử tìm hiểu các lý do khiến Trung Quốc tung tiền mua vàng làm giá kim loại này tăng vọt.
Mở đầu bài viết tác giả nhận thấy Trung Quốc hùng mạnh luôn luôn làm cho người khác vừa thán phục, vừa nghi kỵ. Việc Trung Quốc mua vàng ồ ạt trong những tháng qua không ra khỏi nguyên tắc này. Theo số liệu chính thức của Hiệp hội vàng Trung Quốc, lượng vàng mua đã tăng 41,36% vào năm 2013, lên mức 1176 tấn.
Trung Quốc như thế đã đoạt ngôi vị nước đứng đầu thế giới trong việc mua vàng của Ấn Độ. Tuy nhiên, cũng phải công nhận là Ấn Độ năm ngoái đã giới hạn việc nhập vàng để giảm thâm thủng. Trung Quốc đã tranh thủ việc giá vàng đang giảm để lao vào mua vàng thỏi và nhất là nữ trang.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, việc người dân Trung Quốc ưa chuộng nhẫn hay dây chuyền vàng đang rẻ hơn, như Tân Hoa Xã đã nêu, không giải thích hết việc Bắc Kinh thu mua vàng, vì chính Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là nguồn thu mua phần lớn số vàng, và định chế này đã không thông báo về số lượng vàng cất giữ từ 5 năm nay.
Chính sự không rõ ràng này đã gây thắc mắc, ‘nghi kỵ’ đối với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc : Phải chăng Ngân hàng đang muốn tạo ra kho dự trữ vàng to lớn để thực hiện giấc mơ đưa đồng yuan và vàng lên thành những « chủ nhân » mới của hệ thống tiền tệ quốc tế.
Le Figaro trích báo South China Morning Post tại Hồng Kông, đã trấn an về mối lo ngại nói trên : Theo tính toán của tờ báo, do giá vàng tuột giảm, việc mua vàng ồ ạt chỉ cho phép Ngân hàng Trung ương Trung Quốc duy trì giá trị phần vàng của mình ở mức 3% trong trữ lượng ngoại tệ khổng lồ của nước này.
Viện Thẩm kế Pháp : Chính phủ phải cắt thêm chi phí xã hội !
Về bản phúc trình của Viện Thẩm kế, hầu như tất cả các báo đều nhấn mạnh đến khuyến cáo của định chế kiểm toán quốc gia này, yêu cầu chính phủ phải nhanh chóng giảm bớt chi tiêu công.
Báo Le Monde nhận thấy trong hàng tựa trang nhất là « Viện Thẩm kế mời ông Hollande (tức Tổng thống Pháp) giảm bớt các chi tiêu cho vấn đề xã hội ». Tờ báo Cộng sản L’Humanité cũng chú ý đến khuyến cáo đó, nhưng lại đánh giá rằng đó là những đề nghị « bất công ». Tờ báo tố cáo định chế này là tiếp đòi chính phủ cắt xén ngày càng nhiều trong các khoản chi tiêu công, mà đối tượng bị nhắm tới là Quỹ Bảo hiểm Xã hội (gọi nôm na theo tiếng Pháp là la Secu) và Ngân sách của các chính quyền địa phương.
Đối với nhật báo cánh hữu Le Figaro, bản báo cáo của Viện Thẩm kế thể hiện một mối lo ngại cho tương lại nước Pháp. Trong tựa lớn trang nhất, Le Figaro ghi nhận « Viện Thẩm kế lo ngại một sự chệch hướng mới ». Tờ báo giải thích : « Các bậc hiền triết (cách gọi thành viên trong các định chế như Viện Thẩm kế) thẩm định rằng do tăng trưởng yếu kém và việc ước tính quá cao mức thuế thu được, ngân sách Pháp năm 2014 có thể thâm thủng thêm từ 3 đến 6 tỷ euro.
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng cùng quan điểm khi cho biết trong hàng tựa « Thiếu hụt ngân sách, tiết kiệm : Viện Thẩm kế chỉ trích chính phủ ». Les Echos nhấn mạnh rằng định chế này xét thấy là « quá lạc quan » các dự báo về thu nhập của chính phủ cũng như về các chi tiêu cắt giảm được.
Tàu sân bay ma Pháp-Anh : Một ca lãng phí điển hình
Lý thú nhất trong các bản phúc trình thường niên của Viện Thẩm kế là các vụ lãng phí có thể gọi là « tày đình », nhưng ít được biết đến. Ví dụ điển hình của nạn lãng phí được nêu bật trong báo cáo năm nay là vụ có thể gọi là « chiếc tàu sân bay ma » của quân đội Pháp, đã khiến cho công quỹ Pháp mất trắng gần 300 triệu euro.
Theo Libération, đó là kế hoạch đóng một chiếc hàng không mẫu hạm hạt nhân thứ hai cho quân đội Pháp, chính thức khởi động vào năm 2005, nhưng đã bị gác qua một bên vào năm 2008, sau khi đã lãng phí của Nhà nước khoảng 196 triệu euros tiền mua các công trình nghiên cứu hoàn toàn không dùng được.
Không chỉ thế, Viện Thẩm kế đặc biệt phê bình chính phủ Pháp là đã đặt cược trên một sự hợp tác với Anh Quốc trong việc chế tạo chiếc tàu sân bay này. Thái độ tin tưởng trên đây được biểu thị qua một hợp đồng trị giá 103 triệu euro, cho phép phía Pháp tham khảo các công trình nghiên cứu của Anh. Vấn đề là chính phủ cứ khăng khăng theo hướng đó cho dù thực tế đã sớm cho thấy là họp tác Pháp Anh trong địa hạt này tất yếu thất bại.
Nhà báo Pháp bị Nhà Trắng coi là vô kỷ luật !
Như nói ở trên, bản báo cáo của Viện Thẩm kế đã đẩy lùi chuyến công du nước Mỹ của Tổng thống Pháp François Hollande xuống vị trí thứ hai được báo Pháp hôm nay theo dõi.
Các báo vẫn tiếp tục nói nhiều về quan hệ thân hữu Pháp Mỹ được cả hai Tổng thống Obama và Hollande biểu thị dưới mọi hình thức, điều đã được báo Le Figaro tóm lược trong hàng tựa : « Hollande và Obama hiển thị một sự hòa thuận hoàn hảo ».
Các báo cũng tập trung sự chú ý đến vùng thung lũng Silicon Valley ở California, nới nằm trong chương trình công du Hoa Kỳ của Tổng thống Hollande. Và lẽ dĩ nhiên là các báo đã đặc biệt chú ý đến số người Pháp, khá đông, đang làm việc tại cái nôi của nền công nghệ học tiên tiến này. Đối với nhật báo Công giáo La Croix, không còn hồ nghi gì cả : « Thung lũng Silicon Valley là giấc mơ của Pháp ».
Lẽ dĩ nhiên, buổi đại yến để chào mừng Tổng thống Pháp vào tối qua đã được báo giới Pháp kể lại tường tận. Chắng hạn như Le Figaro đã tiết lộ là trong số các món tráng miệng, có cả loại kẹo bông (barbe à papa) bình thường mà trẻ em rất ưa thích.
Tuy nhiên, yếu tố làm cho nhật báo Libération hơi phiền là một số đặc phái viên được các phương tiện truyền thông lớn của Pháp cử đi theo Tổng thống Pháp qua Mỹ lại có một số biểu hiện không thích hợp.
Trên internet từ tối hôm qua, đã nở rộ những tấm hình « tự chụp », từ gốc tiếng Anh là selfies, chỉ loại chân dung mà tác giả tự chụp bằng điện thoại di động.
Libération ghi nhận : « Cả nữ phóng viên của đài truyền hình TF1, lẫn ký giả của báo Le Monde đều không cưỡng lại được sự cám dỗ của việc tự chụp mình trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, với nền ảnh là các nguyên thủ Nhà nước… Các nhân viên bảo vệ an ninh có vẻ không mấy chấp nhận các hành động này, trong lúc nhiều đồng nghiệp Mỹ cũng thấy chướng ».
Kết quả là, theo Libération, các nhà báo Pháp bị tố cáo là hành xử như là các khách du lịch quậy và đã bị Nhà Trắng nhắc nhở.

Không có nhận xét nào: