Pages

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Các tập đoàn đa quốc gia : Trung Quốc không còn là thiên đường

mediaKhói mù ô nhiễm tại Bắc Kinh ngày 04/03/2014.REUTERS/Jason Lee/Files
Luật lệ không minh bạch, kiểm duyệt Internet và ô nhiễm môi trường, ba điểm tối làm môi trường đầu tư vào Trung Quốc ngày càng kém hấp dẫn. Chủ đề này được nhật báo Công giáo La Croix hôm nay 19/02/2015 đề cập đến qua bài viết đề tựa « Trung Quốc không còn là thiên đường của các công ty đa quốc gia nữa ».




« Thời vàng son cho các tập đoàn đa quốc gia đã chấm dứt » là đánh giá của phân nửa doanh nghiệp Châu Âu tại Trung Quốc, khi trả lời bảng thăm dò hàng năm của Phòng Thương mại Châu Âu ở Bắc Kinh. Tình hình này cũng tương tự từ phía đồng nghiệp Hoa Kỳ. Năm 2014, tăng trưởng Trung Quốc chỉ đạt 7,4%, kém nhất từ 24 năm qua. Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài cũng suy giảm theo.
Luật lệ không minh bạch
Theo La Croix, nỗi bất bình hàng đầu của các doanh nghiệp Châu Âu là môi trường luật lệ Trung Quốc, bị xem là quá mập mờ, kém minh bạch, và quá thiên vị cho các doanh nghiệp trong nước. Việc tập đoàn Qualcomn của Mỹ, chuyên sản xuất các con chíp điện tử cho các loại điện thoại thông minh, bị kết án phạt chỉ làm củng cố thêm cảm giác này.
Tập đoàn Qualcomm bị tuyên phạt 6 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 860 triệu euro) với tội danh « lạm dụng vị trí thống trị », một án phạt chưa từng có. Trước đó, một loạt các tập đoàn nước ngoài đã bị đặt vào vòng điều tra như Mercedes, BMW hay như Microsoft.
Trước mật độ tấn công dày đặc, phòng thương mại Châu Âu bày tỏ sự nghi ngờ về tính khách quan của chính quyền Bắc Kinh, cho rằng có sự « phân biệt đối xử » trên thị trường Trung Quốc, dù rằng chính quyền nước này trấn an là sẽ điều tra cả các doanh nghiệp trong nước.
Kiểm duyệt Internet gây bất an cho doanh nghiệp
« Vạn Lý Trường Thành tin học », biệt danh của kiểm duyệt Internet, cũng gây ra nhiều vấn đề cho các doanh nghiệp nước ngoài, vốn dĩ quá quen thuộc với các công cụ làm việc phương Tây như Google chẳng hạn.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Trung Quốc, phải dùng đến các trình duyệt trả tiền cho phép lẩn tránh được nạn kiểm duyệt bằng cách kết nối vào những mạng tư nhân ảo. Tuy có hiệu quả nhưng đường truyền cũng khá chậm. 86% doanh nghiệp Châu Âu phàn nàn các hoạt động kinh doanh của họ đã bị đình đốn do những hạn chế và tình trạng kết nối chậm.
Kiểm duyệt Internet cũng gây lo sợ cho các doanh nghiệp. 60% doanh nghiệp Mỹ cho rằng rủi ro các dữ liệu nhạy cảm bị đánh cắp tại Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với những nơi khác. Kết quả là 13% doanh nghiệp Mỹ khẳng định đã đình các dự án đầu tư dự kiến vào nghiên cứu và phát triển trong năm 2014.
Ô nhiễm môi trường làm nản lòng nhiều chuyên gia nước ngoài
Điểm đen cuối cùng và cũng làm điểm mới đầu tiên trong thăm dò của Phòng Thương mại Hoa Kỳ từ 17 năm qua là vấn đề ô nhiễm môi trường. Đại đa số các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc (53%) cho biết gặp khó khăn trong việc tuyển người đến làm việc tại cường quốc kinh tế hàng đầu Châu Á. Con số này tại Phòng Thương mại Châu Âu còn cao hơn lên đến 68%.
1/3 doanh nghiệp Châu Âu cho biết ô nhiễm môi trường đã làm tăng vọt chi phí tuyển dụng, do các ứng viên muốn có những khoản bù đắp. Nhất là tại các khu vực Bắc Kinh, Nam Kinh hay THượng Hải, khoảng 60% doanh nghiệp nước ngoài tại đây đều đề cập đến khó khăn này.
Can thiệp quân sự vào Lybia : Nên hay không nên ?
Về đề tài chống khủng bố, La Croix có bài trình bày các ý kiến đối lập nhau về việc « Nên hay không nên can thiệp quân sự vào Lybia ». Tranh luận bùng phát do việc hôm thứ Tư 18/02/2015, Ai Cập đề nghị quốc tế can thiệp quân sự vào Lybia trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Theo bên thuận, thì hiện Ai Cập đang bị kềm tỏa giữa mối họa thánh chiến từ phía Đông trên bán đảo Sinai và phía Tây từ lãnh thổ Lybia. Do đó, Ai Cập cho rằng nên dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí để các nước láng giềng có thể giúp chính phủ Lybia củng cố quyền lực. Bởi vì, từ hồi mùa hè rồi, thủ đô đất nước rơi vào tay lực lượng tự vệ Hồi giáo cực đoan Fajr Libya, chính phủ buộc phải tỵ nạn về Tobrouk.
Alain Rodier, Trung tâm nghiên cứu về tình báo Pháp (CF2R) cho rằng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang lan rộng tầm ảnh hưởng tại Lybia. Quốc tế cũng đã không làm tròn trọng trách kể từ cuộc can thiệp quân sự vào nước này năm 2011. Nhưng « nếu để cho tình hình thêm tồi tệ có lẽ sẽ là một trong số giải pháp tệ hại nhất. Một chính sách can thiệp có thể tạo nên hình thức một sự ủng hộ nào đó cho đội quân của tướng Hafta ».
Một quan điểm cũng được Nigeria đồng chia sẻ. Bộ trưởng Nội vụ và An ninh Nigeria không tin vào các giải pháp chính trị do bởi xã hội Lybia quá bị chia rẽ và sự lớn mạnh của các nhóm thánh chiến.
Về phía chống, đứng đầu là các cường quốc phương Tây, nghĩ rằng cần phải có một giải pháp chính trị hòa bình. Một số quốc gia Hồi giáo lập luận là chính hành động can thiệp quân sự năm 2011 là nguồn cội của sự bất ổn hiện nay tại Lybia. Do đó, theo nhận định của ông Ali Bensaad, Viện nghiên cứu về thế giới Ả Rập và Hồi giáo, « một hành động can thiệp mới có lẽ sẽ là một thảm họa, do liên kết xã hội tại Lybia quá ư là phức tạp ».
Debaltseve thất thủ: Nỗi cay đắng của binh sĩ Ukraina
Trở lại với Châu Âu, báo chí Pháp hôm nay tiếp tục cập nhật tình hình khủng hoảng tại Ukraina. Le Figaro đưa tít trên trang nhất : « Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, Kiev thất thủ một thành trì nữa tại Donbass ».
Theo nhật báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gây mọi áp lực trong những giờ gần đây «không phải để yêu cầu phe nổi dậy thân Nga phải tuân thủ lệnh ngừng bắn, mà để khuyến khích binh sĩ Ukraina hạ vũ khí và nhường chỗ lại cho phe nổi dậy. Một thông điệp tương tự đã được gởi đến binh sĩ của Kiev dưới dạng truyền đơn rải trên vùng Debaltseve. Đài truyền hình Nga hôm qua cho thấy phe ly khai thân Nga kéo cờ Novorossia ở trung tâm thành phố, một đơn vị hành chính của đế chế Nga được thành lập vào cuối thế kỷ XVIII, trải dài từ vùng biển Azov cho đến châu thổ Danube ».
Tương tự, Libération cũng nhận thấy « Tại Ukraina, bất chấp lệnh ngừng bắn, phe ly khai thân Nga vẫn tấn công ». Được ký kết cách đây một tuần, nhưng thỏa thuận đình chiến chưa bao giờ được tôn trọng. Hôm qua, dưới áp lực của phe ly khai thân Nga, các binh sĩ Ukraina buộc phải bỏ rơi các vị trí của mình tại Debaltseve, sau 10 ngày chiến đấu kịch liệt. Tờ báo cho rằng, Debaltseve thất thủ, vi phạm lệnh ngừng bắn ngay khi có hiệu lực, cho phép phe thân Nga chiếm giữ được một vị trí chiến lược tại đông Ukraina.
Kiev hay sự tìm kiếm bản sắc
Thế nhưng đối với nhật báo La Croix, cuộc chiến tại Ukraina còn là một thời cơ thuận lợi làm nảy nở một thế hệ nhà văn mới. Trên trang « Sách và Ý tưởng », La Croix nhận thấy « Tại Ukraina, một thế hệ nhà văn mới định hình ».
Người ta khám phá ra nhiều tác giả mới đến từ Kiev, và tác phẩm của họ bắt đầu xuất hiện trên các gian hàng sách tại Pháp. Một trong số các nhà văn được biết đến, Andrei Kourkov vừa cho phát hành « Journal de Maidan » (tạm dịch là Nhật ký Maidan), kể lại chuyện thường nhật trong suốt quá trình diễn ra các cuộc biểu tình tại Kiev mùa đông 2013-2014.
La Croix cho rằng tại Ukraina, các nhà văn luôn có nhiệm vụ bảo vệ sự sống còn nền văn hóa Ukraina. Trong quá khứ, việc viết sách bằng chính ngôn ngữ Ukraina bản thân nó cũng từng là một cuộc chiến, do bởi ngôn ngữ này đã bị cấm dưới đế chế Sa hoàng.
Đến điều tra tại Ukraina, La Croix nhận thấy các sách tinh thần yêu nước ngày càng gây được tiếng vang trong các tiệm sách. Tờ báo viết : « Trong thời buổi chiến tranh, chưa bao giờ độc giả lại mua sách tiểu thuyết lịch sử, hồi ức và tiểu sử có liên quan đến quá khứ đất nước nhiều đến như thế ». Trong số các tiểu sử hiện có Stepan Bandera đang được ưa chuộng nhất. La Croix cũng không quên lưu ý là đối với một số người đây là một anh hùng dân tộc của Ukraina thế kỷ XX, nhưng với số khác, nhân vật này là một kẻ phát xít.
Châu Á đón năm con Dê
« Châu Á đón năm mới con Dê » tuy không có xuất hiện trên các mặt báo giấy, nhưng trên trang mạng các báo Pháp cũng có một số bài viết. Đáng chú ý là bài viết trên Le Monde, mục blog đề tựa « Tết nguyên đán tại Trung Quốc : một sự di chuyển khổng lồ ».
Ngoài việc đăng chùm ảnh không khí chuẩn bị Tết tại đất nước đông dân nhất hành tinh, tác giả bài viết cho biết hơn 250 triệu Trung Quốc hôm qua đã dùng đủ mọi phương tiện, đường bộ, đường sắt hay hàng không để về sum họp với gia đình và đón mừng năm mới. Tác giả phải thốt lên « Một sự di chuyển khổng lồ tại một đất nước có đến 1,3 tỷ dân ».
Các con số đưa ra chứng minh tầm cỡ của hiện tượng : 295 triệu vé tàu và 42 triệu vé máy bay (tương đương với 20.000 chuyến bay mỗi ngày) đã được bán ra trong những tuần gần đây. Đó là chưa tính đến 3,2 tỷ chuyến đi bằng đường bộ bất kể đó là xe ô-tô cá nhân hay phương tiện công cộng, kể cả xe gắn máy.
Về phần những ai không thể về được với gia đình, họ trao đổi với người thân bằng thư nhắn, chủ yếu qua mạng WeChat. Dịch vụ thư tín phổ biến nhất tại Trung Quốc hy vọng ghi nhận được khoảng 10 triệu tin nhắn/ phút trong khoảng thời gian từ 22g cho đến thời khắc giao thừa.

Không có nhận xét nào: