Pages

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Vụ OceanBank nhiều dây mơ rễ má?

Nội bộ OceanBank đã có nhiều xáo động sau hàng loạt vụ bắt giữ các lãnh đạo cao cấp
Còn nhiều tổ chức và cá nhân liên quan đến vụ vi phạm tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), theo ý kiến của một nhà quan sát trong nước.
Nhận định trên được Luật sư Trần Đình Triển, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 29/1.

Trước đó, hôm 28/1, Bộ Công an Việt Nam ra thông cáo cho biết đã khởi tố và tạm giam 4 tháng đối với Bà Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank về hành vi 'Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng' theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự.
Hồi tháng 10, ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại dương, đã bị khởi tố và bắt tạm giam bốn tháng vì tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", Điều 179 Bộ Luật Hình sự.
Cuối tháng 12 năm ngoái, nguyên Phó Tổng Giám đốc ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) Nguyễn Văn Hoàn cũng bị khởi tố và bắt giam để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo Điều 179 Bộ luật Hình sự.
Các báo trong nước mô tả điều họ gọi là "bước đầu xác định ông Hà Văn Thắm đã ký cho Cty TNHH TMDV Trung Dung vay khoảng 500 tỷ đồng không đúng quy định".
"Còn ông Nguyễn Văn Hoàn đóng vai trò đồng phạm với ông Thắm để ra các quyết định cho Cty Trung Dung vay số tiền lớn mặc dù biết hồ sơ vay vốn không đủ điều kiện."

'Bắt đúng'

Trả lời BBC qua điện thoại, Luật sư Triển cho rằng bà Thu có thể không phải là người cuối cùng bị bắt giữ do các vụ vi phạm liên quan đến OceanBank và cho rằng còn có nhiều cá nhân, tổ chức khác liên quan đến vụ việc.
"Tôi cho rằng việc bắt giữ của cơ quan tố tụng và của Bộ Công an là đúng", ông nói.
"Nó xuất phát từ điểm đầu tiên đó là việc đưa một ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn ở Hải Dương trở thành một ngân hàng cổ phần đô thị và để một nhóm người thao túng hoạt động của ngân hàng, sử dụng đồng tiền huy động vốn của dân, không phải đầu tư chung cho nền kinh tế".
"Họ nấp dưới nhiều hình thức khác nhau của những công ty mẹ, công ty con hay những tay chân của họ để đầu tư những lĩnh vực khác."
Ông Triển cho rằng việc khởi tố ông Hà Văn Thắm và những người liên quan là "hết sức cần thiết".
"Đây không chỉ là vấn đề phòng chống tội phạm mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về việc chấn chỉnh lại hoạt động tài chính ngân hàng để là nơi huy động vốn cho vay để phát triển kinh tế bình đẳng, không để một số nhóm người quấy rối, làm lợi bản thân mình mà phá hoại nền kinh tế."
"Nó còn liên quan đến Ngân hàng Cổ phần Xây dựng và một số đối tượng nữa trong việc cho vay trái nguyên tắc, thậm chí là hồ sơ khống trong các vụ việc liên quan đến tiền thân của Ngân hàng Cổ phần Xây dựng và một số vấn đề liên quan tới đất đai trong Sân vận động Chi Lăng."
"Còn rất nhiều khoản đầu tư khác trái quy định pháp luật để thao túng nền kinh tế, làm quấy rối hoạt động lành mạnh của nền kinh tế."
"Tôi cho rằng việc trách nhiệm của ông Hà Văn Thắm và các cá nhân liên quan trong OceanBank cũng như Ngân hàng Cổ phần Xây dựng, tiền thân của Ngân hàng Cổ phần Xây dựng, các cán bộ nhà nước về lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng cần khởi tố để xử lý nghiêm minh."
Cũng theo ông Triển, vụ OceanBank và những vụ vi phạm tại các ngân hàng trong những năm qua cho thấy một vấn đề lớn hơn về cơ chế.
"Thực sự ra đây không chỉ có một mình Hà Văn Thắm mà là cả hoạt động của hệ thống ngân hàng, từ việc đổi mới, sáp nhập, giải thể hay mua bán lại," ông nói.
"Đây là cả cơ chế cần xem xét lại."

Không có nhận xét nào: