Ngày xưa Đức Phật bỏ cung vàng điện ngọc, dầm mưa dãi nắng, ăn đói mặc rách suốt 49 ngày đêm thiền định dưới gốc bồ đề mới tìm ra chân lý giải thoát.
Ngày nay có những người xưng là đệ tử Phật gia nhưng hám mùi tiền, tham danh lợi, có cuộc sống đầy đủ tiện nghi không khác chi hàng quyền quý.
Đã bước chân vào chốn 'Không Môn' chắc hẳn các vị ấy đều biết câu 'vô thường', 'giả tướng'?
Nếu không dứt được cái tâm vọng tưởng đối với sự vật hiện tượng thì sẽ dẫn đến u sầu, đau khổ khi mọi việc không được như ý.
Có sinh tất có diệt, có thành ắt có hoại, có hợp rồi sẽ tan, các vị tu hành có nghiên cứu kinh điển đều biết rằng vạn vật, từ thân thể cho đến của cải vật chất, đều là tổng hòa các mối nhân duyên. Đủ duyên sinh thì sẽ tạo, duyên diệt đến thì sẽ tiêu.
Thành ra các vị ấy mang tiếng tu hành mà nguyên lý căn bản nhất của nhà Phật cũng không biết thì chẳng qua chỉ là lợi dụng cửa thiền cho lợi ích riêng mình mà thôi.
Suy cho cùng, tu theo Phật pháp là cả quá trình luyện tâm rèn trí - giống như thuần hóa con trâu dữ. Bước vào cửa Không, từ bi không là chưa đủ mà còn phải có trí tuệ và dũng khí nữa.
Cần trí tuệ để nhìn thấu vạn vật và có dũng khí để không bị sức hút của vật chất. Khi đó mới có thể 'tinh tấn' đi trên con đường Đức Phật đã chỉ sẵn.
Cho nên cửa Phật thích hợp với những bậc tâm chánh trí sáng, bản lĩnh hơn người và tự giác buông bỏ để đi tìm sự giải thoát như Đức Vua Trần Nhân Tông hơn là với những người vì buồn chuyện tình duyên hay vì bất đắc chí mà tìm đến cửa Thiền để trốn tránh và càng không phải là chỗ cho những người còn ham muốn tiền bạc tiện nghi và chưa thoát được vòng tục lụy.
Ít bậc chân tu?
Từ ngàn xưa đến nay kẻ xuất gia thì nhiều nhưng mấy ai tu thành chánh quả?
Đại đa số chúng ta đều xoay vần trong cuộc sống hàng ngày nên không có cái nhìn vượt lên vòng sinh tử và càng không đủ sức thoát ra khỏi cuộc sống mình đã gắn chặt.
Người phát tâm tu hành thật sự là người hiểu được quy luật 'Sinh, Lão, Bệnh, Tử' của cái bàn cờ cuộc đời mà họ bị ném vào mà có vũng vẫy cách mấy cũng không thoát ra được.
Có ai sinh ra muốn mình sẽ già? Nhưng rồi ai cũng sẽ suy nhược đuối sức. Có ai muốn mình sẽ bệnh? Nhưng rồi có lúc sẽ đau đớn thể xác để rồi sức tàn lực kiệt. Có ai chịu nổi cảnh sinh ly tử biệt? Nhưng rồi cũng đến lúc phải vĩnh viễn rời xa những người thương yêu nhất mà không gì có thể níu kéo được!
Những bậc tu hành nắm rõ những điều này hơn ai hết. Từ đó họ sẽ có tâm thanh thản, bình an. Họ sẽ chẳng bận lòng có ít hay nhiều fan trên Facebook như vị trụ trì ở Hải Dương kia hay cũng chẳng quan trọng gì những lời cay nghiệt nếu mình không làm gì sai.
Và những người chân tu sẽ có tinh thần lạc quan, bình thản như mặt nước hồ trong không gợn sóng trước dòng đời biến động, giống như Mãn Giác thiền sư: "Xuân qua trăm hoa rụng - Xuân tới trăm hoa cười - Trên đầu việc đi mãi - Trước mắt già đến rồi".
Suy giảm niềm tin?
Nhưng nói gì thì nói, những vụ tai tiếng liên tục của các vị tăng ni vừa qua đã ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin vào đạo Phật nói chung trong công chúng.
Tuy nhiên, Đức Phật đã nói đừng tin lời Ngài mà hãy thực hành. Thực hành hiệu quả mới tin.
Đức Phật từng nói khi thành đạo: "Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành."
Tức là Đức Phật cũng chỉ là người bình thường như mọi người nhưng là người đã tìm ra con đường giải thoát để chỉ dẫn chúng sinh và Ngài tin tưởng ai cũng có thể làm được như Ngài.
Ngài không phải bậc quyền năng, và pháp của Ngài, do đó, cũng không dựa trên những điều huyễn hoặc.
Con người đến với tôn giáo phần lớn là để tìm chỗ dựa tinh thần, nhưng với việc 'phải thực hành thì mới tin' thì các Phật tử chỉ có thể dựa vào chính bản thân mình mà thôi.
Và nếu họ làm theo mà thấy hiệu quả thì dù người khác có làm sao hoặc có nói thế nào cũng không làm cho họ hết tin được.
Do Phật giáo không dạy về chữ 'Tin' mà chỉ là phương tiện để giúp con người thoát khổ nên sức mạnh của Phật giáo nằm ở Pháp chứ không phải số lượng tín đồ. Có thêm người theo, Đức Phật cũng chẳng mạnh thêm và bớt đi tín đồ cũng không làm cho Pháp của Ngài yếu đi.
Chính vì vậy Phật giáo không có các điều luật ràng buộc tín đồ và cũng không có nhu cầu tổ chức chặt chẽ và không xem việc truyền đạo là yếu tố sống còn.
Dĩ nhiên với tính chất và tổ chức như vậy thì những ai hướng đến Phật chỉ bằng niềm tin thì niềm tin đó ít nhiều sẽ bị lung lay trước sự xuống cấp của hàng tăng chúng. Còn những ai hiểu và thực hành chánh pháp thì chẳng ảnh hưởng gì.
Không còn hưng thịnh
Ít nhất Phật giáo Việt Nam ngày nay đã không còn hưng thịnh như xưa.
Được truyền đầu tiên từ Ấn Độ, Phật giáo thời sơ khởi ở Việt Nam đã phát triển đến mức có vị cao tăng được nước Đông Ngô thời Tam Quốc bên Trung Quốc mời sang giảng đạo.
Qua đường giao lưu văn hóa, Phật giáo thâm nhập vào Việt Nam 'ngọt nhuyễn' và không xảy ra một cú sốc nào.
Đó là vì Phật giáo đã nhanh chóng hòa nhập vào văn hóa dân tộc, hòa quyện với tín ngưỡng bản địa, tập quán thờ cúng ông bà và tục thờ những người có công với nước.
Tôi từng thấy nhiều chùa chiền ở miền Bắc ngoài thờ Phật còn ban thờ tiên công, tiểu đồng, ban cô, ban cậu hay thờ những vị anh hùng dân tộc như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo...
Từ đó, Phật giáo gắn sâu và quyện chặt vào văn hóa Việt Nam như một phần máu thịt.
Hai triều đại đỉnh cao trong lịch sử dân tộc là Lý, Trần là cũng là thời kỳ Phật giáo Việt Nam hưng thịnh nhất.
Lý Thái Tổ được dưỡng nuôi từ dưới mái chùa; Thiền sư Vạn Hạnh là bậc quốc sư tài trí vẹn toàn; Trần Thái Tông viết 'Khóa hư lục'; Trần Nhân Tông sau khi bình giặc lên Yên Tử khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm.
Ông 'Bụt' (tức Buddha) đã đi vào tiềm thức dân gian. Chùa chiền đi vào ca dao tục ngữ và thậm chí có câu nói trong Kinh Phật như ‘Hằng hà sa số’ (nhiềunhư số cát sông Hằng) đã trở thành lời ăn tiếng nói hàng ngày của dân tộc.
Đường hướng trái nhau
Tuy nhiên, truyền thống đó của cha ông có thời đã bị tàn phá nhân danh ‘tư tưởng tiến bộ’.
Có những vùng ở Bắc Trung Bộ xóa trắng không còn một mái chùa trong khi có những ngôi chùa ở miền Bắc có hòm công đức nhưng không có nhà sư hoặc có những nhà sư mà tôi nghi ngờ không biết có thuộc câu Kinh Phật nào không.
Vài Giáo hội trong thời đại mới ngoài ‘Phật pháp – Dân tộc’ còn có thêm ‘Chủ nghĩa xã hội’.
Đành rằng chọn tôn chỉ thế nào là quyền của Giáo hội nhưng không thể đặt cạnh nhau hai đường hướng trái nhau.
Phật đâu dạy con người dùng bạo lực đấu tranh tiêu diệt người khác? Và dù giáo lý là ‘Không’ nhưng Phật dạy đừng chấp ‘Không’ và cũng không chấp ‘Có’ vì chỉ khi thoát ra được sự kiềm hãm của ‘Chấp’ con người mới đến được chân lý. Trong khi đó, chủ nghĩa xã hội là ‘chuyên chính vô sản’ nên cố chấp lý thuyết của mình là duy nhất đúng.
Tôi nhớ từng nghe trên sóng phát thanh ở Việt Nam câu chuyện một 'nhà sư' kể về việc 'khoác chiến y theo Đảng đi giết giặc'.
Mặc dù bảo vệ non sông là nghĩa vụ của mỗi người dân nhưng cách tuyên truyền như vậy không những phản cảm mà còn ngụ ý rằng cho dù Trời Phật gì cũng không bằng Đảng.
Điều lạ lùng là chủ nghĩa Marx-Lenin đả phá tôn giáo nhưng các Đảng Cộng sản trên thế giới đều có xu hướng thần thánh hóa lãnh tụ để người dân tôn thờ, ướp xác đưa vào lăng giống như đền thờ và đề cao ‘bản lĩnh chính trị’, kiểu như ‘Đức tin’, để đảm bảo mọi người luôn tin tưởng tuyệt đối.
Đức tin tôn giáo
Tuy nhiên phải hiểu rằng ngoài sự tin tưởng, ‘Đức tin’ trong các tôn giáo còn là lòng tôn kính đối với Đấng Tối cao. Lòng tôn kính đó là tình cảm hết sức thiêng liêng đáng được trân trọng.
Và khi Đức tin đó được hàng tỷ người tin theo, như Công giáo hay Hồi giáo, thì chứng tỏ nó phù hợp tình cảm con người, thể hiện những gì tốt đẹp ở con người và đem lại lợi lạc cho họ.
Đó là chưa kể những Đức tin đó đều hướng con người ta sống hiền lành, lương thiện nên có khả năng cải biến xã hội.
Để giữ đạo đức xã hội thì có những cái mà luật pháp không làm được nhưng tôn giáo lại làm được, chẳng hạn những điều cấm của Hồi giáo rất nghiêm ngặt nhưng tín đồ vẫn nhất nhất nghe theo.
Cho nên mới nói sự suy đồi đạo đức của xã hội ngày nay chắc gì không có liên hệ với việc tôn giáo suy vi sau nhiều năm bị kìm hãm hay tàn phá?
Tôi từng thấy cảnh bà cụ đầu tóc bạc phơ thành kính quỳ trước giáo đường và tôi tin rằng khi có niềm tin vào Đấng Tối cao như thế họ sẽ không thể làm điều ác.
Tôi cũng từng gặp những người Hồi giáo ở Indonesia hiền lành, nhân hậu, sống chan hòa với các tôn giáo khác.
Và trong Phật giáo, dù không có ‘Đức Tin’ vào Đấng Toàn năng nào nhưng trong mắt các Phật tử thì Đức Phật chính là Đấng Tối cao.
Điều đó cho thấy bản chất con người muôn đời vẫn yếu đuối và họ cần chỗ dựa tinh thần đến mức nào, nhất là trong những lúc nguy nan, khủng hoảng tinh thần nhất.
Làm chủ niềm tin
Chỗ dựa đó giúp con người vững vàng trong cuộc sống. Và khi có chỗ dựa, họ có xu hướng gắn chặt linh hồn vào đó và sẵn sàng sống chết vì nó.
Tuy nhiên, suy cho cùng, tôn giáo tồn tại trong xã hội loài người chính là để phục vụ con người.
Cái nguy ở chỗ khi linh hồn bị chiếm lĩnh thì con người có thể bị sai khiến làm gì cũng làm ngay cả đó là việc trái với lương tri – giống như những kẻ Hồi giáo cực đoan giết người vô tội không gớm tay chỉ vì tin rằng đó là ý Thượng Đế.
Cho nên, điều cần thiết là tín đồ sống theo Đức Tin nhưng đôi khi phải tỉnh táo biết làm chủ niềm tin của mình.
Về phần mình, không chỉ là chỗ dựa tinh thần, không chỉ là nguyên tắc đạo đức để sống tốt, Phật giáo còn là hệ thống triết lý về vũ trụ, nhân sinh mà Đức Phật đã truyền dạy trong hơn 40 năm thuyết pháp.
Giữa dòng đời biến động và cuộc sống đầy sức ép, hiểu quy luật vạn vật và thực hành Phật pháp giúp con người buông xả và hóa giải những năng lượng xấu như giận dữ, đố kỵ, ích kỷ để đạt cảm giác an lạc như lời Đức Phật dạy: ‘Tâm buồn khổ như con rắn dưới gầm giường’.
Hiểu Phật pháp cũng giúp con người có cái nhìn rộng lớn hơn về thế giới để hòa hợp với thế giới, chẳng hạn chữ Hiếu theo đạo Phật là hiếu với cả bảy đời, hiểu chữ ‘chúng sinh’ là tất cả đều có sự sống quý giá hay biết rằng ‘các vật hữu tình’, kể cả động vật, đều có tình cảm.
Dù tăng chúng ngày nay có chỗ suy vi, nhưng nhiều người mong rằng đó chỉ là những mảng tối nhỏ nhoi trên nền trời tươi sáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét