Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2011
Lượm và bài học truyền thông thực chứng
Nguyễn Văn Tuấn – Nếu nói rằng Thùy Dương gian dối, vậy xin hỏi các vị phương phi, bụng phệ trán hói; các vị ăn mặc áo veston loại business, mặt hoa da phấn, tóc nhuộm màu nâu màu vàng đó; các vị tiến sĩ giáo sư khệnh khạng xuất hiện trên truyền hình hàng ngày có nói thật không? Họ cũng đóng kịch và nói láo (phần lớn) cả thôi. Vậy thì trước khi cầm viên đá ném vào Thùy Dương, những người đó nên nhìn lại mình. Vấn đề không phải là đóng kịch hay không đóng kịch, mà mục đích của kịch bản là gì…
Mấy năm gần đây, người ta thấy xuất hiện một khái niệm truyền thông gọi là evidence based journalism, mà tôi tạm dịch là “truyền thông thực chứng”. Những lùm xùm chung quanh “câu chuyện Lượm” trên VTV1 có lẽ là một bài học về truyền thông thực chứng.
Trong hai thập niên qua, xuất hiện phong trào y học thực chứng (evidence-based medicine) và trở thành một chuẩn mực trong y khoa. Nói là “thực chứng” bởi vì cơ sở triết lí của evidence based medicine là chủ nghĩa thực chứng (tức là positivism). Thật ra, y học thực chứng là một một học thuyết mà cũng là một cách thực hành nghề y dựa vào bằng chứng. Bằng chứng phải được đúc kết từ những công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng cao. Theo y học thực chứng, ý kiến của cá nhân, chuyên gia, dù là chuyên gia mang hàm giáo sư, không có giá trị khoa học bằng chứng cứ khoa học. Do đó, y học thực chứng trao thẩm quyền cho khoa học, thay vì cho một cá nhân.
Song song với y học thực chứng, mấy năm gần đây, người ta hay nghe hay thấy khái niệm evidence-based journalism, mà tôi tạm dịch là truyền thông thực chứng. Thật ra, truyền thông thực chứng bắt đầu từ truyền thông khoa học (tức là science journalism) ra đời, khi mà các phóng viên chịu sự ảnh hưởng của giới khoa học trong việc chuyển tải thông tin khoa học đến công chúng. Trong truyền thông khoa học, bằng chứng đóng vai trò quan trọng nhất. Bằng chứng phải được dúc kết từ những nghiên cứu có chất lượng, chứ không phải từ ý kiến chuyên gia, càng không phải là những giả thuyết. Bất cứ phát biểu nào cũng phải dựa vào dữ liệu, chứ không nói “khơi khơi” như truyền thông thông thường được. Truyền thông thực chứng lấy truyền thông khoa học làm một mô hình hành nghề.
Những thông tin trên chắc đủ làm nền cho câu chuyện tôi muốn bàn qua: đó là câu chuyện Lượm. Bây giờ thì cái tên mộc mạc đó chắc đã trở thành cái tên quen thuộc trong mỗi gia đình người Việt.
Tôi phải ghi lại vài dòng để các bạn cảm nhận được câu chuyện, bởi vì đọc báo thì có khi rối cả lên và chẳng biết đầu đuôi ra sao. Lượm là tên của một cô gái có thật ngoài đời, nghèo khổ, và đáng thương. Câu chuyện đời của Lượm được hư cấu hóa trong một câu chuyện có tựa đề là Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời gửi đăng dự thi trên báo mạng Tin thức online. Tác giả bài dự thi đó là Trần Thị Thùy Dương, người quê quán ở Thuận An, Huế. Thùy Dương rõ ràng là người có tài viết văn. Chỉ nghe qua câu chuyện của Lượm trong một lần đi thăm nuôi con trai ở bệnh viện mà Thùy Dương đã chấp bút thành một câu chuyện làm cho độc giả cảm động, và thu hút sự chú ý của biên tập viên chương trình Người xây tổ ấm của đài truyền hình VTV1. Biên tập chương trình Người xây tổ ấm mời Thùy Dương lên chương trình chia sẻ và giao lưu cùng khán giả toàn quốc. Chương trình còn có những đoạn quay cảnh nhà của Thùy Dương (trong vai Lượm), và Thùy Dương tỏ ra xuất sắc trong vai Lượm, làm cho bao nhiêu khán giả sụt sùi. Có người còn cho tiền, và số tiền lên đến gần 10 triệu đồng. Có thể nói chương trình Người xây tổ ấm đã thành công về mặt cảm tính.
Trần Thị Thùy Dương
Tuy nhiên, hình như nhận thức được sự việc đã đi quá xa, nên Thùy Dương chủ động nói thật. Tác giả câu chuyện Lượm viết thư cho biết cô không phải là Lượm; cô xin lỗi khán giả, và tìm cách trả lại số tiền khán giả đã cho, dù cô thật sự cần tiền cho ca phẫu thuật tim của con trai cô. Người biên tập chương trình Người xây tổ ấm có lẽ rất giận, nên không tiếc tuôn ra những tính từ nặng nề cho Thùy Dương. Điều đáng nói và cần phải nhấn mạnh là người biên tập Người xây tổ ấm không xin lỗi khán giả. Không xin lỗi, hay không muốn/dám xin lỗi? Dù tình huống nào đi nữa, thì thái độ của người biên tập thiếu tính chuyên nghiệp.
Biên tập viên chương trình Người xây tổ ấm (ảnh: bee.net)
Nếu phóng viên tác nghiệp theo nguyên lí của truyền thông thực chứng. Trước một câu chuyện cảm động như thế, phóng viên phải đặt câu hỏi: đây là hư cấu hay là sự thật. Đã viết bài dự thi thì ai cấm tác giả không được hư cấu. Đáng lẽ phóng viên phải tìm hiểu thêm về tác giả và những chi tiết liên quan đến câu chuyện, tiếng Anh gọi là “cross-check”. Phóng viên sẽ tìm cách liên lạc những người chung quanh hay quen biết để có thêm thông tin, chứng cứ, và câu chuyện sẽ sống động hơn. Rất tiếc, phóng viên hình như đã không làm theo nguyên lí của truyền thông thực chứng, và sự việc dẫn đến một kết cục chẳng mấy gì hay ho.
Có thể hiểu được khán giả nổi giận. Dĩ nhiên, người ta cảm thấy bị “take for a ride” . Những người đã động lòng bỏ tiền ra cho cũng cảm thấy mình bị lừa. Nhưng có thật sự Thùy Dương có ý định lừa khán giả không? Tôi không nghĩ như thế. Nếu có ý định lừa gạt thì chắc chắn chị ấy không viết lá thư trần tình và xin lỗi mọi người. Tôi thấy Thùy Dương giống như người leo lưng cọp, và phải theo kịch bản của cọp. Đến khi xuống lưng cọp mới thấy việc mình làm là không đúng. Cái hay của Thùy Dương là cô có can đảm và tự trọng để xin lỗi. Ngược lại với thái độ của Thùy Dương, người biên tập VTV1 tỏ ra hung hãn và có vẻ khá ác độc với Thùy Dương. Tại sao chương trình Người xây tổ ấm không đủ can đảm để xin lỗi khán giả?
Người ta không tiếc lời mỉa mai rằng Thùy Dương đóng kịch hay. Tôi nghĩ sẽ rất không công bằng cho Thùy Dương phải hứng nhận những búa rìu dư luận như thế. Đã lên đài truyền hình, ai mà không đóng kịch theo kịch bản? Ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn đóng kịch đó chứ. Nếu nói rằng Thùy Dương gian dối, vậy xin hỏi các vị phương phi, bụng phệ trán hói; các vị ăn mặc áo veston loại business, mặt hoa da phấn, tóc nhuộm màu nâu màu vàng đó; các vị tiến sĩ giáo sư khệnh khạng xuất hiện trên truyền hình hàng ngày có nói thật không? Họ cũng đóng kịch và nói láo (phần lớn) cả thôi. Vậy thì trước khi cầm viên đá ném vào Thùy Dương, những người đó nên nhìn lại mình. Vấn đề không phải là đóng kịch hay không đóng kịch, mà mục đích của kịch bản là gì.
Câu chuyện Lượm làm tôi nhớ đến chuyện trong khoa học, tuy không có cùng tình tiết, nhưng nói lên qui trình làm việc thiếu chuyên nghiệp tính của VTV1. Chuyện cũ kể rằng giáo sư vật lí Alan Sokal chơi xỏ giới hậu hiện đại bằng cách viết một bài báo “rất kêu”, dùng toàn những ngôn từ đao to búa lớn và trừu tượng nhưng chẳng có ý nghĩa gì. Bài báo được một tập san hậu hiện đại đánh giá cao và cho công bố. Sau đó, Giáo sư Sokal viết một bài khác cho rằng bài ông viết trên tập san hoàn toàn vô nghĩa, vì chính ông cố ý sáng chế ra những từ ngữ đó một cách vô nghĩa để làm như ta đây là trí thức hậu hiện đại! Một xì căng đan lớn làm bẽ mặt ban biên tập của tập san. Ở đây, Thùy Dương không có ý chơi xỏ ai (tôi tin như thế), nhưng qua vụ việc, chúng ta thấy rõ ràng rằng VTV1 chằng khác gì một vị “hoàng đế cởi truồng”*!
Tôi nghĩ cả Thùy Dương và ban biên tập Người xây tổ ấm chỉ là nạn nhân của một kịch bản quá vội vã, một nạn nhân của cách tác nghiệp không theo nguyên lí truyền thông thực chứng. Sự việc này (và nhiều sự việc trước đây) đặt ra một nhu cầu cấp bách cho truyền thông thực chứng.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét