Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Vụ Vinashin: Lại “chìm xuồng” nữa rồi



Con tàu Vinasink:Thuyền trưởng Nguyễn Tấn Dũng,Lái tàu: Phạm Thanh Bình



Tại phiên họp khai mạc kỳ họp quốc hội thứ 9, trong phần báo cáo vụ Vinashin, phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã thông báo quyết định của Bộ Chính trị CSVN rằng “Bộ Chính Trị đã quyết định không xử lý kỷ luật với các tập thể, cá nhân trong Chính phủ liên quan đến tình hình sai phạm ở Vinashin”!
Đi ngược dòng thời gian chỉ cách nay chưa đầy 4 tháng, sau nhiều chất vấn của các đại biểu quốc hội chung quanh vụ Vinashin, tại phiên họp quốc hội sáng 1/11/2010, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết có đề nghị tạm ngưng chức thủ tướng của Nguyễn Tấn Dũng để quốc hội thành lập “Ủy Ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ”. Ngay sau đó ý kiến này đã bị Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng bác bỏ bởi vì đã có các cơ quan Điều tra, Thanh tra, Kiểm tra, Kiểm toán của Đảng vào cuộc rồi, và:

“Uỷ ban kiểm tra TƯ của Đảng đang được giao làm rõ. Vậy QH có nên có thêm uỷ ban để vào cuộc nữa không, hay lại làm rối tình hình, chồng chéo”.

Đây là cách nói chận họng các đại biểu quốc hội. Chưa hết Trọng còn phán tiếp:

“Quốc hội đang họp, bàn bao nhiêu dự án luật, rồi Đại hội Đảng các cấp, rồi lũ lụt miền Trung, rồi các sự kiện đối ngoại, bao nhiêu là việc. Chính vì vậy chúng tôi trả lời ĐB Thuyết là chưa lập uỷ ban lâm thời. Vì để QH lập uỷ ban, đi điều tra, rồi đến lúc đưa ra báo cáo với QH và ra được Nghị quyết thì cũng mất thời gian lắm”.

Trọng cũng nói thẳng là “Kỳ này có ra nghị quyết hay không thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp, xem xét”, mà Trọng thì đứng đầu cái Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cũng là một trong tứ trụ của Bộ Chính Trị.

Nói thế thì bố bảo các nghị gật của quốc hội CHXHCNVN dám lên tiếng nữa, huống hồ chi là một mình ông Thuyết.

Cũng trong phiên họp chất vấn ngay sau đó, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xác định rằng “những việc làm sai trái của lãnh đạo Tập đoàn Vinasin đã gây hậu quả nghiêm trọng”. Nhưng cái đểu ở chỗ là trong khi tập đoàn Vinashin chịu sự quản lý trực tiếp của văn phòng thủ tướng, vậy mà ông thủ tướng đổ hết trách nhiệm lên đầu các lãnh đạo Vinashin, trong khi thừa nhận bản thân mình và bộ sậu chỉ có mỗi một cái tội “CHƯA” duy nhất là: CHƯA thực hiện tốt chức năng quản lý; CHƯA tập trung hoàn thiện được đầy đủ hệ thống cơ chế quản lý đầu tư, vốn; CHƯA kiểm tra thanh tra; CHƯA phát hiện đầy đủ và ngăn chận kịp thời,… và còn kém hiệu lực! Quá nhiều cái CHƯA này cũng quá đủ để tống giam ông thủ tướng và bộ sậu rồi, chứ chưa nói đến chuyện một chính phủ quản lý kém hiệu lực là phải từ chức ngay.

Sau khi “xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém” của chính phủ, ông thủ tướng đã mạnh dạn hứa “lèo” trước quốc hội rằng sẽ “không để xảy ra vụ việc tương tự Vinashin”.

Không biết là Việt Nam có được bao nhiêu cái Vinashin để ông thủ tướng không thể tái phạm nữa. Riêng vụ Vinashin, khoảng 4.5 tỷ đô la, tức gần 100 ngàn tỷ đồng đã tan thành mây khói. Nếu dựa theo mức lương tối thiểu kể từ ngày 1/1/2011, thì số tiền này đủ trả lương nguyên năm cho 5.4 triệu công nhân làm việc trong doanh nghiệp của nước ngoài, hoặc là 6.2 triệu công nhân làm việc trong doanh nghiệp Việt Nam tại các thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội.

Như vậy mọi việc đã được quyết định trước hoặc ngay sau đại hội đảng vừa qua. Cho nên lần này, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không cần phải đứng trước quốc hội thanh minh thanh nga gì nữa, mà chỉ cần để đàn em mình là phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng công bố quyết định của Bộ Chính Trị là đủ.

Bộ sậu thành viên chính phủ Dũng, Hùng, Anh, Hải, Thanh, Nghị, Quang, Phúc đều là ủy viên Bộ Chính Trị, như vậy đã là quá bán, cộng thêm chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng nữa thì đâu cần đến việc bầu bán và “Căn cứ kết quả kiểm phiếu và theo quy định điều lệ Đảng” để cho ra cái quyết định quái thai như vậy. Bộ Chính Trị mà đã quyết thì rất nhanh, vì chẳng cần hỏi ý kiến của ai cả. Trong khi nếu để quốc hội bàn thảo với nhau để “ra được Nghị quyết thì cũng mất thời gian lắm”, cho nên Bộ Chính Trị quyết luôn cho nhanh, khoẻ re, không mất thời gian của ai cả.


Ai trong số 14 ông bà hoàng này bỏ phiếu chống đây?

Nhưng điều xấc xược nhất là một quyết định to lớn, quan trọng như vậy lại không do người đứng đầu Bộ Chính Trị đứng ra trước quốc hội đọc, hoặc ít nhất cũng phải do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc mà lại giao cho phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, một người có thứ hạng gần tận cùng trong số 14 ông bà hoàng không ngai này.

Điều xấc xược thứ hai là qua cái thông báo do Nguyễn Sinh Hùng đọc, Bộ Chính Trị muốn nhắn nhủ với các đại biểu quốc hội rằng: Bộ Chính Trị đã quyết như vậy, từ nay mọi tranh luận chung quanh vụ Vinashin phải được chấm dứt. Các cơ quan, cá nhân thuộc diện Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư quản lý thì không ai được đụng đến.

Không lẽ các ông bà đại biểu không hiểu rằng, trong các cuộc họp xử lý nội bộ, những đảng viên phạm lỗi đều phát ngôn như thế này:

“Mặc dầu chúng tôi có thiếu sót và khuyết điểm nhưng đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm (để lần sau rút tiếp) và tự xét thấy chưa đến mức phải bị thi hành kỷ luật”.

Mặc cho nhiều đại biểu quốc hội, các nhà kinh tế, các chuyên gia lên tiếng đòi hỏi kỷ luật thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thanh lý Vinashin nhưng nay Bộ Chính Trị muốn tiếp tục bơm tiền tỷ vào để vực vậy Vinashin.

Đố mà từ nay có ông bà đại biểu quốc hội nào dám lên tiếng nữa. Báo chí thì lại càng không dám, bởi vì Bộ Chính Trị đã quyết cho vụ Vinashin … chìm xuồng như vụ PMU18 và biết bao vụ khác.

Ngày 24/03/2011

Lê Minh

Không có nhận xét nào: