Vũ Hoàng, RFA
Chương trình bình ổn giá với mục đích là giúp người dân mua được một số mặt hàng thiết yếu với giá cả rẻ hơn thị trường.
Việc bình ổn giá này nhằm giảm thiểu những khó khăn do lạm phát đang tác động trực tiếp đến đời sống hàng ngày của họ. Tuy nhiên, tính hiệu quả của chương trình này ra sao?
Bất cập từ doanh nghiệp
Chương trình bình ổn giá của Việt Nam đã được thực hiện từ 3 năm trở lại đây với 9 mặt hàng gồm: gạo trắng thường; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; thủy, hải sản đông lạnh; dầu ăn; đường RE và rau, củ.
Thời gian chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu bình ổn thị trường của các địa phương tham gia chương trình là 10 tháng, bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào quý I năm sau.
Theo quy định, UBND từng địa phương sẽ tạm ứng vốn cho các doanh nghiệp thương mại hoặc sản xuất vay với lãi suất ưu đãi 0% để thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá với 9 nhóm hàng thiết yếu nói trên. Tuy nhiên, tùy vào từng địa phương mà họ có thể thêm một số mặt hàng khác vào cho phù hợp với điều kiện của mình.
Nhìn nhận một cách tổng quan về chương trình bình ổn giá, bà Nguyễn Thuý Nga, Cục phó Cục Quản lý Thị trường Giá cả của Bộ Tài chính, cho đài chúng tôi biết như sau:
“Chính quyền địa phương có thể hỗ trợ về mặt ứng vốn hoặc mặt lãi suất cho doanh nghiệp để thực hiện từ khâu sản xuất đến khâu phân phối thôi và để giữ bình ổn giá thôi. Về cơ bản thì cũng tốt, nó có tác dụng là dẫn dắt và định hướng cho thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Chương trình bình ổn giá này không chỉ dành riêng cho người nghèo mà là bình ổn thị trường chung, tất cả mọi người đều có cơ hội tiếp cận, chứ không phải chỉ dành cho người giàu và không dành cho người nghèo. Mặt hàng thì tùy từng địa phương, địa phương sẽ chọn những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của địa phương, tùy vào từng đặc điểm của từng địa phương, chẳng hạn như TPHCM họ đưa mặt hàng giấy vở hoặc đồ dùng học sinh vào năm học mới, còn các địa phương họ lại cần những mặt hàng thiết yếu khác, người ta sẽ đưa những mặt hàng phù hợp với mình hơn.”
Mục đích chính của chương trình là giúp đỡ người dân có được cơ hội mua hàng hoá rẻ hơn. Tuy nhiên, cái đích cuối cùng của chương trình mang tính nhân văn này có thực sự hiệu quả, thì lại là vấn đề mà xã hội đang quan tâm.
Trước hết là những bất cập từ phía các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá.
Bảng thông báo chương trình bình ổn giá tại một siêu thị ở SG tháng 2/2011. RFA photo.Các DN tham gia bình ổn được ưu đãi, với điều kiện là họ có giá bán thấp hơn thị trường 10%. Điều kiện ưu đãi này là vay không lãi suất trong 12 tháng, trong khi lãi suất ngoài thị trường là khoảng 20%/ năm như hiện nay.
Nhưng giá thị trường ở đây là mức giá nào thì không ai có một câu trả lời chính xác. Theo T.S Nguyễn Quang A đăng bài trên báo Lao động 22/5, để tạo ra khoản “10% thấp hơn thị trường” thì bản thân các DN tham gia bình ổn tăng giá, để đưa giá thị trường lên và rồi sau đó áp dụng “thấp hơn giá thị trường 10%” Vậy là ở đây, người được hưởng lợi không phải là trực tiếp người dân trong mùa bão giá, mà là các doanh nghiệp tham gia chương trình. Tiền hỗ trợ chương trình bình ổn đã được dùng không thoả đáng, mục tiêu không thành, hơn thế nữa, nó còn gây ra bất công xã hội và méo mó của giá thị trường.
Hàng bình ổn không ổn
Cũng vì những méo mó của giá cả thị trường, mà hàng loạt các bài báo trong nước đưa tin “hàng bình ổn không ổn” khi giá cả hàng hoá tại nhiều siêu thị dù là ở miền Bắc hay miền Nam thì cũng có những hiện tượng bán hàng bình ổn giá cao ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn cả bên ngoài. Như báo Thanh niên ngày 18/5, đưa tin: giá đường của công ty tham gia bình ổn giá là 21,500 đồng/kg, còn của công ty không tham gia bình ổn lại thấp hơn, chỉ có giá 21.400 đồng/kg.
Tuy vậy, khi giá hàng hoá bình ổn thấp hơn so với thị trường thì hiện tượng “dân phe” săn hàng bình ổn lại nổi lên, họ xếp hàng vào siêu thị mua đồ đưa ra ngoài bán kiếm tiền chênh lệch. Điều ấy có nghĩa rằng người dân có nhu cầu thực sự lại là những người không được hưởng.
Đó lại chưa kể, hàng hoá với giá bình ổn cung cấp cho thị trường nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Theo báo Dân Việt, thì tại Đà Nẵng, từ nửa tháng qua, trên các kệ, gian hàng bán sản phẩm bình ổn tại siêu thị Big C, Metro, Chợ Lớn… đều trống rỗng, dù thời điểm cam kết bán hàng bình ổn vẫn còn hơn 1 tháng nữa, khiến khách hàng bức xúc và thất vọng.
Thậm chí, một số chuỗi cửa hàng phân phối còn xin rút không tham gia vào chương trình bình ổn giá vì cho rằng họ bị lỗ vì xăng dầu tăng giá, kéo theo thị trường lương thực, nhu yếu phẩm tăng, cộng thêm dịch bệnh gia cầm, gia súc bùng phát nhiều nơi, khiến thị trường khan hiếm hàng đầu vào và đội giá lên cao.
Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế này ra sao, chúng tôi liên hệ với ông Lê Quang Thanh, Phó giám đốc siêu thị Coop Mart Đà Nẵng, thì được ông lý giải khác với những gì báo chí đăng tải:
“Một số mặt hàng tham gia bình ổn giá rồi, thì mình phải đăng ký với nhà cung cấp rồi rằng tôi sẽ tham gia giá bình ổn suốt một năm, thì nhà cung cấp và mình cùng tác nghiệp vào đó và phải có hàng bán chứ không có nói mà hàng không có, cái đó thì không làm.”
Theo lời của ông Thanh thì doanh nghiệp của ông vẫn cam kết bán hàng bình ổn đúng với những cam kết của chính quyền địa phương do có những thoả thuận với các nhà cung cấp từ trước.
Hàng bình ổn với doanh nghiệp tham gia là như vậy, còn với người tiêu dùng, những người trực tiếp cần sự hỗ trợ về mua hàng giá thấp thì ra sao?
Dành cho dân thành thị
Siêu thị COOP Nguyễn Kiệm ở TPHCM, ảnh chụp năm 2011. RFA PHOTO.
Chủ yếu những mặt hàng bình ổn nằm trong các siêu thị hoặc các chuỗi cửa hàng phân phối nằm ở các thành phố lớn, nơi dường như dành cho những người dân thành thị hơn là những người nông dân lam lũ, khi chính những người nông dân có thu nhập thấp này mới là những người thực sự cần thiết mua hàng bình ổn, nhưng lại khó tiếp cận được.
Chúng tôi hỏi chuyện một số người dân nghèo, dường như họ còn chẳng biết đến chuyện mua bán trong siêu thị, chứ đừng nói đến chuyện hàng bình ổn trong siêu thị nữa. Chị Măng, một người dân ở Củ Chi cho biết:
“Dạ không vô siêu thị mua vì tôi mua bán bên ngoài chứ không vô siêu thị. Không biết, nên không theo dõi được hàng hoá, mặt hàng nào lên xuống mình không có biết. Mua ngoài chợ thôi, ít vô siêu thị lắm. Kinh tế khó kiếm tiền mà mần ăn thì nó cũng khó lại cho mình. Cái gì nó cũng lên hết, ngày xưa mình đi chợ 10 đồng thì đủ, bây giờ 10 đồng không đủ, phải ăn hà tiện lại chút, lúc trước ăn 1 ký cá thì bây giờ ăn nửa ký.”
Những người như chị Măng hẳn trong xã hội còn rất nhiều, những người cần sự trợ giúp về mặt an sinh xã hội, cần sự phân phối công bằng và hơn hết là cần những gì mà lẽ ra họ phải được hưởng.
Năm ngoái, TPHCM bỏ ra gần 380 tỉ đồng để bình ổn giá và năm nay thì bỏ ra 412 tỉ đồng, còn Hà Nội năm nay cũng tạm ứng đến 400 tỉ đồng cho chương trình bình ổn giá. Tuy nhiên số tiền nhiều tỉ đồng trợ giá kia có trực tiếp đến được tay của người dân không lại là câu hỏi khác. Trong bài phỏng vấn mới nhất với đài chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh nhận định rằng bình ổn giá ở TP.HCM không phát huy tác dụng, vì vậy nên dùng số tiền đó để trợ cấp trực tiếp cho bữa ăn của những người nghèo, bữa ăn của bệnh nhân ở trong các bệnh viện hiện nay đang quá tải.
Nói như lời của TS Nguyễn Quang A, chuyện bình ổn giá chỉ là tuyên truyền, hình thức. Điều thiết yếu là làm sao giữ sức mạnh của đồng tiền, hạn chế lạm phát tối đa, như thế mới giải quyết được tận gốc vấn đề.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét