Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011
Bát phở không quẩy
Đào Tuấn - Một ngày sau khi giá xăng tăng, Chính phủ công bố chính sách hỗ trợ khó khăn cho những đối tượng… khó khăn. Theo đó, 5 loại đối tượng sẽ được trợ cấp từ 100-250 ngàn đồng. Để cho dễ hiểu, đại ý những người làm hoặc từng làm trong cơ quan nhà nước có hệ số dưới 3 thì được 250 ngàn. Những “bà góa”, được 100 ngàn. Và nghèo khổ các loại: 250 ngàn.
Lưu ý là số tiền này là số hỗ trợ cả năm, chứ không phải là 250k/người/tháng. Không những thế, số tiền này lại còn “được chia làm hai lần trong năm”.
250 ngàn là bao nhiêu % của thu nhập hộ nghèo? (nhấn mạnh là thu nhập cả năm)? Là 5,2% của hộ nghèo nhà quê, là 4,16 % của hộ nghèo thành phố (tính theo chuẩn nghèo mới ban hành hôm 30-1). Còn 100 ngàn, không tính được là bao nhiêu % của những người đang được hưởng tuất. Rất lẩm cẩm, có người đã tính mức hỗ trợ cho 356 ngày của năm 2011: Kính thưa các loại Công chức nghèo, người nghèo, đối tượng chính sách, cán bộ hưu trí, có công với cách mạng… được hỗ trợ hơn 20 ngàn mỗi tháng, bằng một bát phở không quẩy.
Có câu “Của cho là của rẻ”, số tiền hỗ trợ này nó bèo bọt đến mức không đủ bù cho những chi phí đã ngay lập tức tăng nóng sau khi xăng tăng giá vài tiếng trước đó. Cú nhấn ga của giá xăng, theo tính toán khiêm tốn của Bộ Tài chính, sẽ làm lạm phát tăng thêm 0,4% (mà đó là mới chỉ tính sau vòng quay đầu tiên của đồng tiền, chưa tính tới các tác động tiếp sau đó). Trong khi đó, chỉ số giá (CPI) tháng 3 đầu năm đã tăng 6,12%, dự kiến trong tháng 4 cũng sẽ tăng mạnh và nhiều khả năng tiệm cận “chỉ tiêu lạm phát” của cả năm. Theo quy luật, cú nhấn ga của giá xăng hôm 29-3 sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá của tháng 5, do độ trễ. Còn trong tháng 5, lại có đợt tăng lương cơ bản sẽ khiến giá cả sẽ “té nước theo mưa” trong tháng 6. Có lẽ cứ tăng giá hàng hoá đầu vào và tăng lương kiểu này thì chỉ số giá năm nay lúc nào cũng sẽ “tút tút 12h đúng” trên đồ thị. Và cứ đà tăng giá kiểu này, tới tháng 5, số tiền hỗ trợ đột xuất bằng “bát phở không quẩy”, mỗi tháng, có lẽ sẽ “không cả người lái”.
Đã có câu chuyện rất bi kịch rằng không phải chỉ nông dân mà ngay cả cán bộ công chức, đối tượng được tăng lương cơ bản rất sợ chuyện tăng lương. Bởi 100 ngàn lương “tăng thêm” mỗi tháng thậm chí còn chưa đủ bù cho đợt tăng giá, có khi còn tăng trước- để đón việc tăng lương.
Mới nói cái cần của dân chúng, của những người được hưởng lương không phải là 100 hay 250 ngàn bởi cái lợi đó quá nhỏ, nhỏ đến mức răng chả còn có cái gì mà mài. Bởi cái hại từ việc giá cả phá lương, đè bẹp trợ cấp, cái hại từ việc lạm phát phi mã tháo khoán giá trị đồng tiền, mới là cái khốn khổ nhất của dân chúng.
Trong chuyện trợ cấp đột xuất, còn phải nói đến nguồn tiền. Điều 3 của quyết định “trợ cấp đột xuất” quy định: “Nguồn kinh phí thực hiện trợ cấp khó khăn đối với các đối tượng hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, hộ nghèo quy định tại Quyết định này được bảo đảm từ ngân sách nhà nước và nguồn thu hợp pháp của cơ quan, đơn vị”. Tiền từ NSNN đương nhiên là tiền đóng thuế của dân chúng. Còn khoản tiền sau chữ “và”, không thể nói khác hơn, là khoản cứu trợ từ thiện. Rất khó để có thể nói chữ đột xuất được ghép vào đâu: Cứu trợ đột xuất từ sự từ thiện? Hay cứu trợ từ sự từ thiện đột xuất.
Dù đây là quy định của Nhà nước, nhưng rõ ràng nảy sinh vấn đề là sẽ không có khoản trợ cấp này nếu các DN không có, hoặc có thì quỹ tài chính hợp pháp của họ bằng 0. Dù Chính phủ có hướng tháo gỡ khó khăn cho những DN “thực hiện từ thiện” bằng quy định “Các DN hỗ trợ cho người lao động mà nguồn từ các quỹ hợp pháp không đủ chi thì được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của DN”, tuy nhiên, bản chất của vấn đề vẫn là sự kêu gọi vào lòng tốt, sự từ tâm của người sử dụng lao động đối với người lao động. Mà sự từ tâm thì cứ nhìn sang việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của giới chủ cho người làm công thì biết.
Vẫn biết là Chính phủ cần an dân trong hoàn cảnh bão giá, nhưng rõ ràng một bát phở không làm người nghèo no thêm và thiếu nó, cũng không làm ai chết đói.
Chưa nói đến “cách cho” mà đợt tết vừa rồi đã có đầy dẫy những ví dụ cho thấy tiền nhiều khi vào túi cán bộ hơn là dân chúng.
Đào Tuấn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét