Pages

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Đô đốc Mỹ: Đồng minh lo ngại vì hành động của TQ ở Biển Đông

Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
                           Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

Tân tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đang tìm cách trấn an các đồng minh trong khu vực là chiến lược xoay trục của các lực lượng Mỹ sang Á Châu sẽ được duy trì, giữa lúc có những mối lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc. Thông tín viên Steve Herman tường thuật từ  trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA tại Bangkok.

Từ khi lên giữ chức Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương cách nay ba tháng, Đô đốc Scott Swift đã đến Philippines, Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Malaysia để gặp gỡ các vị tương nhiệm của các nước này.



Tại Kuala Lumpur hôm nay, Đô đốc Swift đã nói chuyện qua điện thoại với một số ký giả trong khi chuẩn bị lên đường sang Singapore.

Ông thừa nhận là tại tất cả những nơi ông đến thăm các giới chức đều cảm thấy “hết sức lo lắng” vì “kích cỡ” của những công trình lấp biển lấy đất của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Mọi người ai nấy đều bày tỏ những mối quan tâm và cảm giác bất trắc về tương lai. Nhưng tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là tất cả chúng ta phải đến với nhau qua đường lối và phương pháp đa phương để hoá giải những sự bất đồng trong các yêu sách bên trong khu vực với một cách thức tích cực và không cho phép sử dụng sự cưỡng ép hoặc vũ lực như một đòn bẩy để giải quyết theo cách có lợi cho bên này hoặc bên kia."

Chiến đấu cơ của Mỹ trên boong tàu sân bay USS Nimitz trong một cuộc tuần tra ở Biển Đông, ngày 23 tháng 5, năm 2013.
Chiến đấu cơ của Mỹ trên boong tàu sân bay USS Nimitz trong một cuộc tuần tra ở Biển Đông, ngày 23 tháng 5, năm 2013.Chiến đấu cơ của Mỹ trên boong tàu sân bay USS Nimitz trong một cuộc tuần tra ở Biển Đông, ngày 23 tháng 5, năm 2013.

Phóng viên đài VOA đã hỏi Đô đốc Swift về sự hoài nghi mà các nước đồng minh của Mỹ đã bày tỏ về cam kết dài hạn của Ngũ giác đài đối với chiến lược được nói đến rất nhiều là chiến lược xoay trục Á Châu. Vị tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương đã trả lời như sau.

"Điều này không phải là một sự phản ánh về khả năng của Mỹ để hỗ trợ cho kế hoạch tái tập trung, mà là một sự phản ảnh của cảm giác lo lắng trong khu vực, và như quí vị đã gợi ý, nhiều người ở các quốc gia này cảm thấy lo lắng về tương lai. Và nhiều nước trong số đó đang muốn Hoa Kỳ tiếp tục bảo đảm cho sự ổn định trên khắp khu vực, sự ổn định mà họ đã được hưởng trong 70 năm qua."

Theo kế hoạch an ninh hải dương mà Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố hồi tuần trước, 60% khí tài quân sự trên biển và trên không của Mỹ sẽ được bố trí ở khu vực Á Châu Thái Bình Dương trước năm 2020. Nhật Bản sẽ là một nơi có tính chất trọng yếu đối với kế hoạch và đảo Guam sẽ được dùng như một trung tâm chiến lược. Ngoài ra quân đội Mỹ còn có những chương trình hợp tác với Việt Nam và Ấn Độ, cả hai đều là đối thủ chiến lược của Trung Quốc. Các hoạt động quân sự hỗn hợp cũng sẽ được nới rộng với Indonesia, Nhật Bản và Malaysia.

Tàu chiến USS Fort Worth (LCS 3) tiến hành các hoạt động kết hợp trong vùng Biển Đông với tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen (DDG 82).
Tàu chiến USS Fort Worth (LCS 3) tiến hành các hoạt động kết hợp trong vùng Biển Đông với tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen (DDG 82).Tàu chiến USS Fort Worth (LCS 3) tiến hành các hoạt động kết hợp trong vùng Biển Đông với tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen (DDG 82).

Đô đốc Swift nói rằng những hoạt động đó có thể trấn an mọi người về cam kết của Hải quân Mỹ đối với khu vực này.

"Có vô số bằng chứng cho thấy đây không phải chỉ là một sự gia tăng của các nguồn lực được bố trí ở tuyến đầu mà cũng là một sự gia tăng của chính các nguồn lực."

Đô đốc Swift cho biết mục tiêu của ông là duy trì Hạm đội Thái Bình Dương như một “sức mạnh tối ưu để ứng phó với bất kỳ sự việc nào có thể xảy ra” trong khu vực.

Vị đô đốc từng giữ chức chỉ huy trưởng Đệ thất Hạm đội cũng bày tỏ hy vọng về việc nới rộng những sự tiếp xúc với hải quân và lực lượng tuần duyên Trung Quốc để tìm cách “giảm thiểu những yếu tố bất ổn đang tồn tại trong khu vực.”

Steve Herman
 

(VOA)

Không có nhận xét nào: