Pages

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Liên Sơn - Báo Nhân Dân và HR.4254: Đơn giản đó là sự tự do

(VNTB) - Ngày 12/08/2014, Hội đồng Tp Garden Grove (Hoa Kỳ) bỏ phiếu thông qua Dự luật HR.4254 về “Chế tài nhân quyền Việt Nam”.

Ngày 16/08/2014, hai nhà báo Mĩ gốc Việt là James Du, Lê Vũ đã trao đổi thẳng-thắn về vấn đề này.

nhà báo James Du & Lê Vũ

Ngày 21/08, báo Nhân Dân điện tử cho trích lược và đăng tải.

Thực tình mà nói, 2/3 “trích lược” trao đổi đó là đúng. 1/3 còn lại thì xin trao đổi lại như sau:

Bầu cho ai quan tâm đến nhân quyền VN

Việc thông qua Dự luật HR.4254 tại Tp. Garden Grove hay những thành phố có cộng đồng người Việt sinh sống đúng là vẫn mang tính lấy lá phiếu (nhất là khi vào mùa bầu cử). Nhất là khi các chính trị gia nắm được đặc trưng cộng đồng, nguyện vọng hoặc xu hướng của cộng đồng.



Nhưng liệu vấn đề “Phục hận – tháng 4 đen” sau 40 năm có còn là chủ đề chính tại các buổi tiệc của cộng đồng người Việt tại Mĩ nói chung và Tp. Garden Grove nói riêng hay không?

Đó là một câu trả lời khó, trừ khi có một cuộc thăm dò đối với cư dân Việt tại thành phố này. Tuy nhiên, việc lá cờ vàng hiện hữu trong đời sống cộng đồng người Việt thường được xét một cách cứng nhắc là vấn đề “Quốc – Cộng” mà không đề cập đến ý nghĩa lá cờ đó sau 40 năm, và thế hệ F1, F2, F3 người Việt tại Mĩ.

Nếu nghĩ ngược lại, sau 40 năm, lá cờ vàng và thế hệ người Việt sinh sau, cũng như thế hệ di cư theo diện IR1/CR1; IR3; IR5; K1; K3; F4; E5 sẽ không quá đặt nặng về vấn đề “phục hận”, mà thay vào đó là ưu tiên các vấn đề tại tiểu bang họ đang sinh sống. Nhìn về Việt Nam thì ưu tiên hai chữ Nhân quyền, vì chính là họ nhận thấy sự bất ổn của nhân quyền Việt Nam đang liên đới đến gia đình hoặc chính bản thân họ.

Điều này không hẳn vô lý khi bản thân được hưởng thụ đầy đủ điều đó tại Hoa Kì, một mặt họ còn có người thân ruột thịt nơi quê nhà. Con số 2 tỉ USD kiều hối về TP. Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2014 (tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái) không phải là không có lý do của nó.

Một ví dụ về vấn đề tại sao người Việt trong và ngoài nước quan tâm đến Nhân Quyền Việt Nam nhiều đến vậy. Thử gõ từ khóa “tự tử trong đồn công an” sẽ có 1.090.000 kết quả (0,42 giây), trong đó đa phần báo trong nước đưa tin.

Những người “tự tử vì hối lỗi” đó có thể là bất cứ thân nhân nào của người Việt ở Mĩ. Đó là hệ quả của nền “nhân quyền kiểu Việt Nam”. Chính vì vậy, nhân quyền không những là mối quan tâm riêng của người Việt Nam trong nước nữa mà còn cả cộng đồng người Việt ở Mĩ.

Nhất là khi những quyền này dù được ghi nhận từ Hiến pháp năm 1946 cho đến Hiến pháp 2013, nhưng thực tế là nó đang bị “án treo”.

Giám sát viên Janet Nguyễn họp báo giới thiệu dự luật nhân quyền HR 4254

Do đó, việc dồn phiếu cho một chính trị gia nào đó tại Mĩ đang có xu hướng hoặc đã-đang-sẽ quan tâm đến tình hình nhân quyền (như bà Loretta Sanchez, Ed Royce, Chris Smith,) nên được trân trọng. Dù bà có “tà ý” kiếm phiếu hay gì gì đó, nhưng việc bà xông xáo vào Việt Nam để tìm hiểu cũng nên cho là điều đáng mừng vì ít nhất bà ấy đã không đi ngược lại với lá phiếu của người Việt.

Và người Việt ở Mĩ tiếp tục bầu cho ai quan tâm đến nhân quyền Việt Nam (bên cạnh quan tâm các vấn đề tại tiểu bang mà họ đang sinh sống) lại càng đáng mừng hơn, vì họ không quên người thân – họ hàng – quê cha đất tổ. Và đó là quyền lựa chọn của họ, quyền được dùng lá phiếu để nói lên yêu cầu – nhu cầu của mình. Một quyền mà người Việt trong nước vẫn đang khao khát mong có được.
Vấn đề còn lại là cộng đồng người Việt nên chọn chính trị gia nào nói thật làm thật, và tránh việc lá phiếu của mình rơi vào những kẻ đầu cơ chính trị. Ngoài sự tự kiểm định của mỗi công dân Mĩ gốc Việt thì các báo Việt tại Mĩ cũng nên có phần trách nhiệm tham gia, trong đó có cả hai nhà báo Mĩ gốc Việt là James Du, Lê Vũ.

Ngôn ngữ ảo diệu của ngoại giao Mĩ

Nhà báo James Du cho rằng: “Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam hay người tiền nhiệm luôn nói rằng, Việt Nam có tiến bộ về vấn đề nhân quyền, về tôn giáo”.

Thực tế thì các ngôn từ ngoại giao thì khá uyển chuyển, và nó càng uyển chuyển hơn đối với những đại sứ tại các nước. Không lạ khi có ông đại sứ hay người tiền nhiệm nói rằng “Việt Nam có tiến bộ về vấn đề nhân quyền, tôn giáo”.

Nó cũng không lạ như việc ông đại sứ Hoa Kì tại Việt Nam David Shear khi gặp cộng đồng Việt Nam tại tư gia bác sĩ Nguyễn Quốc Quân hôm 16/08/2013 đã “tái khẳng định”: Tình hình nhân quyền Việt Nam vẫn không có sự cải thiện nào đáng kể như sự mong đợi của Hoa Kì.

Còn người tiền nhiệm của ông – Đại sứ Michael Michalak - nhân ngày Quốc tế Nhân quyền (10/12/2010) đã có phát biểu tại Hà Nội, trong đó nhấn mạnh: Thật đáng tiếc là tiến bộ về nhân quyền trong ba năm tôi ở đây đã không đồng đều.

Còn Bộ Ngoại giao Hoa Kì thì năm nào cũng có Báo cáo về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Có lẽ hai nhà báo nên đọc qua, để xem thử ngôn ngữ ngoại giao ảo diệu như thế nào?

Chỉ số hạnh phúc cho báo chí VN: Bật cười!

Vấn đề báo chí, ở mỗi trang báo đều có những định hướng riêng của mình. Nhưng có hàng trăm tờ báo, hàng ngàn trang tin… Và lẽ dĩ nhiên nó sẽ là vô số đường hướng khác nhau. Không thiếu một số tờ báo hiếu kỳ đưa toàn tin xấu về Việt Nam, vì đáp ứng thị hiếu của phân khúc người đọc của chính báo đó. Đó là sự tự do về mặt báo chí.

Cũng như báo lá cải, khai thác tin “lộ hàng’ này nọ của các sao vậy thôi. Không ai trách.

Vấn đề là cả tờ báo xấu-thiệt-xấu và báo lá cải đều không có sự định hướng bởi một tổ chức mang tên Tuyên giáo.

Đấy là sự thật và là điều mà hai nhà báo Mĩ gốc Việt nên lưu ý.

“Việt Nam là quốc gia mở rộng!” - Không sai! “Vì họ làm ăn và du lịch nên họ không “cảm thấy bị đàn áp về nhân quyền”! – Đúng một nửa.

Nếu hai nhà báo muốn trải nghiệm nhân quyền kiểu Việt Nam trong hai trường hợp nêu trên thì xin mời làm theo hai cách sau:

Cách thứ nhất, đối với trường hợp đi du lịch. Nếu hai nhà báo đi trúng dịp ở Việt Nam có đợt biểu tình tự phát về vấn đề đất đai, chủ quyền lãnh hải…, hoặc đi ngang khu dân khiếu nại đất đai tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, họ thử đứng lại hỏi thăm đồng bào vài câu và chụp ảnh, lập tức sẽ được công an hoặc “bảo vệ từ xa” hoặc mời về đồn uống nước nói chuyện. Nếu hai nhà báo tiếp xúc với những nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam thì 100% sẽ gặp rắc rối với vấn đề xuất nhập cảnh. Và sẽ không có chuyện… im lặng chờ luật sư đến giải quyết đâu! Hy vọng lúc đó hai nhà báo không bị quy là “Việt Tân”.

Lúc đó, hẳn hai nhà báo sẽ thấy chữ “tự do thông tin” ở Việt Nam nó ngạo nghễ như thế nào.
Cách thứ hai, đối với trường hợp đi làm ăn và đầu tư. Hai nhà báo phải luôn ghi nhớ việc nhập gia tùy tục, Việt Nam không phải là Mĩ , đầu tư Việt Nam là phải biết cách luồn lách, bôi trơn các kiểu. Và luôn khắc cốt ghi tâm là năm 2013, trong xếp hạng tham nhũng, Việt Nam đứng 116/177.
Nếu không biết theo “luật” thì hai nhà báo dễ dàng lặp lại câu chuyện đầu tư của một doanh nghiệp Séc tại Việt Nam là Jan Švrček.

Tôi định chia sẻ tiếp với tư cách là một công dân Việt Nam đang sống tại Việt Nam, nhưng khi đọc tới đoạn “Thậm chí về chỉ số hạnh phúc, người ta nói Việt Nam là dân tộc dễ đạt được trạng thái hạnh phúc”.

Tôi tự nhiên bật cười, vì có lẽ hai nhà báo không thấy chỉ số ấy rất đá đểu (troll). Có lẽ hai nhà báo nên nhập tịch Việt Nam lại đã cảm nhận thực tế sống động hai chữ “hạnh phúc”!
Nhưng nếu hai nhà báo thích nằm mơ bên Mĩ để nói về một Việt Nam nhân quyền và hạnh phúc, thì tôi cũng chào mừng.

Đơn giản đó là quyền tự do.

Liên Sơn

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả. 

(Việt Nam Thời Báo)

Không có nhận xét nào: