Pages

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Với giá năng lượng tăng cao, lạm phát năm 2012 sẽ đi về đâu?

Ts Trần Vinh Dự - Việc giá xăng dầu tăng lên gần 10% và khả năng có thể lên tới 20% – 30% theo Bộ Tài Chính cộng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang chuẩn bị xin tăng giá điện khiến nhiều người đặc biệt lo ngại về khả năng tiếp tục xảy ra bùng nổ lạm phát.
Với quyết định cho tăng giá vào giữa tuần trước, ngày 7 tháng 3, của Bộ Tài Chính, giá xăng dầu bán lẻ đã tăng khoảng gần 10%. Trong đó, xăng A92 tăng 2100 đồng lên 22900 đồng một lít và là mức tăng cao nhất. Ngay sau đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa, vụ trưởng Vụ Quản lý Giá của Bộ Tài Chính còn cho rằng mức tăng đúng lẽ ra còn lớn hơn nhiều, khoảng từ 4500 đến 6000 đồng một lít, tức là khoảng từ 20% đến 30% chứ không chỉ dừng lại ở mức dưới 10%. Theo ông Thỏa, lý do mức tăng thực tế thấp như vậy vì nhà nước đã hạ mức thuế nhập khẩu xăng dầu xuống bằng 0% trong khi mức thuế nhập khẩu định mức cho xăng dầu lên tới 25% – 35%. Nói cách khác, nhà nước đã giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu xăng dầu để hạn chế bớt mức tăng giá của xăng dầu bán lẻ trong nước.
Ảnh AP
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đợt tăng giá xăng dầu vừa qua chỉ làm CPI cả năm tăng khoảng 0,84%, trong đó mức tác động trực tiếp là 0.24% và mức tác động gián tiếp là 0.6%. Tác động cá biệt của đợt tăng này tuy lớn nhưng không phải quá lớn. Câu hỏi đặt ra là liệu còn có các đợt tăng giá kế tiếp hay không? và con số tăng CPI cả năm sẽ như thế nào?
Giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng vì nhiều lý do. Các yếu tố được nhiều người nhìn thấy nhất là chi phí đầu vào, thí dụ trong trường hợp của giá bán lẻ xăng dầu là câu chuyện giá nhập khẩu thế giới và biến động của tỷ giá hối đoái. Việc tăng thuế và các nghĩa vụ khác với nhà nước cũng có tác động làm tăng giá. Hai yếu tố khác, ít được nhắc đến hơn, là mức độ cạnh tranh trên thị trường và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Giá nguyên vật liệu của thế giới là biến số mà cả nhà nước và doanh nghiệp đều không kiểm soát được. Thuế, tỷ giá và tính cạnh tranh trên thị trường là thứ doanh nghiệp không kiểm soát được nhưng nhà nước có vai trò nhất định trong việc xác định các giá trị này. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là biến số doanh nghiệp có thể kiểm soát, và nhà nước có thể gây ảnh hưởng.
Trong trường hợp tăng giá của các mặt hàng cơ bản ở Việt Nam như điện và xăng dầu, nhà nước và doanh nghiệp có những vai trò nhất định trong việc hạn chế đà tăng giá. Theo như lời ông Nguyễn Tiến Thỏa của Bộ Tài Chính thì trong đợt tăng giá xăng dầu vừa qua nhà nước đã đóng góp vào việc hãm đà tăng mạnh qua hành động giảm thuế nhập khẩu. Đợt tăng này cũng không bị ảnh hưởng bởi tỷ giá vì tỷ giá hối đoái đã được Ngân hàng Nhà nước giữ không đổi trong khoảng một năm trở lại đây.
Như vậy, thủ phạm của đợt tăng giá này, nói theo cách loại trừ, thì còn lại 3 yếu tố là giá xăng dầu thế giới, mức độ cạnh tranh trên thị trường, và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Yếu tố giá đầu vào của thế giới được nhắc đến nhiều, trong khi có ít bình luận về vai trò của thị trường cạnh tranh và năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ai cũng biết thị trường cạnh tranh khiến các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và làm cho giá hàng hóa và dịch vụ rẻ đi, có lợi cho người tiêu dùng. Đó là lý do duy nhất khiến Việt Nam chuyển đổi từ kinh tế tập trung trong những thập kỷ trước sang kinh tế thị trường trong khoảng 3 thập kỷ trở lại đây. Tuy nhiên trên một số thị trường, thí dụ như thị trường điện và xăng dầu, cuộc cải cách theo hướng thị trường hóa và nâng cao mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tham gia vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu. Điều này dẫn tới một thực trạng mà nhiều quan chức, giới phân tích, và dư luận nhìn nhận là tính thiếu hiệu quả của các doanh nghiệp hoạt động trên các thị trường này.
Nhìn về dài hạn, để hạn chế nhu cầu (xin) tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, nhà nước cần phải đẩy mạnh việc cải cách các thị trường này theo hướng tăng số lượng doanh nghiệp cạnh tranh với nhau trên cùng một thị trường và đảm bảo sân chơi cạnh tranh thực sự bình đẳng và đúng luật. Trong khi các cuộc cải cách này có thể mất thời gian và không thể làm ngay trong ngày một ngày hai, việc giao hệ thống chỉ tiêu về hiệu quả sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp có đa số vốn nhà nước cần phải được thực hiện một cách minh bạch và triệt để để các doanh nghiệp này có cơ sở tham chiếu và động cơ đủ mạnh để cải tổ và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Về tác động gián tiếp của việc tăng giá năng lượng đối với CPI là nó làm tăng chi phí đầu vào của tất cả các doanh nghiệp trong cả nước. Chi phí đầu vào tăng sẽ có hiệu ứng làm tăng mức giá cả hàng hóa và dịch vụ mà các doanh nghiệp này bán ra trên thị trường. Tuy nhiên, mức tăng thứ cấp này cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào khả năng hấp thu các cú shock chi phí của hệ thống doanh nghiệp. Trong trường hợp các doanh nghiệp có khả năng quản trị chi phí tốt, có vùng đệm lợi nhuận tốt, và hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh thì sức hấp thu chi phí của họ cao, dẫn tới mức ảnh hưởng cuối cùng lên CPI thấp hơn. Ngược lại, trong trường hợp sức hấp thu chi phí của họ thấp thì tăng giá đầu vào sẽ dẫn ngay tới việc tăng nhanh giá đầu ra và khiến ảnh hưởng cuối cùng lên CPI cao.
Một điểm khác, quan trọng hơn nữa, liên quan đến tăng trưởng CPI và thường được nhiều người nói đến là chính sách tiền tệ. Với chính sách tiền tệ nới lỏng thì người dân và doanh nghiệp có nhu cầu mua sắm nhiều hơn và có khả năng chi trả tốt hơn. Điều này dẫn tới câu chuyện tăng trưởng tốt hơn nhưng cũng làm CPI tăng mạnh hơn vì nhu cầu mua sắm cao sẽ làm tăng giá của hàng hóa và dịch vụ.
Trong trường hợp của Việt Nam hiện nay, có vẻ như nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Chính sách thắt chặt này đã được áp dụng hầu như trong suốt cả năm ngoái và đã phát huy tác dụng làm CPI tăng với tỷ lệ khá thấp trong những tháng đầu năm 2012. Nếu chính sách tiền tệ thắt chặt thực sự được duy trì trong cả năm 2012 thì rủi ro lạm phát từ lý do tiền tệ không lớn. Phần còn lại, vì thế, nằm ở chỗ các cú shock về chi phí (như giá năng lượng và lương thực thực phẩm thế giới tăng đột ngột) và khả năng hấp thụ các cú shock chi phí này của hệ thống doanh nghiệp.
Với tiềm lực của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng như thực trạng của môi trường cạnh tranh trong nước, có lý do để lo ngại rằng ảnh hưởng của các cú shock chi phí đến tăng trưởng CPI là khá lớn. Cộng với việc giá các mặt hàng thiết yếu như năng lượng ở Việt Nam khả năng sẽ còn tăng (nhiều) nữa trong năm nay, ít có khả năng lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức một con số như dự tính của chính phủ. Đó là trong điều kiện vẫn tiếp tục thắt chặt tiền tệ. Trong trường hợp chính phủ nới lỏng tiền tệ với mong muốn thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại thì khả năng lạm phát của năm 2012 lên tới 14% – 15% hoặc hơn sẽ là một thực tế khó tránh khỏi.

Không có nhận xét nào: