Mạng internet và Facebook đã trở thành diễn đàn cho nhiều cây bút bày tỏ quan điểm xung quanh Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12.
Sự kiện chính trị 5 năm một lần, quyết định cơ cấu lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam, sẽ diễn ra từ 20 đến 28/1/2016.
Phiên trù bị tổ chức ngày 20/1, và Đại hội khai mạc chính thức ngày 21/1.
BBC xin trích giới thiệu một số bình luận gần đây của giới nghiên cứu, nhà quan sát và nhà báo đánh giá các góc cạnh khác nhau về diễn biến trước Đại hội 12:
Nhà báo Tâm Chánh, cựu Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp thị và Trưởng ban Chính trị - Xã hội báo Tuổi Trẻ:
“Bộ chính trị là cơ quan lãnh đạo thường xuyên của đảng, khi Ban chấp hành TƯ không họp. Tuy nhiên trong thực tế BCT là cơ quan siêu quyền lực trong đảng. Không chỉ trong đảng, BCT đóng vai trò bộ máy lãnh đạo tối cao của đất nước, “cho chủ trương” đường hướng quyết định hầu hết những vấn đề quan trọng về nhân sự, tổ chức, đối nội, đối ngoại, lập pháp, tư pháp. Các vị trí được bầu cử như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH…cũng hành xử trách nhiệm theo phân công và theo chủ trương (cụ thể) của BCT. Việc điều động lực lượng vũ trang ở qui mô nào (có qui định cụ thể ) cũng thuộc thẩm quyền của BCT chứ không phải của Bộ Quốc phòng hay thậm chí Bí thư Quân uỷ. Thái độ, tông điệu, quyết sách đối ngoại đều là những phương án phải thông qua BCT. BCT quản lý nhân sự cấp bộ trưởng và tương đương trong khi Ban bí thư quản cấp thứ trưởng và tương đương. Chủ trương về các dự án luật, các kế hoạch kinh tế xã hội, các công trình kinh tế xã hội quốc gia đều phải trình BCT thông qua trước khi duyệt theo thẩm quyền.
BCT làm việc tập thể, họp định kỳ hàng tuần, quyết định bằng cách bỏ phiếu, các thảo luận đều có bản văn lưu trữ.
BCT có qui chế hoạt động được thông qua bới Ban chấp hành TƯ. BCT có trách nhiệm báo cáo và kiểm điểm hoạt động với BCH TƯ. Trong nhiệm kỳ TƯ gần đây, BCT đã bị đặt trong yêu cầu giải trình và trả lời chất vấn với Ban chấp hành TƯ, làm rõ trách nhiệm cơ quan thường xuyên của TƯ chứ không phải là cơ quan cấp trên của TƯ. Chủ trương kiểm điểm bỏ phiếu tín nhiệm BCT trước TƯ là một dấu mốc trong sinh hoạt đảng nhằm kiểm soát quyền lực của BCT. Tuy nhiên, trong thực tế BCT vẫn là cơ quan có ý kiến quyết định mọi mặt cao nhất của đất nước, nhưng không chịu sự giám sát của bất kỳ hệ thống quyền lực hợp pháp nào. BCT trong thực tế là một cơ quan lãnh đạo siêu quyền lực của đất nước.
Những hiểu biết về cơ quan siêu quyền lực BCT và nguyên tắc hoạt động thường xuyên của nó để thấy rằng khó có thể xác định các sáng kiến chính trị ở VN thuộc về cá nhân nào. Những lời hô hào chống tàu không hẳn là quan điểm chính trị chính thức khi người đó họp BCT. Những quyết tâm chống tham nhũng, những hứa hẹn dân chủ, những chuyến đi đối ngoại rực rỡ không chắc gì là chủ ý thực sự của người đang thể hiện nó.
Cái khó khăn nhất cho mọi nhà báo, dù ở lề nào, là không thể kiểm chứng thông tin BCT từ nhiều nguồn. Có thể có cách nào đó tiếp cận được một thành viên BCT, nhưng không thể nào kiểm chứng điều thành viên đó nói là chính xác đến cỡ nào. Để phục vụ cho một mục tiêu chính trị nào đó không phải là không có lần nhà báo tiếp nhận từ nguồn tin là thành viên BCT mà sộ khám.
…Nhưng nói một cách thẳng thắn, ở thời điểm này nhìn từ sự quan tâm của dân chúng, nhất là giới trẻ, hình như cả việc đảng chọn tổng bí thư cũng không phải là mối bận tâm của họ. Một nền chính trị mà già nửa dân số không thấy thiết tha với nó, nền chính trị ấy, như mối lo của ông Võ Văn Kiệt, đang ở bên bờ vực. Mối lo ấy được như được “minh hoạ” khi người ta nhìn thấy những hình ảnh thị chúng bảo vệ đại hội đảng bằng những binh chủng, phương tiện dữ dằn, hiện đại của lực lượng vũ trang."
Nhà báo Huy Đức viết về lá thư của ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII và IX. Hai lá thư của ông Phan Diễn xuất hiện trên mạng ngày 8/1.
“Ông Phan Diễn cũng như nhiều vị cao cấp hưu trí khác vẫn đặt nặng vấn đề con gái Thủ tướng lấy chồng là con "sỹ quan VNCH". Tôi cho rằng đây là việc làm "mất điểm" của họ khi những lá thư này được đưa ra công chúng.
Tôi đánh giá rất cao việc Thủ tướng đã vì hạnh phúc của con gái, ủng hộ một cuộc hôn nhân mà biết chắc là sẽ gây phiền phức đến ông. Nhưng tôi còn đánh giá cao hơn, nếu cùng với việc ủng hộ con gái mình, ông - với tư cách là một người quyền lực nhất trong Đảng (tuy về danh nghĩa không phải là người cao nhất lúc đó) - đấu tranh để Đảng sửa đổi những quy định lỗi thời về lý lịch.
Chủ nghĩa lý lịch là một chính sách vô nhân đạo mà hàng triệu đảng viên khác đang bị ràng buộc (ngay cả các cháu học sinh vẫn bị lý lịch cản trở khi thi vào một số ngành).
Ông Phan Diễn và các đảng viên khác, có lẽ do thiếu thông tin, đang sử dụng một thông tin bịa đặt lan truyền trên mạng: con gái Thủ tướng đã nhận quốc tịch Mỹ. Lãnh sự Mỹ xác nhận với tôi, chỉ mới các cháu ngoại của Thủ tướng có quốc tịch Mỹ, còn con gái Thủ tướng chưa phải là công dân Mỹ.
Đây là một thông tin bịa đặt rất hiếm hoi mà các trang mạng nặc danh nhắm vào Thủ tướng và các thành viên trong gia đình ông.
Có một sự thật khá thú vị là, trong thời gian gần đây, hầu như các trang nặc danh đếu tập trung đưa lên mạng các thông tin bịa đặt về những người được coi là "đối thủ của ông Nguyễn Tấn Dũng". Facebook "dậy sóng" bình luận, chỉ trích và cả đau thương, thổn thức cũng phần lớn dựa trên những thông tin bịa đặt này.”
Nguyễn Giang, Phó Tổng biên tập vùng châu Á, BBC World Service:
“Đại hội Đảng 12 có thể coi là cuộc họp ‘giữa đôi dòng nước’, không phải chỉ vì phe phái, mà vì chuyển biến nội tại xã hội và xu hướng quốc tế tác động mạnh, trực diện, đa chiều vào chính trị thượng tầng ở Việt Nam với xung lực chưa từng có.
Trên quốc tế người ta đang nói đến sự suy yếu của quyền lãnh đạo như một quy luật mới.
Ở mọi nơi, quyền lực nay ngày càng phân tán và thoáng qua (power is increasingly diffuse and fleeting), và ở Việt Nam hẳn cũng vậy.
Ai lên nắm quyền cao nhất ở Ba Đình sau Đại hội 12 có vẻ sẽ nhờ vào ưu thế cục bộ nhỉnh hơn một chút chứ nay không phải thời nắm quyền ‘tối cao’ được nữa.
Và nhìn sang Trung Quốc thì thấy quyền lực tưởng là 'tối cao' của ông Tập Cận Bình đang bị thách thức liên tiếp từ thị trường chứng khoán, từ nội bộ, từ môi trường.
Quyền lực của các lãnh tụ đảng cũng yếu: bà Angela Merkel bị đảng CDU của bà công kích chuyện di dân, ông David Cameron lùi bước trước sức ép về EU trong đảng Bảo thủ, ông Barack Obama khóc khi đơn phương ra lệnh hạn chế súng đạn.
Ở Việt Nam, đây cũng là Đại hội Đảng của ‘các món nợ dần phải trả’.
Việc gắn kết vào mô hình Trung Quốc, đưa doanh nghiệp Trung Quốc vào làm ăn ồ ạt đã đem lại nhiều lợi nhuận nhưng cũng khiến các động thái chính trị Việt Nam bị bó hẹp lại.
Hội nhập mạnh với Phương Tây, Nhật Bản, Đông Nam Á đem về hỗ trợ ngoại giao, đầu tư vĩ mô nhưng vốn uy tín của hệ thống lại ngày càng gắn chặt với cam kết cải tổ thể chế và đòi hỏi nhân quyền.
Trong một xã hội đang phân tầng quyết liệt, việc vay vốn đất, vốn lao động của tầng lớp nghèo để đền đáp cho nhóm trung lưu đem lại sự phồn vinh đô thị nhưng tạo mất cân bằng và xung khắc giai cấp tiềm ẩn.
Tóm lại, bộ máy 4 triệu đảng viên cộng sản đã và đang vay cả tiền, cả vốn liếng chính trị từ nhiều bên và giai đoạn 2016-2020 là lúc phải trả nợ, bất kể ai hay nhóm nhà lãnh đạo nào lên nắm quyền."
Facebooker Anh Gấu Phạm, từ Hoa Kỳ, viết trên trang của ông sau chuyến về Việt Nam vừa qua:
“Hiện nay hai phe vẫn đang tính dùng các lá phiếu của các Ủy viên Trung ương để chiến thắng qua đường bầu. Anh em tâm linh cho rằng đường bầu có những hạn chế không thể sửa được trong ván bài chơi sát ván và chỉ có thể dùng để đưa ra kết quả cuối cùng một khi giai đoạn đấu tranh hay thỏa hiệp đã hoàn thành.
- Thủ tướng của chúng ta có lẽ đang ở thế yếu, hay nói đúng hơn ở chỗ yếu hơn ví dụ 1 năm trước đây. Ở chỗ này các lựa chọn hành động của Người có ít. Vẫn mạnh mẽ như con hổ nhưng cái chuồng giờ bé hơn chuồng 1 năm trước. Nhiều người nói là Người sẽ hành động mạnh mẽ, bất thường như phá cái chuồng ra. Anh em tâm linh cho rằng cách chơi kiểu giật bàn cờ này trong điều kiện hiện nay là chưa thể có. Nói thế nghe thì thích nhưng giật đi chơi lại có nghĩa là tất cả các bên đều mất mát.
- Xác suất cao là sẽ có thỏa hiệp. Anh em Bộ tâm linh cho rằng thỏa hiệp sẽ theo hướng Thủ tướng đồng ý nghỉ nhưng Thủ tướng lên thay sẽ là người được chỉ định và là cánh tay nối dài của Thủ tướng để làm người bọc hậu trung thành. Sẽ có mặc cả để đảm bảo không có những sự lùm xùm hồi tố, cướp giật, đày đọa con nhà người ta. Nếu phe Thủ tướng đủ mạnh có thể sẽ có cả mặc cả để một lựa chọn nhẹ nhàng hơn đứng chân Tổng Bí thư.
Tóm lại trong lúc trà dư tửu hậu, anh em cũng độc lập kết luận tương đối giống với anh Huy Đức là sẽ không có việc Thủ tướng lên làm Tổng Bí thư. Anh em cũng cho rằng sẽ có thỏa ước tập thể bảo lưu và bảo vệ Thủ tướng trọn đời. Khả năng cao là nếu việc đó xảy ra thì Tổng Bí thư hiện tại cũng có thể nghỉ ngơi yên hưởng tuổi già và người kế vị sẽ là một người hai bên đều chấp nhận được. Có một cửa sáng cho người về từ Sofia tức Hùng Vương thứ 14A.”
Carl Thayer, chuyên gia người Úc nghiên cứu về Việt Nam:
Viết trên trang The Diplomat 8/12/2015, GS Carl Thayer, nhà quan sát tình hình Việt Nam kỳ cựu từ Úc tin rằng sẽ không có thay đổi chính sách ngoại giao của Việt Nam sau Đại hội Đảng 12.
Bác bỏ quan điểm Việt Nam sẽ phải chọn Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc, ông viết:
“Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách cân bằng đa cực – đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ, chứ không đi theo chính sách thu hẹp bằng cách cân bẳng quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong những năm sau Đại hội Đảng 12.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét