Quỳnh Anh
Tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công không dễ. Nhiều quan điểm cho rằng, quan trọng là phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ kinh tế của Nhà nước trong kinh tế thị trường. Cái gì Nhà nước không làm được thì để cho thị trường làm. Từ đó, cần phải bán đứt, thậm chí chấp nhận bán lỗ các DNNN để chuyển sang cho tư nhân làm.
Tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”
Việc tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh đang được đặt ra. Trong đó, tái cấu trúc đầu tư được xem là một ẩn số quan trọng trong phương trình đa chiều của bài toán tái cấu trúc nền kinh tế.
Tái cơ cấu đầu tư đang là vấn đề bức thiết (Nguồn Internet)
Bàn về tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công, PGS.TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thời gian qua, chúng ta đã “quá ham thích đầu tư, mải mê đầu tư và kết quả là đầu tư thiếu cân đối”.
Cụ thể, chúng ta đã đầu tư dàn trải, có quá nhiều sân bay quốc tế, quá nhiều khu công nghiệp, nhiều cửa khẩu…
“Chúng ta có đến hơn 10 sân bay quốc tế trong khi nhiều quốc gia lớn trên thề giới chỉ có từ hai đến ba sân bay”, ông Bá lấy ví dụ minh chứng cho những dự án đầu tư thiếu hiệu quả.
Theo ông Bá, quan trọng là cần phải xác định rõ cái gì cần Nhà nước đầu tư, cái gì tư nhân đầu tư chứ không thể cứ “ trăm hoa đua nở”. Ngoài ra, trước đây, nhiều dự án địa phương làm và Nhà nước lo vốn nên làm gì cũng khó kiểm soát.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư vừa đưa ra cho thấy, kết quả cắt giảm đầu tư công thời gian qua đạt được rất hạn chế, ngay cả con số tổng kết còn chưa hiển thị rõ ràng. Chỉ biết rằng, số lượng dự án bị cắt giảm có thể tương đối nhưng thực tế quy ra tiền vốn lại rất ít.
“Chỉ những dự án bé bị cắt giảm để “làm phép” còn những dự án lớn vẫn tiếp tục. Đó là chưa kể đến việc các địa phương vẫn đang đầu tư thêm vào những dự án chưa có trong kế hoạch”, bà Lan cho biết.
Vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, điều đáng nói là tất cả những con số về cắt giảm đầu tư công đều rất mù mờ. Nhiều dự án khi thực hiện đều không được công khai về lợi ích bởi thực chất các dự án do các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tự đề xuất. “Có những dự án đường đầu tư mười mấy triệu đô la/km trong khi các dự án đầu tư vào y tế, giáo dục lại không được quan tâm”, bà Lan nói.
Đề cập đến nguyên nhân của tình trạng này, bà Lan dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, là do bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ và nhóm lợi ích.
Tuy nhiên, theo bà Lan thì lý do lớn nhất vẫn là nhóm lợi ích. “Họ muốn làm gì đó để dành phúc lợi cho mình chứ thực ra thành tích cũng chẳng để làm gì”, bà Lan khẳng định.
Còn PGS.TS Lê Xuân Bá thì cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ chỗ Nhà nước còn quá ôm đồm, điều hành kinh tế vĩ mô chưa tốt…dẫn đến nợ công gia tăng một cách đáng quan ngại.
Đừng xả rác rồi lại phải đi quét
Nhiều quan điểm cho rằng, tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công không dễ. Điều quan trọng là phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ kinh tế của Nhà nước trong kinh tế thị trường. Cái gì Nhà nước không làm được thì để cho thị trường làm. Từ đó cho thấy, cần phải bán đứt, thậm chí chấp nhận bán lỗ các DNNN để chuyển sang cho tư nhân làm.
PGS.TS Lê Xuân Bá cho rằng: “Nếu bán lỗ cũng không được thì thà bỏ hẳn cái cũ không hiệu quả còn hơn cố làm mà mang hiệu quả ngược lại. Nếu không bán được thì cắt để sau này khỏi phải trả nợ. Ngoài ra, trước mắt cần phải dừng ngay các dự án không hiệu quả, dù đang dang dở. Đừng xả rác rồi lại đi quét”.
Ngoài ra, vị PGS.TS này cũng lưu ý, đã đến lúc phải xem lại cơ chế phân cấp, không nên đánh đồng cả nước giống nhau, tỉnh chuyên nông nghiệp thì không nên cứ phải công nghiệp hóa…Do vậy, nếu giao cho các bộ, ngành, địa phương tự tái cơ cấu thì rất khó.
“Không ai ngồi trên ngọn cây mà lại tự vác dao chặt vào gốc cây. Cần phải để người khác chặt”, ông Bá khuyến nghị.
Để thực hiện tái cơ cấu đầu tư hiệu quả, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, yếu tố quan trọng là phải công khai minh bạch thông tin.
“Các dự án đưa vào danh sách cần phải xác định rõ địa điểm ở đâu? Dự án nào dùng ODA, dự án nào dùng ngân sách? Thời gian dự án kéo dài bao nhiêu? Chỉ rõ giảm, cắt, hoãn, giãn tiến độ cụ thể như thế nào để từ đó còn biết rằng dự án nào đã cắt, cắt ở mức nào?”, bà Lan nói.
Bà Lan còn cho rằng khi chưa giải quyết xong những dự án cũ thì Quốc hội không nên phê chuẩn các dự án mới. “Dù biết rằng rất khó thực hiện nhưng tôi mong rằng, người dân phải được tôn trọng bởi tiền là của dân. Nếu dùng ODA thì thế hệ sau sẽ phải trả nợ. Do vậy, phải siết chặt quá trình cơ cấu để tránh tình trạng lợi ích nhóm đi ngược lại với lợi ích của đất nước”, bà Lan nhận định.
Để “đương đầu” với tái cơ cấu đầu tư, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, giải pháp tiếp theo là làm thế nào để các cơ quan Nhà nước “nhịn” chi tiêu công vì thực tế, không cơ quan nào muốn mình bị cắt giảm. Ngay cả địa phương cũng vậy, chỉ muốn tỉnh bạn bị cắt chứ không phải tỉnh mình./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét