Đến hẹn lại lên, cứ trước kỳ họp Trung ương nào có liên quan đến nhân sự là lại có màn đấu tố. Nhanh nhạy nắm bắt thời cuộc, Internet và mạng xã hội dần trở thành công cụ quen thuộc để các phe đánh nhau. Lần trước, 2 blog Quan Làm Báo và Anh 4 Sang hé lộ nhiều thông tin thuộc loại “thâm cung bí sử” liên quan đên các vị chóp bu thì gần đây, blog Chân Dung Quyền Lực gây tiếng vang trong cộng đồng người dùng Internet.
Thú thực trước tôi cũng chẳng để ý blog này lắm. Ba Sàm và Quê Choa được cho nhập kho để lại 1 khoảng trống điểm tin/blog, tôi hay vào trang Tin Tức Hàng Ngày (TTHN) xem thêm. Cách đây vài tuần, tôi bắt đầu để ý TTHN có loại bài ký tên “Chân Dung Quyền Lực”, nói là có người gửi đến. Loạt bài này nhằm thẳng vào Phó TT NXP, kèm theo các chứng cứ, lý lẽ khá nhiều. Gần đây mới để ý trong danh sách blog roll của TTHN có blog “Chân Dung Quyền Lực” thì cũng tò mò click vào xem.
Tôi chỉ đọc mấy bài gần đây nhất, chủ yếu mấy bài về PTT NXP và bệnh tình ông NBT. Nhìn chung, các bài khá ôm đồm, chi tiết. Xem phần thông tin và hình ảnh về ông BT, có cảm giác khó làm giả được và phải là người “bên trong” mới có thể có những bức ảnh như vậy. Phần đời tư của ông NXP và các thành viên gia đình cũng khá cụ thể nhưng đọc cũng chỉ để đọc, chẳng có điều kiện/nhu cầu kiểm chứng tính xác thực . Không xem hết nhưng hình như chỉ có những bài về ông NXP và NBT là ký tên CDQL, những bài về các nhân vật khác chủ yếu cóp nhặt, cắt dán từ các nguồn khác trên Internet. Trang web của Đài Châu Á Tự do (RFA) có dẫn lời một người từng là nhà báo an ninh nội chính nói giọng văn mấy bài này là của báo cáo nội bộ, khó giả mạo được. Tôi cũng có suy nghĩ những thông tin kiểu này chỉ có thể từ nguồn nội bộ mà ra, “các thế lực thù địch” làm sao mà biết và tung ra được .
Nhìn vào kết cấu, CDQL sắp xếp khá mạch lạc, rõ ràng. CDQL có cả trang trên Facebook, vào thời điểm đang đánh máy bài này có 3708 người like. Bộ đếm số hit hiện hơn 9 triệu hit nhưng có vẻ đây là số hit giả vì nó cứ tự động tăng ầm ầm kể cả khi máy đã ngắt, không nối vào Internet nữa. Theo danh sách các bài đã đăng thì blog bắt đầu có bài từ năm 2011 nhưng chỉ có 3 bài trong năm này. Năm 2012 và 2013 có tương ứng 9 và 10 bài. Năm 2014 nở rộ với 84 bài, riêng tháng 11 có 20 và tháng 12 có 27 bài. Năm 2015 mới được mấy ngày đã có 3 bài. Có thể thấy CDQL được chuẩn bị từ khá lâu và chỉ bung ra khi cần thiết.
Tiêu đề phụ (tagline) của CDQL là Nhận diện các gương mặt trong Bộ Chính trị Khóa 11 và các gương mặt mới sẽ vào Bộ Chính trị Khóa 12: Những thông tin trung thực, khách quan để Nhân dân có thể đánh giá năng lực, nhân cách của những người sẽ quyết định vận mệnh của dân tộc. Không rõ trung thực, khách quan đến mức nào, chỉ biết đề mục cột bên phải có tên 20 người, đứng đầu là 4 ông tứ trụ rồi một số ủy viên khác của BCT. Các bài chủ yếu nhằm vào ông NXP và 4 ông này, 2 ông BT QP và CA và 2 ông BT TU của HN và SG còn những người khác nhắc đến không đáng kể hoặc không đả động gì. Những người hiện tại không phải UV BCT nhưng vẫn có tên trên CDQL là VĐĐ (PTT), PBM (PTT, BT NG), ĐLT (BT GTVT), NVB (TĐ NHNN), THB (CA TC), NHB (VT VKS) và một cái tên khá xa lạ PMC (tra một hồi thì ra trung tướng công an, hiện là bí thư tỉnh QN). Phải chăng những nhân vật này được “qui hoạch” vào BCT khóa tới? Những người hiện là UV BCT như ông LHA hay ông THR không thấy CDQL “đoái hoài”, lẽ nào mấy ông này sẽ “đi”?
Tin ông BT về nước ngày 2/1 có nguồn từ CDQL. Tin này làm nháo nhác cả Đà Nẵng và một loạt báo nhà nước đề cập chứng tỏ số người đọc CDQL không phải là ít. Thêm vào đó cách trả lời mập mờ của Ban CS SK TW (ông NQT) càng khiến nhiều người “bán tín, bán nghi”. Ông NBT đi chưa bệnh cũng đã lâu, không phải tự dưng vừa rồi Đà Nẵng lại tổ chức cầu an cho ông.
Ngày mai (5/1/2015) kỳ họp thứ 10 sẽ được khai mạc. Kỳ họp này sẽ quyết định nhân sự cho Đại hội đảng khóa tới. 30 chưa phải là Tết nhưng có vẻ CDQL đã có tác động nhất định. Chắc lại phải chờ sau kỳ họp có “nguồn tin mật do ông chú làm ở Viettel” tiết lộ thì mọi người mới rõ tác động đến mức nào.
Nguyễn Đức Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét