Pages

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Vaccine chống Ebola 'nhiều triển vọng'

Một phụ nữ 39 tuổi là người đầu tiên tình nguyện thử vaccine chống Ebola
Kết quả thử nghiệm ở người đầu tiên cho thấy vaccine chống Ebola là an toàn và có thể giúp hệ miễn dịch kháng cự trước virus.
Hai mươi tình nguyện viên tại Hoa Kỳ đã được xác nhận là miễn dịch.
Các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) nói kết quả trên mang lại "nhiều triển vọng".

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí y học New England Journal of Medicine (NEJM).
Cơ thể những người được miễn dịch đã không xuất hiện phản ứng phụ và đều sản sinh ra kháng thể.
Bác sỹ Anthony Fauci, từ NIH, nói với BBC: "Xét về độ an toàn và khả năng giúp hệ miễn dịch phản ứng hiệu quả, chúng tôi có thể gọi đây là một thành công phi chinh thức. Dù thử nghiệm chỉ mới ở Giai đoạn Một".
Các tình nguyện viên được chia làm hai nhóm và được tiêm vaccine liều nhẹ hoặc mạnh. Kháng thể của những người được nhận liều mạnh đã phản ứng mạnh mẽ hơn.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy cơ thể của bảy trong số những người nhận liều mạnh và hai người nhận liều nhẹ đã sản sinh ra bạch cầu cấp tế bào - yếu tố được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc kháng cự trước virus Ebola.
Vaccine sử dụng một virus gây bệnh đường hô hấp từ loài tinh tinh, được thiết kế để mang theo một protein không gây lây lan của Ebola trên bề mặt.
Hiện có bốn thử nghiệm đang sử dụng loại vaccine này.
Vaccine của Hoa Kỳ có thể lưỡng trị, nhằm bảo vệ trước chủng Zaire và Sudan của Ebola. Hiện chủng Sudan được cho là nguyên nhân gây ra đại dịch hiện nay.
Một vaccine đơn trị khác, nhằm chống lại chủng Zaire, cũng đang được thử nghiệm tại Oxford, Mali và Thụy Sỹ.
Một nhân viên y tế ở Conarky, Guinea, mặc đồ phòng vệ trước khi chăm sóc cho các bệnh nhân
Nếu các đợt thử nghiệm mang lại những kết quả tích cực thì loại vaccine này sẽ được cung cấp cho hàng nghìn nhân viên y tế ở tây Phi.
Bác sỹ Fauci nói: "Chính đợt thử nghiệm Giai đoạn Hai/Ba ở Tây Phi sẽ quyết định liệu loại vaccine có hiệu quả và thực sự an toàn hay không".
Ông nói: "Nếu dịch bệnh vẫn tiếp diễn trong sáu tháng tới và vaccine phát huy hiệu quả vào lúc đó, điều này có thể tác động tích cực đến đại dịch hiện nay".
Tuy nhiên ông nói mục tiêu dài hạn vẫn là phòng ngừa những khủng hoảng tương tự trong tương lai.
Hiện vẫn chưa rõ loại vaccine thử nghiệm, nếu phát huy tác dụng, sẽ duy trì khả năng bảo vệ trong bao lâu.

Thỏa thuận bồi thường

Các câu hỏi này thường được giải đáp trong những giai đoạn đầu của quá trình thử nghiệm ở người.
Tuy nhiên nhu cầu cấp thiết về nhân đạo hiện nay đang khiến quy trình thử nghiệm được đẩy mạnh ở tốc độ chưa từng thấy.
Trong một bài phân tích trên NEJM, Bác sỹ Daniel Bausch nói mặc dù kết quả thử nghiệm vẫn chưa trả lời được nhiều câu hỏi, các nhà nghiên cứu đang "tiến gần hơn" đến việc hoàn thiện một vaccine chống Ebola.
Vaccine thử nghiệm đang được sản xuất bởi tập đoàn dược phẩm của Anh GlaxoSmithKline (GSK).
Công ty này nói có thể sản xuất một triệu liều một tháng từ đây đến cuối năm 2015.
Tuy nhiên điều này sẽ cần một khoản chi phí rất lớn. Công ty này đang yêu cầu một thỏa thuận bồi thường để đề phòng trường hợp những vấn đề như các phản ứng phụ xuất hiện trong tương lai.
Giám đốc điều hành của GSK, Andrew Witty, nói với BBC: "Chúng tôi không trông đợi việc này được giải quyết, nhưng rõ ràng là có những rủi ro mà các công ty không thể gánh vác một mình".

Không có nhận xét nào: