Một vị vua nọ muốn biết hậu vận mình, bèn mời các nhà tướng số đến. Một vị tiên đoán: «Hậu vận của bệ hạ thật đáng buồn: bệ hạ sẽ rất cô đơn trong nhiều năm trước khi băng hà, vì bao nhiêu người thân như hoàng hậu, cung phi cũng như những cận thần mà bệ hạ tin tưởng nhất đều chết hết». Nghe thế, nhà vua tức giận, bèn ra lệnh xử trảm ông. Một vị khác nói: «Bệ hạ sống lâu hơn tất cả mọi người. Trời hậu đãi bệ hạ, cho bệ hạ hưởng vinh hoa phú quí lâu dài hơn ai hết». Nghe xong, nhà vua vui hẳn lên, và ra lệnh thưởng vàng bạc cho ông thầy.
Hai lời trên xem ra mâu thuẫn nhau, nhưng thực ra chỉ diễn tả một thực tại duy nhất là nhà vua sống lâu hơn mọi người, nhưng do hai người đứng trên hai bình diện khác nhau. Hậu vận của nhà vua chỉ có một, nhưng có hai mặt khác nhau: mặt tốt và mặt xấu, từ đó phát sinh hai cách nhìn khác nhau: cách lạc quan và cách bi quan. Ông thầy thứ nhất nhìn vào mặt xấu nên chỉ thấy những bất lợi, còn ông thứ hai nhìn vào mặt tốt với toàn thuận lợi. Hậu vận của nhà vua gồm cả hai mặt đó. Nhà vua mà sáng suốt ắt phải thấy cả hai ông đều đúng như nhau, đồng thời bổ túc lẫn nhau để nhà vua thấy được cả hai mặt. Nhưng tiếc thay, nhà vua chỉ muốn thấy mặt tốt mà không muốn thấy mặt xấu.
Tâm lý của nhà vua cũng chính là tâm lý thường tình của con người: chỉ thích mặt nào hợp ý mình, hợp với quan niệm sẵn có của mình. Mặt nào không hợp với quan niệm hay lề lối suy nghĩ của mình thì cho là sai, không chấp nhận, thậm chí kết án hay «chụp mũ» nó.
Thật ra, đã là người thì ai cũng có ưu lẫn khuyết điểm. Không ai tốt 100%, cũng không ai xấu 100%. Cổ nhân nói: «Nhân vô thập toàn». Nhiều gia đình bất hạnh là vì hai vợ chồng chỉ thấy những khuyết điểm vốn đương nhiên phải có, mà không để ý hay không nhận ra những ưu điểm của người kia dù nhiều và lớn gấp bội những khuyết điểm. Cách nhìn phiến diện ấy khiến họ luôn buồn khổ vì cứ nghĩ người phối ngẫu của mình quá tệ!
Cái nhìn của con người còn bị bóp méo hay sai lệch bởi những cảm tình hay thành kiến có sẵn. Cổ nhân nói: «Thương nhau trái ấu cũng tròn, ghét nhau thì trái bồ hòn cũng méo», «Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng». Trong Cổ Học Tinh Hoa của Nguyễn Văn Ngọc có chuyện: Một người đánh mất cái búa liền ngờ cho đứa con láng giềng lấy trộm. Trông dáng đi, ánh mắt của nó, anh thấy rõ ràng nó chính là đứa trộm búa. Bất cứ điều gì nó làm anh cũng đều thấy đúng nó là đứa ăn trộm búa. Hôm sau, tình cờ bới đống rơm, thấy lại búa. Từ đấy trở đi, anh lại thấy ánh mắt, cử chỉ của nó rất hồn nhiên, không một chút nào giống đứa ăn trộm búa cả.
Trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ hiện nay, những tâm lý bình thường kể trên rất thường xảy ra:
Nhiều khi ta nhìn vấn đề có một chiều, chỉ thấy khía cạnh lạc quan, tốt đẹp, hoặc bi quan, xấu xa. Có những nhà đấu tranh dân chủ rất can đảm, với những thành tích đáng nể phục. Nhưng khi người ấy vấp phải một lầm lỗi nào hoặc làm điều gì không hợp ý ta, hay có điều gì khiến ta thắc mắc không giải thích được, lập tức ta nhìn nhà đấu tranh ấy hoàn toàn ngược lại cách nhìn trước. Những lầm lỗi nhỏ mọn hay những thắc mắc không đáng quan tâm kia vốn không thể không có bỗng được phóng đại khiến ta chỉ nhìn thấy nơi người ấy toàn điều xấu, đáng chê trách và đầy nghi ngờ. Biết bao thành tích đáng khen trong quá khứ cũng như hiện tại của người ấy bỗng trở nên vô hình trước mắt ta, trở thành số không to tướng. Có khi sự can đảm chấp nhận tù đày của người ấy bị cắt nghĩa là một hình thức «khổ nhục kế» của cộng sản. Những người ta nghi là cộng sản vì một lý do nào đó, tự nhiên mọi lời nói, mọi hành động của họ, nhất nhất đều chứng tỏ cho ta thấy họ là cộng sản… Một người dành hết thì giờ cho việc đấu tranh dân chủ mà vẫn có tiền sinh sống, ta chưa biết được tại sao, lập tức ta kết luận chắc chắn người ấy được cộng sản cung cấp tiền bạc, cho dù họ chưa hề nói, viết hay làm điều gì có lợi cho cộng sản hay bất lợi cho cuộc đấu tranh dân chủ cả… Một tù nhân của nhà tù cộng sản vừa vượt ngục thành công bất chấp công an canh gác hết sức nghiêm nhặt, ta chưa lý giải được người này vượt ngục được bằng cách nào, liền kết luận ngay anh ta là người của cộng sản được chúng giúp cho đào thoát hầu trở thành người «nằm vùng» của chúng!
Rất lão luyện trong kế ly gián, cộng sản luôn luôn lợi dụng những tâm lý rất bình thường ấy để gây chia rẽ, nghi ngờ, hầu mọi người mất tin tưởng và tự động tẩy chay những ai bất lợi cho chúng. Chỉ cần tỉnh táo hay có đầu óc phê phán đúng đắn một chút, ta dễ dàng nhận ra ngay những hình thức chụp mũ vì chúng luôn luôn đi với những kết luận thiếu cơ sở. Tương tự như một học sinh mới chỉ thấy hai tam giác có một hay hai cạnh bằng nhau đã vội kết luận chắc chắn hai tam giác ấy bằng nhau. Trong kết ly gián này của cộng sản, những đối tượng nào bất lợi cho chúng đều có thể bị chụp mũ là người của chúng, để những hoạt động chống cộng của họ bị vô hiệu hóa, bị nghi ngờ, bị quần chúng mất tín nhiệm. Nên nghiêm túc xét lại mọi trường hợp những người từng đấu tranh chống cộng tích cực nhưng bị một số người kết án là cộng sản xem những kết án ấy có cơ sở thật sự không.
Những ai đã từng kinh nghiệm trong đời mình những trường hợp oan ức kiểu «tình ngay lý gian» như trường hợp Thị Kính ̶̶ Thị Mầu, hay những trường hợp lòng tốt bị hiểu lầm như chuyện Lưu Bình ̶̶ Dương Lễ, sẽ rất thận trọng khi phán đoán. Rất nhiều trường hợp thấy vậy mà không phải như vậy (xin xem phụ chú cuối bài).
Trong cuộc đấu tranh không cân sức với độc tài cộng sản, nếu không tỉnh táo, không tự nhìn vấn đề bằng chính mắt mình, suy nghĩ bằng chính đầu óc mình để nhận ra điều nào đúng điều nào sai, mà cứ nhìn bằng mắt người khác, suy nghĩ bằng óc người khác, mặc cho dư luận hướng dẫn cách suy nghĩ của mình, thì ta như người nhắm mắt lại để mặc người khác dẫn đi. Cứ như thế, chúng ta dễ bị cộng sản dẫn đi theo ý chúng mà không hề hay biết.
Biết suy nghĩ sáng suốt, không bị ảnh hưởng bởi những luận điệu có lợi cho cộng sản cũng là góp phần làm cho cộng sản thất bại trong kế ly gián của chúng.
Houston, ngày 29/5/2011.
Nguyễn Chính Kết
__________________
Phụ chú:
Trong trang web http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/bai-viet/19338-chuyen-noi-com-cua-khong-tu/có kể câu chuyện cho thấy: ngay cả Khổng Tử, một bậc thông minh tài trí, cũng có lần kết luận hồ đồ về người đệ tử mà mình tin tưởng nhất.
Chuyện này không biết có thật trong lịch sử không, nhưng rất đáng cho chúng ta suy nghĩ:
Khổng Tử: “Trên đời này có những việc
chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật”
Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử
Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ… Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.
May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo… Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.
Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.
Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.
Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống… thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ… Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh… rồi từ từ đưa cơm lên miệng…
Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài… ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”
Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về… Nhan Hồi lại luộc rau… Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ…
Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.
Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước…”
“Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy… cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?”
Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”
Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”
Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”
Nhan Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi… nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em…”
Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi… bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và… thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”
(sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét