Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011
Nhân câu chuyện “trăm phần trăm”
Nguyễn Vĩnh – Hai ngày cuối tuần vừa qua đài báo loan tin hai vị phó thủ tướng và một vị bí thư thành ủy của thủ đô đều được hội nghị cử tri ở các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy và Hai Bà Trưng – nơi các vị cư trú – đề cử là ứng viên bầu làm ĐBQH kháo XIII với tỉ lệ đỉnh “một trăm phần trăm”. Mọi người dự đoán tiếp đây, nhiều vị lãnh đạo cao cấp khác khi đề cử tiếp cũng sẽ có một tỉ lệ trăm phần trăm như thế.
Dân mình vẫn nói bách nhân bách khẩu – là trăm người trăm ý, trăm cách nói, trăm cái miệng mà. Ngay chỉ vài ba người ngồi với nhau, cũng khối chuyện bàn đi tính lại, dễ gì “đồng phục” ý kiến một cách dễ dàng. Đằng này dự kiến bầu lên những nghị sĩ, đại diện cho quyền lực cao nhất của nhân dân cả nước, vậy mà không biết sao mà MTTQ đưa ra danh sách nào cũng trúng phóc 100% tín nhiệm của cử tri thì quả thật là quá tài. Chỉ có điều dân chưa hiểu, là các bản danh sách đưa ra ở các cuộc họp cử tri ở phường-xã kia có bao nhiêu gương mặt để người ta lựa chọn? Nhưng chỉ biết là khi gút lại, đưa tin lên thông tin đại chúng là 3 vị trên đều được đề cử với sự đồng ý 100% của cử tri, nghĩa là không một ai không tín nhiệm các vị đó cả.
Nên nhớ rằng các cuộc hội họp khu dân cư thì thời gian họp hành chỉ vài ba tiếng đồng hồ, đôi khi còn ngắn gọn hơn nữa. Thế thì không hiểu công tác nghiên cứu nhân thân các ứng viên có được kỹ càng, liệu có sự trao đi đổi lại gì hay không về các ứng viên (nếu có trên một vị), và những người được đưa lên có phát biểu, có chương trình hành động như thế nào không nếu mình trúng cử. Bởi chỉ biết rằng cứ sau những cuộc họp như vậy là một kết quả “thành công tốt đẹp, 100% cử tri tán thành…” đều được loan báo và báo chí nhà nước đăng trọn các chi tiết.
Một điều đáng nói ngay, nhìn đại thể, những tin tức như thế này đưa ra hiện nay quả thật cũng chẳng mấy thu hút dư luận công chúng. Bởi lúc này, chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện giá tăng ào ào đủ ở các loại nhu yếu phẩm và dịch vụ hằng ngày mà người dân va chạm tới cũng đã chiếm hết sự lưu tâm và ưu phiền của xã hội mất rồi (nhà nào chẳng có người nội trợ đi chợ hằng ngày, khi trở về với gương mặc phờ phạc vì đắn đo mua gì sắm gì cho hợp túi tiền đây…). Hơn nữa nhiều kỳ tổng tuyển cử của 5, 10 năm về trước cũng đã diễn ra in hệt như thế. Nay bảo mới, có đổi mới về cách làm đâu chẳng thấy, mà hiển hiện trước mặt mọi người vẫn bổn cũ sao lại. Bầu cử và ứng cử, bầu cử và đề cử, và nhất trí cả loạt ngay từ khâu giới thiệu.
Tuy nhiên vẫn cái tin trên báo chí về 3 vị 100% tín nhiệm kia lại cũng làm không ít các công dân có mối quan tâm đến đời sống xã hội và vận mệnh của đất nước chú ý và không khỏi “có điều gì đó nghĩ ngợi” chứ không “buông xuôi” như khối người dường như đông đảo hơn ở trên nhắc tới.
Họ không buông xuôi đơn giản vì họ được nghe nói đến dân chủ, nói đến đề cao dân chủ trong những năm gần đây. Đấy là một thực tế đã đang diễn ra ngày càng lớn rộng trong cuộc sống.
Chỉ có điều rất lạ là trước những chuyện diễn ra như trên, giới truyền thông chính thức nước nhà vẫn áp dụng một kiểu đưa tin hệt như những năm xưa. Hình như có một sự ỷ lại hoàn toàn vào một nguồn là TTXVN? Trăm tin như một, đều “đồng phục” ý chang như vậy. Sao không thấy một phóng viên nào, một tờ báo nào cử người tới quan sát và phản ánh cái sự “trăm phần trăm” ấy nó ra làm sao? Cứ cho sự thật đúng là “100% như thế” đi nữa thì người đọc người xem-nghe vẫn cần đến những lời giải thích, những lý lẽ để công dân các nơi khác được thuyết phục. Một vài câu trả lời phỏng vấn, một đôi lời bình luận về lý lẽ đạt tới 100% người có mặt trong các cuộc họp đó đồng ý…, chắc chắn đều là những điều bạn đọc người ta muốn biết đến. Tuyên truyền có thuyết phục và khôn ngoan hay không chính là ở các điểm đó.
Chúng ta đều biết lâu nay các ý kiến trong dân ngày càng có sự khác biệt. Thể hiện trong cách đánh giá các vấn đề kinh tế xã hội, các vấn đề quốc kế dân sinh. Và điều này được chính được các cơ quan có thẩm quyền chính thức xác nhận (như trong nhiều Nghị quyết của Đảng; hay trong các đánh giá và nhận định của Chính phủ; hoặc cấp thấp hơn là của các cơ quan quản lý chức năng về thanh tra, về an ninh, về xã hội…), trong đó với bao nhiêu là điểm bất cập, là cách thức điều hành bộ máy đảng và nhà nước gặp những trục trặc và vấp váp. Nghĩa là bao nhiêu chuyện, lắm chuyện chẳng hề xuôn xẻ xuôi chèo mát mái chút nào. Rất nhiều những bất cập đó được đưa lên mặt báo và ti-vi quốc gia chứ đâu có giấu diếm gì người dân. Cho nên việc các vị lãnh đạo, nhất là lãnh đạo ở cấp cao (đương nhiên trách nhiệm cá nhân này càng phải cao hơn lớn hơn những người ở cấp dưới, cấp thấp) mà bây giờ lại nhận được sự “tuyệt đối tín nhiệm” của nhân dân nơi cư trú là điều chưa được thuyết phục cho lắm.
Còn về 100% mức tín nhiệm dành cho các vị được đề cử, tôi trộm nghĩ có thể giải thích thế này chăng:
Thứ nhất, 100% đó chứa đầy tính “hình thức”. Vì thông thường người đi dự họp đã qua “chọn lọc” trong khu phố phường xã, nên việc “cho điểm” tín nhiệm kia là có thể là hiểu được. Cái cách đọc danh sách lên, mời giơ tay biểu quyết thì 100% tín nhiệm thường rất dễ diễn ra. Nhiều cuộc họp là “một tràng vỗ tay” sau khi chủ tọa đọc họ-tên một vị được đề cử. Nơi nào cẩn thận hơn thì sau đó ông/bà chủ tọa cuộc họp nêu một câu lấy lệ: Thế còn vị nào không tán thành? Chả bao giờ có một cánh tay giơ lên đâu! Ở các chốn “công đường” như thế không ai dại gì mua dây buộc chân mình, dù trong lòng có phân vân, ấm ức cũng đành nín nhịn cho xong việc và yên thân. Cái kiểu dân chủ hình thức mà nhiều người lên tiếng trên báo chí chính là ở các chi tiết đời sống rất thực tế này.
Điều thứ hai là chính ở cái cách giới thiệu, cách hiệp thương của MTTQ các cấp hiện nay không mấy đổi mới. Đề cử, ứng cứ, rồi bầu cử từ HĐND các cấp đến ĐBQH, nếu được nói thẳng ra, vẫn là “lối cũ” chứ chẳng có điều gì là mới mẻ cả. Vừa đây bản thân người viết bài đã từng được mời họp đảng viên diện Quy định 76 của Bộ Chính trị (đảng viên ở cơ quan về sinh hoạt với cấp ủy và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú – còn gọi là “đảng viên 76”), tôi thấy người chủ trì gắn luôn nội dung giới thiệu 2 ứng cử viên HĐND cấp phường (một vị là bí thư chi bộ, nguyên là một cán bộ về hưu đã cứng tuổi; và một vị khác là một cán bộ nữ đường phố, độ tuổi trẻ hơn). Vừa dứt lời giới thiệu (chỉ đọc tên, đọc chức danh, không có một dòng trích ngang lý lịch nào), rồi chủ tọa hỏi một câu là ý các vị cử tri thế nào? Vài lần hỏi nữa, rằng ai có ý kiến gì khác không. Tuyệt nhiên chẳng một ý kiến nào hết. Thế là ào ào một tràng vỗ tay tán thành. Rồi ghi vào biên bản, sau đó đọc lên là 100% tán thành để báo cáo lên cấp trên.
Điều đó chứng tỏ cái cách giới thiệu, cái cách gọi là hiệp thương vẫn lối mòn, không hề có ý kiến trao đi đổi lại về một danh sách nào đó đưa ra để cử tri cân nhắc từng người, xem ai là người đáng “chọn mặt gửi vàng”?
Nhìn lại mấy chuyện tôi nêu trên đây càng chứng tỏ giữa lời nói của lãnh đạo chúng ta (cuộc bầu cử tháng 5 sắp tới là sẽ có nhiều đổi mới), trong khi đối chiếu với việc làm thực tế thì vẫn hao hao công việc chuẩn bị bầu cử của 4 – 5 năm về trước, và các năm trước, trước nữa.
Một xã hội không khuyến khích và coi trọng ý kiến trao đổi và thể hiện ra bên ngoài bằng những kiến giải, nhận định đa chiều sẽ là một xã hội buồn tẻ, thiếu sáng kiến và sáng tạo. Nó sẽ khó tiếp thu những cái mới và tiến bộ để bổ sung cho một xã hội muốn tiến lên và phát triển. Như thế xã hôi đó sẽ ngày càng bị thế giới bên ngoài đang biến chuyển mạnh mẽ người ta vượt qua và bỏ lại chúng ta cách xa…
Chúng ta có thể tự thêm vào đây một câu hỏi: Tại nhiều quốc gia, người ta đạt được nhiều thành tựu tiên tiến về phát triển kinh tế xã hội hơn hẳn chúng ta, thế mà mức độ của những người ứng cử thường chỉ đạt quá bán (>50%) mà họ bước ra làm công việc đất nước hoặc địa phương của mình vẫn rất tốt. Còn trong xã hội ta, nếu người nào cũng trúng cử tới 100%, hoặc sau này có chút cọ sát, thì thường cũng đạt tới khoảng 85 – 90% sự tín nhiệm của nhân dân thì phải coi đó là những sự không bình thường, hoặc giả là “bất thường” nữa.
Một con người mà 100% ai cũng đồng tình, cũng đặt hết niềm tin, thì nó “không thật” cho lắm. Mà con người đó chưa chắc đã tốt, đã là cần thiết cho đời sống thật muôn màu muôn vẻ, là con người hữu dụng cho số đông (số đông chứ không phải toàn thể 100% người dân). Cái người mà không một ai có ý kiến trái lại với mình, không ai không đồng tình với mình đâu phải là toàn bích, mà cũng không “có thật” ở trên đời này! Chỉ cần trên 50%, hoặc cao hơn nữa là 60, 70% người tín nhiệm là đã có thể làm việc rất tốt cho số đông rồi.
Nên câu chuyện mở màn tổng tuyển cử, với sự tín nhiệm 100% còn hao hao một định tính “hình thức” như trên kia tôi nói tới đúng là một hiện tượng cần được nhìn nhận ở một góc độ thận trọng và cầu thị nghiêm tức – chứ chớ vội vã cả mừng.
Bởi các con số đó gần như “ẩn chứa” một điều gì đó như một sự bố trí và dàn cảnh.
Chỉ xin có một gợi ý, là các nhà xã hội học hãy thử tiến hành một cuộc thăm dò dư luận thật sự độc lập và khách quan về mấy câu chuyện tôi “thắc mắc” nêu lên ở trên để thử xem… Tôi tin các nhà xã hội học thực sự yêu dân yêu nước sẽ thu được những kết quả rất có ích cho công việc chuyên môn của mình và không chừng là rất cần thiết đóng góp cho các cơ quan nắm giữ quyền lực ở ta lúc này.
Đó mới là sự đổi mới thực sự tư duy. Đó cũng là cách tiến hành đổi mới thực sự trong hành động cai quản đất nước.
Nguyễn Vĩnh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét