Pages

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Cổ phần hóa ở VN 'có nhiều vướng mắc'

Cổ phần hóa ở Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp nhà nước trong kế hoạch cố phần hóa chưa hấp dẫn được nhà đầu tư chiến lược.
Quyết tâm về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của lãnh đạo Việt Nam thì vẫn còn, nhưng khâu thực hiện đang gặp khó khăn và nhiều vướng mắc, theo ý kiến nhà phân tích kinh tế trong nước.

Một trong những vướng mắc chính là việc hấp dẫn và chọn được một đối tác nước ngoài phù hợp do việc cổ phần hóa ở Việt Nam vẫn còn làm cho nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn về các vấn đề định giá tài sản và lo lắng về các vướng mắc trong bộ máy cơ chế khi tham gia đầu tư, theo chuyên gia từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Mặt khác, định giá tài sản cao, nhưng tỷ lệ cổ phần bán ra cho các nhà đầu tư quá thấp, làm cho các nhà đầu tư nước ngoài khó có vai trò trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, từ quyết định kinh doanh, chiến lược phát triển, thay đổi nhân sự, nên do đó họ có thể không muốn 'đưa tiền' cho 'bộ máy cũ tiêu', theo một nhà phân tích nguyên cố vấn của Thủ tướng Chính phủ.
Trước hết, hôm thứ Năm tuần này, tờ The Wall Street Journal cho rằng tốc độc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đang có bước đi chậm, gây lo lắng cho nhà đầu tư và dẫn trường hợp cổ phần hóa ở hãng Vietnam Airlines đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy thất vọng.
Bài báo hôm 27/11/2014 cho rằng danh tiếng của Việt nam như là một thị trường gia tăng nhanh chóng với một cơ chế ổn định từng hấp dẫn giới đầu tư mạo hiểm đã bị 'đe dọa' bởi 'tính khắt khe' của Chính phủ trong việc bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước.
Dẫn trường hợp cổ phần hóa ở Vietnam Airlines, The Wall Street Journal viết:
"Các nhà đầu tư nước ngoài đã chờ đợi suốt sáu năm trời để việc chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) của Vietnam Airlines xuất hiện, thế nhưng khi cuối cùng nó được niêm yết, đã chỉ có một mức vốn huy động là 51,3 triệu đô-la - không đủ để mua thậm chí là một chiếc phi cơ," tờ báo dẫn lời của ông David Wickham, phụ trách mảng các thị trường mới nổi tại hãng Quản lý Tài sản Toàn cầu của Ngân hàng HSBC.

'Hạn chế với nước ngoài'

Vẫn theo bài báo, HSBC có khoảng 45 triệu đô la đầu tư vào Việt Nam nhưng đã không mua được bất cứ một IPO nào ở thị trường này do gặp các khó khăn từ "hạn chế sở hữu nước ngoài" và "định giá cao".
Theo Wall Street Journal, tốc độ triển khai cổ phần hóa ở nhiều doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đang quá chậm.
Tờ báo viết: "Nhiều công ty Việt Nam huy động vốn qua IPO thường mất hàng tháng thậm chí nhiều năm trời để khởi động giao dịch trên thị trường chứng khoán".
Tờ này cũng so sánh với doanh nghiệp Việt Nam ở khu vực tư nhân và cho hay:
"Các vấn đề trên đã tạo ra các động cơ để nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm các công ty tư nhân, nơi mà họ có thể làm chủ tới 100% trong một số tình huống, so với chỉ 49% ở một công ty nhà nước.
Việt Nam
VN cần lưu ý lộ trình hội nhập TPP để cổ phần hóa và tái cơ cấu khu vực nhà nước được hiệu quả.
"Giới chức đang tìm cách nâng tỷ lệ sở hữu vốn (của nhà đầu tư) trong các công ty nhà nước tới mức 60%, nhưng cho tới nay vẫn chưa có gì được thực hiện."
Wall Street Journal cũng dẫn lời của cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Cao Sỹ Kiêm, nói:
"Việt Nam đang lãng phí cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chúng tôi cần mở rộng hơn nữa không gian cho sở hữu nước ngoài trong các công ty quốc nội," ông Kiêm nói.

'Lưu ý hiệp định TPP'

Tuần trước, hôm 22/11/2014, một bài báo trên tờ The Economist cho rằng Việt Nam lưu ý việc chuẩn bị gia nhập Thỏa thuận Hợp tác đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong khi tiến hành cải tổ doanh nghiệp nhà nước.
Tờ báo dẫn lời một nhà quan sát Việt Nam tại Đại học Duke University ở Hoa Kỳ, ông Edmund Malesky, nói:
"Chính phủ Hà Nội có thể thúc đẩy cổ phần hóa và lưu ý TPP, một thỏa thuận lớn đang được đàm phán, vốn bắt buộc các quốc gia thành viên phải cắt giảm bao cấp."
Theo Economist, nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng GDP thấp hơn so với thực lực, mà một trong các nguyên nhân nằm ở chỗ doanh nghiệp nhà nước 'yếu kém'.
Tờ báo viết: "Hiệu quả yếu kém ở các doanh nghiệp nhà nước có nghĩa là tăng trưởng GDP của Việt Nam, hiện khoảng 5,5% một năm, yếu hơn mức lẽ ra có thể nếu so với dân số trẻ, được giáo dục và sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên."
Cũng trích trường hợp cổ phần hóa ở Vietnam Airlines, được cho là điển hình về 'cửa hẹp' với nhà đầu tư nước ngoài trong cổ phần hóa doanh nghiệp ở một số khu vực mà nhà nước Việt Nam vẫn còn muốn nắm giữ, tờ Economist nói thêm:
"Khi Chính phủ công bố việc chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) ở Vietnam Airlines hôm 14/11, người ta hy vọng rằng việc niêm yết cổ phiếu của một trong số ít các công ty được biết đến nhiều ở bên ngoài quốc gia này có thể giúp cho việc tăng tốc kế hoạch "cổ phần hóa" hàng trăm doanh nghiệp nhà nước.
"Tuy nhiên, IPO (của Vietnam Airlines) mà trong đó một tỷ lệ chỉ 3,5% được chào bán, đã không hấp dẫn nổi một nhà đầu tư nước ngoài nào. Các ngân hàng trong nước là những người mua chính."

'Thất bại thì không'

Cổ phần hóa doanh nghiệp
Hiện tại mới chỉ có 76 doanh nghiệp trong tổng số hơn 400 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa xong.
Hôm thứ Sáu, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, thuộc Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư bình luận về tình hình thực hiện kế hoạch cổ phần hóa hơn bốn trăm doanh nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dự kiến hoàn tất trong vòng hai năm 2014-2015.
Ông nói với BBC: "Về thất bại thì không, rõ ràng là quyết tâm ở trên thì có, nhưng khi thực hiện thì còn rất nhiều vướng mắt.
"Thí dụ gần đây nhất có hai doanh nghiệp lớn người ta đang rất mong chờ tức là Vietnam Airlines và Mobile Phone, thì cái vướng mắc ở đây chính là chọn một đối tác nước ngoài hiện nay rất khó khăn.
"Cái thứ hai là người ta ngập ngừng, người ta lo rằng việc định giá tài sản và bộ máy còn rất nhiều vướng mắc, người ta đương lo là như thế. Cho nên không có nước ngoài, thì việc đó rất khó khăn.
"Người mua thường thường xảy ra là các ngân hàng, thí dụ trường hợp Vietnam Airlines là nó xảy ra với hai ngân hàng cho Vietnam Airlines vay rất nhiều, như TechcomBank mua với thỏa thuận với một lượng phiếu rất lớn."
"Thế thì chúng ta thấy các doanh nghiệp khác rồi cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự, tức là vướng mắc trong các kỹ thuật để cổ phần hóa, cho nên quyết tâm chính trị ở trên nói rất là mạnh, nhưng ở dưới thực hiện vô cùng khó khăn."

'Kế hoạch tham vọng'

Cũng hôm 28/11, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), bình luận với BBC về kế hoạch cổ phần hóa mà ông cho là 'tham vọng' của chính phủ Việt Nam.
Ông nói: "Chính phủ Việt Nam, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có quyết định đẩy nhanh tốc độ của cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
"Và đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng tức là sẽ cổ phần hóa trong hai năm (2014 và 2015), 432 doanh nghiệp nhà nước, như vậy bình quân cứ hai ngày lại có một doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.
"Cho đến nay, đến cuối tháng 10, đã có 76 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa và đưa ra chào bán lần đầu tiên.
Hàng không Việt Nam
Vietnam Airlines được cho là còn 'đóng cửa' với nhà đầu tư nước ngoài trong đợt niêm yết cố phiếu.
"Tuy vậy trong số 76 doanh nghiệp nhà nước được đem ra cổ phần hóa này, có rất ít doanh nghiệp thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược và một số doanh nghiệp đã không bán được số cổ phiếu như là mong đợi."
Tiến sỹ Doanh nêu ra một số lý do giải thích hiện tượng này. Ông nói:
"Thứ nhất, số doanh nghiệp nhà nước được đưa ra cho đến nay, thì chỉ trừ có Hàng không Việt Nam, hay Tập đoàn Dệt May, là các doanh nghiệp nhà nước có sức hấp dẫn tương đối lớn hơn, còn những các doanh nghiệp khác thì vẫn là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoặc thuộc loại nhỏ so với quy mô quốc tế và chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.

'Tỷ lệ quá thấp'

Một lý do thứ hai mà theo Tiến sỹ Doanh là quan trọng không kém là tính bất hợp lý trong tỷ lệ bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài ở đa số các doanh nghiệp nhà nước đã đang cổ phần hóa.
Ông nói: "Các doanh nghiệp nhà nước đó được chào bán với một tỷ lệ cổ phần hóa bán ra cho các nhà đầu tư quá thấp, thí dụ như trường hợp của Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines, thì chỉ bán có 12,5% cổ phiếu, và trong đó bán cho công, nhân, viên chức, cho nên tỷ lệ bán cho các nhà đầu tư ở bên ngoài là thấp.
"Như vậy thì không có nhà đầu tư chiến lược nào có quan tâm đến việc mua cổ phần của Hàng không Việt Nam, vì các nhà đầu tư chiến lược ấy họ muốn có một tỷ lệ cổ phần khoảng 15%, để họ ngồi trong Hội đồng Quản trị, họ thay đổi được nhân sự, và họ tác động được đến quản trị.
"Nếu không có, họ mua cổ phiếu của Vietnam Airlines dưới điều kiện hiện nay, thì họ chỉ đưa tiền để cho bộ máy cũ của Hàng không Việt Nam dùng tiền của họ để mà kinh doanh. Và có lẽ điều đó, rất ít nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nào có thể chấp nhận được.
"Điều thứ ba, cũng thấy rằng quá trình này rõ ràng chậm hơn nhiều so với tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ đã có đề ra, là bởi vì còn có không ít những vấn đề còn tồn tại, thí dụ như các số nợ của các tập đoàn và các tổng công ty đinh cổ phần hóa đó còn nợ, thì sẽ được giải quyết như thế nào?
"Bởi vì nhà đầu tư không chịu trách nhiệm về số nợ mà các doanh nghiệp này đã gây ra trước khi cổ phần hóa, vậy thì ai sẽ gánh chịu trách nhiệm về vấn đề này," Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nêu câu hỏi.

Không có nhận xét nào: