Pages

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Đảng ta đông mà không mạnh


Tình hình suy thoái về đạo đức phẩm chất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ngày càng sa sút nghiêm trọng... niềm tin của đảng viên chân chính và nhân dân đối với Đảng đang bị giảm sút nghiêm trọng... đội ngũ cán bộ đương chức đang bị phân hoá, bè phái, cục bộ, quan liêu... - Nguyễn Đình Hương (Nguyên Uỷ viên TW Đảng, Trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương).
Đại hội Đảng lần thứ XI diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn ra nhiều vấn đề phức tạp, trong nước đã trải qua 25 năm đổi mới, tuy đạt được những thành tựu quan trọng đáng khích lệ, song còn nhiều thử thách phải vượt qua.

Công tác tổ chức và cán bộ đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc, giữa tích cực và tiêu cực đang tác động đan xen, nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá đúng thực trạng tình hình nội bộ Đảng thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra đối với Đảng ta.

Trước lúc đi xa, Bác Hồ đã để lại cho Đảng lời Di chúc: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Song, nhìn lại tình hình thực tế trong Đảng, nhất là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lí từ cấp Trung ương cho đến địa phương xem được bao nhiêu người thực hiện đúng như lời Di chúc của Bác Hồ?

Hiện nay, Đảng ta đang đứng trước 3 thử thách.

1.Tình hình suy thoái về đạo đức phẩm chất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ngày càng sa sút nghiêm trọng, không chỉ là trường hợp cá biệt ở một địa phương, một ngành mà mang tính phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, cả địa phương và cả cấp Trung ương. Đảng ta đông mà không mạnh là như vậy.

2. Do tình hình tiêu cực trong nội bộ Đảng đang ngày càng diễn ra mang tính phổ biến, phức tạp, dẫn đến niềm tin của đảng viên chân chính và nhân dân đối với Đảng đang bị giảm sút nghiêm trọng.

3. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, kể cả trong đội ngũ cán bộ đương chức đang bị phân hoá, bè phái, cục bộ, quan liêu, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là: Do công tác sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cán bộ chủ chốt chưa được sự đồng thuận của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tổ chức cấp trên đề bạt những cán bộ không đủ tiêu chuẩn cả đức và tài vào cấp ủy, giao trọng trách lớn trong bộ máy quản lí Nhà nước, nhưng không tương xứng về năng lực, trình độ và phẩm chất, nhân cách. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, bố trí cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ trì, phải là tấm gương cho cấp dưới, dám nghĩ, dám làm, dám quyết đoán, biết chịu khó lắng nghe ý kiến nhiều chiều, cả ý kiến ngược lại; đạo đức phải trong sáng, không vụ lợi như tạo điều kiện cho vợ, con làm việc sai trái. Có như vậy mới làm trung tâm đoàn kết trong Đảng bộ, nhân dân mới thực sự tin yêu. Bài học của đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trước đây là tấm gương điển hình để chúng ta học tập.

Các văn kiện của Đảng đã khẳng định, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đảng là hạt nhân chính trị, giữ vai trò quyết định lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân vượt qua thử thách để giành nhiều thành tựu hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới. Muốn được như vậy, điều quan trọng là Đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh.

Sự nghiệp của Đảng có thành công hay không là ở công tác tổ chức và cán bộ, trong đó khâu chọn lựa đúng cán bộ, nhất là người đứng đầu tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền, phải có đức, có tài là điều quyết định nhất. Bài học từ thực tế của các Đại hội Đảng trước đây cho thấy, việc chọn lựa cán bộ tham gia vào cấp uỷ phải bảo đảm thực sự dân chủ, lắng nghe tiếng nói nhiều chiều, kể cả những ý kiến của quần chúng, của cán bộ lão thành, tránh tình cảm cá nhân, áp đặt để đưa cả con, cháu mình không đủ tiêu chuẩn vào cấp uỷ (đứng đầu ở địa phương, ở ngành Trung ương), hình thành một bộ phận cán bộ nhu nhược không dám đấu tranh, không có chính kiến, kiến thức kém, năng lực yếu, thiếu trí tuệ, nói nhiều làm ít, lợi dụng chức quyền để vụ lợi, làm giàu cho cá nhân, gia đình, cho vợ con mình. Loại bỏ được lối làm ấy, mới xây dựng được cấp uỷ thật sự là người đại diện cho Đảng, để lãnh đạo đất nước, không để "một con sâu làm rầu nồi canh", để lọt một số cán bộ không đủ đức, tài, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng quang vinh, trước vận mệnh của dân tộc Việt Nam anh hùng. Tôi tin tưởng các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ sáng suốt chọn được nhân tài đúng nghĩa của nó.

Nguyễn Đình Hương
Nguyên Uỷ viên TW Đảng, Trưởng ban
Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương

http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=48&ID=4828

Không có nhận xét nào: