Pages

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

TRUNG QUỐC KHÔNG THỂ CHE ĐẬY ĐƯỢC BỘ MẶT GIẢ TẠO CỦA HỌ

BienDong.Net: Từ những tháng cuối năm 2014 trở lại đây, kể từ khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam, họ đã thi hành một sách lược mới nhằm che đậy bộ mặt hiếu chiến, bành trướng bá quyền của họ. Sự hung hăng, những lời đe dọa dần biến mất, nhường chỗ cho những lời đường mật cam kết thi hành chính sách “hữu nghị” với các nước láng giềng thông qua các đề nghị hợp tác, đầu tư đầy hứa hẹn, trị giá nhiều tỷ USD.
Bằng việc đưa ra nhiều sáng kiến và tuyên bố cung cấp các khoản đầu tư khổng lồ cho việc triển khai các sáng kiến này, Bắc Kinh đang cho thấy chiến lược rõ ràng: mang lại lợi ích cho các nước thân thiết biết “nghe lời” và trừng phạt những bên phản đối tuyên bố chủ quyền của họ tại những vùng đang là điểm nóng tranh cãi. Đây là một phần trong chiến lược cây gậy và củ cà rốt của nước này trong cuộc chơi tranh giành kiểm soát ở Biển Đông.

Với Việt Nam, Trung Quốc tỏ ra mềm dẻo linh hoạt, mặc dù Việt Nam đã gửi một Tuyên bố đến Tòa ủng hộ cho vụ kiện của Philippines, nhưng Trung Quốc vẫn cử ông Du Chính Thanh, nhân vật thứ 4 trong ban lãnh đạo ở Bắc Kinh đi Việt Nam hồi cuối tháng 12/2014 tỏ cử chỉ thân thiện. Mặt khác, Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động lấp biển mở rộng các cấu trúc mà họ đang chiếm đóng ở Trường Sa bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước.
Việc Trung Quốc mở rộng bãi Chữ Thập lên đến gần 200 héc ta, xây dựng ở đây một đường băng dài 3 km rõ ràng là nhằm vào Việt Nam bởi cấu trúc này nằm cách bờ biển Việt Nam chỉ hơn 200 hải lý ngay sát vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam và án ngữ con đường từ bờ biển Việt Nam ra các cấu trúc mà Việt Nam đang quản lý ở Trường Sa. Nếu các nhà chức trách Việt Nam không tỉnh táo và xây dựng sẵn các tình huống thì sẽ hết sức khó khăn để đối phó khi Trung Quốc hoàn thành các căn cứ quân sự và tiếp tế ở bãi Chữ Thập.
Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc tỏ ra hung hăng và hành động quyết đoán hơn, chẳng hạn như cách xử lý trong vấn đề trên biển với Việt Nam, Philippines và Nhật Bản. Điều này đã làm cho tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông trở nên căng thẳng hơn và các nước láng giềng lo ngại hơn với Trung Quốc. Mặt khác, các biện pháp mạnh tay của Trung Quốc ở trên biển thời gian qua còn là phép thử để xem Mỹ cương quyết đến đâu trong chiến lược “xoay trục” về Châu Á.
Các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: một là, chấp nhận tham vọng bành trướng trên biển đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thống trị Châu Á của nhà cầm quyền Bắc Kinh và nắm lấy lợi ích kinh tế kèm theo; hai là, cương quyết giữ nguyên tuyên bố chủ quyền và kiên quyết đấu tranh với Bắc Kinh để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp trên biển của mình, đồng thời đi tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ và các cường quốc khác để đối phó với chính sách cường quyền của Bắc Kinh.
Những tuyên bố gần đây của lãnh đạo Trung Quốc và hành động của họ trên thực tế cho thấy Trung Quốc không hề có ý định thỏa hiệp trong tuyên bố chủ quyền của mình. Đánh giá về chính sách của Trung Quốc đối với các nước láng giềng, ông David Shambaugh, Giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott, Đại học George Washington, cho rằng những gì tưởng như là một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh “chủ yếu chỉ là chiến thuật và nhằm khoa trương”. Ông nói: “Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ lặp lại những chiến thuật thậm chí còn cứng rắn hơn đối với các nước láng giềng và Mỹ trong năm 2015”.
Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế nhận định đường hướng ngoại giao mới của Bắc Kinh đang mang nặng màu sắc của “đồng tiền”. Trung Quốc đang sử dụng nguồn tài chính dồi dào của mình để mua chuộc lôi kéo các nước vào quỹ đạo của Trung Quốc. Nhưng trước những hành động hiếu chiến vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước đều đang lo ngại về mối đe dọa của Trung Quốc và luôn cảnh giác trước những âm mưu thủ đoạn Trung Quốc dùng tiền để phục vụ mục tiêu chính trị và tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
Trong bối cảnh tình hình ở Ucraina và Trung Đông đang có những diễn biến phức tạp, Trung Quốc đang ráo riết đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn ở Biển Đông để thực hiện tham vọng xây dựng cường quốc biển, đưa Trung Quốc trở thành siêu cường nên dù có thay đổi sách lược, Bắc Kinh không thể đánh lừa được dư luận và bộ mặt giả tạo của họ ngày càng lộ rõ. Bà Bonnie Glaser, chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington cho rằng Trung Quốc đã chớp lấy cơ hội hiếm có khi các nước đang bận để thúc đẩy tham vọng trở thành cường quốc thế giới./.
BDN

Không có nhận xét nào: