Thứ Ba, 21 tháng 12, 2010
‘Quả đấm thép’ Vinashin mấp mé giật nợ
Logo trên bảng hiệu của tập đoàn đóng tàu quốc doanh Vinashin ở trụ sở chính tại Hà Nội. (Hình: AFP/Getty Images)
Ngày Thứ Hai 20 tháng 12, 2010 là ngày đáo hạn kỳ trả nợ đầu tiên $60 triệu USD của 10 kỳ trả cách nhau mỗi sáu tháng. Nhưng cuối tháng 11 vừa qua, tân ban quản trị tập đoàn này đã gửi thư xin hoãn nợ một năm, viện dẫn lý do gần sập tiệm nên không thể nào trả nổi.
“Ngày 20 tháng 12 tới đây, Vinashin sẽ phải trả 60 triệu USD đầu tiên theo đúng hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, hiện Vinashin đang rất khó khăn chưa có nguồn để trả ngay. Vì vậy, tập đoàn đã có văn bản đề nghị các chủ nợ là các ngân hàng ngoại cho lùi lại một năm, Vinashin chắc chắn sẽ thu xếp được nguồn vốn để trả từ việc tái cơ cấu tập đoàn.”
Nguyễn Ngọc Sự, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Vinashin nói với hãng thông tấn TTXVN qua một cuộc phỏng vấn được phổ biến trên trang nhà này hôm Thứ Hai.
Ðã có một số tin tức được các hãng tin ngoại quốc từ hồi đầu tháng cho hay các chủ nợ của món vay nói trên từ chối cho triển hạn. Nhưng ông Sự, trong cuộc phỏng vấn của TTXVN, một phần xác nhận có chuyện này nhưng giải thích là không phải tất cả các chủ nợ đều không cho triển hạn.
“Ðến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào nói rằng tất cả các chủ nợ không đồng ý với đề xuất hoãn, giãn nợ của tập đoàn. Bởi theo nguyên tắc thì việc quyết định vấn đề này thông qua bỏ phiếu. Tuy nhiên, ngân hàng đầu mối là Credit Suisse cho biết, hiện tại, chưa nhận được biểu quyết 100% của nhà đầu tư cho vay. Do đó, chúng tôi đang chờ câu trả lời cuối cùng.” Ông nói.
Ngoài số tiền $750 triệu USD mà chính phủ Việt Nam bán công trái trên thị trường tài chính quốc tế rồi trao cho Vinashin năm 2005, tập đoàn này cũng tự phát hành trái phiếu quốc tế năm 2007 qua sự dàn xếp của ngân hàng đầu tư tài chính quốc tế Credit Suisse. Món vay $600 triệu USD có khoảng 20 chủ nợ là nhiều ngân hàng từ Á châu, Châu Âu đến Trung đông.
Ðược kể tên trong nhóm chủ nợ quốc tế đó gồm cả Credit Suisse, ngân hàng Standard Chartered Bank PLC của Anh, DEPFA Bank PLC của Ðức-Ireland và Ngân Hàng Quốc Gia Kuwait SAK.
Ngoài các ngân hàng trên, Vinashin còn nợ ngân hàng Natixis 25 triệu đôla Mỹ và khoản nợ này cũng đã quá hạn trong tổng số $4.4 tỉ USD công nợ.
Theo tin của báo tài chính Wall Street Journal căn cứ theo một nhân vật thân cận với cuộc thương thuyết sắp xếp trả nợ, một số chủ nợ đang muốn nhà cầm quyền trung ương Hà Nội cam kết không để cho Vinashin sập tiệm. Sự đòi hỏi này sẽ đẩy Hà Nội vào thế khó xử vào lúc họ siết chặt sự kiểm soát đối với các tập đoàn và tổng công ty quốc doanh vốn được thả lỏng lâu nay.
Vinashin là một trong số những đại công ty quốc doanh được bơm rất nhiều tiền để đầu tư tràn lan sang đủ mọi ngành nghề ngoài lãnh vực chính. Trong các văn bản quan trọng, những năm qua, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn cả quyết lấy kinh tế quốc doanh là chủ đạo, bất chấp khuyến cáo của các định chế tài trợ quốc tế.
Sau 15 năm thành lập, tập đoàn Vinashin có 216 thành viên từ đóng tàu, sửa tàu, sản xuất thép, đến nấu rượu, nuôi heo. Một số tiền không nhỏ đầu tư vào địa ốc và chứng khoán và bảo hiểm mà những đợt khủng hoảng địa ốc và chứng khoán vừa qua, tập đoàn này đã mất không ít.
Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch kiêm tổng giám đốc Vinashin và một số thuộc cấp đã bị tống giam hồi tháng 8 vừa qua với cáo buộc “lợi dụng quyền hạn chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng”. Người chóp bu chỉ huy trên đầu tập đoàn này là ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thì chỉ ra ngoài Quốc Hội nói suông mấy câu “nhận trách nhiệm” là xong, chứ không bị hài tội như thuộc cấp.
Trong bản tin phỏng vấn của TTXVN nói trên, ông Sự nói “sau một năm tái cơ cấu tập đoàn, chắc chắn chúng tôi sẽ thu xếp được nguồn vốn để trả số nợ hiện có.”
Ông đưa ra một số dẫn chứng về giao tàu đã đóng và hoàn tất một số tàu từ nay tới đầu năm tới, bán một số tài sản, cơ sở, sau khi co cụm lại chỉ còn 43 thành viên để dẫn chứng cho một phần của nguồn tài chính mà Vinashin sẽ có để tồn tại và trả nợ.
Wall Street Journal viện dẫn người thân cận với cuộc thương thuyết hoãn nợ nói rằng Vinashin có 3 ngày ân hạn kể từ ngày đáo hạn 20 tháng 12 trước khi bị gọi là không trả nợ (default), một dịp có thể dẫn đến các đòi hỏi thúc hối Vinashin phải trả cả các món nợ khác và đồng thời làm tồi tệ thêm cho nền kinh tế của Việt Nam hiện lạm phát đang dâng cao và đồng bạc thì mất giá.
Tuần trước, tổ chức tham vấn đầu tư Moody's Investors Service hạ thấp vị trí của Việt Nam trên bảng thang điểm đánh giá đầu tư từ B1 xuống còn Ba3 mà một trong những lý do chính là vì vụ Vinashin không trả nổi nợ. Moody's cảnh cáo rằng nếu Vinashin không trả nợ sẽ ảnh hưởng đến khả năng xin vay nợ nước ngoài của Việt Nam. Moody's đưa ra cảnh báo sau khi một tổ chức tư vấn đầu tư khác, Fitch Ratings cũng đã hạ thấp vị trí của Việt Nam.
“Thật khó tưởng tượng rằng nhà cầm quyền bỏ mặc Vinashin”, một nhà ngoại giao giấu tên nói với AFP. “Hậu quả của tai tiếng Vinashin (xin khất nợ) đã đáng kể trên thị trường tín dụng quốc tế và nó sẽ tệ hại hơn nếu nhà cầm quyền phớt lờ.”
Thêm nữa, nhà ngoại giao này nhận định rằng nếu nhà cầm quyền không chịu chống lưng cho một trong những tập đoàn chiến lược mà họ là kẻ thụ hưởng duy nhất của lần bán trái phiếu quốc tế năm 2007, nó cho người ta đặt dấu hỏi về sức khỏe của khu vực quốc doanh nói chung cũng như mức dự trữ ngoại hối tối thiểu để chi trả ngoại quốc.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét