Ngành thủy sản Việt Nam vừa nhận được phán quyết có lợi trong vụ kiện tôm đông lạnh với Hoa Kỳ.
Hôm 17/11/2014, một ủy ban của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra bản phúc trình theo đó nói một số các biện pháp tính thuế mà Hoa Kỳ áp dụng và bị Việt Nam khiếu nại là không phù hợp với quy định của WTO và do vậy, cần phải được điều chỉnh.
Vụ kiện được bắt đầu từ 16/2/2012, khi Việt Nam đệ đơn khiếu kiện Bộ Thương mại Hoa Kỳ về cách tính thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ.
Phía Việt Nam cho rằng Hoa Kỳ đã vi phạm một số quy định của WTO và một số quy định, luật lệ, trình tự lẫn thực tiễn áp dụng của chính Hoa Kỳ.
Cụ thể, trong phán quyết mới đây, ủy ban của WTO xác định Mỹ đã vi phạm nghĩa vụ thành viên WTO trong việc áp dụng biện pháp 'zeroing' khi tính biên độ phá giá đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam, trong việc áp mức thuế toàn quốc ở mức cao, và trong việc bác bỏ một cách không thỏa đáng một số yêu cầu của các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam theo đó muốn phía Mỹ rút lại các biện pháp tính thuế sai.
'Khả năng thoát mức thuế chống phá giá'
Trong vụ kiện, Trung Quốc, Liên hiệp Âu châu, Nhật Bản, Na Uy và Thái Lan bảo lưu quyền là các bên thứ ba có quyền lợi liên quan. Ecuador sau đó cũng bảo lưu quyền này.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) được truyền thông trong nước dẫn lời nói phán quyết về biện pháp 'zeroing' là nội dung quan trọng nhất trong phán quyết lần này.
“Nếu DOC chấp nhận phán quyết này thì họ phải tính toán lại mức thuế chống bán phá giá cho các doanh nghiệp Việt Nam từ kỳ xem xét hành chính POR4, là thời điểm chúng ta gửi vụ kiện này lên WTO."
"Theo đó mức thuế suất chống bán phá giá mà các doanh nghiệp Việt Nam chịu sẽ về bằng 0%, tức không bán phá giá. Tương tự như vậy cho các kỳ POR 5, 6, 7 sau đó," trang tin Dân Việt trích lời ông Hòe.
"Nếu doanh nghiệp có thuế suất bằng 0% trong 3 năm liên tiếp thì doanh nghiệp đó sẽ thoát khỏi lệnh áp thuế chống bán phá giá theo quy định của DOC,” ông Trương Đình Hòe giải thích thêm.
Theo thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO, các bên tham gia vụ kiện có quyền kháng cáo trong vòng 60 ngày kể từ ngày ra phán quyết. Trong trường hợp không có kháng cáo thì quyết định của ủy ban sẽ được Cơ quan Giải quyết Khiếu nại của WTO (DSB) thông qua và sau đó sẽ có giá trị ràng buộc pháp lý.
Hồi 1/2004, mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ bị DOC điều tra chống bán phá giá, dẫn tới việc 54 doanh nghiệp bị áp thuế phá giá với mức thấp nhất là 4,3% và cao nhất là 25,76%.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét