Pages

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

IMF nói VN chớ “đánh trống bỏ dùi”

Bê bối Vinasin đặt câu hỏi về việc nhà nước
 chi cho đầu tư công quá nhiều.
Việt Nam có thể bị chệch hướng trong nỗ lực ổn định nền kinh tế nếu nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm, Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo.
Ông Benedict Bingham, đại diện cấp cao của IMF thường trú tại Việt Nam, được hãng tin tài chính Bloomberg trích dẫn nói "Nguy cơ là mọi nỗ lực đã thực hiện trong năm nay nhằm ổn định tình hình và thuyết phục người dân rằng nhà nước cam kết thực hiện các biện pháp ổn định vĩ mô sẽ không đi đến đâu".


Việt Nam đang phải nỗ lực nhiều nhằm lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng do lạm phát vượt trên 20%, thâm hụt thương mại lớn và tập đoàn lớn thứ hai của nhà nước, Vinashin, bên bờ phá sản.
Tiền đồng của Việt Nam đang là một trong những đồng tiền ở mức yếu nhất so với đôla trong nhóm các đồng tiền tại các quốc gia ở châu Á.
Trong tháng Hai chính phủ thông qua Nghị quyết 11 nhằm bình ổn kinh tế vĩ mô bao gồm chống lạm phát, thắt chặt chính sách tiền tệ và tài chính.
Ông Bingham cho biết rằng các biện pháp của Nghị quyết này thực hiện chưa xong.
"Không được để có khoảng trống giữa cam kết qua lời nói về chiến lược và hành động cụ thể".
Giải thể hàng loạt
Giá vàng tại VN chênh lệch nhiều với giá thế giới do đầu cơ và quản lý kém ở cấp nhà nước.
Chính phủ cho biết trong tháng Tám rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ để mức lãi suất không đổi vào lúc này nhưng cân nhắc việc giảm lãi suất nếu giá cả giảm.
Khoảng 49.000 doanh nghiệp Việt Nam đã ngừng hoạt động hoặc giải thể trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Chín, tăng 22% so với một năm trước do bị ảnh hưởng bởi chi phí đi vay quá 20%, Báo Nông Thôn Ngày Nay đưa tin.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 22,42% trong tháng Chín so với một năm trước đó, có giảm tốc độ so với mức 23.02% vào tháng Tám, tuy vẫn là mức lạm phát cao nhất trong 17 nền kinh tế châu Á Bloomberg theo dõi.
Vào tuần này Cục Đầu tư Nước ngoài, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết cam kết đầu tư trực tiếp vào Việt Nam giảm xuống còn 9,9 tỷ đôla trong giai đoạn từ tháng Một tới hết tháng Chín so với cùng kỳ năm 2010.
GDP của Việt Nam tăng 5,76% trong ba quý đầu năm 2011, ít hơn so với mức tăng 6,54% trong cùng kỳ năm 2010.
Mới đây Kinh tế gia Trưởng Deepak Mishra từ Ngân hàng Thế giới có văn phòng tại Hà Nội cũng lưu ý có một số dấu hiệu về thực trạng khó khăn trong thanh toán tại khu vực bất động sản tại Việt Nam.
Một số nhà quan sát trong nước nhận định trong tình hình kinh tế bất ổn, mọi người đang xem "nơi trú ẩn an toàn" nhất hiện nay là vàng thay vì đầu tư vào các ngoại tệ như đôla, euro, hoặc chứng khoán hay bất động sản khác.
Giá vàng tại Việt Nam trong những tuần gần đây có lúc đã cao hơn giá vàng thế giới tới 4 triệu đồng/lượng.

Không có nhận xét nào: