Tổ chức Bảo vệ các nhà báo (CPJ), trụ sở ở New York, mới ra thông cáo bày tỏ quan ngại về điều mà họ gọi là 'đợt trấn áp tự do ngôn luận' mới đây ở Việt Nam.
CPJ cũng kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các nhà báo và cây viết đang bị giam cầm ở trong nước.Theo tổ chức này, trong chỉ sáu tháng qua đã có ít nhất chín cây viết, chủ yếu trên mạng internet, bị bỏ tù ở Việt Nam. Vào cuối năm 2010, con số này chỉ là năm người.
Ông Bob Dietz, giám đốc chương trình châu Á của CPJ, nói:"Với các vụ bắt giữ mới rồi, Việt Nam nay đã thuộc vào hạng các quốc gia cầm tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới".
"Tình trạng trấn áp đang diễn ra cho thấy sự khiếp sợ kéo dài của chính phủ Cộng sản về một nền báo chí độc lập có thể theo dõi sát các hoạt động, các chính sách và các nhân vật trong chính phủ."
Theo ông Dietz, các tội danh liên quan an ninh quốc gia mà nhà nước Việt Nam sử dụng để bỏ tù các nhà báo "đều là lý do giả tạo".
Thông cáo của CPJ liệt kê các trường hợp, như ông Lư Văn Bảy, một cây viết trên mạng internet với bút danh Trần Bảo Việt, bị bắt hôm 26/03 năm nay. Ông bị tịch thu máy tính và nhiều tài liệu.
Hôm 22/08, ông bị tòa án tỉnh Kiên Giang xử 4 năm tù giam và 3 năm quản chế vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN, theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Cáo trạng của tòa nhắc tới 10 bài báo mà ông Bảy đã viết và gửi đăng trên các website hải ngoại, như Đàn Chim Việt, Đối thoại và Tổ quốc, vốn mang tính chỉ trích đối với chính phủ Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, một số cây viết và blogger khác như Paulus Lê Sơn, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, và Nguyễn Văn Duyệt, cũng đã bị bắt với cáo buộc lật đổ theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Những người này đều theo Công giáo, và theo CPJ hay có các bài viết đưa ra các thông tin vốn bị cấm đoán ở trong nước.
Tổ chức bảo vệ nhà báo nói các vụ nói trên cho thấy cuộc trấn áp bất đồng chính kiến vẫn còn đang tiếp diễn ở Việt Nam, sau khi hàng chục nhà hoạt động xã hội và chính trị đã bị bắt.
CPJ nhận định: "Đợt trấn áp này tiếp theo sau một quyết định hồi tháng Hai cho phép chính quyền được thêm quyền hành trong việc xử lý các phóng viên và biên tập về các vấn đề bị cho là nhạy cảm về an ninh quốc gia".
Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng về thông cáo mới nhất này của CPJ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét