Pages

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Cha chung không ai khóc (6000 tỉ vnd=300 triệu usd)


http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/2009/10/28/tauHoaSen_271009a.jpgChâu Xuân Nguyễn

Tiền thuế của 90 triệu người dân để trả nợ cho những thất thoát này. Agibank là cty mẹ của ALC2.
Phương thức tài chính này bân Tây Âu gọi là Leasing, tức là thay vì bỏ vốn mua một công cụ cho sản xuất (xe con, xe tải, máy tiện, nhà xưởng,máy xúc đất, tàu thủy v.v..) thì cty leasing (như ALC2) bỏ tiền ra mua rồi mỗi tháng doanh nghiệp trả “tiền mướn”.
Tiền mướn này tính trên lãi suất rất cao, 24 ~28% trong khi lãi suất mua nhà là 8%) vì toàn bộ số tiền này đưa vào chi phí sản xuất (production expenses) và được khấu trừ 100% từ thuế lợi nhuận.
Có một cái khác với những cty VN (cha chung không ai khóc) là những máy móc, xe con, xe tải đều phải có guarantee (bảo hiểm) mà còn phải có bảo lãnh qua tiền bạc hay Bất động sản của cty. Mục đích là để bảo vệ tài sản của cty cho mướn (ALC2).

Trong trường hợp doanh nghiệp bị giữ tàu, cty ALC cho trong vòng 2 tháng là lấy tiền bảo lãnh rồi bỏ tàu, thiệt hại là do doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải lo tiền nợ giải phóng tàu chứ không phải bổn phận của ALC2.
Như lease xe cho doanh nghiệp cũng thế, nếu ra đường, đụng nát xe thì bảo hiểm phải đền cho ALC2 (tiền bảo hiểm là doanh nghiệp phải đóng).
Còn một phi vụ tôi đọc được của ALC2 cách nay không lâu là cần cẩu mua 17 tỉ vnd, bán lại cho cty “quân xanh quân đỏ” (QXQĐ) 32 tỉ rồi cty QXQĐ mướn lại của ALC2. Tiền khác biệt thì ban giám đốc ALC chia chát với doanh nghiệp.
Vì tiền vốn có 17 tỉ vnd, lấy của ALC2 được 32 tỉ nên sau khi trả tiền mướn 1 hay 2 tháng thì xù (vì tiền mướn quá cao, tính lãi suất 28% của 32 tỉ vnd).
Đây là tình trạng những tàu nằm sét rỉ sau 1 hay 2 chuyến hải hùng (quên, hãi hành). Trích:”Ông Nguyễn Tấn Sơn, thuyền trưởng tàu Đồng Tháp 18, cho biết ông và thủy thủ đoàn nhận tàu từ công ty cuối năm 2010 và cho đến khi nằm bờ chỉ khai thác được tám chuyến hàng. Chuyến cuối cùng tàu từ Philippines về trả hàng tại cảng Khánh Hội (Q.4, TP.HCM) là ngày 6-4-2011 và nằm bờ cho đến nay. Nhìn con tàu ngày một “xuống sắc”, ông Sơn trầm tư: “Nằm bờ cả năm, tàu hư hỏng là không tránh khỏi. Chúng tôi cũng thấy xót lòng khi con tàu trị giá hơn 70 tỉ đồng phải nằm như đống sắt vụn”.hết trích.
Melbourne
18.10.2011
Châu Xuân Nguyễn
———————–
Những con tàu chìm trong nợ nần
Kỳ 1: Bị nước ngoài bắt giữ
TT – Công ty Cho thuê tài chính 2 (ALC2) có khoảng 77 tàu đang cho khách hàng thuê với giá trị đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng. Kết quả thu được sau bao năm là khoản nợ gốc lên đến 4.300 tỉ đồng, nợ lãi 1.300 tỉ đồng.
Đó là chưa kể một số tàu nằm hoang phế hoặc bị nước ngoài bắt giữ.
Hai con tàu Trãi Thiên 08 và 86 nằm xếp xó ở cảng Phú Hữu, Q.9, TP.HCM – Ảnh: Thuận Thắng
Hiện ALC2 có khoảng 10 tàu viễn dương cho khách hàng thuê đang bị bắt giữ tại các cảng ở nước ngoài. Số phận của những con tàu bạc tỉ này rất mong manh và nhiều khả năng một đi không trở lại.
Có đi nhưng không về
Theo điều tra, tàu Biển Nam được ALC2 ký hợp đồng cho Công ty TNHH thương mại hàng hải Biển Nam (137 Lê Quý Đôn, P.14, Bình Thạnh, TP.HCM) do ông Hà Khắc Nhu làm đại diện pháp lý thuê với giá hơn 75,3 tỉ đồng. Trong chuyến viễn dương gần đây, tàu bị bắt giữ tại cảng Padang (Indonesia) vì nợ phí cảng, nợ lương thủy thủ trên 8,3 tỉ đồng. Tàu này còn nợ của ALC2 hơn 73 tỉ đồng (nợ gốc) và nợ lãi hơn 28 tỉ đồng. Khối tài sản khổng lồ này đang bị bên cho thuê và bên thuê bỏ rơi với tình trạng pháp lý hết sức bi đát.
Chung số phận với tàu Biển Nam là tàu Seahome Sapphire bị giữ tại cảng Male của Maldives. Tàu này được ALC2 cho Công ty TNHH vận tải biển Gia Hải (32 Đặng Văn Ngữ, KP6, Nhà Bè, TP.HCM) thuê với giá gần 90 tỉ đồng. Mới viễn dương vài chuyến, tàu Seahome Sapphire bị giữ do thiếu nợ đối tác, đại lý, nợ tiền thủy thủ đoàn… với số tiền lên đến hàng trăm ngàn USD. Chủ thuê tàu cũng nợ ALC2 trên 85 tỉ đồng nợ gốc và trên 28 tỉ đồng lãi.
Công ty Gia Hải còn thuê của ALC2 tàu Seahome Shine và tàu này cũng bị các đại lý, đối tác ở Malaysia bắt giữ do không có khả năng thanh toán các khoản nợ lên đến gần 700.000 USD. Điều đó có nghĩa khoản nợ gốc và lãi gần 113 tỉ đồng mà chủ thuê tàu đang nợ ALC2 khó có khả năng hoàn trả.
Tệ hại hơn, tàu Long Thịnh Star do Công ty cổ phần vận tải biển Đại Tây Dương (Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng) thuê của ALC2 gần 80 tỉ đồng, hiện bị “giam lỏng” tại Philippines do không thanh toán được khoản nợ với đại lý nước ngoài và thủy thủ đoàn.
Cả bốn tàu trên có nguy cơ bị phát mãi theo luật hàng hải quốc tế để giải quyết quyền lợi các bên liên quan. Ngày về của các con tàu này gần như không còn.
Tàu Seahome Sapphire bị giữ tại cảng Male của Maldives – Ảnh: C.T.V.
Tàu viễn dương nằm bờ
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Trãi Thiên thuê và khai thác bốn con tàu hàng viễn dương Trãi Thiên 08, Trãi Thiên 68, Trãi Thiên 86 và Đồng Tháp 18 của ALC2. Tuy nhiên, những con tàu này phải nằm bờ phơi nắng gần cả năm nay vì Công ty Trãi Thiên rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính, không còn khả năng hoạt động, trong khi ALC2 chưa có phương án thu hồi.
Ngày 11-10, chúng tôi đến cảng Phú Hữu (Q.9, TP.HCM) và tận mắt chứng kiến những con tàu trị giá hàng chục tỉ đồng đang gỉ sét và hư hỏng theo nắng mưa. Trong đó, tàu Đồng Tháp 18 hư hỏng nặng nhất, toàn boong tàu được phủ một lớp gỉ sét.
Ông Nguyễn Tấn Sơn, thuyền trưởng tàu Đồng Tháp 18, cho biết ông và thủy thủ đoàn nhận tàu từ công ty cuối năm 2010 và cho đến khi nằm bờ chỉ khai thác được tám chuyến hàng. Chuyến cuối cùng tàu từ Philippines về trả hàng tại cảng Khánh Hội (Q.4, TP.HCM) là ngày 6-4-2011 và nằm bờ cho đến nay. Nhìn con tàu ngày một “xuống sắc”, ông Sơn trầm tư: “Nằm bờ cả năm, tàu hư hỏng là không tránh khỏi. Chúng tôi cũng thấy xót lòng khi con tàu trị giá hơn 70 tỉ đồng phải nằm như đống sắt vụn”.
Về tàu Trãi Thiên 68, thuyền trưởng Vũ Thanh Vận cho biết tàu này trả chuyến hàng cuối cùng vào ngày 21-5-2011 tại cảng Cái Sắn (Cần Thơ) và neo nằm bờ vì Công ty Trãi Thiên đã đóng cửa, nợ lương anh em. Đến đầu tháng 8-2011, tàu chạy về neo đậu tại cảng Phú Hữu và nằm phơi nắng đến bây giờ. Từ khi ký hợp đồng thuê tàu của ALC2, Công ty Trãi Thiên “chơi sang” khi chỉ cho tàu chạy được hai chuyến ở Malaysia và hai chuyến nội địa rồi nằm bờ đến nay.
Tìm đến hai tàu Trãi Thiên 08 và Trãi Thiên 86, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi không thấy ai làm nhiệm vụ trông coi. Các công nhân đang thi công cảng cho biết thỉnh thoảng có người xuống thăm tàu rồi đi. Hai con tàu này cũng trong tình trạng gỉ sét mạn tàu và hư hỏng một số bộ phận trên boong tàu. Ông Nguyễn Việt Bắc, thuyền trưởng tàu Trãi Thiên 08, cho biết tàu đã được thủy thủ đoàn bàn giao cho ALC2 trông coi. “Con tàu này trị giá hàng chục tỉ đồng nhưng họ coi như đồ bỏ đi” – ông Bắc bức xúc.
Nguy cơ mất tàu
Theo điều tra, hiện nay số lượng tàu của ALC2 cho thuê đang gặp sự cố bị bắt giữ, bị bỏ rơi ở nước ngoài gia tăng về số lượng, khả năng thất thoát, mất tàu là rất cao.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Ngọc Tiến, tổng giám đốc ALC2, cho biết các khách hàng đã lên tiếng cầu cứu, nhờ sự hỗ trợ và đề nghị chi trả số nợ để khắc phục sự cố, giải cứu tàu về nước. Tuy nhiên, sau nhiều lần xin ký kiến, Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời dứt khoát: “Việc ALC2 đề nghị tạm ứng chi phí trả một phần các khoản tiền mà bên thuê tàu còn nợ thuyền viên, ứng chi phí duy trì hoạt động tĩnh của tàu và các chi phí này sẽ thu hồi khi có nguồn thu từ xử lý tài sản thuê tài chính là không có cơ sở pháp lý”.
Theo ông Tiến, chính quy định này mà ALC2 dù có tiền cũng không thể bỏ tiền giải cứu các con tàu. Từ đó, các con tàu bị nước ngoài và các tổ chức bảo vệ quyền lợi của thuyền viên, đại lý tàu biển nước ngoài… bắt giữ có nguy cơ phát mãi rất lớn. “Sau khi nhận được chỉ đạo trên, chúng tôi không còn ý định đi giải quyết, thu hồi tàu về nữa. Nhìn những con tàu ngày một xuống cấp và có nguy cơ bị mất, chúng tôi cũng xót xa lắm” – ông Tiến nói.
HOÀNG KHƯƠNG – HỒ VĂN
(còn tiếp)
Tốn tiền tỉ để giải cứu tàu
Theo tìm hiểu, năm 2007 Công ty Nam Á thuê ALC2 tàu Nam Á để khai thác, kinh doanh. Sau đó, Công ty Nam Á cho một người Hàn Quốc thuê lại (vi phạm hợp đồng). Mới đây, tàu Nam Á bị một công ty Mỹ kiện do không thanh toán tiền mua dầu và bị bắt giữ tại Pakistan. Ban đầu, phía công ty Mỹ kiện chủ tàu trả 600.000 USD, nếu không sẽ phát mãi tàu. Sau nhiều lần lôi nhau ra tòa, cuối cùng chủ tàu phải trả hơn 100.000 USD mới đưa tàu về. Ông Hoàng Ngọc Tiến than thở: “Trong vụ này phía ALC2 phải chi 1,8 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng trả nợ. Vậy mà đến nay ALC2 chưa thu về được một đồng cả gốc lẫn lãi cũng như tiền hỗ trợ giải cứu tàu”.
Giải quyết xong tàu Nam Á, ALC2 tiếp tục chi hơn 10 tỉ đồng để giải cứu tàu Phúc Hải 5 khi tàu này bị bắt ở Indonesia. Theo tài liệu, con tàu này do Công ty TNHH Phúc Hải (Hải Phòng) thuê. Tháng 5-2010, Công ty Phúc Hải đem tàu cho một công ty khác thuê, do khai thác không hiệu quả con tàu bị bỏ rơi tại cảng Colombo (Sri Lanka). Tiếp đó, Công ty Phúc Hải lại cho một công ty khác thuê tàu chở hàng đi nước ngoài. Đi được một chuyến, tàu Nam Á bị bỏ rơi tại cảng Surabaya (Indonesia) vì lỗ nặng. Đến lúc này ALC2 phải cắn răng chi tiền để đưa tàu về. Ông Tiến cho biết: “Hiện tàu Phúc Hải 5 đưa về neo đậu tại Hải Phòng trong tình trạng xuống cấp thê thảm. Công ty phải mất tiền trông giữ, bến bãi mỗi ngày, trong khi đó khả năng thu hồi nợ dường như bằng không”.
Một vụ giải cứu tàu viễn dương tốn kém khác là tàu Hồng Sơn. Tàu này do ALC2 cho Công ty vận tải biển và thương mại Quang Trường thuê để khai thác. Ngày 2-12-2010, khi tàu đang neo đậu ở cảng Chittagong (Bangladesh) thì bị tòa án nước này ra lệnh bắt giữ. Lý do: phía Công ty Quang Trường nợ Công ty Total Group số tiền gần 100.000 USD. Đến ngày 17-1, ALC2 phải mang tiền qua thanh toán hết các khoản nợ của Công ty Quang Trường để đưa tàu Hồng Sơn về. Ông Tiến cho biết vụ này tốn không dưới 10 tỉ đồng, trong đó khách hàng chịu một phần, ALC2 chịu một phần (nhận nợ 5,6 tỉ đồng).
H.K. – V.H.Q.

Không có nhận xét nào: