Trong cuộc họp báo ngày 20/8, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu hai loại trái phiếu mới để phát hành trên thị trường là trái phiếu không trả lãi định kỳ (Zero - coup bond) và trái phiếu lãi suất “thả nổi” (lãi suất biến động theo thị trường).
Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện nghị định về Quỹ hưu trí tự nguyện để trình Chính phủ ban hành, nhằm lấy tiền từ quỹ này đầu tư vào trái phiếu.
Bộ Tài chính công bố số liệu, tính đến ngày 14/8, tổng khối lượng trái phiếu phát hành ra thị trường là 140,938 tỷ đồng (khoảng 6.3 tỷ Mỹ kim), trong đó khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ là 123,479 tỷ đồng, tương đương 49% kế hoạch đề ra cho năm 2015.
Bà Phan Thị Thu Hiền - Vụ phó Vụ Tài chính ngân hàng cho biết, việc huy động 51% vốn từ trái phiếu (khoảng 6.9 tỷ Mỹ kim) trong thời gian 5 tháng còn lại là khó khăn. Bộ Tài chính đang cố gắng đạt được mục tiêu đề ra bằng việc giới thiệu các sản phẩm mới. Bộ Tài chính nghiên cứu hai loại trái phiếu mới nói trên nhằm thu hút giới đầu tư, và đa dạng hóa loại hình trái phiếu, đáp ứng các nhu cầu đầu tư khác nhau.
Hiện trái phiếu chính phủ vẫn duy trì lãi suất ở mức 6.4%/năm đối với kỳ hạn 5 năm và 7.65%/năm đối với kỳ hạn 15 năm.
Tính đến thời điểm 14/8, tổng trị giá trái phiếu trên thị trường là 867,876 tỷ đồng (gần 40 tỷ Mỹ kim), tương đương 22% GDP năm 2014, trong đó trái phiếu Chính phủ là 581,497 tỉ đồng (gần 26 tỷ Mỹ kim), tương đương 14% GDP năm 2014.
Theo Bộ Tài chính, các ngân hàng thương mại hiện nắm giữ 80% tổng khối lượng trái phiếu phát hành trên thị trường. Các nhà đầu tư khác như: các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tiền gửi, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán chiếm 18-19% còn lại. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ nắm giữ khoảng 1-2% khối lượng trái phiếu phát hành.
Trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang ở mức nguy hiểm, sắp vượt mức 65% mà Quốc hội CSVN thông qua, việc Bộ Tài chính tiếp tục phát hành thêm trái phiếu chính phủ và bảo lãnh phát hành trái phiếu, đồng nghĩa với việc làm tăng thêm nợ công cho Chính phủ.
Mới đây, Bộ Tài chính đã phải “vay nóng” của Ngân hàng nhà nước 30,000 tỷ đồng để cân đối thu – chi ngân sách, do bội chi ngân sách. Nguyên nhân do việc đầu tư công kém hiệu quả, thất thoát vốn lớn ; các khoản chi ngân sách thường xuyên ngày càng tăng, do bộ máy nhà nước cồng kềnh, ngày càng phình ra với nhiều thành phần “ăn bám” – đảng, đoàn, các loại hội, các loại báo đài, …
Nhật Nam / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét