Chủ cửa hàng xài máy phát điện “cầm cự qua ngày.” (Hình: Báo Lao Ðộng) |
Vụ cúp điện cả khu vực tổ dân phố số 2 thuộc xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội đã diễn ra cách nay hơn một năm. Ðến nay vì chịu hết nổi, người dân bắt đầu gửi đơn đến các báo cầu cứu
.
Ông tổ trưởng tổ dân phố tên Trần Thơ cho biết, đơn xin gắn đồng hồ điện của hàng trăm gia đình cư dân tại đây không được đáp ứng suốt một thời gian dài. Vì vậy, họ đã phải tự lắp đặt hệ thống dây điện, mua lại điện của một đơn vị thuộc Bộ Quốc Phòng mà xài.
Nhưng sau đó không lâu, chính quyền xã Phú Diễn áp lực ngành điện lực Từ Liêm cắt điện của dân. Nguyên nhân chính được nêu vì đây là khu vực sẽ bị giải tỏa để mở rộng đường. Hàng trăm người dân đang cư ngụ trong vùng bị buộc tội “vi phạm trật tự xây dựng.”
Không có điện, nhiều người rơi vào cảnh tăm tối. Một số chủ tiệm phải lắp máy phát điện riêng để hoạt động tạm bợ, được ngày nào hay ngày ấy. Một số gia đình kéo tạm đường dây điện của khu dân cư lân cận để xài với giá cắt cổ. Một số người già di tản đến nơi khác để qua cơn nắng nóng vừa qua.
Mới đây, báo Lao Ðộng cho biết, chính quyền xã Phú Diễn xua người đến đập phá bảng số nhà của người dân. Có người mặc sắc phục công an, cầm gậy gộc đập nát bảng số treo trước nhà họ.
Một số nhân chứng cho biết chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, hàng trăm bảng số nhà bị đập vụn, lấy sạch cả những miếng bị vỡ.
Ông Trần Thơ, đại diện người dân tổ dân phố 2 đang sống trong hoàn cảnh đọa đày cho biết hồi tháng 5, 2011 qua, tất cả cư dân đều được cấp thẻ cử tri với địa chỉ rất rõ ràng chính xác để... đi bầu. Nhưng họ chỉ được khuyến khích làm phận sự công dân khi đó rồi thôi. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, tất cả các bảng số nhà đều bị đập nát, họ trở thành những người cư trú bất hợp lệ.
Một số cư dân tâm sự, trong hoàn cảnh túng cùng như thế, những người “đại diện nhân dân” đã được họ bầu ra không hề thấy xuất hiện.
Nhân viên chính quyền đập phá bảng số nhà của dân. (Hình: Báo Lao Ðộng) |
Nhiều cư dân còn cho biết, mảnh đất nói trên của một xí nghiệp xây dựng bán lại cho dân từ năm 1986. Người dân đã đóng đầy đủ các khoản tiền từ lệ phí sang nhượng, thuế đất... cho chính quyền xã trước khi xây dựng nhà ở.
Tuy nhiên, sau đó thì chính quyền công bố lệnh giải tỏa, cho rằng cư dân nơi đây cư ngụ bất hợp pháp, buộc phải di tản. Người dân không chấp hành mệnh lệnh này, cuối cùng đã bị chính quyền cư xử bằng thái độ thô bạo: cắt điện, đập phá bảng số nhà có lẽ để xem “liệu ai lì hơn ai?” (PL)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét