Pages

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Nghệ thuật của cái có thể


Phạm Ngọc Cương
Chính khách giỏi phải là những người biết khoan sức dân, cắt giảm thuế má mà vẫn làm cho xã hội thấy công bằng, hài hòa và tiến triển. Là nghệ thuật của cái có thể, chính trị sẽ lương thiện hơn khi trong sân chơi đó có những người biết sử dụng vị thế có mặt của mình để làm việc đúng (nâng đỡ và dẫn dắt) chứ không phải để chuyên đi khống chế (ăn bẩn và ép buộc) quần chúng – Bài viết của tiến sĩ Phạm Ngọc Cương gửi website Trương Duy Nhất – một góc nhìn khác.
1- Lịch sử thế giới cả mấy ngàn năm nay luôn chứng kiến sự trồi sụt của các dân tộc. Mông Cổ đã từng làm mưa làm gió ở thế kỷ XIII, giờ là một quốc gia kém cỏi trong thang bậc văn minh. Nước Pháp – một trong những quán quân của vài thế kỷ trước- nay đang trên đà lao dốc… Thế kỷ nào cũng có những nước thành và nước bại. Việt Nam từng là một nước làm nên lịch sử khi chỉ với một dân số và đất đai nhỏ bé (miền BắcBắc Trung Bộ), không “xung kích” cùng “tiền đồn” của ai và với ai, chẳng có sự “hỗ trợ” nào của quốc tế…, mà ba lần chiến thắng Nguyên Mông bằng vũ khí đồng lòng từ vua quan cho đến dân chúng. Đồng thuận cao giữa lãnh đạo và quần chúng là vấn đề sống còn của mọi quốc sách, đặc biệt với những nước nhỏ như Việt Nam.

2- Đòi hỏi chính đáng của quần chúng ở bất kỳ xứ xở nào là các chính trị gia cần thể hiện sự lương thiện và chuyên nghiệp trong sử dụng quyền lực qua hành động phù hợp với những quyền lợi căn bản của nhân dân. Nếu không thể hiện được tiêu chí đó thì các chính khách chỉ là những kẻ xôi thịt đang cố đeo bám vào quyền lực. Để đắc cử (thu đủ phiếu ) các ứng viên ở các xứ minh bạch (nơi thường không còn mấy nhức nhối và bức xúc xã hội để thi thố tài năng), chính khách thường hứa giảm thuếvẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ tức chứng minh tính hiệu quả của phương cách quản lý. Cũng như các sản phẩm công nghệ vậy, giá thành ngày càng rẻ mà lại càng hiện đại, nhiều công dụng mới. Họ nêu rất rõ các mục tiêu phụng sự (dẫu thật nhỏ) mà họ muốn hướng tới. Khi được bầu mà làm không được thì thường họ từ chức, hoặc cầm chắc là sẽ không được bầu lại. Năm 2006 đảng Bảo thủ đứng đầu là ông Stephen Harper ở Canada đắc cử khi đưa ra chính sách tranh cử thiết thực là giảm thuế tiêu dùng (GST) từ 7% xuống 5%. Đảng này sau đó giữ lời giảm thuế và điều hành tốt khiến Canada là nước duy nhất trong nhóm nước G7 không bị chao đảo trong sóng gió khủng hoảng kinh tế thế giới nên được dân bầu lại. Năm 2010 trong cuộc bầu cử thị trưởng ở Toronto ông Rob Ford dù không được bất kỳ nghiệp đoàn hay tờ báo uy tín nào ủng hộ vẫn đắc cử do chủ trương: trả lại tiền đăng ký biển số xe hàng năm và giảm thuế trước bạ nhà đất ở thành phố xuống như cũ. Sau khi ông lên được ba tháng, các chủ xe đã đăng ký đều nhận lại được một tấm ngân phiếu $65 của tòa thị chính gửi trả lại đến tận nhà. Dân đang đợi ông giảm tiếp thuế trước bạ. Nếu không làm được lời hứa này, chắc ông khó trụ ở chân thị trưởng nhiệm kỳ ba năm tới.
3- Ở nơi mà chính khách không đi lên bằng việc xây dựng một cử tri đoàn đúng nghĩa thì chính khách luôn ở tư thế không cần (hoặc phải) có nhu cầu phục vụ cho lợi ích của cử tri. Lộ trình mà đáng ra bất kỳ quan chức cấp cao nào của Việt Nam cần làm là phải tích đức (nâng cao năng lực quản lý cá nhân), tề gia (làm trong sạch hóa bộ máy do mình quản lý) rồi tiến lên trị quốc (đưa ra chính sách tầm vóc quản lý vỹ mô, tạo bước đột phá) đã luôn không được thực hiện. Trái lại các trò thô thiển của quyền lực (chặt chém nhân dân) lại cứ liên tục được mặc sức đưa ra thi thố. Khi cần tiền và làm so sánh họ đưa ra các con số là đất giao thông đô thị ở Việt Nam chỉ có khoảng 6-7% quĩ đất so với mức bình quân của thế giới là 20% – 25%… Tâm huyết quan ở đâu khi các nguồn lực đã hạn hẹp như vậy sao không thấy quyết liệt chấm dứt tình trạng bị rút ruột đầu tư và tiến độ ì ạch (thủ phạm chính của nhiều ách tắc, an toàn giao thông). Quyết toán nhiều công trình giao thông của Việt Nam đắt lè lưỡi mà vốn thực ra tới công trường chỉ khoảng 60%, dẫn đến việc hầu như công trình nào vừa nghiệm thu xong cũng như công trình dởm cần gấp rút tu sửa.
4- Nền hành chính hiện đại sẽ không thể sạch khi lá phiếu (ý) dân không ảnh hưởng gì đến mệnh của quan (quan có đường hoạn lộ ngầm của quan, dân không được ý kiến ý cò vào); quan (sẽ) không ra quan (thiếu tầm vóc, tính chuyên nghiệp, đa tài). Thiếu (cả) bãi đỗ dân sự an bình để quan (dám) từ quan. Văn hóa quản lý không lấy sự tôn trọng khách hàng (dân) làm gốc là một văn hóa không có chỗ đứng trong thị trường hiện đại. Tôi có anh bạn ở Montreal bị ung thư lúc mới phát hiện tưởng chết trong vòng một tháng may gặp được đội ngũ bác sỹ tốt, và có tinh thần yêu đời nên đã sống tiếp khỏe mạnh tới 17 năm nay. Khi tôi hỏi chuyện anh, anh nói: tôi sống được vì y tế Canada là công cộng, ai điều trị cũng được đối xử chu đáo, không mất đồng hào cắc bạc nào, nhưng ấn tượng dễ chịu nhất của tôi là với văn hóa quản lý của Canada. 17 năm trước vào viện tôi thấy dòng chữ “cấm dùng điện thoại cầm tay” dán ở các nơi (vì họ sợ các sóng gây nhiễu loạn các thiết bị điện tử y tế, ảnh hưởng sự điều trị). 12 năm trước vào thấy các dòng chữ “cấm…” được thay bằng: “xin vui lòng không dùng điện thoại cầm tay”. 10 năm trước vào đã thấy những dòng “xin vui lòng…” được thay thế tiếp bằng: “cảm ơn đã không dùng điện thoại cầm tay”.
5- Sự khao khát của nhân dân về một thế hệ quan lại mới với tư chất, đạo đức tốt hơn là một bức xúc thiết yếu cho đất nước. Thế hệ quan ngày nay đã quá đát và mất giá. Tuy nhiên mong chờ sản phẩm công nghệ cao từ lò luyện cũ là điều không tưởng. Người tiêu dùng đang phải cam chịu cắn răng “xài đỡ” những sản phẩm chất lượng thấp và thậm chí độc hại. Với ông Đinh La Thăng thì ngoài các tật “đẹp” mà hầu hết quan Việt hôm nay thường ẵm đủ là thiếu cả “tâm” lẫn “tầm”, ông còn trội hơn người ở bản sắc mà các cụ nhà ta đã đúc kết là cái thùng “càng” rỗng thì kêu “càng” to. Ngay cả ở những nền công quyền tương đối lành mạnh chính phủ cũng dễ có khuynh hướng phình ra và bao biện dẫn đến việc ngân sách nào cũng dễ bị thiếu hụt vì lạm chi. Các chính khách giỏi phải là những người biết khoan sức dân, cắt giảm thuế má mà vẫn làm cho xã hội thấy công bằng, hài hòa và tiến triển.
6- Khi Napoleon lần đầu lên đường ra trận, trong đoàn quân của ông gồm đủ các kẻ lêu lổng, cà chớn, sa cơ lỡ vận… của nước Pháp. Với phương châm bất hủ – trong mỗi bao đạn của người lính đều có cây gậy của viên thống chế – ông đã dẫn đoàn quân ô hợp đó vừa hành quân vừa học, luyện tập và tác chiến, thẳng tiến đến đài vinh quang. Là nghệ thuật của cái có thể, chính trị sẽ lương thiện hơn khi trong sân chơi đó có những người biết sử dụng vị thế có mặt của mình để làm việc đúng (nâng đỡ và dẫn dắt) chứ không phải để chuyên đi khống chế (ăn bẩn và ép buộc) quần chúng.
PNC
Theo danluan

Không có nhận xét nào: