Pages

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Phạm Viết Đào - Khi thành quả Cách mạng bị 'biến hóa'

Năm nay Việt Nam đánh dấu tròn 70 năm cuộc Cách mạng Tháng 8 và tuyên ngôn độc lập 2/9/1945.

“Cuộc cách mạng tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hoà…”, đó là câu mở đầu trong phần Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946 đã cho thấy mục đích tiền khởi của cuộc cách mạng tháng 8 là để lập ra “nền dân chủ cộng hoà”.

Sau cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên vào ngày 06/01/1946, theo nhiều tư liệu chính thống ghi lại cho thấy sau 10 tháng 'chuẩn bị tích cực, dưới sự chỉ đạo' của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 09/11/1946, Quốc hội Khóa I (kỳ họp thứ 2) chính thức thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (với 240/242 phiếu tán thành), đó là Hiến pháp năm 1946.



Đây là văn bản pháp lý chính thức xác nhận thể chế và pháp chế của nhà nước Việt Nam được chính thức tuyên bố khai sinh ngày 2/9/1945.

Trong Lời nói đầu, Hiến pháp 1946 đã xác định nhiệm vụ của bộ máy nhà nước Việt Nam:

”Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ…”

Như vậy, nói theo ngôn ngữ tin học hiện đại: nền tảng của hệ điều hành, quản trị của bộ máy nhà nước Việt Nam theo Hiến pháp (HP) 1946 là “nền tảng dân chủ”.

    Vào thời điểm 1946, khi 90% dân số VN là nông dân, quy định như Điều 12 này vô cùng có ý nghĩa với nông dân, lôi kéo người nông dân đi theo, tham gia các cuộc chiến tranh mà họ không tiếc xương máu
    Nhà văn Phạm Viết Đào

Nền tảng dân chủ của Hiến pháp 1946 được cụ thể hoá tại một số điều, đáng chú ý nhất là Điều 12.

Điều này quy định: ”Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm…”

Không tiếc xương máu

Trong Hiến pháp 1946 không quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý như các văn bản Hiến pháp 1992, 2013; vào thời điểm 1946, khi 90% dân số Việt Nam là nông dân, quy định như Điều 12 này vô cùng có ý nghĩa với nông dân, lôi kéo người nông dân đi theo, tham gia các cuộc chiến tranh mà họ không tiếc xương máu.

Hay như Điều thứ 32, là điều quy định về người dân tham gia phúc quyết các vấn đề liên quan tới vận mệnh quốc gia, quyền này đã không còn xuất hiện trong các văn bản Hiến pháp tuyên bố là kế thừa 1959, 1992, 2013:”Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý. Cách thức phúc quyết sẽ do luật định”…

Tới Hiến pháp 1959 trong Lời nói đầu đã tránh, không còn xác định dân chủ là nền tảng của “hệ điều hành” quản trị bộ máy nhà nước nữa; khái niệm dân chủ được lồng ghép vào những định ước, khái luận chung chung, khiến cho khái niệm “ nền tảng dân chủ” trở nên xa, mờ, nhạt dần:

“Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam đã xây dựng một nước Việt Nam độc lập và dân chủ”; “Hiến pháp mới là một Hiến pháp thực sự dân chủ. Hiến pháp mới là sức mạnh động viên nhân dân cả nước ta phấn khởi tiến lên giành những thắng lợi mới…”, (Lời nói đầu Hiến pháp 1959).

Tác giả cho rằng sau 70 năm, các giá trị cốt lõi nền tảng được cuộc cách mạng tháng 8 đưa ra lúc đầu để 'lôi cuốn quần chúng' đã bị biến thái.

Từ Hiến pháp 1959 bắt đầu lấp ló xuất hiện vai trò lãnh đạo nhà nước của Đảng:” Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo…”

Trong Hiến pháp 1959, vai trò giám sát quyền lực nhà nước của nhân dân được thể chế bằng Điều 4:

”Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

"Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ…”

Nền tảng mặc định

Từ “ dân chủ“ vốn là nền tảng được mặc định của hệ điều hành quản trị nhà nước năm 1946 đã được chuyển hoá thành “nguyên tắc tập trung dân chủ”… Phải chăng điều đó có nghĩa là từ Hiến pháp 1959, dân chủ phải gia cố, cõng gánh thêm “cái ông” tập trung thì cái dân chủ đó mới có hiệu lực, hiệu quả được nhà nước chấp thuận?

    Phải chăng điều đó có nghĩa là từ Hiến pháp 1959, dân chủ phải gia cố, cõng gánh thêm “cái ông” tập trung thì cái dân chủ đó mới có hiệu lực, hiệu quả được nhà nước chấp thuận?
    Nhà văn Phạm Viết Đào

Trong Hiến pháp 1992 cũng không nhắc gì tới “nền tảng dân chủ” của hệ điều hành quản trị của bộ máy nhà nước và thay vào đó giống Hiến pháp 1959, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo nhà nước của Đảng Lao động Việt Nam, Hiến pháp 1959; Đảng Cộng sản Việt Nam (Hiến pháp 1992).

Trong Hiến pháp 1992 đã xác định rõ hơn vai trò Đảng lãnh đạo nhà nước tại Điều 4:

Điều này quy định: ”1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội…”

Hiến pháp 1992 quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, thể chế hoá mối quan hệ giữa Ðảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.

Đến Hiến pháp 2013 thì phạm trù dân chủ được phân vai rạch ròi trong Lời nói đầu:

”Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…”

Thể chế lấy 'dân chủ' làm nền tảng đã được chuyển dần sang thành 'đảng chủ' ít nhất từ Hiến pháp năm 1959, theo tác giả.

Giống với Hiến pháp 1992, trong Hiến pháp 2013, vai trò lãnh đạo nhà nước của Đảng tiếp tục được thể chế trong Điều 4.

Như vậy, nếu Hiến pháp 1946 với hệ điều hành quản trị nhà nước dựa trên nền tảng dân chủ thì tới Hiến pháp 2013 “hệ điều hành dân chủ” từ “nền tảng” chuyển thành 1 trong 5 mục tiêu hướng tới của bộ máy nhà nước.

Chuyển hóa 'Đảng chủ'

Tóm lại, hệ điều hành quản trị của bộ máy nhà nước Việt Nam từ tiền khởi văn bản Hiến pháp 1946, thành quả của Cách mạng tháng 8 tới Hiến pháp 2013 đã chuyển hoá từ dân chủ sang “Đảng chủ”.

Có điều do sự mặc định mới này mà Quốc hiệu Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đang được thông dụng hiện nay có vẻ không thật trùng khớp với bản chất và ngôi thứ của hệ điều hành “ đảng chủ” này.

Nếu đúng bản chất của hệ điều hành quản trị đã được mặc định trong hiến pháp thì quốc hiệu Việt Nam cần phải chỉnh sửa: 'Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cộng hoà' thì mới sát, đúng. Còn gọi Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì đã vô tình biến Đảng, “ông chủ” duy nhất lãnh đạo nhà nước toàn diện lại hoá thành lực lượng phụ trợ nhà nước.

    Tóm lại, hệ điều hành quản trị của bộ máy nhà nước Việt Nam từ tiền khởi văn bản Hiến pháp 1946, thành quả của Cách mạng tháng 8 tới Hiến pháp 2013 đã chuyển hoá từ dân chủ sang “Đảng chủ”
    Nhà văn Phạm Viết Đào

Vì đảng mới là chủ thể, là lực lượng chính trị chi phối toàn diện hệ điều hành này như Điều 4 đã mặc định tính chất, quyền năng của hệ điều hành “đảng chủ”:

Điều này nêu rõ: ”1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

"2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình…”

Đây là vấn đề vừa mang tính lý luận vừa mang ý nghĩa thực tiễn mà rất mong được các nhà “Hồ Chí Minh học” sớm làm sáng tỏ bằng các công trình lý luận công phu để việc kế thừa “ nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh” được người dân bình thường hiểu, quán triệt mà đồng thuận.

Bởi vì từ quốc hiệu của nhà nước và một số vấn đề mang tính cốt lõi của thể chế trong hiến pháp 1946 đã có những thay đổi, chuyển hoá khó hiểu; nếu không được giải thích, thuyết phục thấu đáo thì sẽ xô đẩy xã hội tới chỗ phân tâm, hoài nghi, không biết đâu mà lần.

 Nhà văn Phạm Viết Đào gửi cho BBC từ Hà Nội 

Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nhà văn, đang sống ở Hà Nội. Bài được gửi tới BBC tham gia chuyên mục đánh dấu 70 năm Cách mạng tháng Tám của Việt Nam và kết thúc Thế chiến II.

(BBC) 

Không có nhận xét nào: