Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2011-10-05
Dự án Bauxite Tây Nguyên có nhiều vấn đề đáng nói, đặc biệt là sự thiếu chuẩn bị của nhiều cấp bộ liên hệ.Chúng tôi đã từng giới thiệu nhận xét của các chuyên gia kinh tế độc lập ở trong nước về dự án này. Hôm nay, Diễn đàn Kinh tế xin trở lại câu chuyện đó và mở rộng qua đề mục "quản trị dự án" với sự góp ý của nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do.
Thực tiễn và lý luận
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Kỳ này, xin được đề nghị với ông là chúng ta sẽ nói về việc quản trị dự án trên cơ sở khoa học khách quan có tính chất quy phạm, ông nghĩ sao về đề tài này?Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa rằng dự án là "những dự tính thực hiện được hệ thống hoá", trong đó có phải là ta tập trung vào dự án đầu tư và chú ý đến khía cạnh lợi và hại về kinh tế không?
Vũ Hoàng: Thưa đúng như thế dù cho quy mô của dự án có thể là lớn hay nhỏ, do chủ đầu tư là tư nhân hay liên doanh hoặc nhà nước thực hiện. Và giác độ kinh tế ở đây không thu hẹp vào chuyện doanh lợi mà mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nếu như vậy, tôi thiển nghĩ là ta sẽ cần nhiều chương trình liên tục về chủ đề này nhưng nên chú ý trước tiên đến hai khía cạnh tổng quát, đó là thực tiễn và lý luận.
Thứ nhất, về thực tiễn thì ở một xứ nghèo và đang phát triển như Việt Nam, chẳng khác gì các nước "tân hưng" Đông Á mấy thập niên trước, người ta có thể đo lường giá trị và cả phẩm chất của tăng trưởng ở số lượng dự án đầu tư được thực hiện đúng quy cách.
Càng có nhiều dự án được nghiên cứu, phê chuẩn, tài trợ và hoàn thành tốt đẹp thì kinh tế và xã hội càng có lợi, miễn là phải hoàn tất với hiệu quả. Cũng do tinh thần thực tiễn đó, số kỹ sư – chứ không là kinh tế gia – tham dự vào tiến trình phát triển dự án có thể là một tiêu chuẩn đo lường thực tế nhất về sức mạnh kinh tế của một quốc gia. Ở đây, dĩ nhiên là ta nói về kỹ sư có thực tài và lương tâm!
Vũ Hoàng: Ông là một chuyên gia kinh tế mà lại có xu hướng đề cao vai trò của kỹ sư, đấy là một yếu tố rất đáng chú ý. Thưa ông, còn khía cạnh thứ hai, ông gọi là lý luận, nó là gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Về vai trò của kỹ sư thì ta nhớ là đi thực hiện dự án ở từng công trường chính là các kỹ sư, với đồ án nghiên cứu trên tay và công trình trước mặt, để so sánh và kiểm tra.
Về khía cạnh thứ hai, là lý luận - và đây là bài học cơ bản về kinh tế - ta phải đo lường nổi cái chuyện "được và mất" của một dự án. Cụ thể là tính ra rằng nếu thực hiện dự án đầu tư thì được những gì, ai được, bao giờ được? Mà mất những gì, ai mất, bao giờ mới thấy ra cái mất đó?
Y như giá trị của mọi quyết định kinh tế, giá trị của dự án cần được thẩm định theo "tổng thể" và trong "trường kỳ". Tổng thể là gồm nhiều thành phần dân cư, khu vực địa dư và khía cạnh sinh hoạt của xã hội, từ chính đến phụ. "Trường kỳ" là tính kết quả trước mắt và lâu dài đến vài ba chục năm. Dự án càng lớn thì không gian và thời gian ảnh hưởng càng mở rộng, mà những người có trách nhiệm quyết định phải nhìn cho tới, tính cho ra những hậu quả gần xa.
Từ hai khía cạnh thực tiễn và lý luận trên, ta tạm đi tới một kết luận là vai trò quan trọng của phần vụ kế hoạch trong các nước nghèo khi khởi sự cải cách theo quy luật thị trường. Xin chớ hiểu lầm rằng kinh tế thị trường khỏi cần kế hoạch! Một xứ đang phát triển như Việt Nam cần có một bộ kế hoạch có khả năng về chuyên môn và thực quyền về chính sách để làm cái lọc tinh tế trong tiến trình chuẩn thuận và kiểm tra thực hiện dự án. Lý do là tài nguyên dùng cho dự án này thì không dùng cho dự án khác, và cái được ở nơi đây là cái mất ở nơi khác.
Cho nên các nước đang phát triển thường nâng phần vụ kế hoạch lên cấp Phó Thủ tướng, tức là có thẩm quyền hơn các Tổng, Bộ trưởng, hầu còn có thể phối hợp về chính sách. Nhưng sau vài chục năm thì nên bãi bỏ cơ chế này khi xã hội đã phát triển đủ mạnh để nhiều cơ quan tư nhân sẽ đảm nhiệm vai trò yểm trợ và khuyến khích này. Sẽ có lúc ta nói về khả năng đó của tư nhân.
Vũ Hoàng: Ông nói như vậy có nghĩa là tổ chức của chính quyền và quy cách thực hiện dự án cũng tùy thuộc vào trình độ phát triển của từng quốc gia?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng thế vì ta nói đến các nước đang phát triển, là nơi mà cơ chế sàng lọc trong xã hội còn thô sơ và chính quyền phải là nhân tố yểm trợ cho tư nhân.
Nếu duy trì vai trò kế hoạch quá lâu thì theo thói tự nhiên, nhà nước khó từ bỏ vai trò vú em bao cấp, cán bộ nhà nước chẳng yểm trợ tư doanh mà còn dùng ưu thế nhà nước để trục lợi, làm chính sách bị lệch lạc. Các nước tân hưng Đông Á đều trải qua giai đoạn đó và khi đạt trình độ phát triển cao thì phải giảm vai trò của nhà nước để tránh chế độ tư bản thân tộc và khủng hoảng.
Mặt trái của yêu cầu kế hoạch đó là khi một cơ quan mà tập trung nhiều quyền hạn như vậy rất dễ thành trung tâm tham nhũng hoặc ban phát đặc quyền đặc lợi. Đó là trường hợp xảy ra cho các nước thiếu dân chủ và tự do báo chí, nên cơ chế điều hướng kế hoạch lại là yếu tố gây thêm lệch lạc kinh tế. Trung Quốc là một trường hợp tiêu biểu.
Kỹ thuật quản lý dự án
Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua phần thứ hai, thưa ông, đâu là những bước cụ thể của việc quản lý dự án.Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết là bước nghiên cứu. Trong giai đoạn này, có phần nghiên cứu "tiền đầu tư" là trước khi đầu tư, để xem là vì yêu cầu chung của cả quốc gia hay một khu vực, có cần một dự án hay không? Từ nghiên cứu sơ khởi ấy ta mới biết là nếu cần xúc tiến thì phải nghiên cứu tính chất khả thi của dự án, là có khả năng thi hành không. Dự án gọi là "nghiên cứu khả thi" cần sự tham dự của các kỹ sư, kinh tế gia, luật gia và kế toán, vì họ sẽ trả lời cho các câu hỏi thiết yếu nhất. Đầu tiên, muốn đạt yêu cầu thì áp dụng công nghệ nào là thích hợp nhất?
Đây là khâu then chốt vì công nghệ ấy đòi hỏi những gì? Như nguyên nhiên vật liệu và nguồn cung cấp, loại thiết bị, kết cấu hạ tầng và chuyển vận đến thị trường, xử lý phế thải và cả yêu cầu về nhân sự để vận hành và bảo trì sau này. Từ đó ta mới có thể tính ra phí tổn của dự án trên tổng thể trong trường kỳ, làm cơ sở thẩm lượng chuyện được mất hay lời lỗ cho đúng.
Một ví dụ là nhà máy giấy Bãi Bàng do Thụy Điển viện trợ cho Việt Nam từ 1974 mà nay vẫn là vấn đề. Lý do là họ thiếu kinh nghiệm sau đó phải áp dụng công nghệ của Brazil; họ không tính ra yêu cầu về nguyên liệu cơ bản là gỗ làm bột giấy và diện tích trồng cây để lấy gỗ; họ chẳng nghĩ đến vấn đề hủy thải phế vật cực độc trong tiến trình chế biến, v.v...
Hậu quả là một dự án viện trợ ban đầu trù tính là 173 triệu Mỹ kim đã lên đến một tỷ đô la mà 30 năm sau vẫn phải nhập một phần ba yêu cầu về bột giấy để sản xuất ra giấy! Đáng chú ý là Việt Nam tái diễn bài học Bãi Bàng với dự án Nhà máy giấy Hậu Giang có kinh phí dự trù là một tỷ 200 triệu đô la. Dự án vĩ đại ấy cần bao nhiêu gỗ, lấy mấy ngàn hecta rừng, rồi thải ra những gì, chảy đi đâu thì ít ai biết, kể cả các cơ quan hữu trách. Sau Bãi Bàng và Hậu Giang, nay có Bauxite Tây Nguyên!
Vũ Hoàng: Chúng ta hiểu vì sao mà vai trò của các kỹ sư là quan trọng và vai trò của các nhà hoạch định kinh tế là cần thiết. Bây giờ, sau bước nghiên cứu về công nghệ thì dự án khả thi cần trả lời những câu hỏi gì nữa?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Các chuyên gia về dự án đầu tư cho rằng đây là khâu quan trọng nhất cho tương lai ở hai khía cạnh là lời hay lỗ về kinh doanh và lợi hay hại về kinh tế. Đó là phần gọi là khả thi về kinh tế.
Từ giải pháp công nghệ với hạ tầng và thiết bị cần thiết, người làm kế toán phải tính ta phí tổn về đầu tư trong hai ba năm hình thành nhà máy, rồi phí tổn về điều hành và sản xuất sau này. Bài toán tài chính ở đây là tốn bao nhiêu ở đầu vào cho các loại nhập lượng và thu được bao nhiêu ở đầu ra nhờ xuất lượng là các sản phẩm? Lấy tiền đâu ra để làm việc đó, rồi sẽ hoàn trả ra sao? So sánh nhập với xuất và phóng chiếu vào tương lai dài hạn thì may ra ta dự đoán được phần lời lỗ. Và phải dùng phương pháp chiết khấu để quy vào giá trị hiện tại gọi là "hiện giá" của số thu nhập trong tương lai. Đây là lối kết toán thông thường của dự án tư doanh, để xem là có khả thì về tài chính không, có lời hay chăng?
Dự án gọi là "nghiên cứu khả thi" cần sự tham dự của các kỹ sư, kinh tếgia, luật gia và kế toán, vì họ sẽ trả lời cho các câu hỏi thiết yếu nhất.Nhưng dự án nghiên cứu khả thi còn đòi hỏi một nỗ lực khác. Từ ngọn trở vào là tình hình thị trường và nơi tiêu thụ vì ảnh hưởng đến giá bán và chuyện lời lãi sau này. Từ gốc trở ra là dự án đầu tư cần đất đai và hạ tầng chuyển vận như cầu đường, hệ thống điện năng, tiện ích, phế phải uế vật v.v. như thế nào... Cụ thể là đất đai là của ai, giải phóng mặt bằng thì tốn bao nhiêu, cầu đường cần tiêu chuẩn gì, ai thực hiện và ai thanh toán? Cách dự toán kinh tế này mới là cần thiết vì quyết định về kinh phí thật của dự án trong địa bàn rộng lớn hơn khuôn viên của hãng xưởng.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Theo vết xe đổ
Vũ Hoàng: Từ nghiên cứu khả thi kinh tế như ông vừa trình bày người ta càng thấy rõ những bất cập trong nhiều dự án tại Việt Nam. Có lẽ vì khâu nghiên cứu này chưa thấu đáo.Nguyễn Xuân Nghĩa: Hoặc là thừa gian ý! Tôi xin được nêu vài thí dụ đã thấy tại Việt Nam.
Một dự án hoang tưởng đã mua loại xe vận tải có sức trọng tải cao quá khả năng chịu đựng của hệ thống cầu đường ra vào nhà máy. Khi đó dự án bị tê liệt mà nếu nâng cấp đường xá và cầu cống của địa phương thì ai gánh chịu phí tổn? Chủ đầu tư cứ làm bậy, rồi ăn vạ chính quyền sở tại hoặc đút lót cho ai đó để địa phương sẽ lấy công quỹ thực hiện công trình đó cho dự án.
Bài toán này cũng xảy ra với dự án Bauxite ở Tây Nguyên khi người ta phải đầu tư thêm 4.000 tỷ để làm đường phục vụ dự án. Phí tổn đó phải bút ghi vào dự án và do chủ đầu tư thanh toán và nếu như vậy, dự án còn khả thi về tài chính không? Một dự án làm giấy cũng thế, nó cần cả một kế hoạch trồng cây tương xứng với công suất của nhà máy. Khi ấy, việc lấy đất và tái tạo cây rừng phải nằm trong kinh phí dự án. Nếu cứ làm bừa thì cuối cùng dự án chỉ làm được công đoạn cuối với trị giá gia tăng rất thấp là chế biến bột giấy ra giấy. Rồi vì vậy cứ phải nhập khẩu bột giấy để nuôi dự án và công nhân, tức là dự án gây tốn kém về ngoại tệ cho quốc gia. Lời thì các chủ đầu tư bỏ túi, lỗ thì dân phải gánh vì công quỹ chính là tài sản của người dân!
Vũ Hoàng: Thưa ông, qua một số quy cách làm việc khách quan và khoa học của thế giới, dù mới chỉ là trong phần nghiên cứu rất sơ khởi, người ta đã thấy ra nhiều vấn đề mà lý ra thì Việt Nam đã có thể tránh được, nhất là khi đã được quốc tế viện trợ về tư vấn kỹ thuật. Thế thì, theo ý kiến của ông, vì sao lại có những chuyện đáng tiếc như vậy?
Hệ thống chính trị mờ ám làm nảy sinh phản ứng vô trách nhiệm trong công quyền vì không ai thực sự chịu trách nhiệm về quyết định của mình khi có những thế lực mờ ảo ở đằng sau.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi cho rằng ta có hai loại vấn đề nặng nhẹ khác nhau.
Nhẹ thì có khả năng chuyên môn còn kém, là điều hiểu được mà thật ra cũng dễ khắc phục vì không biết thì học hỏi và nhờ tư vấn độc lập. Về chuyện đó, có lẽ ta nên biết là đa số dự án ở các nước công nghiệp tiên tiến cũng dự toán sai về kinh phí đầu tư và thời hạn hoàn tất. Có nhân gấp đôi thì vẫn chưa đủ! Nhưng chính vì thế mà mình càng nên học hỏi và khi dự phóng thì nên chọn giả thuyết bi quan và bảo thủ nhất. Nặng hơn vậy có vấn đề chính trị. Hệ thống chính trị mờ ám làm nảy sinh phản ứng vô trách nhiệm trong công quyền vì không ai thực sự chịu trách nhiệm về quyết định của mình khi có những thế lực mờ ảo ở đằng sau. Đó là môi trường lý tưởng cho tham nhũng và hủy hoại tài nguyên, thậm chí gây tai họa cho an ninh quốc gia.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi và mong là trong nhiều kỳ sau chúng ta sẽ nói tiếp về kỹ thuật quản trị dự án cho khu vực tư doanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét