Pages

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Trung Quốc vi phạm FIR Việt Nam nhiều lần

Image copyrightXINHUA
Image captionTrung Quốc đã thực hiện hai vụ hạ cánh của máy bay dân sự lên Đá Chữ thập hôm 6/1
Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam nói từ 1-8/1, Trung Quốc đã thực hiện 46 chuyến bay vào vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR) mà không báo trước.
Cục trưởng Lại Xuân Thanh nói với báo chí trong nước chiều thứ Sáu 8/1 rằng riêng trong hôm thứ Sáu, máy bay Trung Quốc đã có bốn chuyến bay (2 chuyến bay vào, 2 chuyến bay ra) qua vùng thông báo bay Hồ Chí Minh mà không thông báo để tới Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.

Hầu hết gần 50 chuyến bay không thông báo qua FIR của Việt Nam đều là để tới khu vực biển đang tranh chấp mà Trung Quốc xây đảo nhân tạo.
Trung Quốc chính thức công bố đã hạ cánh thử nghiệm hôm 2/1 và hai chuyến hôm 6/1 lên Đá Chữ thập, dẫn đến phản đối từ Việt Nam, Philippines và Nhật Bản.
Bắc Kinh nói các chuyến bay thử nghiệm của máy bay dân sự chỉ nhằm kiểm tra xem đường băng họ xây trên Đá Chữ thập, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử, có đạt chất lượng hay không.

Khiếu nại lên ICAO

Image captionVùng thông báo bay Hồ Chí Minh (màu xanh) và Hà Nội (màu vàng) do Việt Nam quản lý
Theo Cục Hàng không Dân dụng, máy bay Trung Quốc đã vi phạm quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) liên quan đến hoạt động bay.
ICAO yêu cầu các hãng bay nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, đồng thời liên lạc thoại với Trung tâm Kiểm soát của các nước mà họ bay qua.
Phía Việt Nam cho hay các chuyến bay của Trung Quốc đã cắt ngang một số đường hàng không với mực bay từ FL135 đến FL460 và mực bay từ FL250 đến FL460, từ điểm báo cáo DONA đến ALDAS.
Cơ quan quản lý hàng không của Việt Nam gọi hành động của Trung Quốc là "uy hiếp hoạt động bay trong khu vực".
Ông Thanh cho biết Cục Hàng không Dân dụng đã gửi thư thông báo vi phạm lên văn phòng ICAO Châu Á-Thái Bình Dương nhưng chưa được phản hồi.
Ông cũng nói Việt Nam sẽ kêu gọi các nước xung quanh cùng lên tiếng phản đối hành động uy hiếp an toàn hàng không của máy bay Trung Quốc.
BBC cũng đã liên lạc với văn phòng ICAO ở Thái Lan nhưng chưa được trả lời.
Theo luật quốc tế, bay qua vùng thông báo bay mà không liên lạc và báo trước bị cho là vi phạm và máy bay nếu vi phạm không phận có thể bị ngăn chặn, áp tải ra khỏi vùng bay thậm chí bị bắt buộc phải hạ cánh để điều tra.
Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng không phận, máy bay nước ngoài vi phạm và phi hành đoàn có thể bị bắt giữ.
Tuy nhiên luật không cho phép sử dụng vũ khí đe dọa máy bay dân sự.

Không có nhận xét nào: