Pages

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Tài sản cán bộ: Công khai đến đâu?

Những người thuộc diện kê khai phải giải thích nguồn gốc tài sản tăng thêm, không còn chuyện muốn kê khai bao nhiêu thì khai mà phải giải trình

Những ngày qua, trả lời báo chí về việc kê khai tài sản của đại úy Trần Hoàng Anh (33 tuổi; đội trưởng Đội Văn phòng Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt Công an tỉnh Bến Tre; con ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh Tra Chính phủ), đại tá Đoàn Thế Tân, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bến Tre, cho biết theo quy định hiện hành, ông Anh thuộc diện phải kê khai tài sản. Tuy nhiên, ông Tân không nêu rõ tài sản của ông Anh kê khai gồm những gì, với lý do không được phép tiết lộ thông tin về bản kê khai tài sản cá nhân của cán bộ.

Nguồn tin báo chí cho biết ông Anh được bổ nhiệm chức đội trưởng từ tháng 11-2012 nhưng năm 2013 không thấy kê khai tài sản, đến ngày 6-3-2014 (trước thời gian này, báo chí đã phản ánh về khối bất động sản của ông Trần Văn Truyền)mới kê khai tài sản.

Cần sửa hệ thống văn bản

Dù cách thức thực hiện có thể khác nhau song các quốc gia khi xây dựng quy định về công khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đều chú trọng đối tượng phải công khai, nội dung bản kê khai, phương thức công khai, điều kiện tiếp cận thông tin, chế tài xử lý khi có vi phạm.

Chủ trương phòng chống tham nhũng đến năm 2020 của nước ta đã đặt ra việc giảm thiểu tối đa những quy định bí mật nhà nước, bí mật công nghệ, bí mật nghề nghiệp. Trong thực tế, một số cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lợi dụng cái gọi là bí mật để không cung cấp thông tin về hoạt động. Nhưng theo Luật Phòng chống tham nhũng, các cơ quan, đơn vị phải công khai về mặt tổ chức, hoạt động. Vì vậy, cần phải sửa đổi hệ thống văn bản về bí mật nhà nước. Cái nào thực sự làm phương hại đến an ninh quốc gia (nếu thông tin đó bị lộ), ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, có tác dụng ngược tới xã hội thì không công khai. Kinh nghiệm thế giới cho thấy càng công khai càng minh bạch thì tham nhũng sẽ giảm.

Tài sản cán bộ: Công khai đến đâu?

Thiết nghĩ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, trên cơ sở bảo đảm được sự công bằng và minh bạch, quyền tiếp cận thông tin của công dân. Nội hàm về thông tin bảo mật của nhà nước như quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước hiện quá rộng, chung chung, dẫn đến việc người có quyền có thể hiểu theo hướng có lợi cho mình, đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích dân tộc.

Về thẩm quyền xác định và ban hành quy định những thông tin nào là mật và bảo mật hiện nay có nhiều bất cập, thiếu khoa học, thậm chí quyền hạn của quan chức và cơ quan hành chính nhà nước vượt quá những quy định của Hiến pháp cũng như pháp luật hiện hành.

Việc tiếp cận thông tin và quy định phạm vi bí mật nhà nước phải do Quốc hội quy định chứ không thể do Chính phủ hoặc cơ quan trực thuộc Chính phủ, thậm chí cấp thấp hơn quy định.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định về mức độ thông tin, tài liệu mật hiện nay là không rõ ràng, có xu hướng phổ biến mật hóa trên diện rộng nên quyền tiếp cận thông tin của công dân bị thu hẹp. Vì vậy, nhà nước cần phải xác định rõ và cụ thể các quy định tài liệu mật ngay trong luật chứ không thể từ các văn bản dưới luật.

Quyền tiếp cận thông tin là quyền tìm kiếm, thu nhận thông tin của người dân; đồng thời là nghĩa vụ công khai thông tin của cơ quan, tổ chức. Quyền tiếp cận thông tin của công dân được quy định trong Hiến pháp, luật và các điều ước quốc tế.

Về nguyên tắc chung, quyền này được nhà nước bảo đảm thực hiện vì đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm thực hiện quyền con người. Theo khảo sát, hiện chúng ta có khoảng 50 trong tổng số 300 luật, pháp lệnh liên quan đến quyền tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, do chưa có đạo luật riêng về quyền tiếp cận thông tin nên chưa có cách hiểu đầy đủ về quyền này. Cơ quan nhà nước là đầu mối lớn nhất nắm giữ thông tin nên việc tiếp cận thông tin của người dân vẫn khó khăn do tính công khai, minh bạch chưa được thực hiện tốt, thậm chí còn bị hạn chế bởi Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.

Phải giải trình

Riêng về bản kê khai tài sản, từ khi có Nghị định 68/2011/NĐ-CP (ngày 8-8-2011) về minh bạch tài sản, thu nhập là sự tiến bộ một bước so với Nghị định số 37/2007/NĐ-CP (ngày 9-3-2007) khi quy định công khai bản kê khai tài sản. Thế nhưng, phải khẳng định là công khai có nguyên tắc bởi trong Luật Phòng chống tham nhũng, lúc chưa sửa đổi, có nói bản kê khai tài sản được lưu cùng hồ sơ cán bộ mà hồ sơ cán bộ lại thuộc về bí mật nhà nước.

Chỗ này đã phải sửa để phù hợp. Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2012 và Nghị định 78/2013/NĐ-CP (ngày 17-7-2013) quy định về kê khai tài sản có hai điểm mới, gồm công khai bản kê khai và trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Hai điểm mới này thể hiện ở chỗ: Thứ nhất, trước đây bản kê khai là một thành tố của hồ sơ cán bộ, thuộc về tài liệu mật thì nay không còn là tài liệu mật, đương nhiên không còn là thành tố của hồ sơ cán bộ; thứ hai, từ nay trở đi, cán bộ, công chức, những người thuộc diện kê khai phải giải thích nguồn gốc tài sản tăng thêm, không còn chuyện muốn kê khai bao nhiêu thì khai mà phải giải trình.

Các cơ quan làm công tác phát hiện tham nhũng như kiểm toán, thanh tra, kiểm tra đảng, CQĐT… sẽ được khai thác bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức để phục vụ việc phát hiện tham nhũng. Như vậy, những bản kê khai này sẽ không còn nằm trong danh mục tài liệu mật.

Diệp Văn Sơn
Tài sản cán bộ: Công khai đến đâu?

Kê khai mà bí mật thì như không!

Việc cán bộ kê khai tài sản nhưng lại được giữ bí mật, không công khai như cách nói của ông chánh văn phòng Công an tỉnh Bến Tre thì kê khai tài sản chẳng có ý nghĩa gì. Bởi, mục đích của việc kê khai tài sản mà Đảng ta đưa ra cũng là một trong những biện pháp nhằm làm rõ tài sản hiện có của cán bộ, qua đó giúp ích rất lớn trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Vì vậy, sau khi cán bộ kê khai tài tài sản thì nên dán thông báo công khai tại cơ quan để cán bộ, nhân viên trong toàn cơ quan được biết, nhằm giám sát lẫn nhau để phản ánh kịp thời những tài sản “ngoài luồng” mà cán bộ không kê khai. Có như vậy, công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta mới đạt hiệu quả cao.

Còn nhớ thời kỳ trước giải phóng, khi tôi tham gia lực lượng cách mạng, mỗi lần gia đình gửi quà vào đơn vị đều phải báo cáo công khai với đơn vị là gửi quà gì. Việc kê khai tài sản rồi thông báo công khai không có gì phải giữ bí mật. Nếu chỉ một bộ phận lãnh đạo mới có quyền biết việc kê khai tài sản thì xem như công cuộc phòng chống tham nhũng khó đạt kết quả khả quan.

H.Dũng

Xác minh để trả lời cho công luận rõ

Chiều 29-11, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), cho biết luật hiện hành quy định việc xác minh bản kê khai tài sản chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu cho thấy người kê khai không trung thực hoặc bản kê khai có nhiều tài sản bất minh. Không có dấu hiệu gì bất thường thì không thể xác minh được. Việc xác minh tài sản cũng có thể thực hiện trong giai đoạn cơ quan quản lý xem xét bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.

Trường hợp ông Trần Hoàng Anh còn trẻ tuổi nhưng đã đứng tên sở hữu nhiều tài sản “khủng”, ông Đạt khẳng định thẩm quyền xem xét bản kê khai tài sản có trung thực hay không thuộc về Công an tỉnh Bến Tre. Nếu Công an tỉnh Bến Tre thấy những tài sản ông Anh kê khai có nhiều dấu hiệu không đúng với thực tế thì có thể thành lập đoàn xác minh để trả lời cho công luận rõ.

T.Kha

Tài sản không thuộc bí mật đời tư

Công khai tài sản là quy định bắt buộc đối với những cá nhân thuộc diện phải công khai theo Nghị định số 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập.

Theo đó, tài sản của cá nhân phải kê khai gồm: nhà (hoặc công trình xây dựng khác), quyền sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận; nhà, đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc giấy chứng nhận đứng tên người khác; nhà, đất đang thuê hoặc đang sử dụng thuộc sở hữu nhà nước; các tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên là tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi các cá nhân và ngân hàng, ô tô, mô tô, xe máy, tàu, thuyền, kim loại quý, đá quý, cổ phiếu và các tài sản khác, các khoản tiền do người khác nợ.

Những tài sản nói trên của cá nhân không thuộc danh mục bí mật nhà nước cần phải giữ bí mật. Ngược lại, cá nhân là sĩ quan công an từ cấp phó trưởng công an phường, thị trấn, phó đội trưởng trở lên trong Công an Nhân dân thì phải minh bạch.

Dưới góc độ bí mật đời tư thì pháp luật điều chỉnh tại điều 38 Bộ Luật Dân sự năm 2005: Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Theo điều luật này, chỉ thu nhập mới thuộc bí mật còn tài sản không thuộc bí mật đời tư và luật chỉ điều chỉnh đối tượng là cá nhân bình thường không thuộc diện phải minh bạch tài sản, thu nhập. Cho nên không có bất kỳ lý do gì mà không minh bạch tài sản của cá nhân là sĩ quan công an thuộc diện phải minh bạch tài sản, thu nhập.

Trần Đình (quận Gò Vấp, TP HCM)

(Blog Kim Dung)

Không có nhận xét nào: