Pages

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Vài suy nghĩ về một bản án : Vấn đề trách nhiệm của lãnh đạo.

http://seablogs.zenfs.com/u/Y4LbZnaGAgJeEJj.L.9dOVia6lJVsQ--/profile/4.jpgTrương Nhân Tuấn


Bà Ioulia Timoshenko, nguyên thủ tướng Ukraine, bị kết án 7 năm tù cùng với 200 triệu $US tiền phạt vào ngày 11 tháng 10 vừa qua, do việc bà này ký hợp đồng lúc còn tại chức năm 2009 với tập đoàn dầu khí của Nga về việc cung cấp khí đốt cho Ukraine. Trong phần luận tội của công tố viện, bà Timoshenko bị kết tội lạm dụng quyền lực, việc này gây thiệt hại « nặng nề » cho Ukraine. Được biết, mức độ thiệt hại lên đến 1,5 tỉ hryvnia (vào khoảng 190 triệu $US) và hiện nay hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Bản án này đã gây một làn sóng phản đối từ Nga cho đến các nước Châu Âu, vì ở các nơi đây người ta cho rằng đó là một bản án nặng phần « chính trị », do đối thủ của bà là đương kim tổng thống Viktor Ianoukovitch dàn dựng lên nhằm triệt hạ đối thủ của mình. Theo các luật gia quốc tế, bà Timoshenko có đầy đủ tư cách pháp nhân để ký kết hợp đồng, việc kết tội bà « lạm dụng quyền lực » hoàn toàn là áp đặt.

Ở bài viết này tác giả sẽ không nói đến nội tình của vụ án chính trị đầy kịch tính này mà chỉ nói sơ lược về khía cạnh pháp lý của bản án : trách nhiệm của lãnh đạo trước những quyết định thuộc phạm vi quốc gia và dân tộc.
Ở các nước dân chủ trên thế giới, chứ không phải không chỉ riêng ở Ukraine, khi một vị nguyên thủ quốc gia, một vị thủ tướng, bộ trưởng… nếu trong thời kỳ tại chức có những hành động lạm dụng quyền hành, không ngoại lệ một ai, tất cả đều phải ra tòa án để giải thích về hành vi của mình. Tham nhũng, sách nhiễu tình dục, các hình thức bức hiếp người dân… đều thuộc vào diện « lạm dụng quyền hành ». Nếu xét thấy có tội (hay có hành vi phạm luật), nhà lãnh đạo này cũng nhận lãnh những bản án như bất kỳ người dân nào trong nước. Riêng các hành vi làm thiệt hại đến chủ quyền hay quyền lợi của quốc gia, dân tộc, như các việc tự động ký kết các hiệp định về biên giới mà nội dung chủ trương chuyển nhượng lãnh thổ, hải đảo… có thể qui vào tội « phản bội tổ quốc ». Các quyết định liên quan đến lãnh thổ hay việc tuyên bố chiến tranh… thường do quyết định của « tập thể », như Quốc Hội, với các cố vấn là « uỷ ban nghiên cứu » gồm những nhà chuyên môn. Một vài trường hợp gần đây, như việc tổng thống Phi là bà Gloria Arroyo, năm 2008 đã đơn phương ký kết hiệp định với Trung Quốc về việc thăm dò dầu khí trong vùng tranh chấp thuộc Trường Sa. Hiệp định này đã bị các học giả Phi tố cáo là « bán biển cho TQ ». Kết ước này đã bị phủ quyết tại quốc hội Phi. Trường hợp khác, năm 2008, bộ trưởng ngoại giao Thái Noppadon Pattama đã bị cách chức sau khi đã « ký tắt » với Kampuchia một thỏa ước hữu nghị liên quan đến việc đề nghị UNESCO công nhận ngôi đền Preah Vihear là « di sản văn hóa của thế giới ». Theo đó gián tiếp công nhận chủ quyền của Kampuchia về vùng đất đang có tranh chấp giữa hai bên Thái-Miên. Thỏa ước này bị Tối Cao pháp viện Thái tuyên bố là « vi hiến ». Vì theo qui định của hiến pháp Thái, tất cả các quyết định liên quan đến lãnh thổ phải do quốc hội biểu quyết chung cuộc. Do đó hiệp ước không hiệu lực. Nhiều trường hợp khác, như các nhà độc tài ở các xứ Nam Mỹ, những tên đồ tể thuộc Đức quốc xã cũ, hay là Khmer đỏ… là những tên phạm tội diệt chủng, đều bị truy tố ra tòa để bị đền tội xứng đáng. (Việt Nam có một trường hợp do không tôn trọng những qui định của Công ước quốc tế của LHQ về cách đối xử với tù nhân, do thân nhân các nạn nhân đệ đơn truy tố, một vị tướng nổi tiếng của VN đến cuối đời cũng không dám ra nước ngoài, vì sợ bị bắt).
Nhưng tại Việt Nam thì không vậy, cho dầu ở nơi đây luôn tự hào là một xã hội « văn minh ». Nhiều trường hợp lãnh đạo đã làm cho dân vô tội « máu chảy thành sông », hay lãnh đạo nhượng đất và biển cho Trung Quốc qua việc ký kết các hiệp ước về biên giới, hoặc lãnh đạo đã ký kết những kết ước về kinh tế, cho khai thác quặng mỏ… đã làm thiệt hại đến môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân, hay những lãnh đạo do bất tài đã làm tiêu tán tài sản của quốc dân qua các tập đoàn kinh tế… Ở các nước, một vài tội này có thể được xem là « phản bội tổ quốc », có thể bị xử hình phạt nặng nhất. Nhưng ở Việt Nam thì tất cả đều bình an vô sự. Nếu không nói là ai cũng được thăng quan tiến chức. Ở đây chỉ nói vài vụ tiêu biểu.
1/ Vụ Trung Quốc khai thác Bô Xít trên Tây Nguyên : trách nhiệm là ông Nông Đức Mạnh nếu chiếu theo bản Tuyên Bố chung giữa hai nước Việt-Trung tháng 6 năm 2008. Đó dự án khai thác Bô Xít Đắc Nông, theo khoản 5 của Bản Tuyên Bố. Dự án này đến nay cho thấy phía Việt Nam đã bị thiệt hại lớn do nạn ô nhiễm môi trường cũng như không có hiệu quả kinh tế. Mặc dầu người dân, giới trí thức, khoa học gia… thường xuyên lên tiếng cảnh báo, nhưng dự án này vẫn được tiếp tục. (Trong khi đó, ở Miến Điện, dự án xây đập Myitsone do Trung Quốc là chủ đầu tư đến 3,6 tỷ đôla, bị hủy bỏ với lý do : không hợp lòng dân !).
Quốc hội VN im lìm về vụ này.
Bao giờ thì ông Nông Đức Mạnh (nếu không ra tòa) lên tiếng giải thích ?
2/ Vụ Vinashin : Đã gây thiệt hại đến vài ngàn tỉ cho ngân sách quốc gia, vì đây là tập đoàn của nhà nước. Vụ đổ bể này đã làm xôn xao dư luận Việt Nam một thời gian dài, nhưng đã bị rơi vào im lặng. Có người lên tiếng nói rằng do sự sụp đổ của tập đoàn này mà nhiều công trình hiện đại hóa hải quân của VN đã bị chậm trễ. Người trách nhiệm là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Vụ này quốc hội cũng im.
3/ Các vụ chung quanh việc phân định biên giới Việt-Trung. Việc phân định biên giới Việt Trung được đặt nền tảng trên các văn bản pháp lý (công ước Pháp Thanh 1887) và các « thỏa thuận » đã đạt được của lãnh đạo hai nước Việt-Trung.
a) Vụ phân định cửa sông Bắc Luân : Người phụ trách phân định vùng cửa sông Bắc Luân đã nhượng bộ cho phía Trung quốc những phần đáng lẽ thuộc về Việt Nam, đó là các bãi Tục Lãm và Dậu Gót (¼ bãi Dậu Gót và 2/3 bãi Tục Lãm nhượng cho phía Trung quốc).
Nguyên tắc xác định đường biên giới là giòng sông theo Công ước Pháp-Thanh 1887, đồng thời giải quyết chủ quyền các cù lao (mới thành hình sau này), đặc biệt cho vùng biên giới Quảng Đông (tức vùng tỉnh Quảng Ninh hiện nay), được mô tả như sau : đường biên giới luôn là đường tàu bè qua lại (chenal navigable), tức là đường mà theo đó nước sâu nhất. Các cù lao, cồn, bãi… ở phía bờ của nước nào thì thuộc chủ quyền của nước đó. Các cù lao, cồn, bãi… thành hình do phù sa bồi đắp sau này thì chúng ở gần bờ phía nào thì thuộc chủ quyền nước đó.
Nhìn lên bản đồ Google, ta thấy đường nước sâu nhất là đường nước có màu xanh đậm. Đường nước này ở phía bắc của các bãi Tục Lãm và Dậu Gót.
Chiếu theo qui ước này thì các bãi Tục Lãm và Dậu Gót hoàn toàn thuộc về Việt Nam.
Mặt khác, nếu ta xét đến nội dung Công ước 1887 và bản đồ vùng cực đông Móng Cái. Bản đồ này xác định đường biên giới trong vịnh Bắc Việt, đồng thời phân chia các đảo trong Vịnh. Đó là đường kinh tuyến đi qua điểm cực đông của đảo Trà Cổ. Theo nội dung công ước 1887, các đảo ởphía tây của đường kinh tuyến này thì thuộc Việt Nam. Các đảo phía đông thì thuộc Trung Quốc.
Nhìn lên bản đồ Google hiện nay ta thấy các bãi Dậu Gót, Tục Lãm (cùng nhiều cồn bãi khác) đều ở về phía tây của đường này. Do đó chúng đều thuộc Việt Nam.
Xem thêm tại đây :
Lý do nào phải nhượng cho Trung Quốc như vậy ? Ai là người có trách nhiệm phân định vùng này ? Do chỉ thị của « trên » hay do thiếu nghiên cứu ?
b) Vùng Nam Quan : Theo nội dung biên bản phân định biên giới của Công ước 1887 thì cột mốc tại Nam Quan mang số 18 được cắm cách cổng Nam Quan 100m về hướng nam.
Bỏ qua các giả thuyết cho rằng cổng Nam Quan hiện nay đã không đúng với vị trí trong lịch sử qua nhiều lần xây cất lại (vì sụp đổ ít nhất hai lần do chiến tranh Pháp Thanh 1884-1885 và Trung-Nhật trước Thế chiến II), cột mốc được cắm tại đây hiện nay đã dời khá xa về phía nam, so với khoảng cách như mô tả của công ước 1887.
Cột mốc số 19 thay vì được cắm trên đỉnh núi theo công ước 1887 thì bị dời xuống chân núi (mà chưa chắc là ngọn núi này !)
Cột mốc cắm ở điểm nối đường ray xe lửa cũng bị lấn sang phía VN hơn 100m.
Xem thêm ở đây :
Ai trách nhiệm phân định vùng này ?
4/ Vịnh Bắc Việt : Vịnh này đã được phân định theo công ước Pháp Thanh 1887, phân định lại năm 2000. Việc phân định lại đã gây thiệt hại rất lớn cho Việt Nam. Theo tin tức nhận được thì nguyên tắc phân định là 1 : 1,1. Điều này có nghĩa, từ một điểm bất kỳ trên đường biên giới, điểm này sẽ cách VN và TQ với tỉ lệ là 1/1,1. Nhưng thực tế mọi người đều thấy các « giới điểm » đều không đúng với qui tắc đã thỏa thuận. Các giởi điểm đều lấn sang phía Việt Nam. Trong khi các đảo Cồn Cỏ và Bạch Long Vĩ thì chỉ có hiệu lực rất ít.
Ai đã có quyết định hay chủ trương phân chia theo phương pháp này ?
Xem thêm ở đây :
5/ Về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa : Năm 1958 ông Phạm Văn Đồng, thủ tướng nước VNDCCH, đã viết công hàm ủng hộ lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, trong đó gián tiếp công nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS.
Nhiều người cho rằng công hàm này không đề cập đến chủ quyền HS và TS nhưng trên thực tế, chính tác giả của nó là ông Phạm Văn Đồng, nhân một lần trả lời phỏng vấn báo chí về một câu hỏi liên quan số phận HS và TS. Ông Đồng xác định là « vì thời chiến nên phải nói như vậy ». « Nói vậy » tức là đã công nhận « HS và TS » thuộc TQ.
Ở đây tạm không tranh cãi về hiệu lực pháp lý của văn bản này mà chỉ nói đến hành động của ông Đồng, đến trách nhiệm của ông này đồng thời trách nhiệm của ông Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Văn Đồng đã phạm tội « phản bội tổ quốc », tội cao nhất, vì đã công nhận chủ quyền của ngoại bang trên phần đất của cha ông.
Ông Hồ Chí Minh liên đới chịu trách nhiệm với ông Đồng, vì ông Đồng là một thành viên của chính phủ do ông Hồ bổ nhiệm. Ông Đồng chỉ dám ký công hàm chỉ khi có sự đồng ý của ông Hồ.
Bao giờ quốc hội VN đưa vấn đề này ra luận tội ?
6/ Về những vấn đề liên quan đến hai quần đảo HS và TS :
Các lãnh đạo CSVN ở các thế hệ sau này cũng đã thừa nhận HS và TS thuộc về TQ qua các mật ước đã ký kết giữa hai đảng. Các tuyên bố giữa lãnh đạo hai nước Việt-Trung luôn xác nhận phải « nghiêm chỉnh tuân thủ nhận thức chung liên quan của lãnh đạo cấp cao hai nước ». Dĩ nhiên, tinh thần của công hàm ông Phạm Văn Đồng là « nhận thức chung » của lãnh đạo cấp cao. Hoặc HS và TS của VN, hoặc HS và TS của TQ, không thể có một « nhận thức chung » nào khác. Dựa vào cam kết này phía TQ đã cấm cửa không cho ngư dân VN vào đánh cá nơi các ngư trường truyền thống mà cha ông họ đã thả lưới ở đó.
Lãnh đạo nào chủ trương « nghiêm chỉnh tuân thủ nhận thức chung liên quan của lãnh đạo cấp cao hai nước » ?
Tại sao quốc hội Phi họ hủy bỏ được hiệp ước mà bà Gloria Arroyo đã ký với TQ ?
Tại sao Tối Cao pháp viện Thái hủy bỏ được hiệp ước ký kết giữa hai nước Thái-Miên về Preah Vihear năm 2008 ?
Tại sao VN không làm được ?
7/ Về vấn đề 3 vùng biển : Lãnh đạo nào đã thỏa thuận có ba vùng biển tranh chấp với Trung Quốc ? Ba vùng biển dĩ nhiên là ba vùng : vịnh Bắc Việt, vùng biển Hoàng Sa và vùng biển Trường Sa. Chấp nhận như thế là VN đồng ý sự hiện diện hợp lý của TQ ở ba vùng biển này. Ở trong vịnh Bắc Việt hay vùng biển Hoàng Sa điều này có thể là hợp lý.
Lý do nào mà TQ có mặt tại vùng biển TS ? Các việc tàu thăm dò của VN, cho dầu hoạt động trong vùng ZEE (kinh tế độc quyền) của VN, nhưng vẫn bị phía TQ sách nhiễu, quấy rối, là đến từ thỏa ước ngu xuẩn này.
Lãnh đạo nào của VN đã mở đường cho TQ xuống vùng biển TS ? Học giả VN nào ủng hộ chủ trương chia vùng biển TS cho TQ ? Đây cũng là một hành vi có thể qui vào tội « phản bội tổ quốc ».
Trách nhiệm là ai ?
8/Trong chuyến đi thăm TQ kỳ này (tháng 10 năm 2011) ông Nguyễn Phú Trọng được vài điểm son mà các vị tiền nhiệm không làm được. Trước hết là việc xác định ở điều 2 của Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa :
« Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử,… đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. »
Tranh đấu với phía TQ để họ phải chấp nhận đưa vào câu : « Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử,… » là một thắng lợi lớn của ông Trọng mà các thế hệ lãnh đạo trước đã không làm được. Có lẽ đây là công lao của các học giả « làm khó nhà nước » cũng như thành quả của các cuộc biểu tình chống TQ vừa qua tại Hà Nội (và Sài Gòn).
Tiếp đến là ông Trọng cũng đã « khai thông đường dây đỏ » giữa lãnh đạo hai nước. Điều này chứng tỏ « đường dây đỏ » (thiết lập qua Tuyên bố 2005) đã bị gián đoạn (vì có gián đoạn nay ông Trọng mới khai thông). Đây cũng là một điểm son cho ông về ngoại giao.
Tuy vậy ông cũng phải liên đới chịu trách nhiệm về tuyên bố « đồng ý nghiêm chỉnh tuân thủ nhận thức chung liên quan của lãnh đạo cấp cao hai nước » của vị lãnh đạo tiền nhiệm nào đó, có ghi trong bản tuyên bố chung cũng như bản Thỏa thuận.
Nhưng trách nhiệm lớn nhất của ông Trọng là đã chuyển giao trách nhiệm của đảng CSVN lại cho nhà nước CHXHCNVN. Các thỏa thuận từ trước đến nay về biển đảo giữa hai nước Việt-Trung đều là việc nội bộ của hai đảng Cộng sản thì nay đã được nhà nước CHXHCNVN chính thức ký nhận.
Quốc hội VN có chấp thuận việc này hay không ? Hay chỉ là một thứ bù nhìn như từ trước đến nay ?
Kết luận : Dĩ nhiên, những việc làm hại dân hại nước của đảng CSVN kể ra vô số, ở đây chỉ nói một vài thí dụ điển hình. Ở các nước dân chủ, chỉ cần phạm một trong các tội trên đây, vị lãnh đạo đó sẽ « thân bại danh liệt ». Ở Việt Nam thì có nhiều ngoại lệ, mà lãnh đạo đứng ngoài, đứng trên pháp luật là ngoại lệ đặc sắc nhất trên thế giới. Các vị tội nặng nhất đôi khi lại được tôn vinh nhất, được các huy chương danh dự nhất. Trong khi những người yêu nước, khi thể hiện lòng yêu nước của mình (qua quyền được biểu tình) thì bị bắt bớ, đánh, đạp… Đúng là pháp lý của một nền cộng hòa chuối !

Không có nhận xét nào: