Pages

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

TPP còn nhiều trở ngại

Trong bối cảnh quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn còn gặp nhiều trở ngại, đặc biệt khi các nước tham gia bỏ lỡ lần lượt 3 thời hạn kết thúc đàm phán, nhiều chuyên gia đã bày tỏ hoài nghi về triển vọng các nước tiến tới ký kết nhằm đưa TPP trở thành một hiệp định toàn diện của thế kỷ 21.

TPP

Theo mạng tin "Diễn đàn Đông Á", một nguyên nhân giải thích cho sự chậm trễ trong việc hoàn thành TPP là thành phần tham gia đàm phán quá đa dạng. Không giống với các hiệp định hợp tác đa phương, TPP trải rộng về địa lý, với độ phủ sóng gồm hai nền kinh tế đứng đầu và đứng thứ 3 thế giới (Mỹ và Nhật Bản) cùng các nước phát triển năng động của châu Á, Bắc và Nam Mỹ. Bên cạnh đó, các nước này còn đa dạng về kinh tế. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của Australia đang gấp khoảng 40 lần thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam. Nền kinh tế Mỹ có quy mô lớn gấp 1.000 lần so với của Brunei. Các chuyên gia cho rằng chính những sự đa dạng này khiến cho các bên khó tìm được cơ sở và nguyên tắc chung khi thương lượng.

Nguyên nhân thứ hai là các nước tham gia đàm phán TPP đưa ra một chương trình nghị sự quá lớn, khiến việc tìm được tiếng nói chung là hết sức khó khăn. Hơn nữa, cái lợi lớn nhất đối với các nước tham gia đàm phán được cho là khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn của Mỹ. Tuy nhiên, hơn một nửa số nước thành viên đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ và những nước còn lại đang trong quá trình hoàn tất. Chính vì vậy, mối lợi trở nên nhỏ hơn khiến động cơ ký kết TPP dường như cũng giảm sút.

Mặt khác, giữa các thành viên tham gia đàm phán cũng tồn tại bất đồng về các chính sách của mỗi nước. Đơn cử như chính sách về tiêu chuẩn lao động và môi trường, vốn bị xem là công cụ bảo hộ và làm giảm sức cạnh tranh giữa các nước. Trong khi đó, Mỹ là nước duy nhất quan ngại về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với nhà nước, cho phép các tập đoàn kiện các chính phủ, hay các điều khoản về thao túng tiền tệ.

Trước thực tế này, các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại tinh thần ban đầu của TPP đang suy yếu và có nguy cơ trở thành một loạt các thỏa thuận song phương, với thỏa thuận Mỹ-Nhật là cốt lõi. Theo họ, nếu TPP bị hoãn lại vô thời hạn, hoặc nếu được hoàn thành với vô số ngoại lệ, hiệp định này sẽ cần có các điều khoản phục vụ lợi ích của các thành viên.

Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005, hiện nay có sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Một khi được ký kết, hiệp định này sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
 
   P. Thùy


( Hải Quan )

Không có nhận xét nào: