Pages

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Sửa đổi Hiến pháp. Do ai ? Cho ai ???

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 132 (01-10-2011)
Khi tân Quốc hội Cộng sản khóa 13 với tân chủ tịch là ông Nguyễn Sinh Hùng ra mắt quốc dân trong phiên họp đầu tiên từ 21-07 đến 06-08-2011 tại Hà Nội, người ta đã nghe đề cập đến việc sửa đổi Hiến pháp. Hai hôm sau ngày bế mạc, Chủ tịch Ủy ban dự thảo việc sửa đổi (vốn cũng là Chủ tịch Quốc hội), long trọng tuyên bố điều này trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban.
Tính từ Hiến pháp tiên khởi năm 1946, đây là lần thứ tư nước Việt Nam CS thực hiện việc sửa đổi văn kiện quan trọng này. Bản Hiến pháp hiện thời được ban hành năm 1992, sau khi VN buộc phải rút quân khỏi Campuchia, hòa hõan và nối lại bang giao với Trung Cộng. Lời nói đầu (theo Liên Xô chống “Bá quyền Bắc Kinh”) của bản Hiến pháp 1980 bị loại bỏ. Nhưng điều 4 vẫn được duy trì, cho phép đảng CS toàn quyền lãnh đạo đất nước mà không chịu một chế tài nào cả. Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương, hai cơ cấu hoàn toàn nội bộ của đảng và không được ghi trong Hiến pháp, trên thực tế lại đưa ra mọi quyết định liên hệ đến đời sống của từng công dân và sinh mệnh của cả dân tộc. Và Tổng Bí thư đảng, một chức vụ hoàn toàn thiếu vắng trong Hiến pháp, lại là kẻ có quyền lực cao nhất, trên cả Chủ tịch nước nữa. Những nhân vật và cơ cấu này của đảng CS đã đứng ngoài và đứng trên Hiến pháp như thế hơn nửa thế kỷ nay, kể từ Hiến pháp 1959, mặc bao lần “sửa đổi” văn bản luật số một này.

Theo bà Dương Thị Thanh Mai, viện trưởng Viện khoa học pháp lý của Bộ Tư pháp, trong cuộc trả lời phỏng vấn của BBC ngày 06-09-2011, “ngay từ đầu việc sửa đổi Hiến pháp phải có sự tham gia nhiều nhất, thực chất nhất của nhân dân và các nhà khoa học”. Thế nhưng, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp được Quốc hội CS thành lập ngày 06-08 chỉ gồm 30 thành viên, trong đó có đến 8 người thuộc Bộ chính trị, gồm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức Tô Huy Rứa và Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh. Rồi nhìn vào trọn danh sách Ủy ban, chúng ta đều thấy 100% là viên chức nhà nước, là đảng viên CS. Nghĩa là đại diện của các đoàn thể và chính đảng dân chủ, của giới luật gia, luật sư và thành phần trí thức ngoài xã hội -những nhân tố hết sức quan trọng để góp ý kiến cho việc sửa đổi Hiến pháp- đều không hiện diện trong Ủy ban này. Thật ra, chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng có nói: “Có cơ chế bảo đảm sự tham gia tích cực của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và lấy ý kiến rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân các ngành, các cấp”. Nhưng trong thực tế, “cơ chế” này là gì mà có thể “đảm bảo sự tham gia của các chuyên gia” được? Và cách để “lấy ý kiến rộng rãi của mọi tầng lớp” là như thế nào? Hoàn toàn không có, hay nếu có thì kết quả cũng chỉ như số phận của những ý kiến nhân dân đóng góp cho các đại hội đảng: nghe qua rồi bỏ! Đây là kiểu phát biểu lường gạt theo thói Cộng sản ấy mà! Như thế thì việc sửa đổi Hiến pháp, văn kiện luật cao nhất thể hiện ý muốn toàn dân, là do ai?
Cũng trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban ngày 8-8-2011, ông Chủ tịch còn ngang nhiên tuyên bố một nguyên tắc cơ bản : Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ vẫn bám sát Cương lĩnh và đường lối của đảng CS, nghĩa là phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời tiếp tục thể hiện cái gọi là “tập trung dân chủ”, nghĩa là (nhúm) đảng làm chủ (toàn) dân!?! Điều này đã thấy ngay trong kế hoạch hoạt động và tổ chức công việc của Ban Biên tập. Theo kế hoạch, dự kiến tháng 4-2012, Ban Biên tập sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương (đảng Cộng sản) Báo cáo Tổng kết việc thi hành và những nội dung cần bổ sung, sửa đổi của Hiến pháp 1992. Tháng 10-2012 trình Quốc hội (với 90% là đảng viên, gia nô của Bộ Chính trị) để thảo luận, cho ý kiến về dự thảo sửa đổi lần thứ nhất. Sau đó tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về những sửa đổi vào tháng 1-2013. Dự kiến tháng 10 hoặc tháng 11-2013 sẽ trình Quốc hội xem xét, để đám đảng biểu này phê chuẩn.
Việc lấy những văn kiện được thông qua ở Đại hội XI của đảng CS làm cơ sở lý luận và tư tưởng của bản Hiến pháp mới -theo lời nhà báo Bùi Tín- thật không gì sai lạc, mù quáng bằng. Chỉ cần nhớ lại sự kiện xảy ra ngày 7-10-2010 tại trụ sở Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế–xã hội quốc gia ở Hà Nội, khi nhiều đảng viên trí thức tầm cỡ -trong đó có những cựu phó thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao, thứ trưởng tài chánh, viện trưởng viện kinh tế, phó thống đốc Ngân hàng, cố vấn chính phủ- họp nhau để góp ý vào các văn kiện đại hội XI. Họ đã đồng lòng bác bỏ tất cả những lý luận và tư tưởng của các văn kiện, coi đó là những điều sai lầm, phi lý, hoang tưởng, phản khoa học, bị các nước khác vứt sọt rác từ lâu. Tất cả đều cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị phá sản triệt để, chủ nghĩa xã hội Mác-xít là ảo tưởng viển vông, chuyên chính một đảng là sai lầm tận gốc, quốc doanh như chủ đạo nền kinh tế là tàn phá đất nước, sở hữu toàn dân về ruộng đất là khái niệm phản bội nông dân, phá hoại nông thôn, nông nghiệp.
Rõ ràng đảng CSVN quyết khư khư giữ lấy loại Hiến pháp tồi tệ nhất trong ba loại Hiến pháp áp dụng trong thế giới hiện đại là: 1- Hiến pháp bảo đảm quyền (garantiste constitutions), 2- Hiến pháp hư danh (nominal constitutions) và 3- Hiến pháp trang trí (façade constitutions). Theo tác giả Trần Minh Khôi (Chuyện Hiến pháp, 08-09-2011), “loại Hiến pháp thứ nhất, thường thấy ở các quốc gia dân chủ tự do, bao gồm các điều khoản quy định các quyền tự do của công dân và vai trò giới hạn của nhà nước. Nó là một bản khế ước giữa quốc gia và nhà nước. Nó quy định điều gì nhà nước có thể làm và điều gì nhà nước không thể làm, đồng thời liệt kê các quyền tự do mà nhà nước phải bảo đảm cho công dân. Loại Hiến pháp này đóng vai trò của một văn bản pháp quy tối cao của quốc gia. Loại thứ hai chỉ nhằm mô tả một cơ chế nhà nước dựa trên quyền lực chính trị đang tồn tại, mục tiêu là để chính thức hóa quyền lợi của nhóm người đang cầm quyền. Nó bao gồm những điều khoản về cơ cấu quyền lực nhà nước nhưng không bao gồm những điều khoản giới hạn quyền lực này. Quyền lực nhà nước, và qua đó quyền lực của nhóm cầm quyền, là vô tận. Hiến pháp hư danh cũng không có ý làm dáng muốn trở thành một Hiến pháp thực sự: nó không mô tả các quyền tự do không được thực hiện. Trong một hệ thống chính trị, nó đóng vai trò của một công cụ biện minh cho hành xử độc tài của nhóm cầm quyền. Loại thứ ba, Hiến pháp trang trí, là chỉ dùng để trang trí cho hệ thống chính trị. Nó có đầy đủ các điều khoản về quyền và cơ chế nhà nước nhưng các quyền và cơ chế này không được hiện thực hóa. Người nắm quyền lực chính trị theo Hiến pháp và người thực sự nắm quyền luôn là hai người khác nhau. Nó là Hiến pháp giả tạo. Loại Hiến pháp này là phát minh của các quốc gia Cộng sản, bắt đầu ở Nga từ thời Stalin. Nó không có vai trò gì quan trọng trong hệ thống chính trị ngoài vai trò của một công cụ lừa gạt trong các mối quan hệ quốc tế và đối với công dân của nó”.
Thành ra, với những dấu hiệu trên, có thể quả quyết rằng Hiến pháp 1992 lại được sửa đổi là chỉ để duy trì và củng cố thêm quyền lực cho đảng CS trước tình thế bấp bênh, khủng hoảng và nguy kịch cho đảng hiện thời, cho phép Tổng Bí thư đảng đương nhiên kiêm nhiệm Chủ tịch nước (hay Thủ tướng, hay Tổng thống như các nước dân chủ) mà chẳng cần được toàn dân bầu ra. Đồng thời điều 4 sẽ không được hủy bỏ, các tổ chức chính trị dân chủ vẫn không được hoạt động công khai, bình đẳng với đảng CS. Trên 3 triệu đảng viên, đặc biệt là 200 ủy viên Ban chấp hành Trung ương và 14 Ủy viên Bộ Chính trị sẽ tiếp tục đè đầu cưỡi cổ gần 90 triệu “thần dân” như những lãnh chúa địa phương, những ông trời con bất khả xâm phạm. “Tập trung dân chủ” mà tập đoàn lãnh đạo CS muốn duy trì, vẫn chỉ có nghĩa là hãy để đảng tập trung quyền lực (và quyền lợi) vào cho hơn 200 ủy viên Trung ương để họ thực hiện dân chủ thay cho toàn dân. Như thế mới giữ được “ổn định” để “phát triển” (có lợi cho đảng), nhất là để thương thảo “êm đẹp” với Trung Quốc, và sẵn sàng biến Tổ quốc thành châu quận của nước Tàu nếu cần.
Sự tự tung tự tác của Đảng mới đây (ngày 28-09) còn thể hiện qua việc Dự luật về Biểu tình lại được Thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng giao cho công an nghiên cứu soạn thảo. Đây là một điều hết sức quái đản, vì thông thường các dự án luật phải do bên Lập pháp (Quốc hội) đưa ra, nhất là khi liên quan đến các quyền công dân căn bản. Chứ bên Hành pháp (cả Nguyễn Tấn Dũng lẫn Trần Đại Quang) đưa ra theo kiểu vừa thổi còi vừa đá bóng là chỉ để hạn chế tối đa quyền biểu tình. Với kinh nghiệm đàn áp hơn 11 cuộc xuống đường trong não trạng căm thù những người yêu nước và thái độ lấy lòng bọn Bắc phương xâm lược, chắc chắn Luật về biểu tình do công an soạn thảo và thực hiện sẽ là ngọn đòn trí mạng đánh vào khuynh hướng dân chủ và tấm lòng ái quốc đang sôi sục chỗi dậy.
Sự kiện thứ hai là cũng hôm 28-09, bất chấp sự cảnh báo của nhiều nhà khoa học và thảm họa kinh hoàng đầu năm nay tại Fukushima Nhật Bản, cũng Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh tổ chức lễ ký kết việc hợp đồng nghiên cứu giữa tập đoàn Điện lực Việt Nam, chủ đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, với công ty Điện Nguyên tử JAPC của Nhật Bản. Để trấn an dư luận trước mối đe dọa tiềm tàng từ các nhà máy điện hạt nhân sắp xây dựng này, nhà cầm quyền CSVN một lần nữa lại ngoác miệng tuyên bố đặt vấn đề an toàn làm ưu tiên số một. Nhưng sự cố rò rỉ hóa chất mới đây tại Tổ hợp Bauxite Tân Rai (và vô vàn vụ ô nhiễm môi trường khắp nước) cho thấy đó chỉ là những lời dối trá của những kẻ vô trách nhiệm chỉ biết làm giàu trên xương máu dân tộc.
Sửa đổi Hiến pháp theo Cương lĩnh đảng, bất chấp sự tham gia và sự phúc quyết của toàn dân, nhằm củng cố quyền lực; ra luật Biểu tình trái quy định của nền pháp chế và với mục đích tiêu diệt tinh thần dân chủ; tiến hành một dự án năng lượng đầy rủi ro và nguy hiểm về nhiều mặt cho đất nước bất chấp vô vàn lý do bất thuận lợi, tất cả đã chẳng cho thấy cái chế độ chuyên quyền và cái đảng ngạo mạn này phải bị tống cổ khỏi vũ đài chính trị và quét sạch khỏi lịch sử Dân tộc sao?
Ban Biên Tập

Không có nhận xét nào: