Pages

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

KHI NGƯỜI TRONG NHÀ LÊN TIẾNG

Trân trọng kính chuyễn để QUÝ VỊ tham khảo, phổ biến rộng rãi trong ngòai nước trên mọi phương tiện bài viết rất xây dựng của Ông TRẦN BÌNH NAM và hãy cùng quân đội, tòan dân trong lẫn ngòai nước lên tiếng vận động cộng đồng thế giới cấm vận, trừng phạt CSVN và hành động bằng mọi cách chống lại và sớm lật đổ tà quyền CSVN và bọn tay sai sát nhân, vô thần, dã man, vô nhân đạo, bán nước, hại dân, bởi vì CSVN vẫn tiếp tục ngoan cố không chịu lắng nghe ý kiến xây dựng của tòan dân (trong đó có cả các Lão thành cách mạng, trí thức, nhân sỉ, việt kiều theo cộng, tiếp tay, phục vụ, thân CSVN, đối lập CSVN và không CỘNG SẢN) về việc ”CẢI CÁCH TÒAN DIỆN, TẬN GỐC ĐẤT NƯỚC VIỆT-NAM” bằng cách : – trả tự do cho tòan bộ các tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo, dân oan – trả đất đai, tài sản lại cho các tôn giáo và các dân oan – thay đổi về chính trị, dân chủ hóa Việt Nam, đa nguyên, đa đảng, bầu cử tự do có sự kiểm sóat quốc tế….
Bs LÊ Thị Lễ

Khi người trong nhà lên tiếng
Trần Bình Nam

Trong năm 2011 có nhiều văn bản của những nhóm trí thức và những nhà đấu tranh dân chủ ở trong và ngoài nước gởi đến nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tại Hà Nội bày tỏ ý kiến về tình trạng đất nước. Trong đó có 3 văn bản đáng quan tâm.
Thứ nhất là “Bản Kiến nghị Bảo vệ và phát triển đất nước” ngày 10/7/2011 của 20 nhà đấu tranh dân chủ trong nước có quan điểm đối lập với đảng cộng sản. Trong đó có người từng là cán bộ cao cấp của đảng nay đã nghỉ hưu.
Văn bản thứ hai là một Thư Ngõ viết ngày 21/8 của 36 nhà trí thức không cộng sản sống tại hải ngoại.
Văn bản thứ ba là bản “Ý Kiến Chúng Tôi” của 14 nhân sĩ Việt Nam từng có khuynh hướng ủng hộ đảng cộng sản Việt Nam và chế độ cộng sản (từ giai đoạn đấu tranh chống Pháp giành độc lập) gởi đến nhà cầm quyền ngày 8/9/2011 và được phổ biến rộng rãi ngày 27/10/2011 (*)
Trong 3 bản văn nói trên, bản Ý Kiến Chúng Tôi có ý nghĩa và trọng lượng nhất ở chỗ nó do 14 nhà trí thức sống ở nước ngoài có lập trường ủng hộ – và vẫn còn giữ lập trường này dưới hình thức này hay hình thức khác- chế độ cộng sản tại Việt Nam. Các vị này ủng hộ chế độ cộng sản tại Hà Nội vì nhiều lý do: chủ thuyết, chính trị, tình cảm, quyền lợi … Lý do quan trọng nhất là “tình cảm” đối với vai trò của đảng cộng sảnViệt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập.
Sau cuộc chiến đuổi Pháp thành công, trong thập niên 1960, nhiều người trong số trí thức thiên tả này bắt đầu thắc mắc về cuộc chiến xâm lăng miền Nam do Hà Nội phát động, nhưng tự an ủi bằng chiêu bài tuyên truyền “chống Mỹ cứu nước” của Hà Nội.
Bước vào hậu bán thập niên 1970, đất nước thống nhất, họ kiên nhẫn chờ đợi một ngày tươi sáng, ngày đảng cộng sản Việt Nam hoàn thành cuộc cách mạng xã hội xây dựng một nước Việt Nam mười lần tươi đẹp hơn như họ đã hứa với quốc dân.
Nhưng … 36 năm đã trôi qua, quỹ thời gian của đời người đã cạn, trong khi đất nước suy đồi, tụt hậu, an ninh quốc gia dưới sự lãnh đạo độc tôn của đảng càng lúc càng bị đe dọa.
Và họ đồng nhận định rằng tình hình suy sụp quốc gia đang đi đến điểm “không thể vãn hồi” không còn chờ đợi được nữa. Bản “Ý kiến chúng tôi” ra đời trong bối cảnh đó.
Bản văn phản ánh trung thực tình trạng suy đồi của đất nước về các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, đối ngoại và đưa ra nhận định rằng nguyên nhân sâu xa không gì khác hơn là: (1) thiếu dân chủ và hệ lụy là (2) nhân sự lãnh đạo (nói cách khác là cán bộ đảng viên) tồi tệ.
Trên cơ sở phân tích đó, bản văn đưa ra một chương trình cải cách gồm: cải cách thể chế, củng cố bộ máy nhà nước, cải cách và phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Trên hết bản ý kiến đưa ra một chiến lược đối ngoại đặt trọng tâm vào quan hệ với Trung quốc và Hoa Kỳ. 14 nhà trí thức ký tên xác định rằng chính sách che dấu quan hệ tế nhị giữa Trung quốc và Việt Nam bằng 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” không đánh lừa được ai mà chỉ “để lộ yếu kém, sợ hải, khiếp nhược”. Chính sách ngoại giao của Việt Nam đối với Trung quốc phải là “Nam quốc sơn hà nam đế cư” mới có thể làm bạn với Trung quốc trên một vị thế không khúm núm, thần phục.
Trở về đề nghị cải cách thể chế để giải quyết vấn đề thiếu dân chủ, rất tiếc các nhà trí thức ký tên đã không đi thẳng vào cội nguồn của nguyên nhân thiếu dân chủ là “điều 4 của bản Hiến pháp” giao quyền lãnh đạo quốc gia vào tay đảng cộng sản và chỉ đảng cộng sản Việt Nam mà thôi. Ngoài đảng cộng sản, không đảng chính trị nào được phép hoạt động.
Tôi tin 14 nhà trí thức ký tên thấy được điều đó, nhưng đã không muốn đánh thẳng vào phòng tuyến cuối cùng của đảng vì quan điểm chính thức của đảng, qua buổi nói chuyện của ông Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Nhà nước với các sỹ quan thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị của quân đội cộng sản Việt Nam trong tháng 8 năm 2007 rằng “bỏ điều 4 Hiến Pháp đồng nghĩa với tự sát.” Các nhà trí thức tin rằng với các cải cách đề ra, các diễn biến chính trị sẽ đưa đến một bản Hiến pháp dân chủ trong đó sẽ không còn điều 4 quái ác và nghịch nhĩ đó nữa. Tuy nhiên, điểm không nói ra tế nhị này – theo tôi – là nhược điểm lớn nhất của bản “Ý kiến chúng tôi”. Không phá cái cũi nhốt mình thì không thể tự giải phóng được.
Dù sao, nếu đảng cộng sản Việt Nam xem “Kiến Nghị” của 20 nhà đấu tranh dân chủ trong nước và “Thư ngõ” của 36 nhà trí thức không cộng sản hải ngoại là chuyện “thọc gậy bánh xe” đảng cộng sản Việt Nam không thể làm ngơ đối với bản “Ý kiến chúng tôi” vì đây là ý kiến của những người từng ủng hộ chế độ, nói cách khác là của những “người trong nhà”.
Khi phải lên tiếng, và lên tiếng một cách tương đối rốt ráo như bản “Ý kiến chúng tôi” này của những người thuộc phe ta là lúc đất nước thật sự đang lâm nguy, đảng cộng sản Việt Nam ắt phải thấy rõ trách nhiệm của mình trước lịch sử.
Lúc này hơn bất cứ một lúc nào khác nữa .
Trần Bình Nam
binnhnam@sbcglobal.net
(*) Nguyên văn “Ý kiến Chúng Tôi” của 14 nhà trí thức từng ủng hộ chế độ cộng sản Việt Nam gồm Lời Giới Thiệu, phần Tóm Tắt và Bản văn khai triển chi tiết.
Ý kiến chúng tôi:
Cải cách toàn diện để phát triển đất nước
Lời giới thiệu
Văn bản dưới đây được soạn thảo trong mùa hè vừa qua, khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Là người Việt Nam, không ai không khỏi giật mình tự đặt câu hỏi: làm sao đối phó với hiểm họa ngoại xâm khi nội lực của chúng ta đang có nhiều vấn đề đáng lo ngại: kinh tế bấp bênh, giáo dục và y tế xuống cấp, khoa học và công nghệ non yếu, đạo đức xã hội suy đồi, tham nhũng tràn lan, bộ máy nhà nước thiếu hiệu quả.
Qua trao đổi giữa các đồng nghiệp trong giới đại học và nghiên cứu làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, văn bản này được viết ra, nhằm phân tích những yếu kém của nội lực Việt Nam và đề nghị những biện pháp cải cách. Xuất phát từ nhiều chỗ đứng khác nhau, nhưng cùng bức xúc như nhau trước tình hình nghiêm trọng của đất nước, những người soạn thảo đã làm việc trên tinh thần đồng thuận. “Bản Ý Kiến” này là kết quả của vài trăm điện thư trao đổi, đúc kết nhiều quan điểm khác nhau để đi đến một “mẫu số chung”: Sự cần thiết của cải cách thể chế, con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để tăng cường nội lực, thực hiện đoàn kết, bảo vệ đất nước, và phát triển bền vững.
Văn bản này không phải là một bản kiến nghị, cũng không phải đưa ra để lấy chữ ký, mà cốt chia sẻ suy nghĩ về cải cách toàn diện để phát triển đất nước. Văn bản đã được gửi đến các ủy viên trong Bộ Chính trị cách đây khoảng một tháng và đến Quốc hội cùng Chính phủ gần đây hơn. Nay xin trân trọng gửi đến bạn đọc.
Phần tóm tắt
Việt Nam chúng ta đang đứng trước một khúc ngoặt lịch sử. Theo dõi những diễn tiến của xã hội Việt Nam, đặc biệt trong những năm gần đây, chúng tôi thật sự lo âu về tương lai của đất nước. Bản ý kiến này không nêu lại những thành tựu Việt Nam đã đạt được, mà tập trung vào vấn đề nội lực Việt Nam đang suy yếu: Kinh tế bấp bênh, giáo dục và y tế xuống cấp, khoa học và công nghệ non yếu, đạo đức xã hội suy thoái, tham nhũng tràn lan, bộ máy nhà nước nhiều bất cập. Trong lúc đó, kinh tế ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc và đe dọa về an ninh từ nước láng giềng phương Bắc ngày càng rõ nét.
Năm 2008 lần đầu tiên thu nhập đầu người của Việt Nam vượt qua ngưỡng 1.000 USD, thoát ra được vị trí của nước thu nhập thấp. Nhưng ta đã mất gần 35 năm kể từ khi đất nước thống nhất, nếu kể từ khi đổi mới cũng gần một thế hệ mới đạt được thành quả còn khiêm tốn này. Trong cùng thời gian đó, nhiều nước ở châu Á đã đạt thành quả được cả thế giới ngưỡng mộ. So với các nước trong vùng và trên thế giới có cùng điều kiện phát triển trước đây, nước ta hiện nay vẫn còn ở vị trí rất thấp trong hầu hết mọi lĩnh vực, từ kinh tế, giáo dục đến khoa học. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra vẫn còn rất xa. Hiện nay chưa có dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.
Khi phân tích vấn đề, chúng tôi thấy có hai nguyên nhân sâu xa, liên quan đến thể chế nói chung, và cơ chế tuyển chọn người lãnh đạo và quản lý nhà nước nói riêng.
Thứ nhất, thể chế còn thiếu dân chủ. Có thể nói rằng thể chế hiện nay là di sản của thời chiến tranh, bao cấp và chủ nghĩa xã hội kiểu Lênin-Stalin, với đặc điểm cơ bản là hạn chế dân chủ, hạn chế tự do tư tưởng, thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật. Hệ quả là xã hội suy giảm tính năng động và hiệu quả, hạn chế sáng tạo trong khoa học và giáo dục, không chống được suy thoái giá trị đạo đức và văn hóa, bất công và cách biệt xã hội tăng lên, và không khuyến khích việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển. Chế độ tiền lương bất hợp lí trong cơ chế “xin cho” đã đẩy nhiều công chức vào con đường tham nhũng, và làm cho nhiều nhà giáo, bác sĩ, nhà khoa học,… không chuyên tâm với nghề nghiệp và không giữ được đức tính cao đẹp vốn có từ xưa. Hoàn toàn đáng lo ngại khi thể chế hiện nay đang hạn chế sức mạnh của đất nước và làm lung lay nền tảng của xã hội.
Thứ hai, là hệ quả của nguyên nhân thứ nhất, trong thành phần lãnh đạo đất nước chưa có nhiều người tài giỏi, bản lĩnh, chịu trách nhiệm cao và quy tụ được bên mình những trí thức và cộng sự chân chính. Từ trung ương đến địa phương, nhiều quan chức thiếu cả năng lực và đạo đức cần thiết. Tình trạng bằng cấp giả và chạy chức chạy quyền đã trở thành vấn nạn nhức nhối. Việc lợi dụng vị trí công quyền để trục lợi cá nhân đang là hiện tượng phổ biến ở nhiều cán bộ nhà nước.
Theo chúng tôi, phải có một cuộc cải cách mang tính cách mạng về thể chế mới giải quyết được hai vấn đề này. Chúng tôi nghĩ rằng trách nhiệm này trước hết thuộc về đảng cầm quyền và trên thực tế hiện nay cũng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới đảm nhận được vai trò này.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét thực hiện 8 điểm sau:
1. Kiên quyết xây dựng nhà nước dân chủ pháp quyền.
Không có ai và tổ chức nào đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Để thực hiện được điều này, cần triệt để tôn trọng Hiến pháp và đảm bảo sự thực thi Hiến pháp theo tinh thần hiến pháp là trên hết. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, cần có hệ thống tòa án độc lập để chế tài được các hành vi lạm dụng quyền hành, tham nhũng, làm giàu bất chính và ức hiếp dân chúng.
Triệt để dân chủ hóa, đúng như mục tiêu mà Hiến pháp đề ra. Đảng cần chứng minh bằng hành động thực tế rằng đó không phải là khẩu hiệu mà chính là thao thức thường xuyên của lãnh đạo, của các cơ quan công quyền. Để thực hiện dân chủ trong khuôn khổ pháp lý hiện nay, cần thật sự triển khai và áp dụng nội dung của Hiến pháp. Trước hết, phải thật sự tôn trọng các quyền mà Hiến pháp đã ghi rõ, đặc biệt là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, và được quyền lập hội, quyền biểu tình trong khuôn khổ pháp luật, và quyền bình đẳng trước pháp luật.
Pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do của người này không xâm phạm đến quyền tự do của người khác chứ không phải nhằm hạn chế hoặc triệt tiêu tự do. Tất nhiên, tự do cá nhân phải tôn trọng lợi ích tập thể, nhưng không nên viện lợi ích tập thể với mục đích triệt tiêu tự do. Cụm từ “theo quy định của pháp luật” phải được hiểu trong tinh thần đó để các quyền được Hiến pháp công nhận có giá trị thực sự chứ không phải chỉ có tính cách lý thuyết. Hiện nay, không thiếu thí dụ luật được viết nhằm hạn chế quyền công dân được ghi trên Hiến pháp. Thí dụ điển hình là luật bầu cử và Quyết định 97. Luật bầu cử hạn chế quyền ứng cử của công dân vì đòi hỏi người tự ứng cử phải được Mặt trận Tổ quốc thông qua. Quyết định 97 của Thủ tướng nhằm hạn chế quyền phản biện chính sách của trí thức. Thật ra, tất cả các quyền của công dân đều đã nằm trong Hiến pháp Việt Nam, chỉ cần triển khai và thật sự áp dụng.
Cần bảo đảm nền móng của dân chủ: đó là tự do ngôn luận. Quyền tự do ngôn luận mà Hiến pháp đã ghi rõ cần đi vào thực chất với việc bảo đảm tính công khai và minh bạch của các hoạt động công quyền và quyền tranh luận của xã hội và công dân đối với những hoạt động đó. Những hạn chế cần thiết của tự do ngôn luận, như các bí mật quốc gia (thuộc phạm vi hình sự) hay bí mật kinh doanh, đời tư của công dân (dân sự), phải được ghi rõ trong các đạo luật (được quốc hội thông qua) chứ không phải là qua các nghị định, quyết định của hành pháp.
2. Tiếp thu các tư tưởng tiến bộ nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Không nên tự ràng buộc vào một ý thức hệ duy nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh nếu chỉ biết học thuyết Mác-Lênin, không tiếp thu mọi tư tưởng tiến bộ của thế giới thì đã không viết được bản Tuyên ngôn độc lập gói ghém những giá trị phổ quát của nhân loại. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là rất hợp lòng dân. Các hệ tư tưởng là công cụ nhằm giúp đạt mục tiêu trên. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy một xã hội muốn phát triển cần có tự do tư tưởng và tự do ngôn luận do đó cần thoát khỏi sự ràng buộc vào một ý thức hệ duy nhất. Ra khỏi sự ràng buộc vào ý thức hệ đó cũng sẽ cho thấy Việt Nam độc lập với Trung Quốc về mặt tư tưởng và đi trước Trung Quốc về cải cách thể chế.
3. Xây dựng một nhà nước vững mạnh bằng cách minh bạch hóa việc bổ nhiệm các chức vụ cao cấp, thực hiện việc tuyển chọn công chức theo qui trình khách quan dựa trên khả năng, cải cách chế độ tiền lương cho hợp lý.
Nêu cao trách nhiệm cá nhân trong hệ thống công quyền. Tất cả công chức và người lãnh đạo trong hệ thống nhà nước phải chịu trách nhiệm cá nhân về nhiệm vụ của mình, không được ẩn náu dưới danh nghĩa trách nhiệm tập thể. Cơ chế tập trung dân chủ khi đem áp dụng trong việc điều hành chính phủ đã bị nhiều người lợi dụng để bao biện cho thói vô trách nhiệm, ỷ lại, đổ lỗi cho tập thể, cơ hội, bè phái, “cha chung không ai khóc”. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế tách bạch sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước để tránh sự chồng chéo, áp đặt, kém hiệu quả.
Minh bạch hóa trong bổ nhiệm tất cả các chức vụ, kể cả vị trí cao cấp. Tạo cơ chế công khai và dân chủ hóa để có thể tuyển chọn những nhà lãnh đạo tài đức và đáp ứng được đòi hỏi của dân tộc, được dân tin tưởng và được thế giới nể trọng. Không nên tiếp tục cách làm hiện nay là dàn xếp trong nội bộ Đảng rồi đưa ra Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Những người đủ tài đức nhưng không phải đảng viên cũng cần được xem xét bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng. Chính phủ Hồ Chí Minh sau Cách mạng Tháng tám cũng đã có phương châm này.
Xây dựng bộ máy công chức làm việc có trách nhiệm và hiệu quả, và có cơ chế tuyển chọn khách quan dựa trên tài năng chuyên môn. Hiệu suất của bộ máy công quyền là điều kiện tối cần thiết để kinh tế, giáo dục, văn hóa phát triển nhanh và lành mạnh. Cho nên, việc tuyển chọn công chức phải dựa trên tiêu chí chuyên môn và đạo đức, độc lập với quan điểm chính trị ở nhiều loại công việc.
Cải cách chế độ tiền lương nhằm bảo đảm người công chức có thể sống bằng đồng lương của mình. Công chức phải được bảo đảm sống bằng đồng lương để tập trung vào công việc. Chế độ tiền lương cần hợp lí và phù hợp với khả năng, cống hiến thực của công chức để có thể thu hút được những người có khả năng nhất trong xã hội vào bộ máy công quyền. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi cần đặt thành mục tiêu ưu tiên phải thực hiện ngay.
4. Phát triển kinh tế theo hướng bền vững trong đó ưu tiên hàng đầu là tạo công ăn việc làm và nhanh chóng cải cách việc điều hành và quản lý doanh nghiệp quốc doanh trong đó có các tập đoàn kinh tế.
Về việc phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động cần được đặt thành ưu tiên hàng đầu. Để phát triển bền vững và hướng tới toàn dụng lao động cần đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng ngày càng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và chú trọng phát triển nông thôn.
Đề nghị lập một hội đồng tư vấn chiến lược phát triển để giúp chính phủ vạch ra chiến lược phát triển có trọng điểm, không dàn trải và dẫm chân lên nhau, kết hợp thỏa đáng lợi ích quốc gia và lợi ích vùng nhằm phát triển nền kinh tế có chất lượng. Hội đồng này tập trung những chuyên gia có trình độ, có chức năng xây dựng và giám sát việc thi hành chiến lược phát triển với đủ thẩm quyền và chế độ đãi ngộ thích hợp. Bộ phận này phải được đặt trên tất cả các bộ ngành liên quan tới lĩnh vực kinh tế, đứng đầu là Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng thường trực, có những chuyên viên tài năng, có cơ chế tiếp thu ý kiến của giới doanh nhân và trí thức. Bộ phận chuyên trách này sẽ có tiếng nói quan trọng trong việc quyết định các dự án lớn, trong quy hoạch phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng.
Cải cách chế độ sở hữu ruộng đất và tạo cơ hội có việc làm ngoài nông nghiệp là hai trụ cột để nâng cao mức sống của người dân ở nông thôn. Cần có chiến lược về đất đai, qui hoạch rõ rệt các vùng chuyên canh nông nghiệp và vùng có thể phát triển công nghiệp, cải cách để xác định rõ đâu là đất tư hữu và đâu là đất công hữu, tiến tới xóa bỏ hẳn chính sách coi đất đai là sở hữu toàn dân như hiện nay. Tư hữu hóa sẽ là cơ sở để giải quyết việc tập trung ruộng đất manh mún hiện nay để thực hiện sản xuất lớn nông nghiệp và phục vụ công nghiệp hóa nông thôn. Mặt khác, như nhiều người đã chỉ ra, đất đai là một nguồn tham nhũng rất lớn, gây hàng ngàn vụ khiếu kiện của dân trong những năm qua, tệ nạn này sẽ được hạn chế rất nhiều nếu người dân trên nguyên tắc được toàn quyền sở hữu (thay vì chỉ có quyền sử dụng) đất đai của mình.
Cần xóa bỏ chế độ hộ khẩu để người dân khi đến đô thị làm việc có thể yên tâm với cuộc sống ở đó và không cần giữ lại quyền sử dụng đất ở nông thôn.
Cần nhanh chóng cải cách việc điều hành và quản lý doanh nghiệp quốc doanh đặc biệt là các tập đoàn kinh tế. Thời gian qua tập đoàn kinh tế đã trở thành nơi hội tụ của các nhóm lợi ích và người có quyền chức, gây ra bất ổn cho nền kinh tế và tình trạng tham nhũng bành trướng. Vì thế, cần đặt các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, trong khung pháp lý chung của luật pháp; xóa bỏ việc hành pháp trực tiếp lãnh đạo kinh doanh và thay vào đó là Hội đồng quản trị độc lập có nhiệm kỳ, do Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân bổ nhiệm, nhằm tránh biến tập đoàn thành một phần của các nhóm lợi ích. Ngoài ra, cần xóa bỏ các ưu đãi đặc biệt (về tín dụng, thuế, bảo lãnh nợ,…) cho doanh nghiệp quốc doanh; và không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh.
5. Ngăn chặn sự xuống cấp của văn hóa và đạo đức xã hội.
Văn hóa và đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng. Kỷ cương phép nước và nhân phẩm của con người đang bị coi thường. Chưa bao giờ cái xấu, cái giả và cái ác, biểu hiện ở nhiều dạng nhiều mặt, lại xuất hiện nhiều như bây giờ. Các giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại chưa kịp nuôi dưỡng và bén rễ thì đã bị những cái xấu, cái giả lấn át. Thói háo danh, hình thức phô trương, mê tín dị đoan lại càng được dịp lên ngôi. Vì thế, cần quảng bá, khuyến khích những giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại như tự do, bình đẳng, bác ái, pháp quyền… và khôi phục những tinh hoa văn hóa truyền thống để làm nền tảng cho mọi sinh hoạt của xã hội. Cần nghiêm khắc xử lý cán bộ ở các cấp cao khi có hiện tượng sai phạm đạo đức để làm gương. Đặc biệt quan trọng là việc sử dụng hiệu quả vai trò tích cực của công luận để phê phán và ngăn chặn sự suy thoái của đạo đức và văn hóa.
6. Thực sự làm cho giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.
Nguồn lực lớn nhất của Việt Nam là con người. Vì thế, chiến lược phát triển cần phải xây dựng theo hướng chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực ngày càng có kỹ năng và khả năng làm chủ công nghệ cao. Chiến lược phát triển cũng cần phải vì cuộc sống của đại đa số dân chúng nhiều hơn nữa. Do đó, phải có biện pháp hiệu quả nhằm cụ thể hóa các chính sách về giáo dục, khoa học và công nghệ. Đồng thời, lãnh đạo phải cho thấy quyết tâm chăm lo sức khỏe của người dân qua các cải cách về y tế.
Cần tránh chính trị hóa học đường. Thay vào đó, cần giáo dục đạo đức, khích lệ tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân, và ý chí phấn đấu của tuổi trẻ. Điều tối quan trọng là cần đảm bảo tự do học thuật, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo.
Do tầm quan trọng và tình hình ngày càng xuống cấp của giáo dục, chúng tôi đề nghị Thủ tướng trực tiếp chịu trách nhiệm về giáo dục, cụ thể là chỉ đạo nội dung cải cách, theo sát việc triển khai các chiến lược, chính sách, và chịu trách nhiệm về kết quả của các cải cách lớn.
7. Thực hiện đoàn kết dân tộc
Chấp nhận và dung hòa với những người bất đồng chính kiến nhưng cùng mục tiêu phát triển đất nước. Đặc biệt trước những diễn biến phức tạp và nguy hiểm ở biển Đông, hòa hợp hòa giải dân tộc cũng có nghĩa là cổ vũ lòng yêu nước của mọi người dân không phân biệt chính kiến, quá khứ. Chúng tôi đặc biệt đề nghị nên có hình thức ghi nhận và biểu dương sự dũng cảm hy sinh của những quân nhân Việt Nam Cộng hòa bảo vệ Hoàng Sa năm 1974.
8. Triển khai một đường lối ngoại giao độc lập, dựa trên một thể chế dân chủ, chú trọng hơn đến quan hệ chiến lược với ASEAN và Hoa Kỳ, trong khi tiếp tục coi trọng quan hệ hữu nghị và bình đẳng với Trung Quốc.
Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc cần được xây dựng trên cơ sở hoàn toàn bình đẳng, nhưng không xem đó là quan hệ đặc biệt, càng không thể coi đó là đồng chí tốt. Việt Nam không thể “hợp tác toàn diện” với một nước lớn và mạnh hơn mình hàng chục lần và có những quan hệ phức tạp về lịch sử và địa chính trị, nhất là đang thể hiện rõ tham vọng và đã có những hành động bành trướng, xâm hại chủ quyền và an ninh quốc gia của Việt Nam.
Về Biển Đông, Quốc hội Việt Nam cần ra một tuyên cáo đặc biệt về Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, khẳng định đó không phải là sự thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Công hàm Phạm Văn Đồng chỉ là thiện chí của Việt Nam ủng hộ Trung Quốc trong việc tranh chấp với Mỹ về an ninh ở vùng biển gần Đài Loan. Tuyên cáo này vừa để làm rõ quan điểm của Việt Nam trước dư luận quốc tế, vừa xóa bỏ những ngờ vực của không ít người Việt Nam ở trong và ngoài nước, góp phần tăng thêm tình đoàn kết dân tộc trước hiểm họa ngoại xâm.
Cần đoàn kết với Philippines, Malaysia và Brunei trong việc chống lại tuyên bố “Đường Lưỡi Bò” của Trung Quốc. Chúng tôi đề nghị Việt Nam đưa ra đề án với ASEAN đặt tên vùng biển Đông nước ta (mà Trung Quốc và nhiều nước gọi là biển Nam Trung Hoa) là Biển Đông Nam Á.
Trước bước ngoặt lịch sử của đất nước hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam mang một trách nhiệm nặng nề đối với tiền đồ dân tộc. Chúng tôi mong thấy một cuộc cách mạng mới về thể chế để Việt Nam có thể phát triển thành một nước giàu mạnh và tự chủ.

Không có nhận xét nào: