Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011
Ngư dân “chết lặng”!
“Tui như chết lặng khi nghe giá dầu tăng đến gần 3 nghìn đồng/lít” - một ngư dân cho chúng tôi hay. Không khí ngột ngạt trải khắp những làng chài ven biển nơi chúng tôi đi qua. Trên bến, dưới thuyền, nhiều ngư phủ đang lục tục tháo gỡ ngư cụ…
“Thủ phủ” nghề cá tê liệt
Sáng 30/3, có mặt tại “thủ phủ” nghề cá của đất Bình Định là xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn-Bình Định), chúng tôi cảm giác cả không gian nơi này như đông cứng. Tàu thuyền lặng ngắt. Bầu không khí vươn khơi sôi động ngày nào giờ như liệt dại. Từ chủ tàu thuyền đến người lao động ủ rũ, đăm chiêu.
Bước xuống chiếc tàu cá mang số hiệu BĐ 95454 TS, nhìn thấy chủ tàu Ngô Minh Hiệu đang thu dọn đạc trên tàu, chúng tôi dạm lời: “Sao buồn quá vậy anh!”. Anh Hiệu thõng người buông tiếng: “Treo niêu rồi, phen này chỉ có nước ôm nhau chết đói thôi”.
Chiếc tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương của anh sau 30 ngày lênh đênh trên biển, cập bờ vào ngày 28/3, chỉ đánh bắt được 1,5 tấn cá. Gặp thương lái, anh Hiệu xây xẩm mặt mày khi giá bán cá từ 180.000đ/kg cách đây 1 tháng nay bỗng tụt xuống chỉ còn 100.000đ/kg. Tính toán lại, sau khi trả công cho thuyền viên, tiền thu còn âm vào vốn.
Dù tâm trạng chán nản, anh vẫn cho tàu chạy ghé qua điểm bán xăng dầu ở Cảng cá Tam Quan như thường lệ, chủ cung ứng rụt rè nói như mắc lỗi: ”Giá dầu đã tăng thêm gần 3.000đ/lít nữa, vị chi là gần 21.000đ/lít anh ạ”. “Tôi nghe như sét đánh ngang tai. Định thần lại, hiểu ngay cơ hội gỡ gạc đã chấm hết, đành dong tàu về, quyết định ngưng biển”- Hiệu kể.
“1 chuyến đánh bắt xa bờ ít nhất phải cần đến hơn 1.000 lít dầu. Cách đây 1 tháng, giá dầu tăng 3.000đ/lít, phí tổn mỗi chuyến biển tăng đến hơn 30 triệu đồng đã khiến ngư dân đã mất tự tin khi nổ máy ra khơi. Vậy mà giờ lại tăng thêm gần 3.000đ/lít nữa, phí tổn tăng thêm gần 60 triệu/1 chuyến biển. Trong khi đó cá ngày càng vắng, giá thì tụt, sống sao nổi”- anh Hiệu tính toán.
Được biết, trong 100 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở xã Tam Quan Nam ra khơi thời gian qua, sau mỗi chuyến biển chỉ có chừng dăm ba chiếc tàu có thu hoạch 2-3 tấn cá, vừa đủ bù chi, còn lại chỉ đánh bắt được từ 1-1,5 tấn, lỗ chỏng gọng. Bởi vậy, đã có hàng loạt chủ tàu ở Tam Quan Nam cột bờ, không dám ra khơi. Giá nhiên liệu tăng, chủ tàu đánh bắt cá, đại lý thu mua thất thu đã đành, điều đáng quan ngại nhất hiện nay là hàng ngàn lao động nghề biển lâm cảnh thất nghiệp, đang đối mặt với cái đói.
Ông Nguyễn Hữu Hào- Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định buồn lây với ngư dân: “Việc tăng giá xăng dầu đã ảnh hưởng chung đến toàn xã hội, song ngư dân là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều, bởi đến 80-90% chi phí đi biển là vào nhiên liệu. Theo khảo sát của ngành chức năng, tiền dầu cho mỗi chuyến đi biển sau đợt nhiều tăng giá xăng dầu vừa qua đã tăng đến khoảng 60 triệu đồng/chuyến tàu so với thời gian trước tết. Điều này đồng nghĩa với việc ngư dân sẽ không còn biết đến lãi là gì, chỉ có lỗ là cầm chắc nên hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ gần như bị tê liệt. Trước khi “trời cứu”, chúng tôi phải có hành động tuyên truyền động viên ngư dân tự cứu mình”.
“Hiện đã có một số tàu cá đánh bắt xa bờ thử liên kết lại, tập trung khai thác rồi cử một, hai phương tiện về trước bán sản phẩm và lấy nhiên liệu, nước đá, thực phẩm. Đã có nhiều ngư dân thay đổi phương pháp đánh bắt, cách vận hành tàu nhằm tiết giảm chi phí, mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời; còn về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để giúp ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ ngư trường khai thác” -ông Hào nói.
Ngư phủ cầm chắc đói
Tàu neo bờ tại cảng cá vì càng ra khơi càng lỗ
Không khí chán chường không chỉ có ở các làng chài ở duyên hải miền Trung mà chạy dài khắp lượt suốt ĐBSCL về tận đất Mũi.
Có mặt tại khu cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành, Kiên Giang) ngày 30/3, câu chuyện mà chúng tôi nghe được từ các ngư dân vừa đi biển về không phải là cá trúng hay thất, giá cá cao hay thấp mà là giá xăng dầu. Anh Tư Hùng (Trần Phi Hùng) ở TP. Rạch Giá, chủ một cặp cào đôi vừa vào tới cảng lắc đầu ngao ngán: Trước đây, sau chuyến lênh đênh tháng trời trên biển, nếu trúng thì cũng kiếm được trăm triệu, trừ phí tổn, lời lãi, chủ tàu còn còn chia lương, thưởng cho bạn tàu mỗi người dăm ba triệu. Cách đây một tháng, giá dầu tăng, ngư dân đã phấp phỏng chuyến lời chuyến lỗ. Có khi đánh bắt kém, gộp cả vốn lẫn lợi nhuận mới chỉ đủ đổ tiền dầu đổ dầu. Còn bây giờ giá tiếp tục đội lên gần 3 nghìn đồng/lít, thua lỗ coi như cầm chắc.
Không chỉ những người ít vốn, tàu nhỏ ngắc ngoải mà ngay cả những đại gia có đến cả chục chiếc tàu đánh bắt xa bờ cũng ngán ngẩm trước biến động quá lớn của giá dầu. Bà Năm Thuận, chủ một DN ở TP. Rạch Giá, có tới 12 chiếc tàu (3 cặp cào đôi và 6 tàu tải) than: “Lớn thuyền thì lớn sóng. Nhiều tàu chi phí lớn, lúc trúng thì cũng được nhiều nhưng khi thua lỗ thì cũng phải chi ra nhiều”. Bà Thuận cho biết, gia đình đã có gần 20 năm làm nghề bám biển kiếm sống nhưng chưa năm nào ngư dân lại gặp nhiều khó khăn như năm nay. Những năm trước, mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu chỉ tăng 1.000-2.000 đồng/lít là cùng, nhưng năm nay cả 2 lần điều chỉnh đều có biên độ tăng kỷ lục.
Những người chuyên hành nghề thu mua hải sản trên biển cũng đang buồn thối ruột trước tình trạng nhiều ngư dân thông báo sẽ vào bờ nằm nghỉ. Ông Ngô Văn Lạc (còn gọi là Bảy Được), có 2 chiếc tàu tải chuyên đi thu mua hải sản thở dài: “Tàu tải mỗi chuyến ra vào khoảng 10 ngày, tiêu tốn 2.000-3.000 lít dầu, chỉ tính riêng khoản giá dầu tăng trong 2 đợt gần đây thôi thì đã mất đứt 15-20 triệu đồng rồi. Đó là chưa kể tình trạng tàu đánh bắt nằm bờ thì tàu tải cũng chết theo, chứ cá đâu mà mua”.
Còn tại Cà Mau, nơi có gần 4.000 phương tiện đánh bắt thủy hải sản và thêm cả ngàn chiếc tàu cá ở các tỉnh đến khai thác, ngư dân cũng cho hay, họ đã lường chuyện xăng dầu lên giá nhưng không ngờ lại tăng cao đột biến đến như vậy. “Đợt tăng này đã giáng một đòn nặng xuống ngư dân chúng tôi. Chủ tàu khốn đốn, còn ngư phủ cầm chắc đói” – ông Phạm Biên Giới, một chủ tàu cá ở cửa biển Sông Đốc than thở.
Ông Châu Công Bằng, PGĐ Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết: Chỉ tính riêng thị trấn Sông Đốc đã có 1.200 chiếc tàu, cộng với khoảng 800 chiếc từ các tỉnh bạn đến khai thác thì phải cần tới khoảng 18 triệu lít dầu/chuyến biển. 18 triệu lít nhân với gần 3 nghìn đồng, chỉ một huyện đã thấy số tiền ngư dân phải ra là quá lớn!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét