Thành phố Syrte hoang tàn đổ nát sau những trận đánh dữ dội cuối cùng. Ảnh chụp ngày 21/10/11. REUTERS/Esam Al-Fetori
Thanh Phương
Với cái chết của Kadhafi hôm qua (20/10), lịch sử của Libya sang một trang mới, chấm dứt chế độc độc tài, xây dựng một chính thể dân chủ. Nhưng trên con đường này, nhiều thách thức đang chờ đón các nhà lãnh đạo Libya, đặc biệt là về mặt chính trị và xã hội.
Được Liên Hiệp Quốc và khoảng 60 quốc gia công nhận là đại diện chính đáng của nhân dân Libya, Hội đồng Quốc gia Lâm thời (CNT) vào đầu tháng 9 vừa qua đã công bố lộ trình đi đến một nước « Libya tự do ».
Tài liệu này dự trù thành lập một chính phủ chuyển tiếp trong một thời hạn tối đa là ba tháng sau khi chính thức tuyên bố giải phóng toàn bộ đất nước. Chính phủ chuyển tiếp này sẽ có một nhiệm vụ rất nặng nề là, trong thời hạn 8 tháng, tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên tại một đất nước đã sống dưới chế độ độc tài Kadhafi trong suốt 42 năm qua. Sau đó, chính phủ chuyển tiếp sẽ trao quyền cho Quốc hội lập hiến được bầu lên. Tiếp đến, trong thời hạn 20 tháng, Libya sẽ bầu Tổng thống và Quốc hội.
Kế hoạch là như thế, nhưng có làm được hay không lại là chuyện khác. Trước hết, cho tới nay, ở Libya chưa có ai được tự do phát biểu, chưa hề có văn hóa chính trị. Để tham gia tranh cử, các đảng phái sẽ được thành lập, nhưng ngoài Hội đồng Quốc gia Lâm thời, chưa biết là sẽ có những lực lượng chính trị nào khác.
Khó khăn lớn nhất là làm sao xây dựng một quốc gia thống nhất, dân chủ và tự do, trên một xứ sở được hình thành từ các bộ tộc. Người ta sợ sẽ xảy ra đấu đá tranh giành quyền lực giữa các vùng, các bộ tộc, cũng như giữa phe xu hướng tự do và phe Hồi giáo cực đoan ở Libya.
Truớc mắt, sau 6 tháng xung đột dữ dội, chính quyền mới của Libya nay phải tìm cách vãn hồi hòa bình và công việc đầu tiên của họ là phải thu hồi số vũ khí đang lưu hành gần như tự do trên toàn quốc. Với sự trợ giúp của Mỹ, Hội đồng Quốc gia Lâm thời đã bắt đầu thu hồi vũ khí của lực lượng thân Kadhafi, nhất là các tên lửa địa đối không.
Các nhà lãnh đạo mới của Libya còn phải khôi phục một nền kinh tế, mà theo dự báo của tổ chức OCDE, sẽ bị sụt giảm 19% trong năm nay. Nhưng để tái thiết quốc gia, họ có thể dựa vào nguồn tài nguyên dồi dào của Libya, đặc biệt là dầu hỏa. Chẳng cần mời gọi, các công ty ngoại quốc sẽ tranh nhau thị trường béo bở này. Hơn nữa, cộng đồng quốc tế chắc chắn là sẽ viện trợ ồ ạt để giúp vực dậy nền kinh tế Libya.
Vấn đề là liệu tình hình của Libya có nhanh chóng ổn định để có thể tập trung tái thiết đất nước hay không, vì như đã nói ở trên, nguy cơ xáo trộn đang rình rập quốc gia này sau cái chết của Kadhafi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét