Pages

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Từ thảm họa hạt nhân đe dọa Nhật Bản, nghĩ về nhà máy điện hạt nhân và bể chứa bùn bauxite


Nguyễn Hoàng Hà -Mấy ngày qua trên các thông tin đại chúng liên tục phát đi các hình ảnh về thảm họa sóng thần đã tàn sát Nhật Bản khiến số người chết đã lên đến 1800 người và có gần triệu người dân đã mất nhà cửa đang phải sống trong các khu nhà mà chính phủ trưng dụng để họ ở.


Trung tâm điện hạt nhân Fukushima sau vụ nổ. Ảnh chụp ngày 12/03/2011 Reuters

Chiến sự Libya bị như lùi vào bóng khuất và nay chuyện về nhà máy điện nguyên tử của Nhật vừa bị nổ đã lại làm người dân Nhật và thế giới phải quan tâm hơn. Chắc chắn tin này đã phải làm cho những ai bạo gan đưa ra kế hoạch xây dựng các nhà máy điện nguyên tử ở phía Nam Việt nam và khai thác bauxite ở Tây Nguyên không thể không lạnh gáy. Những cảnh cáo của các nhà khoa học, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Đồng Sỹ Nguyên và của đại đa số nhân dân trong nước và ngoài nước đang được để lên bàn nghị sự tới đây ở Việt Nam. Người ta nghĩ gì về vấn đề này? Xin hãy xem bài tường thuật sau đây đăng trên các báo Pháp, Anh tiếng Việt và các báo chí tại Việt Nam.

Tại Nhật Bản nỗi lo sợ xảy ra một vụ nổ nhà máy điện hạt nhân sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng hôm qua (11/03/2011) càng lúc càng tăng. Vùng Sendai, nơi bị cơn địa chấn gây thiệt hại nghiêm trọng nhất vào hôm qua có tổng cộng 11 trung tâm điện hạt nhân. Tất cả các lò phản ứng tối tân này đã ngưng vận hành một cách tự động. Tuy nhiên tình trạng của hai trung tâm gây lo ngại đặc biệt, nhất là sau khi có tiếng nổ tại một cơ sở.

Nhật Bản đối mặt với cơn ác mộng phóng xạ với rò rỉ phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân, mối đe dọa lớn nhất hiện nay. Số người nhiễm phóng xạ có thể lên tới 160. Tại phòng kiểm soát của lò phản ứng số 1 thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, lượng bức xạ cao hơn 1.000 lần mức thông thường, hôm 12/3, cơ quan hạt nhân và an toàn công nghiệp Nhật cho biết. Tuy nhiên, chính phủ Nhật cho biết, bức xạ tỏa ra từ nhà máy Fukushima 1 dường như đã giảm bớt sau vụ nổ hôm 12/3, vốn tạo ra một đám khói trắng bao trùm khu vực này. Mặc dù vậy, đe dọa vẫn rất lớn và giới chức nước này buộc phải bơm nước biển vào lò phản ứng để tránh xảy ra thảm họa.

Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật sáng nay (13/3) cũng thông báo về tình trạng khẩn cấp tại một lò phản ứng khác, lò số 3 trong khu vực nhà máy, hiện bị hỏng hệ thống làm lạnh. Để giảm áp suất của lò phản ứng đang nóng quá mức, nhà chức trách đã cho thải một chút hơi nước, có thể chứa một lượng phóng xạ nhỏ.



Vụ nổ tại nhà máy hạt nhân Fukushima Dai-ichi, cách Tokyo 274km, dường như là hậu quả của từng bước ngăn chặn năng lượng phóng xạ phát ra sau khi động đất và sóng thần làm nhà máy này mất điện, làm tê liệt hệ thống dùng để làm lạnh thanh nhiên liệu ở đây.

Vụ nổ phá hủy tòa nhà nơi có lò phản ứng song không ảnh hưởng tới lò phản ứng, vốn được bao bọc bằng thép dày 15cm. Bên trong thùng thép bị nóng quá mức, nước được đổ vào để làm mát các thanh nhiên liệu, tạo ra hydrogen. Khi nhà chức trách thả khí hydrogen để giảm áp suất trong lò phản ứng, hydrogen dường như phản ứng với oxy, có thể là trong không khí hoặc nước lạnh, gây ra vụ nổ. “Họ đang rất nỗ lực tìm ra giải pháp để làm mát hạt nhân”, Mark Hibbs, một quan chức của Chương trình năng lượng hạt nhân cho biết. Chánh văn phòng nội các Nhật Yukio Edano cho biết, phóng xạ quanh nhà máy đã giảm xuống chứ không tăng lên. Thông thường, bất cứ sự phân tán phóng xạ nào cũng có thể dấy lên nguy cơ về ung thư và nhà chức trách dự định rải iodine, giúp ngăn chặn khả năng gây ung thư tuyến giáp. Nhà chức trách đã yêu cầu 210.000 người trong bán kính 20km lò phản ứng sơ tán. Hiện Nhật đang đề nghị Nga cung cấp thêm năng lượng cho nước này, hãng tin Nga Ria Novosti cho hay.

Theo các chuyên gia hạt nhân, sự hiện diện của phóng xạ Cesium ở chung quanh trung tâm thường là dấu hiệu xác nhận lò phản ứng bị cháy. Cũng trong buổi sáng nay, tại lò phản ứng này có tiếng nổ làm sụp một phần kiến trúc bảo vệ lò phản ứng. Vụ nổ xảy ra vào lúc 15 giờ 36 phút giờ địa phương làm 4 nhân viên bị thương. Nhưng không phải chỉ có một trung tâm hạt nhân gặp vấn đề. Nhiều lò phản ứng của trung tâm Fukushima số 2 cũng gặp trở ngại trong hệ thống hạ nhiệt. Công ty điện lực Tepco của Nhật, quản lý các trung tâm hạt nhân trong vùng, đã được chỉ thị phải mở van an toàn để làm giảm áp suất bên trong và do vậy đã thải hơi nước có phóng xạ ra không khí bên ngoài. Từng là nạn nhân của hai quả bom nguyên tử, người dân Nhật rất nhạy cảm với vấn đề an toàn hạt nhân. Theo Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản thì các biện pháp đối phó đã mang lại kết quả tương đối. Tình hình trung tâm hạt nhân Fukushima được mô tả là gần giống với tai nạn hạt nhân ở Three Miles Island năm 1979 ở Hoa Kỳ, hơn là vụ nổ Tchernobyl tại Ukraina, năm 1986, thời Liên Xô cũ.

Trong khi đó tại Việt Nam dù mới chỉ là giai đoạn đầu của việc tiến hành xây dựng công trình khai thác bauxite, dư luận đã cảnh báo về một bể chứa bùn đỏ khổng lò, một quả bom bùn đổ đầy hóa chất trong tương lai treo lơ lửng trên đầu người dân Tây Nguyên và những vùng rộng lớn thấp dưới khu vực này. Lại nữa, các nhà máy điện nguyên tử ở Việt Nam sẽ được xây dựng ở Ninh Thuận mà trong lịch sử chính biển Phan Thiết năm 1923 đã từng tuôn trảo núi lửa. Ngay chính TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất của Việt nam cũng đã nói rõ vấn đề này và cũng đã cảnh báo: “Nếu xảy ra động đất lớn và gây ra sóng thần thì vùng biển Phan Thiết – Vũng Tàu sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Động đất từ 6,5 độ Richter trở lên là có khả năng xảy ra sóng thần. Đáng chú ý là nếu khu vực này xảy ra động đất thì Việt Nam cũng không thể cảnh báo sớm được vì quá gần (khoảng 100 km) và hơn 10 phút sau sẽ tiến vào bờ giống như ở Nhật Bản vừa qua. Đới đứt gãy này kéo dài dọc theo biển Nam Trung Bộ từ Quảng Nam đến Bà Rịa – Vũng Tàu và nối vào đới đứt gãy Thuận Hải – Minh Hải.”

Người ta tự hỏi liệu ở Việt Nam có thể có động đất ở cường độ 6,3 độ Richter hay mạnh hơn như ở Nhật Bản hôm nay không. Không một ai dám nói là không. Vậy người ta thấy những lời khẳng định về “sự an toàn tuyệt đối” của những nhà hùng biện, cùng là nhà phát minh ra đại kế hoạch bauxite ở Tây Nguyên và các nhà máy điện nguyên tử Việt Nam có thể tin tưởng được hay không?

Tại Hà Nội hôm nay, kế hoạch phòng tránh động đất được ban hành, theo tin của báo Người Lao Động và tất cả các báo trong nước hôm nay: “Chiều 11-3, UBND Hà Nội ban hành kế hoạch cảnh báo, triển khai phòng tránh và khắc phục hậu quả động đất trên địa bàn. Theo đó, các đơn vị chức năng phải làm tốt công tác tuyên truyền, đưa kiến thức cơ bản về phòng tránh động đất trên các phương tiện đại chúng, khuyến cáo người dân tự tổ chức phòng tránh khi nhận được thông tin cảnh báo. Khi xây dựng các công trình công cộng, cao tầng và công trình quan trọng, chủ đầu tư phải tính đến yếu tố động đất. Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn TP lập kế hoạch và tổ chức diễn tập phòng tránh động đất trên địa bàn… ”

Vậy bao giờ Tây Nguyên nơi đang hình thành quả bom bùn đỏ vĩ đại và các tỉnh thành nơi vinh dự sắp có các nhà máy điện nguyên tử sẽ báo động đây? Hãy kiên nhẫn chờ xem!

Ngày 13 tháng 3 năm 2011.

N. H. H.

Không có nhận xét nào: