Pages

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Hai bài học từ Mùa Xuân Ả Rập

 
“…May mắn của các dân tộc Ả Râp so với chúng ta là họ có một lớp trí thức chính trị, nghĩa là những trí thức lấy đất nước làm lý tưởng của đời mình, dồn thời giờ, ưu tư và cố gắng để học hỏi và đấu tranh để đất nước được quản trị một cách đúng đắn…”
Cuộc cách mạng Ả Rập bắt đầu một giai đoạn mới khó khăn và lúng túng, đó là củng cố thắng lợi của dân chủ. Chúng ta có ít nhất hai bài học từ thực tại gay go này.

Trước hết là bài học từ sự dũng cảm đáng ngưỡng mộ của các dân tộc Ả Rập. Hàng ngàn người đã hy sinh tại Tunisia, Ai Cập và Libya để lật đổ các chính quyền bạo ngược Ben Ali, Mubarak và Gaddafi. Hàng ngàn người khác đã và còn đang tiếp tục hy sinh tính mạng tại Syria và Yemen để đất nước họ được có tự do. Họ đang chứng minh thêm một lần nữa chân lý đã được nhắc lại nhiều lần nhưng vẫn luôn luôn cần được nhắc lại, đó là tự do không miễn phí mà phải đấu tranh và trả giá đắt để có. Cách đây 81 năm, một thanh niên Việt Nam 28 tuổi, Nguyễn Thái Học, cũng đã từng nói trước khi bước ra máy chém rằng “hoa tự do phải tưới bằng máu”. So với các chế độ độc tài vừa bị hoặc sắp bị lật đổ chế độ cộng sản Việt Nam còn tệ hại hơn nhưng tại sao Việt Nam đã không chuyển động? Chắc chắn là không phải là vì dân tộc Việt Nam khiếp nhược hơn các dân tộc Ả Rập. Điều chúng ta cần hiểu là quần chúng trong mọi nước dưới các chế độ bạo ngược đều như nhau. Họ đều muốn đứng dậy nhưng chỉ đứng dậy nếu được động viên và lãnh đạo. Vả lại dân tộc Việt Nam cũng đã nhiều lần chứng tỏ sự bất khuất. May mắn của các dân tộc Ả Râp so với chúng ta là họ có một lớp trí thức chính trị, nghĩa là những trí thức lấy đất nước làm lý tưởng của đời mình, dồn thời giờ, ưu tư và cố gắng để học hỏi và đấu tranh để đất nước được quản trị một cách đúng đắn. Chúng ta không có lớp trí thức đó, những trí thức quan tâm tới đất nước chỉ là một thiểu số nhỏ và ngay trong thiểu số hiếm hoi này sự dấn thân cũng ít khi vượt được giới hạn của những kiến nghị.
Bài học thứ hai đến từ những khó khăn mà các nước Ả Rập đang gặp. Các chế độ độc tài Ben Ali và Mubarak đã chỉ sụp đổ nhường chỗ cho một khoảng trống chính trị tại Tunisia và Ai Cập. Chính quyền vẫn còn ở trong tay các tướng tá đã từng là những công cụ ngoan ngoãn của các bạo chúa. Chủ nhật 9/10 vừa qua thế giới còn bàng hoàng theo dõi trên màn ảnh cảnh xe tăng của quân đội Ai Cập hung hăng lao vào đám đông những người công giáo đang biểu tình phản đối những bạo hành mà họ đã là nạn nhân, làm hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Tại Libya, dù chế độ Gaddafi chưa hoàn toàn bị đánh đổ nhưng những tranh chấp gay go trong nội bộ chính quyền mới đã bắt đầu. Tại sao? Đó là vì tại tất cả các nước này không có một tổ chức dân chủ nào có tầm vóc vượt hẳn các tổ chức mọc ra như nấm và cũng không có một dự án chính trị nào có dáng dấp của một đồng thuận dân tộc. Các trí thức Ả Rập hơn hẳn trí thức Việt Nam nhưng họ vẫn chưa đạt mức độ mà một cuộc cách mạng dân chủ đòi hỏi. Họ đã có thể động viên được quần chúng nhưng chưa lãnh đạo được quần chúng, và bắt đầu gây thất vọng. Họ đã nhìn thấy nhưng chưa nhìn thấy với thâm tín mạnh rằng đấu tranh chính trị chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức và một tổ chức chính trị đúng nghĩa chỉ có thể là thành quả của những cố gắng bền bỉ trong nhiều năm.
Đó là hai bài học thấm thía mà trí thức Việt Nam, để đừng lỡ hẹn với làn sóng dân chủ mới, phải học khẩn cấp.
Ban biên tập Tổ Quốc

Không có nhận xét nào: