Pages

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

'Đảng không phải là muôn thuở'

Hiến pháp sửa đổi sẽ điều chỉnh quan hệ giữa các vị trí quyền lực
 nhất tại Việt Nam?
Một năm trước kỳ hạn Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp phải trình lên Quốc hội bản dự thảo đầu tiên vào cuối 2012, một cựu Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam nêu quan điểm riêng về 'Luật về Đảng' và khả năng cải cách thể chế.
Đề cập với BBC về khả năng sửa đổi Điều 4 liên quan vị thế “lãnh đạo độc tôn” của Đảng Cộng sản trong Hiến pháp 1992, Tiến sỹ luật học Nguyễn Đình Lộc, nguyên Ủy viên Ủy ban Luật pháp Quốc hội, cho hay đang có cân nhắc về việc soạn thảo một bộ luật riêng về sự lãnh đạo của đảng, nhưng trích dẫn Chủ nghĩa Marx, ông lưu ý “đến một lúc nào đó đảng không còn nữa” và “đảng không phải là muôn thuở.”


Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng cũng trả lời câu hỏi về việc có thành lập hay không Tòa án Hiến pháp, soạn Luật Biểu tình hay Luật chống biểu tình và các điều luật ngăn ngừa điều được một phần dư luận quan ngại và cho là hiện tượng 'công an trị' trong xã hội.
Trong phần đầu cuộc phỏng vấn gồm hai phần với BBC, ông Nguyễn Đình Lộc lưu ý vì sao Quốc hội Việt Nam khóa XIII (2011-2016) cần đặc biệt coi trọng với việc sửa đổi, bổ sung bản Hiến pháp 1992.
Ông Nguyễn Đình Lộc: Đây là một công việc hệ trọng vì liên quan tới luật mà đây là luật cơ bản. Nó đề cập tới những vấn đề cơ bản của đất nước, từ chế độ chính trị tới chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, rồi bộ máy tổ chức nhà nước... Đó là tất cả những vấn đề cơ bản của xã hội, làm thế nào mà không hệ trọng được. Rồi quyền và nghĩa vụ công dân là những vấn đề rất cơ bản.
BBC: Theo ông, vấn đề Luật về Đảng có được tích hợp trong Hiến pháp ở một hay một số điều nào đó không? Có thay đổi gì đáng kể liên quan nội dung điều 4 không?
"Chủ nghĩa Marx đã nói đến một lúc nào đó đảng không còn mà nhà nước cũng không còn thì Đảng “muôn thuở” thế nào được"
Ông Nguyễn Đình Lộc: Vấn đề đó cũng đã có người nêu ra nhưng chưa rõ nét lắm vì nó cũng có một đạo lý của nó là Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ đang là đảng cầm quyền chứ không chỉ là đảng lãnh đạo chung chung. Và điều 4 của Hiến pháp đã ghi rồi. Vấn đề là rồi đây sẽ tính thêm xem có cần xây dựng “sự lãnh đạo của Đảng” thành một đạo luật không. Cái đó phải tính thêm.
BBC: Nhưng cũng có người đặt ra câu hỏi rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang tại vị như vậy, một đảng cầm quyền như ông đã nói, nay lại ra một điều luật về đảng, thì những chủ thể khác cũng muốn lập đảng có thể lập luận rằng “Đã có một đạo luật nguyên tắc về đảng như thế, chúng tôi cũng muốn lập đảng phái chính trị, thì chúng tôi phải được phép thành lập.” Ý kiến của ông?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Bây giờ Việt Nam mới có một đảng. Bao giờ có đảng khác thì sẽ tính thêm. Việt Nam hiện chỉ có một đảng thôi.
BBC: Trung Quốc hiện vẫn có một số đảng phái, bên cạnh Đảng Cộng sản Trung Quốc đương quyền, theo ông hình mẫu một đảng duy nhất tồn tại là Đảng Cộng sản và đồng thời cầm quyền như ở Việt Nam có phải sẽ kéo dài tới “muôn thuở”?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Nói một thời gian đã là khó rồi chứ nói “muôn thuở” thì nói thế nào được. Đến một lúc nào đó đảng không còn và nhà nước không còn. Chủ nghĩa Marx đã nói đến một lúc nào đó đảng không còn mà nhà nước cũng không còn thì Đảng “muôn thuở” thế nào được.
TS Nguyễn Đình Lộc
TS Nguyễn Đình Lộc xác nhận chủ đề về 'Tòa Hiến pháp' đang được bàn thảo sôi động ở Việt Nam
BBC: Trước đây, ở miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, bên cạnh Đảng Cộng sản cầm quyền, đã có lúc có hơn một đảng cùng tồn tại. Liệu Đảng Cộng sản có hình dung là tới một lúc nào đó sẽ có sự trở lại của mô hình có nhiều hơn một đảng cùng tồn tại hay là không?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Cái đó hơi khó nói vì bây giờ thực tế là một đảng. Và cũng chưa có chỗ nào nói là xây dựng đảng thêm. Chưa có chỗ nào nói cả. Bây giờ chỉ biết là Đảng CSVN là đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo.
"Phân công quyền lực?"
BBC: Nhưng cũng có ý kiến lâu nay nói mô hình một đảng duy nhất, lãnh đạo và cầm quyền đó làm dẫn tới tình trạng đảng này thâu tóm “tam quyền phân lập” giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quan điểm của ông?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Chúng tôi không theo quan điểm tam quyền phân lập, mà chúng tôi nói quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có phân công, phối hợp giữa các quyền lực đó, chứ không nói tam quyền phân lập. Đó là điểm khác.
BBC: Theo dự kiến được công bố, dự thảo sửa đổi hiến pháp của Quốc hội khi hoàn tất sẽ báo cáo lên Bộ Chính trị. Tại sao vậy, trong khi Quốc hội về nguyên tắc đã là cơ quan lập pháp và quyền lực cao nhất của nhà nước và nhân dân rồi? Theo đó có thể hiểu Bộ Chính trị là “cao nhất” chăng?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Khi nói tới Bộ Chính trị là nói tới “lãnh đạo”, chứ có phải nói là “cao nhất” đâu.
BBC: Còn quyền phúc quyết với Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp của nhân dân thì ra sao trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp này, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Nhiều khả năng lần này Hiến pháp (sửa đổi) sẽ quy định trưng cầu dân ý và dân phúc quyết về Hiến pháp.
BBC: Vấn đề Tòa án Hiến pháp có được đặt ra không?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Đây cũng là vấn đề đang sôi động. Có khả năng là sẽ có Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng Hiến pháp, cơ quan Bảo Hiến.
"Lưỡng viện hay không?"
Một số giới đang hy vọng Quốc hội khóa này cải tổ được hệ thống pháp luật
BBC: Liệu còn quá sớm hay không khi đặt ra vấn đề cải cách thể chế chính trị. Gần đây, nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nói với BBC về phương án có thể thành lập 'lưỡng viện', trong đó Bộ Chính trị, Trung ương Đảng là Thượng nghị Viện, Quốc hội do dân bầu là Hạ nghị Viện. Liệu có kịch bản này không, hay còn kịch bản nào khác?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Cái đó tôi thấy hơi trừu tượng. Năm 1945, ngay dưới thời Cụ Hồ, lúc đó cũng đã bàn Việt Nam một viện hay hai viện. Chính Quốc hội lúc bấy giờ rất là dân chủ, cũng quyết định là một viện thôi. Vì Việt Nam khác các nước.
BBC: Liệu có khả năng sẽ có điều khoản nào đó trong bản Hiến pháp sửa đổi quy định là người dân có quyền thực sự lập đảng phái, hội đoàn chính trị - xã hội đích thực của họ hay không, ngoài Đảng Cộng sản?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Hiến pháp đã nói (dân) có quyền lập Hội rồi.
BBC: Còn đảng phái thì không? Vì một số thành phần trong giai cấp công nhân, nông dân, trí thức và có thể cả một số thành phần trong giới tư bản, tư sản trong nước có thể tiếp tục đảng Cộng sản của mình, thì tại sao các thành phần khác trong các tầng lớp, giai cấp, khuynh hướng trong xã hội lại không thể lập được đảng phái chính trị của riêng họ?
Ông Nguyễn Đình Lộc: Cái đó đi vào cụ thể phải tính thêm. Vấn đề đó là tế nhị.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc từng giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ 1992 đến 2002, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội luật gia và Đại biểu Quốc hội các khóa VII, IX, X và XI. Phần âm thanh của cuộc phỏng vấn gồm hai kỳ sẽ được đưa lên ở mục nghe xem trong thời gian tới đây. Mời quý vị đón theo dõi.

Không có nhận xét nào: