BBC Tiếng Việt cùng các khách mời người Việt và người Pháp thảo luận về nhận thức tự do ngôn luận, tự do biểu đạt nhân vụ thảm sát tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris, trong chương trình trực tiếp vàp thứ Năm hàng tuần.
Quý vị có thể theo dõi chương trình được phát trực tiếp trên YouTube:http://bit.ly/1y4iIuc và Google + http://bit.ly/1B9Jfpg.
Phóng viên Hugh Schofield của BBC viết từ Paris: "Khi điều gì đó khủng khiếp xảy ra, điều đầu tiên chúng ta làm là chạy đi tìm nơi trú ẩn. Sau đó mới xuất đầu lộ diện để cho người khác thấy ta còn sống," thế nhưng, ngay buổi tối hôm xảy ra vụ thảm sát, người dân Pháp đã đổ ra đường phố.
Cho tới nay, một tuần sau ngày xảy ra vụ việc, người dân ở khắp nước Pháp, từ tỉnh lẻ tới thành phố lớn vẫn tuần hành trên đường với biểu ngữ 'Je suis Charlie', nhằm bày tỏ lòng thương tiếc các cây bút vẽ hí họa, nhưng cũng để đưa ra thông điệp về ý chí bảo vệ tự do, như đã được ghi rõ trong tuyên ngôn độc lập.
Bên cạnh đó, các bức tranh của Charlie Hebdo cũng đặt ra câu hỏi về cách đề cập tới tôn giáo, cụ thể là những nhân vật được nhiều người tôn thờ, coi là thiêng liêng.
Tự do, đặc biệt là tự do ngôn luận và tự do biểu đạt quan trọng tới mức nào để thúc giục người Pháp xuống đường trong lúc những kẻ tấn công còn chưa bị khống chế? Vụ khủng bố gây ảnh hưởng ra sao tới cuộc sống của người Hồi giáo ở các nước phương Tây?
Và với người Việt Nam, tự do ngôn luận có ý nghĩa như thế nào?
Các khách mời tham gia chương trình thảo luận trực tuyến:
Nhà văn Thuận, đang sống ở Paris, tác giả của nhiều tiểu thuyết bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, như Thang máy Sài Gòn, Paris 11 tháng Tám, Chinatown, T biến mất. Trong đó bản tiếng Pháp của Thang máy Sài Gòn đã được nhận Giải thưởng Sáng tạo của Trung tâm Sách Quốc gia Pháp.
Ông Hồ Cương Quyết hay Menras Andre, là công dân Pháp và từ năm 2009 chính thức mang thêm quốc tịch Việt Nam, từ Béziers, miền nam Pháp. Ông cũng là tác giả bộ phim tài liệu Hoàng Sa, nỗi đau mất mát.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy, nhà nghiên cứu dân tộc học, thành viên Hội đồng Di sản Việt Nam. Ông từng là Giám đốc bảo tàng Dân tộc học, một trong những bảo tàng được đánh giá cao nhất Việt Nam, tham gia từ Paris, Pháp.
Từ Việt Nam, kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung, nhà vận động dân chủ và tự do cho Việt Nam, từng bị cầm tù với tội danh Tuyên truyền chống phá Nhà nước. Anh Trung cũng từng có thời gian theo học ở Pháp.
Ông Francois Guillemot, Tiến sỹ lịch sử, chuyên viên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Á, Phụ trách kho tài liệu về lịch sử Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét