Trong quá khứ đã từng có những tư tưởng mà hệ quả làm chấn động cả trái đất. Những tư tưởng này xác định hướng đi của lịch sử.
Hệ thống phong kiến đã hiện hữu cả hàng ngàn năm một phần lớn vì những học giả, giáo sư, trí thức, giới tăng lữ, nhà giáo dục và chính trị gia đã phổ biến những tư tưởng phong kiến. Câu nói "Con sãi ở chùa lại quét lá đa" đã khiến cho hàng triệu người không dám nghĩ đến việc đặt lại vấn đề này.
Dưới hệ thống [kinh tế] trọng thương, một khái niệm được nhiều người chấp nhận là của cải của thế giới chỉ có giới hạn, đã khiến người ta chiếm đoạt lấy từ những người khác những gì họ muốn trong không biết bao là cuộc chiến đẫm máu.
Sự ấn hành tác phẩm Quốc Phú của Adam Smith năm 1776 là một dấu ấn trong lịch sử về sức mạnh của tư tưởng. Khi thông điệp của Smith về tự do mậu dịch được phổ biến, những hàng rào chính trị ngăn cản sự hợp tác hòa bình bị sụp đổ, và hầu như cả thế giới đã quyết định thử nghiệm tư tưởng tự do.
Marx và những người theo Marx muốn cho ta tin rằng chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu, là một chủ nghĩa chắc chắn sẽ bao trùm cả thế giới như mặt trời mọc lên từ hướng đông. Tuy nhiên, khi người ta có ý chí tự do (có đủ sức mạnh để chọn lựa giữa cái phải và trái), thì không có điều gì liên quan đến cái ý chí này có thể được xem là tất yếu! Nếu chủ nghĩa xã hội có xảy ra, đó là vì người ta chọn và chấp nhận nó.
Chủ nghĩa xã hội là một sự thất bại từ lâu đời rồi, tuy thế, tư tưởng xã hội tiếp tục là một mối đe dọa chính cho tự do ngày hôm nay. Theo thiển ý, chủ nghĩa xã hội có thể được phân tích thành năm ý tưởng.
1. Hội chứng dùng Đạo luật
Thông qua những đạo luật đã trở thành một thú tiêu khiển toàn quốc. Một thương nghiệp bị trở ngại ư? Hãy thông qua một đạo luật để trợ cấp cho công chúng hay giới hạn sự tự do hoạt động của thương nghiệp đó. Nạn nghèo đói ư? Thông qua một đạo luật để hủy bỏ nạn nghèo đói. Có lẽ nước Mỹ cần một đạo luật cấm không cho thông qua thêm nhiều đạo luật như vậy.
Hầu như bao giờ cũng vậy một đạo luật mới có nghĩa là: (1) tăng thuế để trả cho bộ máy điều hành; (b) thuê thêm viên chức chính quyền để điều hành cái khía cạnh của đời sống mà trước nay không bị hạn chế; và (c) những hình phạt mới khi vi phạm đạo luật mới. Nói tóm lại, càng nhiều đạo luật có nghĩa là càng có thêm nhiều sự phân biệt, nhiều sự cưỡng bách. Ta nên hiểu rõ từ cưỡng bức có những ý nghĩa như sau: sức mạnh, cưỡng đoạt, ép buộc, hạn chế. Những chữ đồng nghĩa của động từ cưỡng bách có lẽ dễ cho ta hình dung hơn là: ép buộc, đòi hỏi, bắt phục tùng, bắt lính, tống tiền, tịch thu, đàn áp bằng khủng bố, đàn áp bằng gậy gộc, và đòi tiền hối lộ.
Khi chính quyền bắt đầu xen vào nền kinh tế tự do, quan lại và chính trị gia tiêu tốn hầu như toàn bộ thì giờ của họ để "sửa sai" những công trình mà họ đã làm ra. Để sửa những thiệt hại của Đạo luật A, họ thông qua Đạo luật B. khi thấy B cần phải được sửa đổi, họ thông qua Đạo luật C, và để sửa C, họ cần D, và cứ thế tiếp tục cho hết bảng chữ cái và sự tự do của ta cũng cạn kiệt.
Hội chứng dùng Đạo luật là thí dụ điển hình cho sự tin tưởng bị đặt sai chỗ trong tiến trình chính trị, một biện pháp dựa trên sức mạnh, tức là một phản đề đáng nguyền rủa của xã hội tự do.
2. Ảo tưởng Nhận được trợ cấp Chính quyền
Chính quyền, theo định nghĩa không có gì để phân phối ngoại trừ những gì nó thu được từ nhân dân lúc ban đầu. [Phải nhớ là] Tiền thuế không phải là tiền quyên góp của dân.
Trong một nhà nước phúc lợi[1], điều cơ bản này thường bị quên lãng vì những sự ưu đãi đặc biệt hay tặng phẩm của nhà nước. Người ta thường nói đến "tiền nhà nước" như thể đó là "tiền chùa".
Kẻ nào mà nghĩ rằng mình đang nhận được điều gì đó từ chính quyền, những điều mà họ không thể tự mình kiếm được nên tự đặt câu hỏi, "Cái này lấy từ túi của ai đây? Có phải tôi đang bị cướp để trả cho món trợ cấp này hay chính quyền đang cướp của ai để trả cho tôi?"Thông thường câu trả lời là cả hai.
Những kết quả chung cục của "ảo tưởng" này là mọi người trong xã hội đều thọc tay vào túi của người khác.
Vấn đề của Người khác
3. Chứng rối loạn thần kinh - Đổ Lỗi
Gần đây một người nhận trợ cấp xã hội viết thơ cho nhân viên xã hội và đòi hỏi: "Đây là đứa con thứ sáu của tôi. Ông có làm cái gì không đi chứ?"
Một người trở thành nạn nhân của bệnh thần kinh Đổ Lỗi khi người đó từ bỏ trách nhiệm là chính mình phải giải quyết vấn nạn của mình. Người đó có thể nói: "Những vấn nạn của tôi thực ra không phải là của tôi, mà là những vấn nạn của xã hội, và nếu xã hội không giải quyết thật lẹ, thì sẽ có chuyện với tôi!"
Chủ nghĩa xã hội phát triển mạnh nhờ vào sự trốn tránh trách nhiệm [của người dân]. Khi người ta mất đi tinh thần độc lập, sáng tạo, và tự tin nơi chính họ, họ trở thành hòn đất sét để cho bạo chúa và độc tài muốn nhồi nắn như thế nào thì làm.
4. Bệnh Thông Thái
Leonard Read, trong cuốn sách Thị trường Tự do và Kẻ thù của nó, đã nhận dạng ra "sự thông thái" (cái gì cũng biết) là điểm đặc trưng của tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Kẻ thông thái là người xía vào công việc của người khác. Y tỏ thái độ với người khác như thế này: "Tôi biết điều gì là tốt nhất cho anh, nhưng tôi không chỉ hài lòng với việc thuyết phục anh về sự đúng đắn của tôi; tôi muốn bắt anh phải chấp nhận phương cách của tôi." Kẻ thông thái kiểu này tỏ lộ thái độ kiêu ngạo và không dung thứ cho những sự khác biệt lớn lao giữa người với người với nhau.
Trong chính quyền kẻ thông thái vẫn thường có cái điệp khúc này: "Nếu tôi không nghĩ đến chuyện đó, thì chuyện đó không thể làm được, và vì nó không thể thực hiện được, chúng ta phải ngăn cản những kẻ nào đang muốn tìm cách thử." Có một nhóm thương gia ở Bờ biển Phía Tây nước Mỹ gặp phải vấn nạn khi yêu cầu-được điều hành dịch vụ chở hàng bằng phà từ những tiểu bang phía Tây bắc Thái-bình-dương xuống miền Nam California-của họ bị từ chối bởi cái Ủy ban Thương mại Liên tiểu bang (ủy ban này nay đã bị dẹp tiệm) vì cơ quan này cảm thấy rằng nhóm thương gia này không thể điều hành một dịch vụ như vậy mà có lời.
Sự mầu nhiệm của thị trường là khi người ta được tự do để thử nghiệm, họ có thể và thực hiện được nhiều điều vĩ đại. Sự cảnh báo mạnh mẽ mà ai cũng biết của Read: "không có ai được chế biến ra những điều gì làm ngăn trở sự giải phóng năng lực sáng tạo" là sự phản bác mạnh mẽ đối với căn Bệnh Thông Thái
5. Nỗi Ám ảnh Ganh tị
Thèm muốn tài sản và lợi tức của người khác đã khiến cho xã hội ngày nay có cả đống những luật lệ theo xã hội chủ nghĩa. Sự ganh tị là nhiên liệu thúc đẩy bộ máy tái phân phối. Ta thấy rõ ràng là những mưu chước lấy của nhà giàu xuất phát từ sự ganh tị và thèm muốn.
Chuyện gì sẽ xảy ra khi người ta bị sự ganh tị ám ảnh? Họ tìm cách đổ lỗi về những điều khó khăn trong đời họ cho những người khá hơn. Xã hội bị nứt rạn thành những giai cấp và nhóm này coi những nhóm khác là những con mồi cần bị thanh toán. Những nền văn minh mà ta biết đã sụp đổ dưới gánh nặng của ganh tị và thái độ xem thường tài sản của người khác mà sự ganh tị này mang theo.
Có một sợi chỉ chung xuyên suốt năm tư tưởng xã hội chủ nghĩa này. Đó là, tất cả đều khơi dậy phần đen tối hơn của con người-sơ khai, không có sự sáng tạo, lười biếng, lệ thuộc, phi đạo đức, phi sản xuất, và phần phá hoại của bản năng con người. Không một xã hội nào có thể tồn tại lâu dài được nếu người dân của xã hội đó thực hành những ý tưởng tự hủy diệt như vậy.
Hãy xem xét triết lý tự do. Đó là một triết lý hướng thượng, tái tạo, khích lệ, sáng tạo, đấy phấn khích. Triết lý này khơi dậy và dựa vào những phẩm chất cao hơn của bản năng con người như tự túc, trách nhiệm cá nhân, sáng kiến cá nhân, tôn trọng tài sản của kẻ khác, và tự nguyện hợp tác với nhau.
Kết quả của cuộc tranh đấu giữa tự do và tôi đòi hoàn toàn tùy thuộc vào những điều đã ngấm vào tâm trí và tình cảm của con người. Cho đến nay, bồi thẩm đoàn vẫn còn đang cân nhắc xem xã hội sẽ nghiêng về hướng nào.
Lawrence W. Reed
© Theo Học Viện Công Dân
[1] Nhà nước phúc lợi (welfare state) là một khái niệm về chính quyền trong đó nhà nước "chăm lo" mọi sự cho người dân về phương diện xã hội, y tế, và chính trị. Khái niệm này đặt trên căn bản ‘bình đẳng về cơ hội," "phân phối tài sản đồng đều cho toàn dân."
Nguồn: Liberty and the Power of Ideas - Lawrence W. Reed, The Freeman
Lawrence W. ("Larry") Reed làm chủ tịch của Tổ chức Giáo dục Kinh tế (Foundation for Economic Education-FEE) năm 2008. Trước đó Larry là người sáng lập và chủ tịch-trong 20 năm-của Trung tâm Mackinac về Chính sách Công tại Midland, bang Michigan. Ông cùng từng dạy toàn thời gian môn Kinh tế học và là Chủ nhiệm Phân khoa Kinh tế tại Viện Đại học Northwood ở Michigan từ 1977 đến 1984.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét