Pages

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Vài suy nghĩ về hình thức chống Cộng


23
Nguyễn Ngọc Già - Cho đến bây giờ, có thể xác quyết chế độ độc đảng toàn trị tại VN không còn lý do nào để biện minh cho nó tồn tại thêm nữa. Bằng cớ từ lịch sử cho đến hiện tại đã phủ quyết tất cả những luận điệu của CSVN, chỉ nhằm phục vụ cho mưu đồ trường trị dưới sự bảo hộ của Trung Cộng với mưu toan dần dần thôn tính lãnh thổ và đồng hóa dân tộc Việt Nam trở thành một sắc dân thiểu số.


Phải loại bỏ CSVN, khi muốn giải phóng dân tộc và bảo toàn cương vực, biển đảo VN, bởi bản chất vong bản và vô Tổ Quốc của CSVN – chính họ cũng không cần che giấu với Hoàng Trung Hải bị tố cáo đích danh nhiều lần, với phát ngôn từ Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng v.v… ngày càng quá rõ sự đầu lụy để cốt hưởng vinh hoa phú quý, bỏ mặc Tổ Quốc lâm nguy, dân tình oán thán.
“Đoàn kết” hay “liên kết” là những khái niệm cần làm rõ trước tiên, trong tình hình hiện nay, vẫn còn nhiều cá nhân, nhóm bạn, hội đoàn, đảng phái chưa đồng thuận hai khái niệm này – ngỡ là một, nhưng thực tế nó khác hẳn nhau về bản chất.
Đoàn kết
Ý nghĩa quá quen thuộc và có thể nói là ngôn từ đang được sử dụng rất nhiều, không chỉ người CS mà ngay cả những người chống Cộng kêu gọi để tạo lực lượng đủ mạnh với tính “tích cực” (ngỡ) vốn là thuộc tính của nó, khi so sánh ngược lại tính “tiêu cực” với sự “chia rẽ” (?!).
Ở góc nhìn về chính trị hiện nay tại VN, “đoàn kết” – Unity – xuất phát từ việc làm sao cho các đơn vị (Unit) “sản phẩm” ban đầu riêng lẻ dần trở thành một “sản phẩm” mang “tính đồng nhất/tính duy nhất”, sau quá trình hòa trộn (mix). Có thể gọi nó là “sản phẩm phái sinh”(derivative product). “Sản phẩm” này thường diễn ra sau quá trình tương nhượng (nếu có) để đạt đồng thuận, thỏa hiệp nhằm… “nhập lại làm một” – từ đây, tính đơn nguyên ra đời. Đó là điều tác giả xin phép nhấn mạnh & nhắc lại trong tư duy triết học.
Xin được gọi “sản phẩm phái sinh” bằng tên “Hậu Đoàn Kết” – với kết quả là một “hợp chất” đồng nhất, không còn mang đặc trưng riêng của những “sản phẩm” ban đầu – có nghĩa “tính đa nguyên” đã bị tiêu diệt dần trong quá trình “đoàn kết” (bằng mọi cách, có khi là ép mình hay quy phục, trà trộn và cả đấu tranh giả hiệu dân chủ v.v…). Có lẽ nhiều người nhận ra CSVN đang âm thầm tiến hành thực hiện điều này, trong tình thế nguy kịch hiện nay.
Hình tượng một chút:
Phong trào A x Hội đoàn B x Đảng phái C = Sản phẩm “Hậu Đoàn Kết” D.
D là một sản phẩm hoàn toàn khác biệt, nó mang thuộc tính của A,B,C do quá trình “pha chế”, gia giảm từng “sản phẩm” nguyên thủy.
Có lúc tính chất của A trội hơn hay ngược lại bởi B và/hoặc C, cũng như thế, khi hoán đổi thứ tự A,B,C với nhau. Hoặc cũng có khi, A & B có hàm lượng tương đương nhau, hòa trộn/chi phối lẫn nhau và C chỉ chiếm một tác động nhỏ v.v… cùng nhiều trường hợp “pha chế” khác.
Tuy nhiên, có thể rút ra kết luận, sản phẩm “Hậu Đoàn Kết” D sẽ hoàn toàn là một “sản phẩm mới”, không giống bất kỳ bản chất nào của sản phẩm nguyên thủy (A,B,C) ban đầu. Lúc đó, “bản chất mới” của sản phẩm D, do “người/nhóm người/phong trào/hội đoàn/đảng phái” nào có khả năng quyết định & chi phối bởi sức ảnh hưởng từ đấy.
Dễ hiểu tính “ép phê ngược” của “đoàn kết”, bởi nó rất gần gũi với “quá trính thâu tóm và thôn tính” (tạm gọi là “Quy trình chế biến” Z). “Quy trình Z” luôn luôn phải hội đủ yếu tố: Những người nổi tiếng và có chỗ đứng trong dư luận xã hội, trong cộng đồng nhất định làm… “đầu mối”. Nhưng tiếng tăm và vị trí xã hội/vị trí chính trị của họ không đủ căn cứ để làm người ta tin vào bản chất hay hành động đó là đúng thực chất, khi người quan sát đứng trước hiện trạng nhiễu nhương và đảo điên hiện nay.
Từ đó, tính đa nguyên dễ dàng bị triệt tiêu êm thấm – điều mà CSVN rất ưa thích và luôn cố gắng làm cho bằng được. Càng nhẹ nhàng càng hiệu quả. “Cái chết thầm lặng” của những hội đoàn/phong trào/đảng phái diễn ra mà đôi khi người ngoài không hay biết, thông qua hình thức vẫn có vẻ như “độc lập” còn đó, nhưng bị “đoàn kết” che khuất mất rồi.
Lịch sử đã chỉ ra, từ việc triệt tiêu tính đa nguyên một cách thâm độc như thế, nhiều đảng phái bị ĐCSVN sử dụng chiêu bài “đoàn kết” để lừa gạt trong tinh thần “anh em một nhà”, “chín bỏ làm mười” hay “muôn người như một” v.v… rất kích thích “lòng ái quốc”, để rồi cuối cùng cướp công toàn bộ về cho ĐCSVN và nhanh chóng “tiễu trừ” tất cả các đảng phái khác, cùng với sự đồng lõa từ chân rết mang tên MTDTGPMNVN trước 1975, như nhiều người từng chứng kiến. Bi kịch đó, đã được nhắc đến nhiều lần, nhưng chưa nhấn mạnh “quá trính thâu tóm và thôn tính” núp dưới sự cao cả mang tên… “đoàn kết” (!). Nguy hiểm và ngụy biện tinh quái của CSVN phát xuất từ chỗ đó.
Vậy, hiện nay rất cần cẩn thận trước tên gọi “đoàn kết” với “sản phẩm phái sinh” gọi là “Hậu Đoàn Kết” – như trình bày – từ manh nha đến trương phình dần, trong các nhóm “ký kiến nghị”, nhóm “đòi xử nhà nước cướp biển Trung cộng” hoặc một số hội đoàn, phong trào, đảng phái cả trong và ngoài nước hiện nay.
Liên kết
Khác với “đoàn kết” vốn dễ dàng và hoàn toàn đứng trước nguy cơ bị triệt tiêu tính “đa nguyên”, sự “liên kết” đảm bảo duy trì được tính chất đó, lại không làm hao hụt hay suy yếu, khi các hội đoàn/đảng phái/phong trào cần tạo một lực lượng đủ lớn-đủ mạnh, trong khi nó vẫn bảo toàn được “âm sắc” của từng hội đoàn, từng nhóm bạn cho đến từng đảng phái. Nói cách khác, “liên kết” không đứng trước nguy cơ bị triệt tiêu tính “đa nguyên” rồi dần dần nhu cầu “đa đảng” bị tiêu diệt nốt, trong quá trình đấu tranh cho một xã hội tự do – dân chủ. Bởi như thế dễ rơi vào bẫy của CS.
“Liên kết” – Combination – có nghĩa kết hợp (hoặc phối hợp) giữa những nhóm bạn/hội đoàn/đảng phái để cùng hành động vì mục tiêu chung mà tránh được việc can thiệp hay chỏ mũi, chi phối vào nội bộ các bên lẫn nhau.
It is the combination of wit and political analysis that makes his articles so readable. Các bài báo của anh ấy dễ đọc, nhờ kết hợp việc phân tách chánh trị cùng óc hóm hỉnh (tạm dịch).
Ví dụ trên cho thấy: bản chất “tư duy chánh trị” và bản chất “óc khôi hài” không triệt tiêu lẫn nhau, mà kết hợp làm cho bài báo hiệu quả hơn. Đây là minh chứng nhỏ cho tính hữu hiệu, vì bản chất riêng rẻ khi “liên kết” không bị “hòa tan” lúc cùng phối hợp.
Dẫn ví dụ trên cũng để thưa với độc giả rằng: Giữa cá nhân tôi và Ban Biên Tập DLB dễ dàng “liên kết” làm việc cùng nhau. Có những lần, DLB đề nghị cắt bớt ý này, bỏ bớt câu kia hoặc chỉnh sửa đoạn văn nọ, tôi xem xong và đồng ý, bởi đôi bên hiểu rằng: vì mục tiêu chung – đấu tranh tự do dân chủ cho Việt Nam. Đó chính là ý nghĩa của đồng thuận đôi bên. Trong quá trình “liên kết” giữa DLB & Tôi, nó không hề xảy ra tình trạng ép uổng, thúc hối, quy phục hay ra lịnh hoặc ban bố, cầu xin cho bên nào.
Nói cách khác, sự tôn trọng tuyệt đối của đôi bên (Tôi và DLB) hiện rõ. Đó cũng chính là tôn trọng Nhân Quyền và là mấu chốt đảm bảo tính “đa nguyên” vẫn giữ được, trong khi không cần phải “đoàn kết”. Từ đấy, càng khẳng định tính bền vững và độ dẻo dai của “liên kết” càng được đẩy lên cao, khi mục tiêu là lợi ích chung cho công cuộc đấu tranh hiện nay.
Thêm vào đó, nhờ “liên kết” đúng đối tượng, đúng sự việc, nó dễ dàng đạt được lợi ích chung mà nhiều bên cùng quan tâm. Chính nhờ đó, quá trình “hợp tác” – cooperation – dễ dàng diễn ra trong đồng thuận. Điều này, không phải là “thỏa hiệp”, bởi đôi bên (DLB & Tôi) không có lợi ích cá nhân/thể nhân nào khi viết & đăng bài. “Liên kết” cũng giúp tránh được những suy nghĩ cảm tính dễ dẫn đến hành động nông nổi hay nguy hại (ví dụ bảo mật thông tin cá nhân, khi bạn chưa sẵn sàng công khai).
Sự việc mâu thuẫn trong nội bộ Hội Nhà Báo Độc Lập VN gần đây là một ví dụ điển hình, để trình bày thêm về sự khác biệt quá nhiều giữa “đoàn kết” và “liên kết”. Nếu đôi bên trong Hội NBĐLVN hiểu sâu sắc và đảm bảo tính khách quan khoa học các khái niệm này, trên tinh thần đa nguyên và tư tưởng triết học đa trường phái, ắt hẳn họ không bị mang tiếng và không giải tỏa được nghi ngờ từ nhiều phía. Đặc biệt, khi bất kỳ bên nào thích độc quyền về chân lý, lúc đó “đoàn kết” sẽ được kêu lên nhưng sâu bên trong, bản chất độc tài bắt đầu trỗi dậy và chi phối.
Đông đảo bạn đọc cũng thấy, dù còn nhiều mâu thuẫn lẫn bất đồng trên nhiều lĩnh vực, nhưng Mỹ – Châu Âu – Nhật v.v… vẫn sẵn sàng “liên kết” để đối phó với tập đoàn Putin hay tập đoàn Tập Cận Bình. Ngay cả nội bộ chính trị của Mỹ (chẳng hạn) họ vẫn đấu tranh quyết liệt, như biểu hiện về cuộc tranh cử vừa qua, với đảng Cộng Hòa vượt lên giành chiến thắng trước đảng Dân Chủ.
Cũng cần nhắc lại sự khác nhau giữa liên kết (combination) và câu kết (collusion) – cũng có nghĩa thông đồng, toa rập.
Tạm kết
“Đoàn kết” mang bóng dáng tự phát trước nhu cầu chẳng đặng đừng, trong khi “liên kết” mang đủ tinh thần tự giác trước nhu cầu tự do.
“Đoàn kết” mang bóng dáng “lợi ích tập thể” đặt lên trên hết mà “lợi ích cá nhân” bị buộc phải hy sinh, trong khi “liên kết” mang trong mình cả “lợi ích cá nhân”, cho đến “lợi ích cộng đồng”, nó thuyết phục quần chúng dễ dàng hơn rất nhiều.
“Đoàn kết” mang dáng dấp gò bó theo khuôn khổ, trong khi “liên kết” mang đủ tinh thần kỷ luật một cách tự nguyện.
“Đoàn kết” dễ mang tiếng lôi kéo, trong khi “liên kết” vẽ ra hình ảnh lôi cuốn & dễ tạo cảm hứng.
“Đoàn kết” mang bóng hình nặng nề của “đàn bò” lê thê và buồn tẻ, tuy ngay ngắn nhưng được điều khiển dưới tay kẻ chăn bò, trong khi “liên kết” vẽ ra hình ảnh “đàn ngựa chiến” dũng mãnh và khỏe khoắn cùng nhau lao về phía trước theo khả năng riêng và từ đó khích lệ, nâng đỡ, hỗ trợ lẫn nhau nhiều hơn.
Nhân tâm Việt Nam ly tán và mất lòng tin quá nhiều vào nhau, hậu quả này phải chỉ rõ do CSVN gây ra bởi quá trình “chia để trị” quá dài, nên hiện nay các nhóm bạn/hội đoàn/phong trào/đảng phái nên kêu gọi “liên kết” sẽ tốt hơn.
Từ đó, nó sẽ dần xóa bớt nghi kỵ, thông qua các chương trình hành động công khai và chung tay. Trong khi đó, nhóm bạn/hội đoàn/phong trào/đảng phái vẫn không phụ thuộc hay chõ mũi vào tổ chức khác, từ đó không dẫn đến tình trạng “thôn tính và thâu tóm” hay chi phối (dù vô tình hay hữu ý). Nó cũng sẽ làm cho các tổ chức và nhóm bạn bớt dần công kích lẫn nhau, bởi việc bên nào bên đó tự hành động. Chỉ cần bắt tay cho chủ trương hay phong trào chung mà mình thấy phù hợp, những gì không phù hợp thì không tham gia (tất nhiên không nên công kích hay đả phá nhau). Những gì bí mật của tổ chức mình, nhóm bạn mình thì vẫn giữ riêng. Không mích lòng bất cứ bên nào.
Cũng nên xem xét việc, một người tham gia cùng một lúc nhiều hội đoàn/phong trào/đảng phái. Bởi dễ nảy sinh và rò rỉ những việc riêng tư của “bên mình” khi chưa đến lúc hay chưa cần thiết và cũng chính từ đó dễ gây ra mâu thuẫn hoặc bị mang tiếng là “chim mồi”, “hai mang”, “nội gián”, “đấu tranh bằng máu người khác” v.v…
Cả nước sau 1975, xã hội VN rơi vào tình trạng đơn nguyên, độc đảng với chế độ CS cai trị bằng thuộc tính toàn trị đơn điệu, lạc hậu, rập khuôn, đồng nhất, và ấu trĩ, khô cằn. Khi kêu gọi “đoàn kết” dễ phát sinh sự e ngại và cũng bởi chữ “đoàn kết” đã bị CSVN làm méo mó và lợi dụng, lạm dụng cho mưu đồ của họ suốt 70 năm qua.
Để liền mạch chủ đề, xin nhắc lại hình ảnh “đàn bò” trong thủ đoạn kêu gọi “đoàn kết” mà CSVN luôn rêu rao. Người CS có bút hiệu Tương Lai – vào tháng 5/2014, khi Trung Cộng kéo giàn khoan HD981 vào biển Đông – từng nói [1]: “…Lúc này, mỗi một người Việt Nam yêu nước phải đứng đằng sau tuyên bố của nhà nước, đứng sau các chiến sĩ của chúng ta, chứ lúc này lại đưa các vấn đề khác ra để làm loãng mục tiêu đi, thì đó là một sai lầm về chính trị.”
Ngoài các phép ngụy biện phổ quát (“lạm dụng chữ nghĩa” bằng từ “yêu nước” hay lợi dụng “quyền lực mềm” bằng “tên tuổi” của cá nhân ông ta v.v…) ông Nguyễn Phước Tương như khẳng định dân VN không khác “đàn bò” đang “đứng mơ mây ngàn” (!). Bò mơ về mây ngàn! Quá tốt cho người CS thoải mái… chăn dắt.
Không chỉ mượn hình ảnh “đàn bò đứng mơ mây ngàn” để thi vị hóa, người viết nài nỉ (thật sự) quý độc giả nhín 4 phút đồng hồ, xem clip [2] để kinh ngạc lẫn thán phục về “công tác thuần dưỡng” của ĐCSVN, mà Đỗ Hữu Ca từng khẳng định [3] : “…Từ sau hòa bình đến nay, dân ở đấy rất cách mạng, rất thuần…”
Vậy, xin đừng trách những người dân oan, nông dân, công nhân, tiểu thương, bởi ngoài việc kêu la và chửi bới, họ sẽ làm gì để thoát kiếp trâu ngựa, khi ngay cả những tướng tá, giáo sư, tiến sĩ, bộ trưởng v.v… được thuần dưỡng xong từ lâu?
Giải phóng dân tộc và tự do dân chủ
Đoạn video clip đó, có trở thành lời khuyên cho người VN dứt khoát đoạn tuyệt “bám theo đuôi” CSVN, dù muộn còn hơn không?
Dù hàng ngàn vòng hoa ngỡ là thành kính, nó không mang ý nghĩa nào khác, ngoài việc tố cáo tập đoàn CSVN năm xưa ăn cắp xương máu của dân Việt Nam, dưới tên gọi “chiến tranh bảo vệ biên giới 1979″, để cho chúng và “đàn bê” cùng nhau hưởng lợi suốt 35 năm qua.
Một quốc gia được hình thành chỉ đầy đủ ý nghĩa với hai yếu tố không bao giờ tách rời:
1. Phạm vi địa lý được thế giới công nhận rộng rãi;
2. Con người sinh sống trên đó; duy trì, phát triển và truyền lại cho các thế hệ con cháu.
Không có yếu tố thứ hai, tất nhiên yếu tố thứ nhất hoàn toàn vô nghĩa. Khi dân tộc Việt Nam đã bị CSVN biến thành “đàn bò” – diễn giải mang “tính người” hơn: Nô Lệ – nghĩa là không còn Quốc gia Việt Nam. Hiện nay chỉ có tên gọi “nước CHXHCNVN” với:
- Một chế độ toàn trị và (xin nhấn mạnh chữ “và” với ý nghĩa không tách rời);
- Một “nhà nước” lệ thuộc vào Trung Cộng, trên mọi lãnh vực. 
Nói cách khác, Việt Nam gần như mất nước với sự toa rập từ nội bộ ĐCSVN từ nhiều bằng chứng, mới nhất là vụ giao đất tại đèo Hải Vân cho Trung Cộng kinh doanh.
Do vậy, “Quốc Đề” tối quan trọng trong đấu tranh hiện nay: GIẢI PHÓNG DÂN TỘC x TỰ DO DÂN CHỦ [4], một lần nữa được đặt ra [5] cho tất cả nhóm bạn/hội đoàn/phong trào/đảng phái trong ngoài nước cùng suy ngẫm.
Phải khẳng định tuyệt đối: Việt Nam không bao giờ có tự do dân chủ, nếu không đặt vấn đề GIẢI PHÓNG DÂN TỘC song hành và gắn chặt cùng.
“Toán học hóa” quốc đề nói trên: Nếu “Tự do dân chủ” là một số khác zero và “Giải phóng dân tộc” bằng zero. Phép nhân đó cho kết quả bằng zero.
Trương Tấn Sang từng la hoảng [6]: “Đảng, Nhà nước ta không bao giờ bán nước cho các thế lực bên ngoài như những kẻ xấu vu cáo”. Thử hỏi, nếu không bán nước tại sao không dám làm rõ mật nghị Thành Đô và hàng loạt các khuất tất khác, trong khi lại phát ngôn rất dở với tư cách Chủ tịch nước(?).
Các hành động cụ thể từ hội đoàn/nhóm bạn/phong trào/đảng phái trong ngoài nước, nhiều năm qua chú trọng đấu tranh cho “tự do dân chủ”, hầu như rất ít nhấn mạnh tính chất “giải phóng dân tộc” với mối liên hệ không được phép tách rời.
Lợi ích lớn lao khi vấn đề GIẢI PHÓNG DÂN TỘC được nhấn mạnh:
- Thuyết phục và thu hút tất cả các tầng lớp, kể cả phần lớn những người CS, người nhận lợi ích từ CS và “thân Cộng”, bởi tầng lớp này, đối với họ, nhu cầu “tự do dân chủ” không phải tiên quyết, thậm chí họ không cần. Đặc biệt, đối với tầng lớp thanh niên – sinh viên – học sinh, trong tình hình hiện nay, “tự do dân chủ” không được số rất đông quan tâm. Trong khi, nội dung “GIẢI PHÓNG DÂN TỘC” được phân tích & chứng minh rõ thông qua nhiều bằng chứng, sẽ dễ dàng thuyết phục lượng người đông đảo và rất quan trọng này, bởi đặc tính tuổi trẻ – tôn trọng và yêu thích sự thật. Thân phận nô lệ không chừa một ai, khi mất nước, đó là chân lý không cần bàn cãi.
- Càng thuyết phục đối với người Việt hải ngoại bằng lợi ích rõ ràng: quê hương thứ nhất – nơi họ buộc phải rứt ruột ra đi đang bị đe dọa nghiêm trọng với nguy cơ ngày thêm rõ rệt.
- Chứng tỏ chính nghĩa với nguy cơ hiển hiện dân tộc Việt Nam bị đồng hóa và dần diệt vong, nhằm để nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các quốc gia dân chủ cho cuộc đấu tranh.
- Hội đoàn/nhóm bạn/phong trào/đảng phái trong và ngoài nước trở nên dễ dàng liên kết hành động vì mục tiêu lợi ích chung cho cả dân tộc Việt Nam, trong đó cũng chính là có lợi ích của từng tổ chức, từng nhóm bạn.
Không chỉ những lợi ích lớn lao nêu trên, một khi chưa đặt nặng vấn đề “GIẢI PHÓNG DÂN TỘC“, mọi đồng thuận về bản chất cuộc đấu tranh không thể diễn ra giữa hàng chục quan điểm “chống Cộng” khác nhau. Hệ quả kéo theo nó, không thể liên kết. Đoàn kết lại càng quá xa xôi.
Nói hình tượng một chút: Các hội đoàn/nhóm bạn/phong trào/đảng phái như những vòng tròn không đồng tâm và giao nhau – phần giao nhau đó chính là “GIẢI PHÓNG DÂN TỘC“.
Như vậy, cần xác định bản chất cuộc đấu tranh (nội dung) trước khi bàn luận các phương pháp đấu tranh (hình thức).
Bạo động và bất bạo động
Loại trừ một chế độ nào đó, có 3 hình thức:
- Bất bạo động (BBĐ).
- Bạo động (BĐ).
- Kết hợp hai hình thức trên (kết hợp – KH)
Một nghiên cứu [7] với độ dài hơn 60 năm của bà Erica Chenoweth, trong đó chỉ ra những kết quả sau nhiều năm tìm hiểu, phân tích và tổng kết cho thấy, đấu tranh BBĐ có khả năng thành công cao hơn nhiều và ít dẫn đến bất ổn xã hội hơn, so với đấu tranh BĐ. Điều đó không có nghĩa đấu tranh BĐ luôn thất bại, chỉ là mức độ thành công thấp hơn nhiều – theo thời gian nghiên cứu – so với đấu tranh BBĐ.
Ngay cả đấu tranh BBĐ, không có nghĩa “dĩ hòa vi quý”, chỉ khác là trả giá ít về nhân mạng và ít hỗn loạn, bạo loạn hơn nhiều so với đấu tranh BĐ. Những cuộc cách mạng từ thập niên 90 thế kỷ trước kéo cho đến nay, cho thấy, dù chủ trương đấu tranh BBĐ, nhưng giai đoạn cuối, BĐ và đe dọa BĐ là phương án lựa chọn cuối cùng trước những tên độc tài ngoan cố.
Nói cách khác, dù chủ trương và mong muốn thành công từ đấu tranh BBĐ, BĐ luôn phải là phương án dự phòng thiết yếu với kế hoạch cụ thể ứng phó trong tình huống đương thời – đó là hình thức thứ ba – KH – như nói trên.
Trong nghiên cứu, Chenoweth rút ra kết luận, với 3,5% dân số một quốc gia nổi dậy bằng BBĐ đủ để làm một chế độ sụp đổ. Tuy nhiên, tình hình Việt Nam, với tính đặc thù rất riêng – như phân tích – gần như mất nước, công trình nghiên cứu của nhà khoa học chính trị đã không đề cập đến. Đó là một thiếu sót lớn của Chenoweth.
Đứng trên quan điểm tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, không thể vì ủng hộ quan điểm đấu tranh bằng hình thức này để đả phá, chê bai hình thức khác. Bởi, điều 19 khoản 1 trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự & chính trị” (ICCPR) nói rõ:
Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.
Xin nhấn mạnh, chữ “quan điểm” trong trích dẫn. Quan điểm là cách nhìn nhận, phân tích, đánh giá, kết luận của ai đó đối với bất kỳ nội dung hay chủ đề nào. Trong đấu tranh chính trị, quan điểm dù là BBĐ hay BĐ vẫn dừng lại trong tư tưởng của người đó.
Từ quan điểm dẫn đến hành động là một khoảng cách quá xa, thậm chí hành động hoàn toàn có thể diễn ra ngược lại với quan điểm nội tại duy trì lâu nay, bởi tùy thời cuộc đổi thay và còn tùy tình huống diễn biến đang xảy ra. Đó là cách nhìn “vận động là tuyệt đối” trong tư duy triết học.
CSVN cố tình đồng nhất “quan điểm” [*] với “hành động” bằng những chữ: xúi giục, kích động, lôi kéo v.v… như đông đảo người dân quá rõ. Cũng từ đó, CSVN mới “đẻ ra” những tội: 87 (Tội phá hoại chính sách đoàn kết), 88, 258 v.v… vốn dĩ những “tội này” không làm bất cứ một ai… chết hay thương tật (!). Đó cũng cho thấy sự khác biệt khái niệm học thuật “hình sự” của CSVN, nó tỏ ra quá lạc hậu và ấu trĩ so với các quốc gia dân chủ.
Dù lực lượng đảng viên (kể cả người ra khỏi đảng) và “thân cộng” cũng như nhận lợi ích lớn nhỏ (cả vật chất và tinh thần) từ ĐCSVN, bên ngoài tỏ ra ủng hộ và luôn chủ trương đấu tranh bằng BBĐ, nhưng một thực tế khó chối cãi: Khi những tai họa, bệnh tật, xúi quẩy, đấu đá nội bộ ác liệt mà “đồng chí của họ” gây ra lẫn nhau, tuyệt đại đa số những người và nhóm người đó – thông qua cả “báo nhà nước” cho đến núp dưới các trang web/blog “lề đảng” và “lề giữa” – lao vào khai thác triệt để, thậm chí còn dùng web/blog để tấn công nhau, bằng nhiều thủ đoạn đê hèn mang tính đấu tố hoặc là dạng biến thái của bọn Hồng Vệ Binh với nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ mới đây, giới cầm quyền tại Hà Nội kéo cả bầy đến nhà ông Nguyễn Trọng Vĩnh, bằng hình thức dùng đám đông lung lạc và khủng bố tinh thần. Đó không thể gọi là đấu tranh BBĐ.
Không những người CS bóp méo phương pháp đấu tranh BBĐ mà chính họ phạm luôn vào điều 88 hay 258 hoặc 245 (Tội gây rối trật tự công cộng) – thứ “luật” luôn chụp mũ & vu khống cho người vô tội. Người CS cũng nên nhớ, các trang web/blog mang tính chất công cộng, do đó “tội danh” 245 hoàn toàn có quyền gán cho những trang báo và cho cả những “người khuất mặt khuất mày” (chữ của LS. Lê Công Định) dùng “báo” để bôi nhọ người khác.
Bộ mặt đạo đức giả và ngụy quân tử thật dễ dàng nhận thấy, dù cố gắng che giấu sau những bài viết tỏ ra “trí thức” và nhuốm màu “lương thiện” như Nhân Dân, Petrotimes v.v… (!).
Những tên ngụy quân tử – tuyệt đại đa số là dân có “số má” trong ĐCSVN dù lãnh vực này hay khác, dù trong hay ngoài nước, thậm chí nghỉ hưu, nghỉ việc với chức vụ các loại trước đây – luôn đánh đồng đấu tranh BĐ ngang hàng với bạo loạn, thậm chí là khủng bố.
Những tên đạo đức giả không chỉ đánh đồng như thế mà sẵn sàng chụp mũ bất kỳ ai (vì nóng tánh hay chửi bới hoặc nguyền rủa) là “chống cộng cực đoan”, trong khi chúng tự chối bỏ bản chất cực đoan, thể hiện ngay khi áp đặt người khác. Thử hỏi, bằng tư cách nào, thể nhân gì, đại diện cho những ai, khi chúng kết luận “người này là chống cộng cực đoan”, “người kia là dân chủ tâm thần” v.v…? Thật ra, những tên ngụy quân tử đó cố tình đồng nhất “quan điểm” = hành động”, nhằm để hù dọa và bịt miệng những ai không nắm rõ cái khái niệm chữ nghĩa.
Không phải vì người CS không biết các khái niệm nói trên hoàn toàn khác nhau mà vì họ sợ một khi các nhóm bạn/phong trào/hội đoàn/đảng phái đạt được đồng thuận và thuyết phục hàng triệu người dân cùng đứng lên với mục tiêu quá rõ:GIẢI PHÓNG DÂN TỘC.
Kết
Cần xác định bản chất cuộc đấu tranh để đi đến đồng thuận. Có đồng thuận mới dễ dàng liên kết. Từ liên kết thành công, hãy nghĩ xa hơn về việc tạo lực lượng và vận động mọi phương tiện. Từ đấy mới có thể lập kế hoạch đoàn kết với các điều kiện cần & đủ đã hình thành. Nói cách khác, “đoàn kết” là một chương trình khoa học cần hiện thực hóa ở giai đoạn cuộc cách mạng GIẢI PHÓNG DÂN TỘC TỰ DO DÂN CHỦ tại Việt Nam, gần như chuẩn bị xong các điều kiện. Đoàn kết không phải là chuyện mua vui hay kêu “đại lên” để chứng tỏ bản thân.
Tháng 9/2014, một thỏa thuận thành lập “chính phủ đoàn kết dân tộc” ở Afghanistan đã được ông Ghani và ông Abdullah ký kết tại Kabul với trung gian là Hoa Kỳ, nhưng đến nay tình hình Afganistan vẫn chưa sáng sủa hơn cho lắm…
Huống chi dân tộc Việt Nam, với “đa trường phái” chống Cộng đan xen chằng chịt và nhân tâm ly tán mãnh liệt, cũng như đứng trước kiếp nạn lừng lững: Mất Nước, chỉ kêu gọi khơi khơi lấy đâu ra… “đoàn kết”?!
(Hết)
_______________________________________
Chú thích:
[4] Ý nghĩa khi dùng “dấu nhân”: Nhằm để chỉ ra tính chất hòa quyện keo sơn, nó mạnh hơn “dấu cộng” rất nhiều.
[5] http://www.danluan.org/tin-tuc/20120531/nguyen-ngoc-gia-viet-nam-nhat-dinh-co-cach-mang-som-neuphan-4. Vấn đề “GIẢI PHÓNG DÂN TỘC x TỰ DO DÂN CHỦ” được đặt ra gần 3 năm trước, nhưng không nhận được bàn luận nhiều, ngoài tiến sĩ Nguyễn Trung Chính (Irish Vinh Hayes) với 5 bài rất đáng suy nghĩ và bàn luận:
[*] Nói thêm: Ví dụ một ai đó có ý định giết người, thậm chí là phác ra kế hoạch đi nữa, nhưng chưa hề mang ra hành động, thì người đó cũng không có tội. Tội phạm chỉ dựa trên hành vi đã thực hiện xong (dù thất bại hay thành công). Do đó, nhiều người rất ghét cái chữ mà người CS luôn luôn xài: “Xúi giục”, “kích động”, để vu khống người vô tội.
Nhắc lại người CS rằng: Những ai hành động chỉ vì nghe theo “xúi giục”, “kích động”, chứng tỏ người đó kém tri thức và đương nhiên họ phải tự chịu trách nhiệm việc mình gây ra. CS ơi! Các ông nên dẹp mẹ nó mấy cái chữ này đi, biết sao không? Vì như vậy là các ông tự tố cáo CS các công khinh dân bỏ mẹ!
Mời đọc thêm: Phản bác bài viết “Không được kích động bạo lực”.
_________________________________________
Thỏa hiệp là gì?
Từ điển Webster’s New World định nghĩa thỏa hiệp (compromise) là “một sự dàn xếp mà ở đó, mỗi bên từ bỏ một số yêu cầu của mình trong một cuộc tranh chấp để có thể đạt được một sự thỏa thuận, làm cả hai phía hài lòng trong một chừng mực nhất định nào đó”. Sau này người ta cũng có thể dùng thuật ngữ “win – win” để diễn đạt.
Tuy nhiên, không biết từ lúc nào, thỏa hiệp bỗng trở thành một thuật ngữ mang ý nghĩa xấu, một điều gì đó tương tự như sự phản bội, toa rập, thậm chí là sự đầu hàng trước cái ác, cái xấu.
Đồng thuận là gì?
Nó là sản phẩm tự thân của quá trình chọn lọc, sửa đổi, đào thải và đi đến thống nhất về tư tưởng, từ đó dẫn đến hành động cùng nhau trong một lĩnh vực nào đó.
Cũng gần như “thỏa hiệp” bị méo mó, “đồng thuận” đôi khi bị biến thành như phương tiện, để khỏa lấp và đi đến tương nhượng để từ bỏ những nguyên tắc cơ bản, mà lẽ ra cần phải giữ vững và xuyên suốt trong quá trình đàm phán về một vấn đề cần giải quyết.

Không có nhận xét nào: