Trò chơi thông tin
Cuối năm 2014 nhân viên trong Văn phòng Thủ tướng CSVN họp hội nghị tổng kết công tác trong năm. Ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và nói chuyện về việc dân chúng thi nhau lên mạng truy cập những thông tin mà họ cho là hấp dẫn. Ông ta nói nguyên văn : “Không găn không cấm được đâu các đồng chí”.
Rồi ông ta ra lệnh từ nay nếu có một thông tin “không đúng đắn” liên quan tới một cơ quan nào của chính phủ thì chính cơ quan đó phải có trách nhiệm đưa ra thông tin sửa lại cho đúng nếu chưa đúng, hoặc bác bỏ nếu không đúng.
Ông Thủ tướng đã rút được bài học qua những vụ xôn xao vì những tin đồn thổi phát đi từ các nguồn tin không có địa chỉ. Thí dụ như những thông tin về vụ Bầu Kiên, vụ Hiệp ước Thành Đô, vụ Nguyễn Bá Thanh, vụ Nguyễn Xuân Phúc, vụ Nguyễn Sinh Hùng, v.v…Người ta có khuynh hướng thích nghe chuyện giật gân cho dù khả năng tin được chỉ có 30 %. Rồi hễ không ai lên tiếng đính chính thì cho dầu là tin dõm cũng được lên giá dần đến 80 hoặc 90%.
Trước kia, hễ một khi có tin đồn thổi thất lợi thì CSVN luôn luôn phán rằng đó là do “các thế lực thù địch” bêu xấu đảng ta và tìm cách ngăn chặn hay đe dọa người nào bàn tán về những thông tin đó. Ngoài cách ngăn chặn, hăm dọa, CSVN còn có cách gây nhiễu, tức là cũng đưa ra những thông tin nửa thật nửa hoang đường để cho dư luận qua nhiều lần bị hố sẽ không còn tin vào những tin xuất phát từ những nguồn tin hỏa mù nặc danh.
Cho tới nay dư luận không còn tin vào những nguồn tin không có địa chỉ. Nhưng người ta cũng biết lợi dụng những tin hỏa mù đó để có cớ chê bai vô tội vạ. Chê bai cho tới khi nào nhà nước lên tiếng giải trình mới thôi. Nhưng cũng nhờ qua giải trình của nhà nước mà người ta mới có thể biết được sự thật hoặc một phần nào sự thật.
Rốt cuộc ngày nay dư luận đã có được kinh nghiệm : Muốn biết được sự thật thì cứ chưởi toáng lên, chưởi oan càng tốt, hễ ai đó có động lòng thì lên tiếng. Còn không lên tiếng thì tức là có tội nên mới câm như hến.
Thí dụ như người ta nghi ông Dũng giết ông Thanh thì người ta hô hoán lên rằng ông Nguyễn Xuân Phúc thuê Trung Quốc đầu độc ông Thanh. Nếu ông Dũng, ông Phúc không lên tiếng thì tức là có thật. Còn như lên tiếng thì phải công khai và minh bạch, nghĩa là phải có lý. Nhờ vậy người ta sẽ có hân hạnh được biết là ông Thanh bị bệnh gì ? Chữa ở đâu, Chữa bao lâu ? Ai thương ông ta, ai ghét ông ta ? Rồi nếu người ta thấy mọi việc khá sáng tỏ thì mới cho qua, còn không thì vẫn coi như là đang “có vấn đề”.
Sáng tác thông tin
Hoặc là có những thông tin mà CSVN chỉ đưa ra phần đầu mà giấu phần đuôi thì người ta tự vẽ ra cái đuôi dõm, mạnh ai nấy vẽ . Vẽ xong rồi tự thưởng thức, hễ CSVN không phản bác thì người ta có quyền coi đó là sự thực. Thí dụ như ĐCSVN thông báo sẽ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm BCT và BBT, nhưng sau đó không đưa ra kết quả của cuộc bẩu phiếu. Thế là người ta có quyền đưa ra những con số khẳng định phe NTD toàn thắng. Phe chống lại NTD thua xiểng niểng. Nếu CSVN không đính chính thì tức là có thật, buộc lòng CSVN đành phải mượn một địa chỉ ảo để đưa ra bản kết quả gần đúng với sự thật nhưng không gây sốc đối với đảng viên hay dân chúng.
Trò chơi bỏ phiếu tín nhiệm để lộ hẵn hai quy luật khá thú vị : (1) Có ba loại phiếu tín nhiệm nhưng không có phiều bất tín nhiệm. (2) Kết quả của phiều tín nhiệm sẽ không ảnh hưởng gì đến công tác của người được bỏ phiếu, nghĩa là sẽ không có ai bị kỹ luật vì điểm thấp và cũng không ai được thăng thưởng nhờ điểm cao.
Hai quy luật thú vị trên đã khiến cho người ta hiểu rằng bỏ phiếu tín nhiệm chỉ là một trò chơi tính sổ xem bên nào có nhiều đàn em hơn, tức là có nhiều lực lượng hậu thuẩn hơn. Một khi đã phân rõ hơn thua thì bên thua phải tự động rút lui để cho bên thắng làm việc; không thể có chuyện một đảng mà hai phe, ba cánh.
Tình hình cho thấy Đại hội 2016 ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ về vườn với câu tuyên bố “100 năm nữa chưa chắc có chủ nghĩa xã hội”. Và ông ta cũng không có một con gà nào khả dĩ có thể kế thừa ông ta. Nghĩa là ông ta ngán cái CNXH tới tận cổ rồi. Cho nên giờ đây các ông TƯĐ không cần bỏ phiếu tín nhiệm cho ông Trọng, ông ta đã quyết tâm cạo đầu đi tu thì còn sơ múi gì mà bỏ phiếu theo ông ta.
Nhân vật kế tiếp là ông Trương Tấn Sang : Đầu năm nay ông tung ra bài viết hô hào toàn dân “vững bước đi lên con đường chủ nghĩa xã hội”, “thực hiện tốt lời bác dạy”; và tuyên bố : “Vẫn có kẻ muốn kìm chân, cản phá làm ta suy yếu để dễ bề chi phối ( công kích Mỹ ); có kẻ lăm le lấn đất, lấn biển, chiếm đảo của ta ( công kích Trung Quốc )”. Chứng tỏ ông ta bí lối nên nổi điên chưởi rủa vung vít để rồi sẽ về vườn trong Đại hội XII sắp tới. Ngoài ra ông ta cũng không có con gà nào khả dĩ có thể kế thừa ông ta. Vậy thì người ta cũng không ngu gì mà bỏ phiếu cho cái tay đã hết thời.
Kê tiếp ông Sang là ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tuy ông ta không có nhiều hậu thuẩn trong Trung ương Đảng nhưng ông ta có nhiều hậu thuẩn trong Quốc hội. Đặc trưng của Quốc hội là trẻ tuổi, có khuynh hướng cấp tiến, không lệ thuộc nhiều vào Bộ chính trị hay Ban bí thư của ĐCSVN.
Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên của Quốc hội vào tháng 11 năm 2013 cho thấy ông Sang được 330 phiếu tín nhiệm cao, ông Hùng được 228 và ông Dũng được 210. Nghĩa là số phiếu của ông Hùng cao hơn ông Dũng. ( Ông Dũng bị mất điểm do vụ Vinashin, vụ Bầu Kiên và vụ Dương Chí Dũng. Đặc biệt vụ Bầu Kiên được trang mạng Quan làm báo tiết lộ ra công chúng với những tài liệu đáng tin ).
Nhưng kết quả bỏ phiếu tín nhệm của Quốc hội vào tháng 11 năm 2014 cho thấy ông Sang được 380 phiếu tín nhiệm cao, ông Hùng được 340 phiếu và ông Dũng được 320. Nghĩa là so với năm trước thì ông Sang tăng 50 phiếu, ông Hùng tăng 12 phiếu và ông Dũng tăng 110 phiếu. Con số này chứng tỏ ông Dũng đã đảo ngược cán cân lực lượng trong Quốc hội.
( Ông Hùng bị mất điểm do trước đó 20 ngày ông Dũng cho bắt ông Hà Văn Thắm vì tội vi phạm pháp luật nghiêm trọng về quản trị tài chánh. Chuyện này liên quan tới người Phó của ông Thắm là em gái của ông Nguyễn Sinh Hùng. Các dân biểu biết đây là tín hiệu ông Dũng đã ra tay đối với ông Hùng cho nên họ hiểu ông Hùng đã hết thời ).
Và sau đó 1 tháng thì tới phiên bỏ phiếu tín nhiệm tại Hội nghị Trung ương ĐCSVN. Nhưng trước ngày bỏ phiếu trang mạng Chân Dung Quyền Lực đưa ra tài liệu đáng tin về chuyện tham ô, lợi dụng quyền lực của ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Nguyễn Sinh Hùng.
Trong khi đó có một nhân vật đột nhiên sáng giá trong cả 2 lần bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội. Trong cuộc bỏ phiếu 2013 bà Ngân dẫn đầu với 372 phiếu trong khi ông Sang được 330. Và năm 2014 bà Ngân dẫn đầu với 390 phiếu trong khi ông Sang được 380 phiếu. Những con số này chứng tỏ có một băng nhóm nào đó đã đưa bà Ngân đứng đằng sau ông Nguyễn Sinh Hùng để sẵn sàng thay thế ông Hùng. Trong khi mọi người đều biết bà Ngân không có trong tay một lực lượng đàn em nào cả.
Không phải bà Ngân đột nhiên sáng giá trong kỳ bỏ phiếu tháng 11 năm 2013; mà trước đó 6 tháng bà đã lọt vào Bộ chính trị một cách ngoạn mục, vượt qua 2 nhân vật sáng giá khác là ông Nguyễn Bá Thanh và ông Nguyễn Xuân Phúc. Sự lên chân của bà Ngân tại BCT và Quốc hội báo trước số phiếu tín nhiệm trong cuộc bỏ phiếu tại Trung ương Đảng và báo trước sự xuống chân của ông Nguyễn Sinh Hùng sau khi trang mạng Chân Dung Quyền Lực đưa ra tài liệu cho thấy ông Hùng có nhiều bê bối liên quan đến tài chính.
Quay đi ngoảnh lại chỉ còn lại ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với chủ trương “tiếp tục cải tiến”, “chuyển đổi thề chế”… Không biết có phải dõm hay không nhưng dầu sao cũng sáng sủa hơn các ông kia. Ngoài ra ông ta còn có một giàn đàn em hùng hậu. Do đó tội gì mà không theo NTD? Nhưng một khi đã quyết theo NTD thì chớ dại mà bỏ phiếu cho TTS, NSH bởi vì vô phước ông Dũng hay đàn em của ông ta biết được thì có nước giả từ tương lai.
Chỉ có những người nào sắp về vườn, không còn gì để sợ, mới dám bỏ phiếu tín nhiệm thấp cho NTD. Tuy nhiên mới đây bản án dành cho ông Tổng thanh tra nhà nước đã về vườn Trần Văn Truyền cho thấy đừng nên ỷ đã về vườn mà có thái độ trở mặt với NTD.
Giờ đây cho dù có sắp về vườn hay không mà nếu bỏ phiếu cho ông Sang thì đồng nghĩa với chống ông Dũng, cho nên không ai tin chuyện ông Sang có số phiếu tín nhiệm suýt soát với ông Dũng. Chắc chắn số phiếu bầu cho ông Sang và những đối thủ nặng ký của ông Dũng như Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Xuân Phúc phải cách xa số phiếu của ông Dũng. Người ta không dám tuyên bố kết quả thật, sợ gây sốc với dư luận; cho nên tạm nhờ một địa chỉ nặc danh ( Thí dụ như CDQL ) đưa ra một kết quả mà dư luận có thể tin được.
KẾT LUẬN
Đúng là các đồng chí không thể nào cấm hay ngăn cản thông tin. Nhưng giờ đây đồng chí Thủ tướng ra lệnh “định hướng thông tin trên mạng” theo chiều hướng có lợi cho ĐCSVN thì các đồng chí đàn em phải lái như thế nào đây ? Nguồn thông tin trên mạng bao la như nước biển, nguồn thông tin trong nước tuôn ra như nước sông cho nên không ai lái được sông hay khơi dòng cho nước biển.
Một khi đã không ngăn không cản được thì các đồng chí bắt giam những người tuổi trẻ thông tin với nhau trên mạng làm gì vô ích. Điều 258 của Luật hình sự CSVN chỉ đủ khả năng bỏ tù những bloger tí hon trong nước. Nhưng 30 triệu cư dân mạng tại Việt Nam đâu có cần truy cập thông tin của các bloger tí hon? Nếu bỏ tù các bloger nhí thì chẳng phải là trẻ con hơn các bloger sao ?
Và liệu có đủ chỗ để nhốt hết những người tuổi trẻ Việt Nam vi phạm Điều 258 hay không ? Họ có tới 30 triệu người lận ! Cơm đâu mà nuôi nỗi chừng đó tội phạm ?
Xem ra chuyện này cũng không ổn đâu các đồng chí ơi ! Ngày nay người ta cũng biết hết cả rồi : Thả người bằng tay phải rồi bắt người bằng tay trái thì chỉ là một trò hề. Không hù dọa được ai mà cũng chẳng gây phẩn nộ cho ai. Cái Điều 258 của Luật hình sự chỉ được dùng để bắt giam con tin nhân quyền để có mà trao đổi mội khi cần thương lượng kinh tế với HK mà thôi.
Mới đây trang mạng nguyentandung.org đăng liền 5 bài viết để ca ngợi quyết định “Định hướng thông tin đúng đắn trên trang mạng xã hội” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhưng người viết bài này chạnh nghĩ biết đâu ông Thủ tướng “bắt không được tha làm phúc”. Cho nên người viết đề xuất ông Thủ tướng chứng tỏ thực tâm bằng cách cho đăng nguyên văn các tài liệu “chống phá nhà nước” của các bloger đang bị giam vì tội vi phạm Điều 258/LHS. Để cho dư luận đọc từng câu từng chữ rồi kết luận có phải họ chống phá nhà nước hay không? Hay chỉ là “bất đồng chính kiến” hoặc là “chỉ trích chế độ” ?
Một khi ông Thủ tướng dám ra một cái luật cho công khai hóa các bằng chứng gọi là “tài liệu chống phá nhà nước” hay “tài liệu lật đổ chế độ” của các bloger thì người ta mới tin, còn nếu không thì đích thị là “bắt không được tha làm phước”. Nhưng một khi đã biết được rằng nhà nước sẽ bắt không được thì dân chúng tội gì mà không thông tin với nhau trên mạng thoải mái, kể cả thông tin“Tôi không thích đảng Cọng sản Việt Nam”.
BÙI ANH TRINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét