Pages

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Vốn xã hội và xã hội dân sự: Quyền tự do lập hội, nhóm, đoàn thể tại Việt Nam

Câu lạc bộ bóng đá No-U FC. No-U FC là câu lạc bộ bóng đá ra đời ngày 30/11/2011, sau một loạt cuộc xuống đường rầm rộ do giới nhân sỹ, trí thức ở Hà Nội và Sài Gòn phát động nhằm đáp lại việc Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông và tỏ rõ cuồng vọng độc chiếm vùng biển chiến lược này.
Câu lạc bộ bóng đá No-U FC. No-U FC là câu lạc bộ bóng đá ra đời ngày 30/11/2011, sau một loạt cuộc xuống đường rầm rộ do giới nhân sỹ, trí thức ở Hà Nội và Sài Gòn phát động nhằm đáp lại việc Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông và tỏ rõ cuồng vọng độc chiếm vùng biển chiến lược này.

Có lẽ một trong những quyền cơ bản của chế độ dân chủ là quyền tự do lập hội. Ở Việt Nam, quyền này cho đến hiện nay vẫn còn đang “bỏ ngỏ”. Trước thềm đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12, quyền lập hội là một trong những chính sách đang được tranh cãi nhiều nhất, không chỉ trong nội bộ Quốc hội mà còn cả báo chí cũng vào cuộc. Cho đến nay, quyền lập hội, công đoàn độc lập, bao gồm cả quyền biểu tình, đều rất mập mờ. Trên thực tế, các quyền này đều không được nhà nước Việt Nam công nhận, nếu không muốn nói là bị cấm. Trước những biến động chính trị không ngừng cả trong và ngoài nước gần đây, rõ ràng quyền lập hội là một yếu tố tiềm năng của nền dân chủ Việt Nam trong tương lai gần.

Đã từ lâu, khái niệm về hội nhóm, công đoàn độc lập trước sự quản lý của nhà cầm quyền vốn là chủ đề gây tranh cãi nhiều trong hệ thống ý thức hệ cộng sản. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ không đề cập nhiều đến lý luận ý thức hệ mà chỉ đưa ra vài suy nghĩ cá nhân về bức tranh rộng lớn hơn của quyền lập hội nhóm, và thực tiễn bối cảnh Việt Nam hiện nay. Hội và công đoàn là những tổ chức xã hội sinh ra từ nhu cầu thiết yếu của công dân, dựa trên lợi ích chung của tập thể. Dưới tác động của quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá, vốn xã hội dựa trên gia đình, xóm giềng đặc trưng của xã hội Á Đông bị phai mờ. Ví dụ, ngày xưa, khi Việt Nam còn đơn thuần là nền kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ, người dân thường dựa vào nhau trong cách tổ chức canh tác lúa, tình cảm họ hàng, bà con láng giềng chính là vốn xã hội quý giá. Thế nhưng hiện nay, dưới tác động của công nghiệp hoá, đô thị hoá, người dân rời khỏi quê hương để đi đến các vùng đất mới: các đô thị lớn, khu công nghiệp, để tìm cơ hội việc làm, nghề nghiệp. Hệ quả là người dân đòi hỏi một hình thức vốn xã hội khác phù hợp hơn với sự thay đổi hoàn cảnh sống. Chính vì thế, nhu cầu lập hội, nhóm giữa những người gắn kết lợi ích chung với nhau, như công đoàn, hội luật sư, hội nhà báo, hội người tiêu dùng, vân vân, là thực tiễn. Cách trị nước từ trên xuống dưới hoàn toàn triệt để như Việt Nam, vốn vẫn luôn gây khó khăn cho việc phát huy hết tiềm năng của hội, nhóm trong đời sống của người dân. Lấy một ví dụ rất thực tế là công đoàn, một dạng hội nhóm đại diện cho công dân. Nhiệm vụ của công đoàn là bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của công nhân, lắng nghe tâm tư tình cảm của công nhân, và quan trọng hơn hết là đại diện cho tiếng nói của công nhân trong các vấn đề có liên quan. Thế nhưng, nếu công đoàn hoàn toàn nằm dưới sự điều khiển của nhà nước thì trong trường hợp chính sách của nhà nước mâu thuẫn với lợi ích của công nhân, thì công đoàn sẽ đứng về phía nào? Hay nói đúng hơn, làm sao người công nhân tin tưởng rằng lợi ích của mình là ưu tiên hàng đầu của hội nhóm đại diện mình?

Bên cạnh đó, tôi muốn đề cập thêm một khái niệm khác là xã hội dân sự. Xã hội dân sự muốn nói đến các thể chế xã hội được lập ra từ dưới lên, tức do người dân điều phối và ra quyết định, có thể có sự hổ trợ của nhà nước, nhưng quan trọng là việc ra các quyết định phải độc lập với nhà nước. Do cơ chế từ dưới lên, nên xã hội dân sự hơn hẳn trong việc sâu sát vào đời sống người dân, so với các hội đoàn do nhà nước lập ra, vốn mang nặng yếu tố chính trị hơn là xã hội. Hơn nữa, các xã hội dân sự độc lập có thể làm giảm bớt gánh nặng cho nhà nước, từ chi phí tổ chức, quản lý, cho đến giám sát, mà lại điều tiết các vấn đề xã hội hiệu quả hơn. Cách tổ chức xã hội này đã được áp dụng ở các nước tiến bộ khác từ rất lâu, nhưng ở Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ. Những rào cản về chính trị khiến nhà nước Việt Nam rất dị ứng với những hội, nhóm dân sự thế này.

Thế nhưng, cục diện có thể sẽ thay đổi nhanh trong thời gian rất sớm. Các hiệp định thương mại được ký kết gần đây như TPP hoặc hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu vừa kết thúc đàm phán vào tháng 8 vừa qua, có điều khoản ràng buộc phải tổ chức các công đoàn độc lập tại các cơ quan, xí nghiệp hoặc khu công nghiệp để đảm bảo các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bao gồm môi trường và quyền lợi chính đáng của người lao động. Và các nước thành viên có viện trợ tài chính và thời hạn cố định để thực thi điều khoản. Cho nên dù cho chính quyền có muốn hay không, thì sự ràng buộc bởi các tiêu chuẩn về phát triển bền vững do sự hội nhập về kinh tế là tất yếu. Và lộ trình chuẩn bị cho các xã hội dân sự là cấp bách, không chỉ nhằm đảm bảo uy tín của nhà nước Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, mà còn giúp tinh giản hệ thống nhà nước, giảm thiểu các tổ chức công đoàn, hội nhóm cồng kềnh, kém hiệu quả do nhà nước thành lập và quản lý, để tạo điều kiện cho các cơ chế xã hội hoạt động hiệu quả hơn.

Điều này còn đồng nghĩa với tình hình tự do, dân chủ ở Việt Nam sẽ được cải thiện mạnh mẻ. Lý do rất đơn giản là một khi mà xã hội dân chủ lớn mạnh, đời sống người dân được cải thiện, nguồn vốn xã hội của Việt Nam sẽ đủ lớn để cạnh tranh với các lực lượng chính trị, để đảm bảo chính trị phục vụ cho lợi ích chính đáng của mỗi tầng lớp công dân Việt Nam, chứ không chỉ để cho một số nhỏ nhóm lợi ích nào đó trục lợi. Sở dĩ một số cơ quan, đoàn thể, công ty nhà nước hiện nay hoạt động trì trệ, kém hiệu quả, hay tham nhũng là do thiếu một lực lượng xã hội như đã nêu trên để cân bằng cán cân quyền lực và lợi ích giữa các nhóm, tầng lớp xã hội trong một quốc gia. Thực tiễn tại các quốc gia khác đã chứng minh, sự tiến hoá của các lực lượng xã hội dân sự này sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước trở nên có trách nhiệm, minh bạch, và hoạt động hiệu quả hơn.

Cao Huy Huân

* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

(Blog VOA)

Không có nhận xét nào: